Đi tìm những cái nhất thế giới

TTCT – David McCandless, nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo hiện đang sống ở London, đã kỳ công tổng hợp một bản đồ với mỗi quốc gia được “gắn nhãn” là thứ mà nó đứng đầu thế giới dựa theo 9 tiêu chí: hàng hóa, tâm lý, sinh thái, ẩm thực, kinh tế, nhân học, công nghệ, điều tốt đẹp và xấu xí.

Theo David McCandless, Colombia mới là nơi hạnh phúc nhất-Pinterest

Theo David McCandless, Colombia mới là nơi hạnh phúc nhất-Pinterest

 

 Bản đồ đăng trên trang InformationIsBeautiful.net do McCandless làm chủ, phơi bày cái nhất (cả tốt lẫn xấu) của từng quốc gia, khiến người đọc thích thú nhưng cũng dễ cau mày vì nhiều thông tin có thể gây mích lòng.

Đáng khoe và khó khoe

Nhiều thông tin trên bản đồ thuộc loại dễ đoán, như Cuba đứng đầu về lượng bác sĩ, Thụy Điển là “trùm” nhạc pop, và Afghanistan lại có cái nhất không mong muốn: sản xuất thuốc phiện nhiều nhất. Theo bản đồ, Nhật Bản không có đối thủ về ẩm thực (cũng dễ hiểu vì quốc gia này có số lượng nhà hàng 3 sao Michelin nhiều nhất thế giới), còn Singapore về nhất theo tiêu chí có nhiều người khỏe mạnh nhất.

Bản đồ có thể được dùng làm kho câu hỏi đố vui lý thú. Hãy thử nhé: Quốc gia nào có tốc độ WiFi nhanh nhất? Nước nào có nhiều ca ghép gan, thận nhiều nhất? Nước nào có nhiều ngôn ngữ nhất?

Câu trả lời, theo bản đồ, lần lượt là Lithuania, Croatia và Zimbabwe. Có thể đặt câu hỏi theo chiều ngược lại. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức và Ý sẽ đứng đầu về cái gì?

Trà chiều, rượu sâm banh, công nghệ, bia và bánh pizza? Bạn sẽ bị xử thua nếu trả lời như thế, bởi theo bản đồ, Anh đứng nhất về số lượng tỉ phú, Pháp có nhiều người nghiện rượu whisky nhất, Mỹ “thống trị” thế giới về lượng thư điện tử rác, hộ chiếu Đức “quyền lực nhất”, còn Ý lại trồng trái kiwi ngon nhất (nhân tiện, Na Uy mới “vô địch” về lượng người ăn pizza).

Tuy vậy, một số thông tin có thể hoặc làm phiền lòng người bản xứ hoặc chẳng có gì tự hào để khoe.

Chẳng hạn bản đồ cho rằng người Pakistan xem “phim người lớn” có nội dung đồng tính nam nhiều nhất quả đất, còn Ai Cập có nhiều phụ nữ béo nhất, Peru đứng đầu về cocaine, không đâu có nhiều người nghiện rượu bằng Belarus, còn số vụ giết người ở Honduras thì nhiều hơn tất thảy.

Cũng theo bản đồ, nhiều quốc gia có thể bổ khuyết cho nhau, như Colombia (hạnh phúc nhất) có thể giúp gì đó cho Togo (bất hạnh nhất).

Tương tự là các cặp Tây Ban Nha (cởi mở với người đồng tính nhất) và Georgia (có nhiều người kỳ thị đồng tính nhất), Zambia (có nhiều nữ doanh nhân nhất) và Yemen (bất bình đẳng giới tính nhất), hay UAE (thừa nam nhất – tỉ lệ 101,8 nam/100 nữ) và Latvia (thừa nữ nhất – 118 nữ/100 nam).

Vui là chính

Tác giả McCandless kể với báo The Independent (Anh) anh mất ba tuần “đọc các bài báo, lục tìm các kho dữ liệu lớn (sách kỷ lục Guinness, Ngân hàng Thế giới) và tìm kiếm trên Google” để hoàn tất bản đồ. Với các quốc gia có nhiều cái nhất, giải pháp của McCandless là chọn thông tin thú vị và mang tính giải trí nhất.

Anh cũng thừa nhận buộc phải sử dụng nguồn dữ liệu ít uy tín hơn với một số nước để hoàn tất mục tiêu lấp đầy bản đồ. “Đây là bản đồ thông tin vui là chính” – tác giả kết luận.

Bản thân tác giả cũng có những phát hiện lý thú riêng khi thực hiện dự án, kiểu như “Bolivia lại là nơi trồng nhiều đậu phộng Brazil nhất”. Anh cũng chia sẻ thêm có nhiều thông tin thực sự có ý nghĩa, đặc biệt liên quan đến các nước châu Phi như Uganda (tỉ lệ doanh nhân/dân số trưởng thành cao nhất), Zambia (tỉ lệ nữ doanh nhân/dân số trưởng thành cao nhất) hay Rwanda (tỉ lệ phụ nữ trong quốc hội cao nhất).

McCandless cũng công khai bảng dữ liệu các nước với đầy đủ thông tin (gồm cả những cái nhất không thể hiện trên bản đồ) và ghi chú rõ nguồn tham khảo để tránh bị “bắt giò”. Tuy thế, nhiều nước cũng đã lên tiếng phản đối vì “cái nhất” của mình chẳng có gì đáng tự hào.

Chẳng hạn, theo báo The Citizen của Nam Phi, quốc gia này có vẻ không hài lòng khi được giới thiệu với phần còn lại của thế giới là nơi “chết chóc nhất”. “Điều này có lẽ liên quan đến tỉ lệ tội phạm, lái xe ẩu và bệnh tật cao” – The Citizen viết, song cũng “chua” thêm rằng “cũng có thể do chúng ta công bố dữ liệu về số người chết mỗi ngày tốt hơn các nước khác”.

Báo chí Nam Phi vừa “khiếu nại” hôm 5-12 thì sau đó McCandless vội chỉnh sửa ngay, thay ngôi vô địch “chết chóc” của Nam Phi bằng “có nhiều bạch kim nhất” với lý do “có nhiều dữ liệu mới được công bố”.

Chủ bản đồ cũng sửa thông tin của Canada, xếp quốc gia Bắc Mỹ đứng đầu về “tự do cá nhân” thay vì “nghiện Facebook nhất” như công bố trước đó. Chủ bản đồ cũng tếu táo chú thích nếu một quốc gia nào đó không được thể hiện trên bản đồ thì là do “diện tích nhỏ quá khó chú thích” hoặc “không tìm được thông tin nước này đứng đầu về cái gì”.

Điểm qua một loạt nước Đông Tây rồi, còn Việt Nam ta thì sao? Lúa gạo, cà phê hay số lượng tiến sĩ? Câu trả lời thuộc dạng không đến nỗi phải giấu giếm: nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất hành tinh!■

Rate this post

Viết một bình luận