Chiếc đèn kéo quân nhà nghệ nhân Quyền. Ảnh: PV
Nơi lưu giữ giá trị truyền thống
Đón chúng tôi vào sáng thứ Bảy, con gái nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền – chị Nguyễn Thị Vân đang tất bật làm những công đoạn cuối cùng cho những chiếc đèn để chuẩn bị cho chuyến hàng giao vào chiều nay.
Chia sẻ với chúng tôi, nghề làm đèn kéo quân được trao truyền từ xa xưa cho đến nay. Hiện nay tại thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng chỉ còn lại hai người lưu giữ nghề làm đèn kéo quân, một là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, người còn lại là em vợ ông Quyền.
Khi chúng tôi đến ông Quyền không có nhà, tiếp chuyện chúng tôi, chị Vân cho biết: “Sắp đến dịp Tết Trung thu nên ông rất bận, hôm nay ông đi Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Hà Nội tới tối muộn mới về”. Chúng tôi nghĩ mình đã có một chuyến đi vô nghĩa, nhưng may mắn được tận mắt chứng kiến con gái nghệ nhân làm đèn, có cơ hội chiêm ngưỡng và được tận tay thắp nến cho đèn quay. Tại nhà ông trưng bày rất nhiều loại đèn với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài làm đèn kéo quân, gia đình nghệ nhân còn làm rất nhiều loại đèn truyền thống khác như: đèn ông sao, đèn lồng xếp, đèn cá chép…
“Người giữ lửa” cho đồ chơi truyền thống
Rời làng nghề làm đèn Trung thu truyền thống, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Bảo tàng Hà Nội – nơi đang diễn ra sự kiện “Rước trăng chơi phố 2016’’.
Tại đây, ông Quyền cùng người thân đang tận tình hướng dẫn các em nhỏ và các bậc phu huynh cách làm đèn kéo quân, đèn ông sao. Các em nhỏ tỏ ra rất hào hứng và thi nhau xem ai làm đẹp hơn và chốc chốc lại hỏi “Ông ơi con làm thế này đã được chưa ạ? Chị ơi cho em xin thêm keo? Bà ơi cái này để làm gì ạ?…”. Bất chợt, một cảm giác tuổi thơ ùa về trong chúng tôi.
Theo lời kể của ông, nguồn gốc của đèn kéo quân bắt nguồn từ một câu chuyện vô cùng xúc động về tấm lòng hiếu thảo của người con trai mồ côi cha từ nhỏ, chàng sống với mẹ cho tới lúc trưởng thành, đến khi phải đi làm xa, thương mẹ già ở nhà một mình cô quạnh, chàng đã ngày đêm tìm cách để an ủi mẹ. Và cây đèn kéo quân, mô phỏng trò rối bóng đã ra đời và trở thành vật giúp mẹ già cảm thấy nguôi ngoai nỗi nhớ những ngày con trai xa nhà. Không dừng lại ở đó đèn kéo quân được lưu giữ từ đời này qua đời khác, ý nghĩa của đèn kéo quân về lòng hiếu thảo như lời nhắc nhở nhẹ nhàng với mỗi người con mỗi độ Trăng rằm.
Được sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Quyền, chúng tôi đã có một buổi trải nghiệm đầy thú vị về cách làm đèn kéo quân, từ cách chọn nguyên liệu đến cách làm, cách trang trí. “Để làm được đèn kéo quân, đòi hỏi người làm phải kỳ công, tỉ mẩn, làm sao tạo được cái khung cân đối, sáng tạo trong các hoạ tiết trang trí, đặc biệt phải làm sao để cái trục ở giữa có thể quay được”, ông Quyền nói..
“Khen ai khéo xếp đèn cù
Voi giấy, ngựa giấy tít mù vòng quanh”
Ngân ca theo câu hát, ông đưa chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi ngọn nến lung linh bắt đầu cháy lên là cả một thế giới chuyển động theo vòng xoay, ông Trạng vinh quy bái tổ, tứ linh nhảy múa, các con vật hiện lên sinh động.
“Ấn tượng đầu tiên trong tôi là khi trục ở giữa đèn quay có thể nhìn thấy rõ hình ảnh những cây nến sáng lung linh bên trong chiếc đèn. Hình ảnh chiếc đèn kéo quân đã đưa tôi trở lại với tuổi thơ, khi mỗi dịp Trung thu về”, cháu gái của nghệ nhân Quyền chia sẻ.
Ngày nay, khi những hình ảnh chiếc đèn theo phong cách hiện đại, nhiều chủng loại đang được bày bán tràn lan ngoài thị trường thì những chiếc đèn truyền thống, đặc biệt là đèn kéo quân vẫn được lưu giữ, phát huy giá trị của riêng mình. “Năm nay, do số lượng đèn kéo quân được đặt nhiều hơn năm trước nên chúng tôi đã phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó”, ông Tuấn, một người làm đèn truyền thống cho biết.
Không khí Trung thu tại phố Hàng Mã
Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến phố Hàng Mã – một con phố cổ của Hà Nội, nơi bày bán rất nhiều mặt hàng đồ chơi Trung thu từ truyền thống đến hiện đại. Điều đặc biệt, năm nay có rất nhiều mặt hàng truyền thống được bày bán nhiều hơn mọi năm như: đầu sư tử, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ ông Địa rực rỡ sắc màu.
Nhiều mặt hàng Trung thu truyền thống của Việt Nam được bày bán tại phố Hàng Mã.
Ảnh: PV
“Tôi thường xuyên chọn cho con mình những đồ chơi trung thu đậm nét truyền thống. Đồ chơi Trung thu năm nay đa dạng hơn về mẫu mã, nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ và giấy sản xuất trong nước nên rất an toàn cho các cháu nhỏ”, chị Nguyễn Thuỳ Dương (Quận Hoàn Kiếm) cho biết.
Đồ chơi trung thu Truyền thống đã có sự “khởi sắc” và được nhiều phụ huynh, em nhỏ lựa chọn trong Tết Trung thu năm nay. Anh Nguyễn Quang Hải (Lý Nam Đế, Hà Nội) cho biết: “Tôi muốn mua đồ chơi truyền thống cho cháu trước hết là vì độ an toàn sức khoẻ hơn là đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc. Hơn nữa, tôi muốn các cháu biết trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Trải qua những năm tháng tưởng như bị “lãng quên”, đồ chơi Trung thu truyền thống đã quay lại với trẻ em, với người dân Việt Nam. Người dân đã thể hiện nhận thức tốt hơn về việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống vốn là quốc hồn của dân tộc. Từ đó, mỗi người dân Việt lại trao truyền cái nét đẹp văn hoá ấy cho thế hệ sau và giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Giữ vững giá trị truyền thống
Bên cạnh những món đồ chơi hiện đại, lạ mắt thì những món đồ chơi truyền thống vẫn chiếm một vị trí không thể thay thế được trong lòng mỗi người dân Việt, chỉ cần nhắc đến Tết Trung thu là nhớ đến “đèn kéo quân”, “đèn ông sao”, “đầu lân”, “trống”,… Đó là cái “ cốt”, cái “ hồn” của cội nguồn dân tộc được lưu giữ, trao chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần làm phong phú bản sắc Á Đông của dân tộc Việt .
Để giữ vững những giá trị truyền thống đó, việc bảo tồn và lưu giữ những đồ chơi Trung thu truyền thống cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa, cần quan tâm đến việc truyền cảm hứng tới thế hệ trẻ, thông qua việc tổ chức nhiều gian hàng, quầy hàng giới thiệu và hướng dẫn cách làm đèn lồng, mặt nạ, đồ chơi…; cần có những chính sách khuyến khích các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền./.
Hương Duyên