>> Na Hang mùa nước đổ
Men theo cung đường quanh co uốn lượn vòng vèo như suối tóc mềm của em gái Tày hướng dẫn đưa chúng tôi về Tuyên Quang, mảnh đất lịch sử có Thủ đô kháng chiến Tân Trào của thời chống Pháp.
Dòng Lô Giang trong xanh nước chảy dịu dàng như đang chở theo, gợn lên trên sóng, vang lên âm hưởng bài Trường Ca Sông Lô:
“Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u”.
Núi rừng không âm u mà bừng sáng trong ánh nắng chói chang rực rỡ của mùa hè Việt Nam tự do độc lập:
“Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi… Nước in ven bờ xanh ươm bóng tre, dòng sông Lô lướt trôi”.
Rồi chúng tôi lại ngược dòng sông Gâm men theo cung đường uốn lượn về với hồ thủy điện Na Hang (chính xác tiếng Tày là Nà Hang, có nghĩa là ruộng cuối – nơi xa nhất của tỉnh Tuyên Quang).
May mắn thay, cảnh sắc nơi đây không phụ công di chuyển vất vả. Chạm vào tiếng nước thác Mơ reo, vươn vai giữa sừng sững là núi, mênh mang xanh ngắt là có thể bỏ quên đi được bộn bề lo toan nơi thành phố đèn màu hoa lệ mà cũng đầy rẫy cám dỗ, bon chen.
Khói bụi thành phố, khói bụi trong tâm hồn như được tan biến, gột rửa đi khi thong thả thuyền đi trên hồ. Nghiêng mặt đón làn gió mát rười rượi từ rừng đại ngàn thổi xuống vuốt ve trên khắp thân người. Có một bức tranh thủy mặc, một Hạ Long treo giữa núi rừng là hồ thủy điện Ha Hang…
Được biết, để có khu hồ tích nước làm thủy điện lớn thứ tư của miền Bắc sau Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình này, hơn 4.000 hộ dân của 5 xã trong huyện phải hy sinh nhà cửa, nơi chôn nhau cắt rốn, di dời tới khu tái định cư.
Thuyền chúng tôi bây giờ đang đi trên làng mạc, nhà cửa, thậm chí trên nóc trụ sở UBND xã một thời. Hai bên bờ là rừng nguyên sinh với nhiều cây nghiến cổ thụ. Ngày trước, vùng này còn có cả hổ, còn nai, hoẵng thì thi thoảng vẫn có thể nhìn thấy khi chúng ra ven hồ uống nước.
Đền Pắc Tạ với truyền thuyết về người thiếp yêu của vị vương gia Trần Nhật Duật chẳng may lâm nạn, nay ngự trên ngọn đồi cao ráo, bao quát che chở cho người dân khi qua vùng ngã ba sông. Xuôi tiếp là tới Bắc Mê của Hà Giang, rẽ sang bên phải là theo dòng sông Năng đến chân thác Đầu Đẳng thuộc vườn quốc gia Ba Bể.
Leo ngược con dốc lởm chởm đất đá, chúng tôi vào với thác Khuổi Khi, chạm chân vào dòng nước trong vắt mát lạnh nghe tiếng nước reo tung bọt trắng giữa rừng. Khung cảnh vẫn còn nguyên vẻ tinh sạch nguyên sơ của tự nhiên. Từng tầng lên cao lại càng thêm khung cảnh kỳ thú.
>> Na Hang dồn lực cải cách hành chính
>> Na Hang (Tuyên Quang): Kích cầu du lịch nội địa
Cơn mưa rừng bất chợt ào tới rồi chợt tạnh. Ánh nắng bừng lên chiếu lên tán lá còn ướt nước mưa lấp lánh lên như được dát vàng ngọc, kim cương. Đàn cá bâu vào chân rỉa như đám lá cây quẩn lấn chân người, nhồn nhột mà dễ chịu. Dầm sâu người mà làn nước mát lạnh cảm giác sảng khoái khác hẳn bể bơi, hơn cả tắm biển. Men sát chân thác để nước xối thẳng vào người thì chẳng khác gì được nước mát xa.
Tắm thác xong là cái bụng thấy đói. Bữa trưa trên thuyền với trứng tráng rau hôi, rau dớn xào tỏi, da trâu xào măng, gà bản và đặc biệt là tôm và cá hồ.
Lòng hồ ở đây nước sâu hàng chục mét, có rất nhiều hang hốc, nên có cá lớn tới dăm bảy chục cân. Còn tôm và cá thịt chắc rất thơm ngon mang hương vị của tự nhiên.
Nâng chén rượu men lá chưa uống mà thấy lâng lâng say giữa đất trời. Lâng lâng với nụ cười như tỏa nắng của em gái hướng dẫn người Tày có cái tên thật đẹp: Trà My. Trang phục con gái Tày rất kín đáo mà vẫn khoe được dáng có nét gì hao hao giống áo dài dưới xuôi vẫn tôn bộ ngực, khoe vòng eo chìm sau màu áo đen đến huyền bí.
Truyền thuyết về đàn chim phượng hoàng trăm con bay về nơi có chín chín ngọn núi, cọc buộc trâu trời sừng sững giữa mênh mang, huyền tích cứ hiện ra in vào mắt, thấm vào tai theo lời kể của em hướng dẫn về câu chuyện chàng khổng lồ Tài Ngào tốt bụng và ngây thơ. Để có chút day dứt, luyến tiếc cho sự chưa vẹn tròn của mảnh đất nơi đây. Thiếu một ngọn núi để thành được kinh đô, thừa sự ngây thơ cả tin nên chàng Tài Ngào mất mẹ.
Để Na Hang thành điểm đến, thành nơi nổi tiếng về du lịch thì phải xóa bỏ cái dớp của huyền thoại mang màu nuối tiếc kia. Cùng với đó, phải có sự nâng cấp đầu tư bài bản có chiều sâu từ hạ tầng giao thông, khu nghỉ dưỡng, khu giải trí, các tour khám phá, đi bộ…
Tuyến đường này khách say xe chắc sẽ sợ, lối lên thác mà ai bị mỏi gối, đau chân thì chỉ dám vái vọng, ngước nhìn trong tiếc nuối. Cần lắm sự quy hoạch bài bản, xây dựng hợp lý…
Không có thúc đẩy đầu tư, “nàng tiên xanh” Na Hang cứ mãi với giấc ngủ dài, im lìm như những ngôi làng giờ chìm sâu dưới làn nước biếc. Chỉ có những chiếc vó đèn hàng đêm le lói cần mẫn lên xuống với những mẻ tôm, cá tươi ngon.
Đánh giá của bạn: