Di sản là gì?

Thuật ngữ “Di sản” được dùng trong rất nhiều lĩnh vực như lĩnh vực văn hoá, kinh tế, pháp luật, khảo cổ học, nghệ thuật… Tuy nhiên, trong pháp luật về thừa kế thì nhiều người không hiểu di sản trong pháp luật được hiểu như thế nào?

Vậy di sản là gì? Khách hàng quan tâm các thông tin liên quan đến di sản vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

Khái niệm di sản

Di sản là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân mà họ để lại sau khi chết.

Thực tế cho đến nay vẫn đang còn nhiều cách hiểu khác nhau về di sản thừa kế bởi quy định của pháp luật ở Việt Nam về di sản ở mỗi thời kỳ cũng rất khác nhau.Tuy nhiên, ở bất kỳ quốc gia nào và trong bất kỳ giai đoạn nào của một quốc gia thì khi nói đến di sản thừa kế đều phải nói đến các tài sản thuộc quyền sở hữu mà cá nhân đã để lại sau khi họ chết.

Pháp luật về thừa kế vốn được coi là một hệ luận của pháp luật về sở hữu và do việc thừa kế (sự dịch chuyển tài sản từ người đã chết sang người còn sống) là hệ luận của việc sở hữu nên muốn thực hiện việc thừa kế dù theo di chúc hay theo pháp luật thì việc đầu tiên và cơ bản nhất là phải xác định được tài sản nào thuộc quyền sở hữu của người chết để lại (nghĩa là phải xác định được di sản thừa kế). Nếu người chết không để lại di sản hoặc không xác định được di sản mà họ để lại thì không thể nói đến việc chia thừa kế. 

Có thể hiểu khái niệm “di sản” nói chung được hiểu theo hai nghĩa, theo nghĩa rộng thì di sản là cái của thời trước để lại, theo nghĩa hẹp thì di sản là tài sản của người chết để lại. 

Di sản được quy định trong BLDS được hiểu theo nghĩa thứ hai, vì vậy di sản là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của một người mà họ để lại sau khi chết, bao gồm vật, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền, quyền tài sản. Các tài sản là vật” bao gồm tư liệu tiêu dùng và tư liệu sản xuất.

Quyền tài sản bao hàm cả quyền đối với tác phẩm, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp. Tải sản của người chết bao gồm ba thành phần sau:

– Tài sản riêng của người chết : Đây là phần tài sản mà mỗi một cá nhân đều có được thông qua lao động sản xuất hoặc các giao dịch dân sự hợp pháp.

Tài sản riêng của người chết được hiểu là toàn bộ tài sản mà thuộc sở hữu của cá nhân người đó, vì thế khi thực hiện các quyền năng về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản, cá nhân không bị chi phối bởi bất kỳ một chủ thể nào, trừ sự chi phối của pháp luật.

Thuật ngữ “tài sản riêng được sử dụng trong Điều 634 BLDS 2005 nhằm để phân biệt tài sản nào là của riêng người vợ, tài sản nào là của riêng người chồng, tài sản nào thuộc sở hữu chung hợp nhất giữa vợ và chồng. Bà Trước thời kỳ đổi mới, quyền sở hữu tư nhân (trong đó có quyền sở hữu cá nhân) được pháp luật quy định trong một phạm vị rất hạn hẹp, chỉ bao gồm tư liệu tiêu dùng là chính.

 Đối với tư liệu sản xuất thì cá nhân chỉ được sở hữu các công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ.

Tại khoản 1 Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đã quy định: “… Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”. Theo quy định này, thì tài sản riêng của vợ, hoặc của chồng có được dựa trên những căn cứ sau đây: 

+ Tài sản riêng của vợ, hoặc của chồng có được trước khi kết hôn 

+ Tài sản riêng của vợ, hoặc của chồng trong thời kỳ hôn nhân 

– Tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng 

Theo quy định trên của Luật Hôn nhân và gia đình 2000, chúng ta thấy, khi xác định tài sản chung của vợ chồng phải dựa vào thời kỳ hôn nhân” và nguồn gốc của các loại tài sản, bao gồm: 

+ Tài sản chung của vợ chồng được xác lập trong thời kỳ hôn nhân 

Thời kỳ hôn nhân được khoản 7 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Việc kết hôn của nam nữ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo đúng các điều kiện và thủ tục mà pháp luật quy định.

Quan hệ hôn nhân được coi là chấm dứt trong ba trường hợp: Khi một bên chết, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm một bên chết; khi ly hôn, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm bản án hoặc quyết định cho ly hôn của Toà án có hiệu lực pháp luật; khi một bên bị Toà án tuyên bố là đã chết, quan hệ hôn nhân được coi là chấm dứt kể từ ngày mà người bị tuyên bố chết được coi là đã chết (được xác định trong quyết định của Toà án về việc tuyên bộ là đã chết đối với cá nhân có hiệu lực pháp luật). Những tài sản (bao gồm cả động sản và bất động sản, tồn tại dưới dạng tư liệu sản xuất hay tư liệu tiêu dùng) mà do vợ chồng tạo ra được trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Bởi pháp luật đã xác định tài sản chung của vợ chồng là “chung hợp nhất” nên khối tài sản đó có tính chất sau đây: 

Thứ nhất, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung “Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phân quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung” (khoản 1 Điều 217 BLDS 2005). 

Thứ hai, tài sản chung của vợ chồng được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân không phụ thuộc vào điều kiện vợ chồng ở chung hay riêng, miễn là tài sản đó được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.

Thứ ba, trong thời kỳ hôn nhân, các tài sản chỉ do chồng hoặc vợ làm ra hoặc do cả hai vợ chồng cùng trực tiếp tạo ra đều thuộc tài sản chung hợp nhất giữa vợ và chồng. 

Thứ tư, khi thực hiện quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) đối với tài sản thì vợ chồng hoàn toàn có quyền bình đẳng, không phụ thuộc vào tài sản đó do ai tạo ra, nhiều hay ít. Vợ chồng “… có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng. định đoạt tài sản chung” (khoản 2 Điều 219 BLDS 2005); “Vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung” (khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2000). 

Theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì thu nhập của các cặp vợ chồng chủ yếu và có tính ổn định là từ lao động, sản xuất hoặc kinh doanh dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp biểu hiện dưới dạng tiền lương, tiền công lao động hoặc là lợi nhuận thu được từ sản xuất, kinh doanh hợp pháp.

+ Tài sản chung của vợ chồng được xác lập theo ý chí của các bên 

Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đã quy định: “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung” (khoản 3 Điều 27). 

Khi một bên chết trước thì toàn bộ tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, theo đó, một nửa thuộc sở hữu của người đang sống, một nửa thuộc về di sản của người đã chết. Trong thực tế, việc xác định tài sản nào là của riêng của vợ hoặc chồng, tài sản nào là của chung của vợ chồng hết sức phức tạp và hiện còn rất nhiều quan điểm khác nhau. Bởi lẽ sự tích tụ tài sản của vợ chồng thường diễn ra trong một quá trình dài và với nhiều căn cứ, hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Nếu vào thời điểm người để lại di sản chết mà quan hệ hôn nhân đang tồn tại của họ chỉ là một vợ, một chồng thì xác định “riêng”, “chung” đối với tài sản của họ sẽ đơn giản khi dựa vào các căn cứ như: Tài sản đó có vào thời gian nào căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tuy nhiên, nếu người chết là người đàn ông đang có nhiều vợ hoặc đã từng sống chung như vợ chồng với nhiều người đàn bà khác thì việc xác định di sản của người đó sẽ hết sức phức tạp. Vì vậy, cần được phân biệt theo các trường hợp sau đây: 

Thứ nhất: Nếu người đó có nhiều vợ mà các cuộc hôn nhân đó đều được pháp luật thừa nhận và các người vợ đó đều cùng nhau làm ăn chung sống với chồng thì toàn bộ tài sản mà họ có được sẽ là tài sản chung hợp nhất của họ. Khi người chồng chết trước, một phần trong tổng khối tài sản chung đó (khi được chia đều cho số họ) sẽ thuộc về di sản của ông ta. Nếu một trong số các bà vợ chết trước thì di sản của họ cũng được xác định theo cách này. 

Thứ hai: Nếu người chết có nhiều vợ hợp pháp nhưng các bà vợ đó lại sống độc lập với nhau và khi còn sống, người đó đã cùng tạo dựng tài sản chung với từng người vợ khác nhau thì di sản thừa kế của ông ta sẽ bao gồm một phần hai tài sản trong khối tài sản chung giữa ông ta với từng người vợ cộng lại. 

Thứ ba: Nếu lúc còn sống, ngoài vợ hợp pháp, người để lại di sản còn sống chung và cùng tạo dựng kinh tế chung với người khác như vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng thì di sản của ông ta sẽ được xác định như sau: 

– Tách phần tài sản của ông ta từ khối tài sản chung giữa ông ta với người mà ông ta đã sống như vợ chồng (nếu có cơ sở để xác định ông ta có bao nhiêu phần tài sản trong khối tài sản đó) hoặc chia đôi khối tài sản này để xác định phần tài sản của ông ta (nếu không có cơ sở để xác định mỗi người trong số họ có bao nhiêu phần tài sản). Sau đó, nhập phần tài sản này vào khối tài sản chung của vợ chồng (với người vợ hợp pháp) và chia đôi. Một nửa khối tài sản này sẽ là di sản thừa kế mà ông ta để lại. Quan điểm xác định di sản trong trường hợp thứ ba này dựa trên cơ sở lý luận là phân tài sản mà ông ta có trong khối tài sản với người mà ông ta sống như vợ chồng cũng được coi là tài sản mà ông ta có được trong thời kỳ hôn nhân với bà vợ hợp pháp. 

– Tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với người khác 

– Tài sản do người chết để lại: Là toàn bộ tài sản mà một người để lại sau khi họ chết. Nghĩa là bao gồm tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết và cả những tài sản không thuộc quyền sở hữu của người chết (tài sản của người khác mà người đó đang mượn, thuê, quản lý).

Như vậy, tài sản do người chết để lại gồm hai thành phần: Những tài sản thuộc sở hữu của người chết là di sản thừa kế và sẽ được phân chia cho người thừa kế của người đó theo quy định của pháp luật về thừa kế, những tài sản không thuộc quyền sở hữu của người chết không phải là di sản thừa kế và sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp hoặc được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng. 

Có những loại di sản nào liên quan đến pháp luật thừa kế?

Phần nội dung trên chúng ta đã hiểu rõ Di sản là gì? Di sản Là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại. Tài sản này sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ về tài sản của người chết để lại, sau đó được phân chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc được định đoạt theo ý chí của người để lại di sản đã được thể hiện trong di chúc hợp pháp của họ.

Như vậy, di sản bao gồm: phần tài sản dùng để thanh toán nghĩa vụ, phân tài sản được chia cho những người thừa kế, phần tài sản được dùng vào việc thờ cúng, phần tài sản dùng để di tặng. 

– Di sản thừa kế: Là phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại sau khi đã thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người đó và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế. Nếu người để lại di sản có để lại di chúc và có dành di sản để di tặng, thờ cúng thì di sản thừa kế bao gồm cả phần di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng. 

– Di sản dùng để chia thừa kế: Là phần di sản được dùng để chia cho những người thừa kế của người để lại di sản sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại, thanh toán các chi phí liên quan đến thừa kế, dành phần di sản để thờ cúng, để di tặng (nếu có).

– Di sản dùng vào việc thờ cúng: Là phần di sản trong khối di sản của người chết để lại đã được người đó xác định trong di chúc là giao cho một người nhất định quản lý để thực hiện việc thờ cúng.

– Tài sản dùng để di tặng: Là phần tài sản trong khối di sản của người chết để lại đã được người để lại di sản xác định trong di chúc là sau khi họ chết phần tài sản đó được dành ra để tặng cho một người nhất định. 

Ngoài việc tìm hiểu di sản và cách xác định các thành phần di sản nói trên, khi xác định di sản thừa kế cần phải xác định theo chủng loại tài sản sau đây: 

– Di sản thừa kế là các vật: Bao gồm các vật hiện hữu là tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng. Nếu di sản là vật hiện hữu thì phải là những vật còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế dù chúng đang thuộc sự chiếm hữu, quản lý của người để lại di sản trước lúc chết hoặc đang do người khác chiếm hữu, quản lý trên cơ sở một hợp đồng được thiết lập giữa người đó với người để lại di sản. Di sản còn có thể bao gồm vật được hình thành trong tương lai (những vật chắc chắn sẽ có từ một hợp đồng hoặc từ một căn cứ pháp lý khác và sẽ thuộc sở hữu của người để lại di sản nhưng chưa có vào thời điểm mở thừa kế). 

– Di sản thừa kế là khoản tiền hoặc giấy tờ có giá: Bao gồm khoản tiền, giấy tờ có giá hiện hữu vào thời điểm người để lại di sản chết và các khoản tiền mà người để lại di sản đang gửi tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, các khoản tiền công lao động, tiền cấp dưỡng, tiền bồi thường thiệt hại mà người để lại di sản có quyền hưởng nhưng chưa kịp nhận mà đã chết vì bên kia chậm thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, di sản thừa kế còn bao gồm các khoản tiền được hình thành trong tương lai. Chẳng hạn, di sản thừa kế mà người chết để lại là một ngôi nhà đang cho người khác thuê thì số tiền mà bên thuê nhà phải trả sau khi hết hạn thuê nhà cũng là di sản thừa kế. 

– Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất: 

Theo quy định tại Điều 733 của BLDS 2005 thì “thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”. Như vậy, thừa kế quyền sử dụng đất có thể được dịch chuyển theo di chúc (theo ý chí của người chết) hoặc theo pháp luật.

 – Di sản thừa kế là quyền sở hữu trí tuệ: bao gồm quyền sử dụng đất, quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, quyền sở hữu đối với tác phẩm đó, quyền tác giả đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên và đối với bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý. 

Rate this post

Viết một bình luận