Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta đã hình thành và lưu truyền một kho tàng di sản văn hóa vô giá. Từ những nền văn hóa cổ xưa như Đông Sơn, Sa Huỳnh,… đến văn hóa thời kỳ phong kiến tự chủ thuộc của Đại Việt, Champa,… cho đến khi Việt Nam liền một dải chữ S với cộng đồng 54 dân tộc như hiện nay. Các di sản văn hóa đã hình thành theo chiều dài lịch sử của dân tộc và trở thành nguồn tài sản vô giá. Để hiểu rõ hơn về khái niệm di sản văn hóa là gì cũng như giá trị mà các di sản văn hóa mang lại, chúng ta hãy cùng theo dõi bài viết sau.
Di sản văn hóa là gì?
Khái niệm văn hóa là gì?
Hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam, có rất nhiều quan điểm được đưa ra xoay quanh khái niệm văn hóa (tiếng Anh: Cultural). Phổ biến và được sử dụng nhiều nhất phải kể đến đó là quan niệm về văn hóa của UNESCO. Theo UNESCO, văn hóa được hiểu là tổng thể những tính chất tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc đặc biệt, đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn học mà còn đề cập đến cả các phương thức sống, các quyền cơ bản của con người, hệ thống giá trị, các truyền thống và tín ngưỡng.
Còn theo từ điển Triết học, văn hóa được định nghĩa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do một cộng đồng người sáng tạo ra, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển trong quá trình thực tiễn xã hội lịch sử và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử phát triển xã hội. Xét theo nghĩa hẹp hơn, văn hóa được chia thành văn hóa vật chất (bao gồm các giá trị vật chất, các kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…) và văn hóa tinh thần (bao gồm: đạo đức, giáo dục, nghệ thuật và văn học, khoa học…). Văn hóa được xem là một hiện tượng lịch sử, sự phát triển của văn hóa phụ thuộc vào sự thay thế các hình thái kinh tế xã hội.
Như vậy, có nhiều quan niệm khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau nhưng đều cho thấy văn hóa là một lĩnh vực có phạm vi rất rộng. Văn hóa có mặt trong toàn bộ đời sống của con người, trong hoạt động sáng tạo của con người, đồng thời cũng là thước đo trình độ phát triển và sự hoàn thiện của con người. Vì vậy, văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy trong hoạt động thực tiễn qua quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, xã hội và bản thân. Văn hóa được con người giữ gìn, sử dụng để phục vụ đời sống con người và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện các giá trị chân, thiện, mỹ và trở thành nền tảng, sức mạnh của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Khái niệm văn hóa là gì?
Khái niệm di sản văn hóa là gì?
Khái niệm di sản văn hóa (tiếng Anh: Cultural heritage) có thể xác định từ khái niệm về văn hóa. Cụ thể, di sản văn hóa được xác định là hình thức tồn tại của giá trị văn hóa, có nguồn gốc từ nhu cầu của con người. Giá trị văn hóa thể hiện một chuẩn mực xã hội mà con người muốn hướng tới. Hay nói cách khác, hệ giá trị văn hóa là tiêu chí để đánh giá, cũng như điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của một cá nhân sinh sống trong một cộng đồng xã hội nhất định. Yếu tố cốt lõi của văn hóa là các giá trị văn hóa, giá trị văn hóa được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định của mỗi cộng đồng. Nó hướng tới thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp, bồi đắp và nâng cao bản chất con người. Di sản văn hóa được xem như là những yếu tố đặc biệt, nổi bật, là tinh hoa của văn hóa. Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, có rất nhiều quan điểm khác nhau về “di sản văn hóa” được đưa ra. Theo Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Di sản là cái của thời trước để lại; văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do một cộng đồng người sáng tạo và tích lũy trong suốt quá trình lịch sử lâu dài và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Theo điều 1 Luật Di sản văn hóa Việt Nam đã định nghĩa về di sản văn hóa như sau: Di sản văn hóa bao gồm các di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể. Đó là các sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Di sản văn hóa là tài sản quý báu của các thế hệ trước để lại và được xác định là bộ phận quan trọng việc cấu thành môi trường sống của con người, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững, xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, có văn hóa. Di sản văn hóa được tôn tạo theo đúng chuẩn mực khoa học sẽ trở thành tài nguyên du lịch, cung cấp loại hình dịch vụ văn hóa có sức hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, một ngành kinh tế của đất nước. Bởi lẽ, đây là loại tài sản quý giá không thể tái sinh và không thể thay thế nhưng rất dễ bị biến dạng do tác động của các yếu tố ngoại cảnh (khí hậu, thời tiết, thiên tai, chiến tranh, quá trình khai thác không có sự kiểm soát chặt chẽ, việc bảo tồn, trùng tu thiếu chuyên nghiệp không theo đúng những chuẩn mực khoa học.
Tóm lại, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản văn hóa quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được truyền lại từ thế hệ trước sang thế hệ sau, gồm có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Di sản văn hóa không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Di sản văn hóa là sự tổng hòa của một tập hợp các cặp phạm trù vừa thống nhất, vừa tương phản: truyền thống – hiện đại, thừa kế – phát triển, dân tộc – quốc tế. Những cặp phạm trù này được vận dụng một cách hài hòa với nhau không tách rời. Chính vì thế, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Khái niệm di sản văn hóa là gì?
Xem thêm:
→ Danh sách đề tài Luận văn thạc sĩ Chính sách công miễn phí mới nhất
Đặc trưng của di sản văn hóa
Di sản văn hóa phải mang những nét đặc trưng cơ bản của văn hóa, gồm: tính nhân sinh, tính lịch sử, tính giá trị và tính hệ thống. Cụ thể như sau:
Tính nhân sinh và tính lịch sử: Thành tựu của hoạt động văn hóa được gọi là tác phẩm văn hóa, tham gia vào quá trình trao đổi và sử dụng trong xã hội, qua sàng lọc và thử thách của thời gian và lưu đọng lại trở thành di sản văn hóa. Di sản văn hóa dân tộc là các sản phẩm do các thành viên trong cộng đồng sáng tạo và thể hiện dưới dạng những đối tượng vật thể và phi vật thể mang tính biểu tượng, được lan tỏa và trao truyền từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chính là tính nhân sinh và tính lịch sử của di sản văn hóa.
Tính giá trị: Di sản văn hóa là sản phẩm của kết quả lao động của trí tuệ cao của con người mang lại lợi ích cho đời sống con người, hướng con người tới chân – thiện – mỹ. Tính giá trị là cái được xã hội coi là cao quý và đáng mơ ước. Di sản văn hóa ít nhiều mang các phẩm chất cao quý, có ích cho con người và xã hội.
Tính hệ thống: Di sản văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc được sáng tạo và tích lũy trong những điều kiện, môi trường nhất định và luôn chịu sự tương tác của môi trường. Di sản văn hóa có cấu trúc, gồm nhiều thành phần và bộ phận khác nhau và chúng có tác động qua lại với nhau.
Ngoài những đặc trưng trên, di sản văn hóa cũng mang một số đặc trưng riêng, bao gồm:
-
Thứ nhất, di sản văn hóa đặc trưng bởi tính hiểu biết, tức là khả năng sáng tạo và tích lũy thông tin. Trong di sản văn hóa chứa đựng kinh nghiệm và tri thức sống của con người. Ví dụ, trống đồng Ngọc Lũ là sản phẩm chứa đựng kiến thức sống mà chủ nhân đương thời tích lũy được như nghệ thuật thiết kế hình khắc và hoa văn cũng như vốn tri thức về công nghệ luyện kim.
-
Thứ hai, di sản văn hóa mang tính biểu tượng, là khả năng trình bày và diễn đạt một ý nghĩa trừu tượng, sâu sắc thông qua hình tượng cụ thể. Nhờ tính biểu tượng mà di sản văn hóa trở nên giàu có, phong phú hơn. Tính biểu tượng buộc con người khi giao tiếp cần có hiểu biết chung về văn hóa, cũng là rào cản của những người thuộc các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, Thánh Gióng là biểu tượng về tinh thần anh hùng chống giặc ngoại xâm của cư dân vùng châu thổ Bắc Bộ.
-
Thứ ba, di sản văn hóa mang tính sử liệu. Di sản văn hóa đại diện cho một sự kiện lịch sử trọng đại, một giai đoạn lịch sử tiêu biểu và ghi dấu ấn của các sự kiện đó cũng như cung cấp các dữ liệu, số liệu phản ánh trình độ, quan niệm của cộng đồng. Mỗi tác phẩm hay hiện tượng văn hóa để trở thành di sản đều được lưu truyền qua nhiều thời đại lịch sử khác nhau để đến được với hiện đại. Di sản văn hóa luôn tích hợp vào bản thân chúng những dấu tích của thời đại, chứa những sử liệu thuộc về nhiều lới thời gian lịch sử khác nhau.
Đặc trưng của di sản văn hóa là gì?
Phân loại di sản văn hóa
Theo hình thái biểu hiện của di sản văn hóa
Di sản văn hóa vật thể: Là dạng di sản văn hóa được bảo tồn và lưu giữ bằng dạng vật thể hữu hình mà con người có thể nhận biết bằng xúc giác như các sản phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Ví dụ như di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh,…
Di sản văn hóa phi vật thể: Là dạng di sản văn hóa được bảo tồn và lưu giữ qua dạng phi vật thể mà con người không thể nhận biết bằng xúc giác, là các sản phẩm tinh thần mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học,…được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miệng,….
Phân loại theo khả năng thỏa mãn nhu cầu hay mục đích sử dụng di sản văn hóa
Di sản văn hóa vật chất: là các di sản văn hóa thỏa mãn nhu cầu về vật chất của con người như nhà ở, quần áo, đồ dùng, ẩm thực,…
Di sản văn hóa tinh thần: Là các di sản văn hóa phục vụ nhu cầu tinh thần của con người như văn chương, tri thức, nghệ thuật,…
Theo lĩnh vực hoạt động của con người
Văn hóa tài nguyên: Là ác giá trị văn hóa được tạo nên bởi ứng xử của con người với thế giới tự nhiên. Ví dụ: cảnh quan, môi trường sinh thái, mặt đất, bầu trời,…
Văn hóa kỹ thuật (văn hóa hành vi): Là các giá trị được tạo ra trong quá trình hoạt động, ứng xử và tạo tác kinh tế vào toàn bộ cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị kỹ thuật để thỏa mãn nhu cầu về ăn, mặc, ở,… của con người.
Văn hóa thân tộc (văn hóa cơ chế): Là các giá trị được sinh ra trong quá trình và kết quả tạo tác nên bộ máy xã hội và cơ chế vận hành nó như các thông tục, phong tục- tập quán, các định chế thiết chế xã hội,….
Văn hóa tư tưởng (văn hóa tâm thức): Là các giá trị được sinh ra trong quá trình hoạt động triết học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật và cơ sở tâm linh khác.
Vai trò của di sản văn hóa trong phát triển xã hội là gì?
Di sản văn hóa là tài sản quốc gia: Trải qua hàng ngàn năm sáng tạo và tích lũy, cha ông ta đã đề lại một di sản văn hóa khổng lồ được thể hiện dưới dạng sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây thực sự là một nguồn tài sản vật chất khổng lồ xét cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho quốc gia.
Di sản văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội: Di sản văn hóa là một nguồn lực phi vật thể trong phát triển kinh tế – xã hội được biểu hiện ở khía cạnh bồi dưỡng con người về mặt tri thức,tình cảm, ý chí,… làm cho giá trị văn hóa tiềm nhập vào con người để trở thành một nhân cách tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Ngoài ra, di sản văn hóa cũng là một nguồn lực tham gia trực tiếp vào phát triển kinh tế – xã hội mà trọng tâm là phát triển ngành du lịch.
Vai trò của di sản văn hóa trong hội nhập và toàn cầu hóa: Vai trò này của di sản được thể hiện qua hai khía cạnh. Thứ nhất, di sản văn hóa là hiện thân của bản sắc văn hóa, giữ gìn di sản văn hóa chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ hai, di sản văn hóa là biểu hiện của sự đa dạng và phong phú của văn hóa nhân loại nên giữ gìn văn hóa dân tộc cũng là giữ gìn sự đa dạng và phong phú của văn hóa nhân loại. Tức là, chúng ta cần học hỏi và tiếp thu những văn hóa mới để làm giàu bản sắc văn hóa nhưng vẫn phải bảo tồn những di sản văn hóa của đất nước để không bị đồng nhất, đồng hóa về văn hóa.
Vai trò của di sản văn hóa là gì?
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là gì?
Bảo tồn là sự giữ lại, duy trì lại và truyền lại từ trong di sản truyền thống các yếu tố tích cực, hợp lý, giá trị nhân bản,…tạo cơ sở cho sự ra đời và phát triển những cái mới.
Phát huy là hoạt động đưa các giá trị văn hóa truyền thống vốn có thâm nhập vào thực tiễn đời sống xã hội, tạo động lực nhằm thúc đẩy xã hội phát triển và đem lại các giá trị tốt đẹp về tinh thần lẫn vật chất.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là một quá trình thống nhất, biện chứng giữa lọc bỏ và kế thừa, giữa tiếp thu và phê phán, giữa lưu giữ và phát triển thêm nữa,… để xây dựng và tiếp tục phát huy những cái mới, cái tiến bộ.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng để một quốc gia, một dân tộc tồn tại bền vững trở mọi thời kỳ lịch sử, điều kiện tiên quyết để tạo dựng nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa.
Tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc nên giữ gìn di sản văn hóa cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng ấy, góp phần tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường giao lưu và hội nhập. Giao lưu và hội nhập là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Di sản văn hóa luôn chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn của mỗi dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đa dạng, một bức tranh tổng thể đa sắc màu giúp chúng ta tự hào quảng bá ra thế giới, góp phần khẳng định giá trị, hình ảnh con người và đất nước, phát triển văn hóa đa quốc gia,…
Thứ ba, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là giữ gìn và phát huy nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Di sản văn hóa là tài sản quý báu của mỗi dân tộc và quốc gia. Các di sản này không chỉ hấp dẫn khách du lịch mà còn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, các quỹ bảo trợ bảo tồn từ các tổ chức quốc tế. Di sản được đem khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong các loại hình du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh,….
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về khái niệm di sản văn hóa là gì cũng như các vấn đề về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Di sản văn hóa là một tài sản vô giá đối với dân tộc và đất nước mà chúng ta cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy để làm vẻ vang truyền thống của dân tộc. Hy vọng những thông tin này đã đem đến cho các bạn nguồn tham khảo hữu ích. Ngoài ra, nếu bạn đang gặp khó khăn với bài luận văn về di sản văn hóa, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, liên hệ với đội ngũ chuyên viên viết luận văn thuê của chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ ngay bây giờ nhé!