Địa điểm du lịch Miền Tây ấn tượng nhất định phải đến

Địa điểm du lịch Miền Tây ấn tượng nhất định phải đến

Miền Tây hay là miền Tây Nam Bộ là cách gọi quen thuộc, dân dã của người Việt Nam về vùng đồng bằng sông Cửu Long hay vùng đồng bằng sông Mê Kông. Chín con sông từ sông mẹ Mê Kông băng ngang đồng bằng miền Tây Nam Bộ, không chỉ tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn tạo nên một bản sắc văn minh sông nước đậm nét. Khu vực này bao gồm 13 tỉnh thành là thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu Cà Mau. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên thanh bình, với những cánh đồng lúa mênh mông, những con sông trĩu nặng phù sa, những vườn trái cây trĩu quả, văn hóa đặc sắc và người dân mộc mạc, chất phác du lịch Miền Tây luôn là điểm đến yêu thích của khách trong và ngoài nước.

Ở miền Tây Nam Bộ có vô vàn những danh thắng hấp dẫn và tuyệt vời mà bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian để khám phá hết. Bạn có thể tham khảo danh sách các tour Miền Tây của Thám Hiểm MeKong nếu đang bối rối khi lên kế hoạch cho chuyến đi:

Bây giờ hãy cùng thổ địa Miền Tây tìm hiểu những địa điểm du lịch Miền Tây tuyệt đẹp nhất định phải đến:

Bến Ninh Kiều – Cầu đi bộ Cần Thơ

Cần Thơ là một điểm đến trong bản đồ miền Tây mà du khách thường lựa chọn đầu tiên. Từ lâu, Cần Thơ nổi tiếng là Tây Đô của nước ta và cũng chính là trung tâm văn hóa, kinh tế hàng đầu ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long.

Nhắc đến những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ thì không thể nào không nhắc đến bến Ninh Kiều. Đây là địa điểm không thể bỏ qua trong bất cứ hành trình du lịch Cần Thơ. Bến Ninh Kiều thu hút du khách bởi cảnh sông nước quyến rũ và vị trí thuận lợi nhìn ra sông Hậu Giang hiền hòa.

Cầu đi bộ Cần Thơ nối liền bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế, tuy chỉ mới xuất hiện nhưng cầu đi bộ Ninh Kiều đã trở thành địa điểm yêu thích của du khách đến thưởng ngoạn, đi dạo trên cầu, chụp ảnh lưu niệm cũng như tận hưởng làn gió mát rượi từ sông Hậu thổi vào. Bạn có thể tới thưởng thức khung cảnh hữu tình và ngắm nhìn cầu Cần Thơ hay đi dạo chợ đêm ở khu vực này.

Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Đi Cần Thơ mà không đi chợ nổi thì quả thật là một thiếu sót vô cùng lớn. Chợ nổi là một nét văn hoá đặc trưng của người dân miền Tây Nam là danh sách điểm đến phải có dù bạn đi Tour Miền Tây hay tự túc. Du khách sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ và tìm hiểu cuộc sống lênh đênh nơi sông nước của người dân nơi đây. Các xuồng bán phở, hủ tiếu, cà phê (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan. Thưởng thức tô hủ tiếu ngay giữa vùng sông nước là một trải nghiệm mới lạ và thú vị. Bạn nên đi vào lúc tờ mờ sáng bởi vì đây là thời điểm chợ hoạt động sôi nổi và đông vui nhất. Tất tần tật những sinh hoạt mua bán hay ăn uống đều diễn ra trên sông, nhất định bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị ở đây.

Chùa Ông Cần Thơ

Chùa Ông với tên gốc là Quảng Triệu Hội Quán do người Hoa gốc Quảng Đông xây dựng từ năm 1894, là điểm đến hút du khách tham quan ở Cần Thơ. Ngôi chùa nổi bật trên đường Hai Bà Trưng (quận Ninh Kiều) bởi dáng dấp của kiến trúc và màu sắc sặc sỡ đặc trưng của người Hoa Nam Bộ và đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Vườn trái cây Phong Điền – Cần Thơ

Trong các điểm du lịch miệt vườn Cần Thơ, thì huyện Phong Điền là điểm đến nổi bật nhất. Phong Điền nổi tiếng với những khu du lịch sinh thái hấp dẫn và vô số vườn cây gia đình luôn sẵn sàng chào đón du khách. Du khách hãy một lần tới đây để tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức những đặc sản cây nhà lá vườn đầy hấp dẫn.

Vườn trái cây nơi đây phong phú về chủng loại quanh năm mùa nào thức ấy: vú sữa Lò Rèn, nhãn da bò, sầu riêng cơm vàng hạt lép, sầu riêng khổ qua, măng cụt, xoài cát, mít nghệ, cóc, đu đủ… nổi tiếng nhất là Dâu Hạ Châu. Đến Cần Thơ vào mùa nào trong năm, du khách cũng được thưởng thức hương vị thơm ngon, ngọt lành của trái cây tươi vừa mới thu hoạch. Điểm nhấn quan trọng nhất ở đây chính sự hồn hậu, mến khách của các lão nông tri điền.

Nhà cổ Bình Thủy – Cần Thơ

Là một trong ba ngôi nhà cổ nhất Tây Nam Bộ, nhà cổ Bình Thủy là điểm dừng chân tiếp theo của du khách tại Cần Thơ. Sở hữu sự nguy nga và lộng lẫy trong kiến trúc, nhà cổ Bình Thủy mang đến cho khách du lịch cảm giác “choáng ngợp” về sự bề thế.

Từ bên ngoài thì thiết kế của ngôi nhà mang kiến trúc Pháp song bên trong lại được xây dựng theo kiểu truyền thống, đậm nét phong cách gia đình Việt thời xưa. Nơi đây lưu giữ nhiều đồ vật quý giá nên nó là điểm du lịch lý tưởng mà nhiều người yêu thích.

Cồn Sơn – Làng du lịch cộng đồng ở Cần Thơ

Nét đẹp hoang sơ của cồn Sơn được ví như viên ngọc quý giữa phố thị và với loại hình du lịch cộng đồng, cồn Sơn đã tạo nên bản sắc mới cho ngành du lịch Cần Thơ. Cách đất liền không xa, nhưng Cồn Sơn có không gian hoàn toàn khác biệt. Du khách như bước vào một thế giới khác, yên tĩnh và trong lành với vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc tựa thời mở cõi.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Cần Thơ

Làng nổi Tân Lập Long An

Tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Long An có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Nhắc đến Long An, người ta thường nhắc đến với địa danh làng nổi Tân Lập. Nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên xanh mát cùng con đường xuyên rừng ấn tượng, không khí trong lành và không gian yên bình giúp bạn quên hết mệt mỏi, muộn phiền trong cuộc sống hàng ngày.

Khu du lịch Cánh đồng bất tận – Mộc Hóa – Long An

Khu du lịch cánh đồng bất tận thuộc khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười tọa lạc tại xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Đây củng là phim trường của bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng bất tận thực sự là điểm dừng chân hấp dẫn, thú vị cho những ai đam mê khám phá thiên nhiên đa dạng vùng Đồng Tháp Mười và tìm hiểu về các loại dược liệu, sản phẩm quý dùng để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Đến đây du khách được tận hưởng không khí trong lành với ẩm thực sạch đúng nghĩa, tham quan nhà máy chế biến tinh dầu thảo dược và học cách chế biến tinh dầu…

Nhà cổ trăm cột Long An

Nhà cổ trăm cột tọa lạc tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đây là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia rất có giá trị  mang nhiều nét kiến trúc độc đáo mà du khách không thể không ghé thăm. Điều đặc biệt là ngôi nhà không chỉ có hơn 100 cột, mà còn vì đây là ngôi nhà “rường” miền trung điển hình nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại với bao biến thiên của thời cuộc, sự phong hóa của thời gian nhưng ngôi nhà cơ bản vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn nguyên vẹn, minh chứng cho một thời vàng son của dòng họ, sự trù phú của vùng đất.

  • Xem thêm:

    Những địa điểm du lịch Long An

Cù lao Thới Sơn Tiền Giang

Với những ai yêu thích không gian làng quê mát mẻ cùng những hoạt động trải nghiệm đặc sắc về cuộc sống miền sông nước thì cù lao Thới Sơn được xem là lựa chọn hàng đầu.

Cù lao Thới Sơn còn gọi là cồn Thái Sơn hay cồn Lân, nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Du lịch Miền Tây, đến với cù lao Thới Sơn, bạn sẽ được trải nghiệm hình thức du lịch đặc trưng của miền sông nước, đó là đi xuống đò xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi tản bộ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái sum suê, ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong và nghe đờn ca tài tử.

Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè là nơi tiếp giáp của ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Nơi đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ cùng với chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi Cái Bè vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa của chợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bạn sẽ bắt gặp những con thuyền chở đầy những trái cây, đặc sản của miền Tây như: dứa, xoài, thanh long, lãnh, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè,…Chợ nổi Cái Bè hoạt động nhộn nhịp vào lúc sáng sớm và tản dần lúc trưa, nhưng suốt ngày vẫn còn hoạt động.

Miệt vườn Cái Bè – Tiền Giang

Miệt vườn Cái Bè thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những miệt vườn nổi tiếng trong bản đồ du lịch miền Tây, nằm dọc theo bờ bắc của sông Tiền. Vùng đất này được bao bọc xung quanh bởi những con sông, dòng kênh rạch chứa đầy phù sa màu mỡ là điều kiện thuận lợi cho người dân trồng chuyên canh cây ăn quả như chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc, xoài bởi, xoài thơm, bưởi năm roi, nhãn long, nhãn tiêu da bò, cam sành, cam mật sầu riêng, sầu riêng sữa hạt lép, ổi, táo, quýt…Hiện nay ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè được mệnh danh là miệt vườn phong phú vào bậc nhất vì trái cây có bốn mùa, đa dạng mùa nào thức ấy, nên du khách có thể đến du lịch miệt vườn Cái Bè quanh năm. Đến với miệt vườn Cái bè, ngoài việc tham quan, thưởng những những trái cây ngon ngọt, bạn còn được thử qua những món ăn đặc sản của vùng sông nước miền Tây.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp – Cái Bè – Tiền Giang

Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 46km. Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ nổi tiếng nhất ở nước ta.Trong làng có nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn, tôn tạo và có tuổi đời hơn 100 năm. Đặc biệt ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt xây dựng từ năm 1838, được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” của Việt Nam. Đến với làng cổ du khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách, thật thà của cư dân vùng sông nước, miệt vườn Nam bộ. Du khách được nghỉ đêm trong những ngôi nhà cổ (homestay), trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt bình dị cùng gia chủ.

Cù Lao Tân Phong

Đối diện chợ nổi Cái Bè về phía Nam, cù lao Tân Phong thuộc địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nổi lên giữa dòng sông Tiền như một con thuyền chở đầy trái ngọt. Được mẹ thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu mát mẻ, đất đai trù phú màu mỡ, quanh năm cây trái sum sê, trĩu quả, đặc biệt là vào mùa chôm chôm chín, khắp cù lao “nhuộm” màu đỏ rực. Du khách đến với Tân Phong sẽ được trải nghiệm thú vui đạp xe quanh làng chiêm ngưỡng vườn cây ăn trái. Đò chèo (xuồng nhỏ chèo bằng tay) tham quan đời sống của người dân miệt vườn theo những con lạch nước, nghe đờn ca tài tử, hái cây ăn tại vườn…

Trại rắn Đồng Tâm – Tiền Giang

Góp phần tạo nên sự hấp dẫn của du lịch Tiền Giang thì phải kể đến Trại rắn Đồng Tâm. Là nơi bảo tồn rắn lớn nhất miền Tây, đây được xem là điểm du lịch vừa sợ hãi lại vừa thích thú.

Tới đây, bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng từ những loài rắn hiền lành không độc, đến các loài rắn cực độc. Rắn tại đây được nuôi thả tự do, gồm 3 khu vực phù hợp với tính chất mỗi loài: khu vực nuôi theo kiểu đảo hồ nước, khu vực nuôi rắn độc và khu vực nuôi trăn.

Chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang

Khi khám phá các địa điểm du lịch Tiền Giang thì chùa Vĩnh Tràng là nơi không bạn không nên bỏ qua, nhất là với bạn yêu kiến trúc hay du lịch tâm linh. Kiến trúc của chùa Vĩnh Tràng rất độc đáo và lạ mắt khi mang đầy đủ những nét đẹp của Châu Á từ những vòm cửa mang vẻ đẹp của La Mã, gạch men của Nhật,…

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác Tiền Giang

Một Thiền viện mà du khách không nên bỏ lỡ nếu có dịp ghé đến Nam Bộ đó là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Tọa lạc tại ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, Tiền Giang, thiền viện Chánh Giác được mệnh danh là “Tiểu Ấn Độ” giữa lòng Tiền Giang. Đến đây, du khách có thể tận hưởng cảm giác thư thái và đặc biệt ở đây có những góc chụp ảnh mê người.

Thiền viện Chánh Giác được xây dựng từ năm 2012, theo mô hình của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt nhưng lớn hơn nhiều với tổng diện tích trên 50 ha. Điểm thu hút thiền viện là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ, được tạc bằng đá ngọc, dát vàng bên ngoài. Nếu có dịp đến Tiền Giang, hãy đến chiêm bái thiền viện Trúc Lâm Thánh Giác, tu học theo hướng Thiền tông Việt Nam hoặc đơn giản chỉ là tìm một nơi để tâm hồn lắng đọng.

  • Xem thêm:

    Những địa điểm du lịch Tiền Giang

Cồn Phụng Bến Tre

Nhắc tới du lịch Bến Tre thì không ai không liên tưởng tới những vườn dừa xanh mát. Nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông mà nơi đây có một hệ thống sông ngòi chằng chịt lên tới 6.000km. Bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị khi đặt chân lên tới mảnh đất màu mỡ này.

Xuôi dòng sông Tiền để đến với Cồn Phụng  – điểm tham quan Đạo Dừa nổi tiếng ở Bến Tre. Đây là một bảo tàng lưu giữ nhiều hiện vật sinh động giúp bạn tái hiện được cuộc sống của người dân xứ Dừa. Nơi đây là cơ sở chuyên sản xuất kẹo dừa – đặc sản của Bến Tre mà ai ăn cũng ghiền.

Vườn trái cây Cái Mơn – Chợ Lách

Nếu như Cái Bè là miệt vườn trái cây nổi tiếng của tình Tiền Giang thì Cái Mơn cũng được mệnh danh là miệt vườn tiêu biểu của Bến Tre. Miệt vườn Cái Mơn nằm ở huyện Chợ Lách, các vườn cây Cái Mơn được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, phù sa tươi tốt, khí hậu ôn hòa quanh năm, trù phù các loại trái cây như: Sầu riêng, coài, chôm chôm, bưởi, nhãn, mận…Khi ghé thăm Vườn trái cây Cái Mơn, bạn không nên bỏ qua sầu riêng Chín Hóa (sầu sữa) và bưởi da xanh Hải Hòa…. Những đặc sản hấp dẫn này sẽ để lại cho bạn một trải nghiệm khó quên trong chuyến du lịch Bến Tre mà bạn sẽ không thể tìm thấy được ở bất cứ nơi nào khác.

  • Xem thêm:

    Những địa điểm du lịch Bến Tre

Cù Lao An Bình – Vĩnh Long

Được mệnh danh là “ốc đảo xanh”, cù lao An Bình là cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc huyện Long Hồ, được ví như như hình ảnh thu nhỏ của Vĩnh Long. Quanh năm được sông Cổ Chiên và Hàm Luông bồi đắp phù sa nên nơi đây đất đai rất màu mỡ, cây cối tươi tốt. Tại cù lao An Bình, bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng lý thú như được người dân chèo ghe tam bản đưa len lõi qua những con rạch ngắm vườn chôm chôm chín đỏ hay vườn nhãn trĩu quả hai bên bờ; hay đạp xe trên những con đường làng rợp bóng cây, hít thở khí trời miệt vườn yên bình, êm ả.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long

khi chúng ta đến với vũng đất Vĩnh Long, thì không thể nào quên ghé thăm Chùa Phật ngọc xá lợi. Đó chính là điểm văn hóa; du lịch tâm linh của khu vực Miền Tây Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.Chùa Phật Ngọc Xá Lợi tọa lạc trên QL80, Tân Ngải, tỉnh Vĩnh Long. Chùa có ngôi Bảo tháp Xá lợi miền Tây là một di tích lịch sử Phật giáo của vùng đồng bằng Sông Cửu Long do cố HT.Thích Thiện Hoa khởi xướng xây dựng từ năm 1970.

Làng Gốm Vĩnh Long

Nghề sản xuất gạch gốm ở Vĩnh Long tập trung tại huyện Măng Thít và Long Hồ, từ một làng nghề truyền thống đã nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Có đến Vĩnh Long mới thấy hết được sự kỳ diệu của đất và đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm. Gốm đất Vĩnh Long mang nét đặc trưng riêng có với màu đỏ tự nhiên nên được dân gian thường gọi là “Vương quốc đỏ”. Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách dòng Cổ Chiên, kéo dài 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, trên 1.000 lò gạch mọc lên như một thành phố cổ.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Vĩnh Long

Ao Bà Om – Chùa Âng Trà Vinh

Nhắc tới Trà Vinh, người ta nghĩ đến miền đất của những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng những danh lam thắng cảnh gắn liền với những huyền thoại trong hành trình khai phá, gầy dựng phương Nam. Trong đó nổi bật nhất là di tích Ao Bà Om – Chùa Âng.

Ao Bà Om nằm cạnh Quốc lộ 53, cách TP Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây Nam, trên địa bàn khóm 4, phường 8. Ao có diện tích rất lớn nước trong xanh tĩnh lặng được bao bọc bởi hàng trăm cây sao, dầu cổ thụ trăm tuổi với những bộ rễ trồi lên mặt đất, hình thù kỳ dị, thân cây cao vút, bốn mùa rợp bóng thâm u tạo không gian thanh bình, tĩnh tại. Ao Bà Om có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng hầu hết các truyện xoay quanh ba chủ đề chính: giải thích tên gọi ao Bà Om, lý giải việc người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ.

Cạnh ao Bà Om, là chùa Âng – ngôi chùa Khmer cổ kính vào loại bậc nhất Tây Nam Bộ. Chùa Âng (tên chữ Ang Korajaborey) tọa lạc trên quốc lộ 53, thuộc phường 8, TP Trà Vinh được xây dựng cách đây hơn 10 thế kỷ, nằm trong khu quần thể thắng cảnh Ao Bà Om, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 5 km về hướng Tây Nam. Tham quan chùa, bạn sẽ thấy mình đang lạc vào một chốn thanh tịnh, yên bình vô cùng vì khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây xanh tươi tốt quanh năm tỏa bóng mát rượi. 

Chùa Hang Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh thành có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo của người Khmer. Chùa Hang là điểm đến đầu tiên mà du khách phải ghé thăm tại Trà Vinh. Chùa Hang còn được gọi với tên chữ là Kompông Chrây. Chùa tọa lạc trên quốc lộ 54, ấp Tầm Phương, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Với vẻ đẹp hoang sơ pha chút bí ẩn, chùa Hang là ngôi chùa nổi tiếng với chiếc cổng được thiết kế rất giống một cái hang.

Cồn Chim – Trà Vinh

Cồn Chim là điểm đến mới ra mắt của tỉnh Trà Vinh với mô hình du lịch cộng đồng độc đáo. Đặt chân lên xứ cồn du khách sẽ có cảm giác thanh bình đến lạ thường. Không gian đồng ruộng ngút ngàn, con đường rợp bóng dừa, những căn nhà lá mát mẻ… cùng sự niềm nở, mến khách của người dân Cồn Chim đã dần chiếm trọn cảm tình khách phương xa. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống thuận thiên, cách bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa đầy sức đặc sắc của người dân địa phương. Ngoài ra bạn còn được thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, thử sức câu cua, nghe những điệu hò, bản đờn ca tài tử ngọt ngào đậm chất Nam Bộ.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Trà Vinh

Chùa Dơi Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh thành có người Khmer sinh sống nhiều nhất ở miền Tây, vì thế những điểm du lịch ở Sóc Trăng đa phần là những ngôi chùa Khmer. Trong số các ngôi chùa đặc sắc ở Sóc Trăng thì chùa Dơi là ngôi chùa được khách du lịch tham quan nhiều nhất.

Chùa Dơi còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng, với kiến trúc đậm màu văn hóa dân tộc Khmer. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 tuổi, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.

Chùa Chén Kiểu – Sóc Trăng

Chùa Sà Lôn hay tên thường gọi là chùa Chén Kiểu, được xây dựng từ năm 1815 thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Chùa nằm ngay quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km, theo hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu đường đi thuận tiện.

Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc nguyên thuỷ của trường phái Phật giáo Nam Tông, nguyên liệu xây chùa là hàng ngàn mảnh sành sứ vụn được kết lại tỉ mỉ, hài hoà, đẹp mắt. Khuôn viên của những ngôi chùa tại Sóc Trăng luôn được che chắn thấp thoáng sau những hàng cây cổ thụ. Đến đây không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thanh tịnh, du khách còn được tìm hiểu những thư tịch cổ của người Khmer Nam Bộ, cảm nhận không gian sinh hoạt, đời sống của bà con người Khmer.

Chùa Som Rong

Chùa Som Rong có tên đầy đủ là chùa Botum Vong Sa Som Rong. Chùa tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, Phường 5, TP Sóc Trăng. Đây là một trong những ngôi chùa thu hút đông đảo khách tìm đến tham quan chụp ảnh bởi kiến trúc như chùa cổ của người Khmer với những đường nét chạm khắc tinh xảo, độc đáo.

Điều khiến chùa Som Rong Sóc Trăng trở thành nơi thu hút giới trẻ chính là ngôi bảo tháp hoành tráng trong khuôn viên của Chùa. Kiến trúc này được sơn màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối.

Chùa Phật Học 2 Sóc Trăng

Chùa Phật Học 2 hay còn gọi là chùa Quan Âm Linh Ứng tọa lạc tại phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và có diện tích lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Ghé thăm chùa, du khách sẽ được ngắm những bức tượng Phật Thích Ca, Phật Như Lai, Phật Di Lặc, Phật Bà Quan Âm… được thiết kế rất công phu mang đầy tính nghệ thuật. Đặc biệt, nổi bật giữa hồ là chiếc Thuyền Bát Nhã có diện tích 6.000m2 không đáy tượng trưng cho trí tuệ, chở 8 vị Phật ngự giữa biển như một điểm nhấn tiêu biểu của ngôi chùa.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Sóc Trăng

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng – Hậu Giang

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là vùng đồng trũng ngập nước rộng lớn trải dài từ phía Tây sông Hậu đến tận vùng U Minh thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Lung Ngọc Hoàng có hệ sinh thái phong phú, đa dạng và được mệnh danh là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với môi trường sống của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với điều kiện tự nhiên đặc hữu và giàu có, khu bảo tồn thiên nhiên này trở thành điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái. Du lịch Hậu Giang, về Lung Ngọc Hoàng, bạn sẽ có dịp đi xuồng len lỏi trong rừng tràm rợp mát, xem tận mắt những gốc tràm to lớn, xòe bộ rễ như chiếc đầm độc đáo… và ngắm những bầy le le, cò trắng tung cánh chao lượn giữa bốn bề thiên nhiên xanh mướt. Thú vị hơn, bạn có thể đi câu và được hướng dẫn kéo vó, đặt lờ, lộp bắt cá… đúng chất nông dân. Sau đó, với các sản vật phong phú quanh Lung, cùng tài chế biến của thổ địa xứ này bạn sẽ được thưởng thức thành quả đánh bắt với đủ món ngon hấp dẫn.

Làng du lịch cộng đồng Cánh đồng khóm Cầu Đúc – Hậu Giang

Làng du lịch cộng đồng cánh Cánh Đồng khóm Cầu Đúc (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh) là điểm đến mới lạ thích hợp với những ai muốn khám phá thiên nhiên, về với đồng ruộng. Đến làng du lịch cộng đồng cánh đồng khóm Cầu Đúc bạn sẽ được bơi xuồng len lỏi trong vườn khóm xanh mát, cảm nhận được vẻ hoang sơ, nét độc đáo, bình dị và nên thơ. Đây còn là nơi bạn có thể lưu lại nơi đây bức hình lung linh. Ngoài ra bạn có cơ hội trãi nghiệm đổ bánh xèo khóm cùng người dân miền Tây rất hiếu khách. Thưởng thức nhiều món làm từ khóm như: dưa khóm, kẹo khóm, mứt, nước ép, rượu khóm…

Vườn tre Hậu Giang

Vườn tre tọa lạc ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Nơi đây có hàng ngàn cây đan xen trãi dài thẳng tắp xanh mướt mắt tạo thành không gian yên bình, thơ mộng, hiếm có khó tìm ở khắp vùng Miền Tây. Đến đây, du khách được ngắm những tiểu cảnh đậm chất quê nhà, tất cả đều làm từ tre, lá quê hương và thưởng thức món ăn dân dã.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Hậu Giang

Nhà Công Tử Bạc Liêu

Đa phần khách du lịch Bạc Liêu nhất định phải ghé thăm Nhà công tử Bạc Liêu. Tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Với thiết kế theo phong cách Pháp và vật liệu chuyển từ Pháp sang, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ 20. Du khách đến đây ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, du khách còn có dịp nghe kể về cuộc đời “dân chơi” của công tử giàu nhất miền nam thời bấy giờ.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu

Ngày nay, Bạc Liêu được giới trẻ biết đến nhiều hơn khi sở hữu cho mình điểm đến ấn tượng đó là Cánh đồng quạt gió. Hình ảnh những cối xay gió to lớn giữa biển trời mênh mông như những chiếc chong chóng khổng lồ trên nền trời cao rộng là background chụp ảnh lộng lẫy như trời Tây. Từ trung tâm TP Bạc Liêu, bạn đi theo đường Cao Văn Lầu về hướng biển khoảng 20km là sẽ gặp.

Quan Âm Phật Đài – Mẹ Nam Hải Bạc Liêu

Du khách có thể đến cầu may mắn hay tận hưởng giá trị thiêng liêng tại Quan Âm Phật Đài Mẹ Nam Hải thuộc phường Nhà Mát, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 8km. Đây là một công trình kiến trúc – văn hóa – tâm linh nổi tiếng bật nhất ở Bạc Liêu. Đến đây bạn sẽ choáng ngợp trước bức tượng Mẹ Nam Hải cao 11 mét, đứng sững sững uy nghi trên đài sen trắng khổng lồ hướng ra biển Đông lộng gió giữa không gian thoáng đãng rộng hàng chục hecta.

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Trong chuyến về thăm miền Tây, dừng chân trên mảnh đất Bạc Liêu bạn đừng quên dành thời gian đến thăm khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu để nghe những câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc Dạ Cổ Hoài Lang nổi tiếng.

khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu  tọa lạc tại Phường 2, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Đây là nơi ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ; đồng thời, là nơi bảo tồn, trưng bày và lưu niệm nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu luôn là điểm đến mà nhiều du khách lựa chọn mỗi khi có dịp ghé thăm Bạc Liêu. Không chỉ để bày tỏ tình cảm với vị nhạc sĩ tài hoa, mà còn là cách để những người yêu thích môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tìm hiểu sâu hơn những giá trị của môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Quảng Trường Hùng Vương – Nhà Hát Cao Văn Lầu

Quảng trường Hùng Vương tọa lạc tại phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Quảng trường nằm trong khu trung tâm hành chính tỉnh, là một trong những Quảng trường đẹp nhất khu vực Miền Tây Nam Bộ. Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu. Nổi bật nhất là cây đờn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu thể hiện sự trường tồn và phát triển của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và của văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Bạc Liêu nói riêng.

Trong khuôn viên quảng trường còn có Trung tâm triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá, chóp nón hướng vào nhau vô cùng độc đáo.

  • Xem thêm

    Những địa điểm du lịch Bạc Liêu

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam An Giang

Nổi danh là vùng thất sơn bảy núi, An Giang là mảnh đất hiếm hoi ở Tây Nam Bộ có sự kết hợp hài hòa giữa núi non và đồng bằng. Sở hữu cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, thơ mộng mà nơi đây là một bức tranh thu nhỏ vẻ đẹp của miền Tây sông nước.

 Miếu Bà Chúa Xứ là điểm du lịch Châu Đốc linh thiêng nổi tiếng thường được nhắc đến khi nói về An Giang. Đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và chiêm bái mỗi năm, Miếu Bà Chúa Xứ tự hào là một trong những công trình tín ngưỡng lớn nhất miền Tây.

Chùa Hang Châu Đốc

Chùa Hang cái tên thân thuộc mà người dân đặt cho một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Châu Đốc – An Giang đó là chùa Phước Điền. Chùa, tọa lạc trên triền núi Sam gần cụm di tích Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu. Du lịch An Giang, đến thăm chùa Hang bạn sẽ như đi qua cánh cửa mở ra một thế giới mới để trút bỏ mọi vấn vương bụi trần, hòa mình vào không an yên ả trong lành và êm dịu như chốn cổ tích.

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm này thuộc huyện Tịnh Biên và có diện tích lên tới 850ha gồm hệ sinh thái phong phú. Nơi đây chính là biểu trưng cho nét đẹp của du lịch An Giang trong mùa nước nổi. Với khí hậu mát mẻ, trong lành cùng với khung cảnh xanh mát, thanh bình của rừng tràm khiến cho du khách chỉ muốn ở mãi không muốn về. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên.

Cánh đồng Tà Pạ – Chùa Tà Pạ

Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer. Sự trong lành, mát mẻ của không khí nơi đây, cùng với những hàng cây thốt nốt cao vút bao quanh cánh đồng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh đồng quê thật sinh động, mơ màng. Với vẻ đẹp say đắm lòng người của cánh đồng lúa Tà Pạ, chắc hẳn đây sẽ là điểm đến tuyệt vời trong hành trình du lịch An Giang của bạn.

Chùa Tà Pạ, người dân nơi đây còn gọi là Chùa Núi (Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) thuộc xã Núi Tô – huyện Tri Tôn. Chùa Tà Pạ được xây dựng trên ngọn đồi Tà Pạ, nằm ở độ cao 45 mét so với mặt đất, được bao quanh bởi rừng cây nên bầu không khí rất trong lành, thoáng đảng khiến cho du khách đến đây có cảm giác thư giãn và bình yên đến vô cùng. Nếu bạn nào đang tìm cho mình một chốn vừa yên tĩnh vừa có cảnh đẹp thì chùa Tà Pạ là điểm đến lý tưởng. Đặc biệt, nếu đứng vị trí ngôi chùa bạn có thể phóng tầm mắt quan sát cả một miền An Giang rộng lớn. Thấy được núi Cô Tô, núi Cấm hùng vĩ, thấy được những cánh đồng Tà Pạ trải dài bất tận.

Làng nổi cá bè Châu Đốc

Sông nước miền Tây là một nét đặc trưng độc đáo mà ít nơi nào có được. Nếu ghé thăm thành phố Châu Đốc (An Giang), bạn sẽ không khỏi bâng khuâng khi ngắm nhìn làng nổi cá bè Châu Đốc trên sông Hậu. Những ngôi nhà đơn sơ lấp lánh trên dòng sông quê hương.

Làng Chăm An Giang

Một chuyến hành trình du ngoạn tại vùng đất huyền bí An Giang, dù đi đâu làm gì thì bạn cũng đừng quên ghé thăm làng Chăm, một nơi không thể thiếu trong các lịch trình khám phá văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm. Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Giang là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường lỗng lẫy.

Núi Cấm An Giang

Nổi bật trong dãy Thất Sơn của An Giang là ngọn núi Cấm cao khoảng 710m so với mực nước biển trung bình. Núi Cấm còn gọi là Thiên Cấm Sơn, nằm ngay trung tâm của vùng Bảy núi chính vì thế núi Cấm có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đặc biệt, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long với khí hậu mát mẻ được ví như một phiên bản “Đà Lạt” của miền Tây.

Thánh Đường Cù Lao Giêng An Giang

Thánh Đường Cù Lao Giêng toạ lạc tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đây là nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất và lâu đời nhất ở Miền Tây. Ngôi thánh đường cổ đầu tiên ở xứ Nam Kỳ (trước Nhà thờ Đức Bà, TP. Hồ Chí Minh), được xây dựng từ năm 1877, các vật liệu được chuyên chở từ Pháp qua. Trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử, kiến trúc nhà thờ vẫn tồn tại nguyên vẹn; giữa cù lao khuất nẻo, rợp bóng cây xanh nổi lên ngôi thánh đường cổ kính, uy nghi theo phong cách phương Tây làm cho du khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Đó cũng là niềm tự hào của họ đạo về một di tích cổ xưa của lịch sử Giáo hội Thiên chúa.

Trên cù lao Giêng còn có các công trình kiến trúc độc đáo như: Tu viện chúa Quan phòng, xây dựng năm 1864, theo lối kiến trúc Romane, Tu viện Phanxico rộng 71.000m2, xây dựng theo phong cách Gothic, chùa Phước Thành, Chùa Đạo Nằm và các điểm du lịch miệt vườn để du khách nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức trái cây.

Cù lao Ông Hổ – An Giang

Xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng hay còn gọi là cù lao Ông Hổ được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được nét quê đậm chất, có nhà cổ, cuộc sống thuần nông, bên cạnh đó điểm nhấn là những ngôi đình, chùa. Đặc biệt là Bửu Long Cổ tự mà người dân còn hay gọi với cái tên thân thuộc “Chùa ông Hổ” gắn liền với địa danh này là những câu chuyện xưa kể về nghĩa tình giữa người và hổ, được bà con địa phương lưu giữ và truyền miệng cho đến nay. Trên cù lao, kênh rạch chằng chịt, đến đây bạn có thể tham quan vườn táo hồng, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các nhà cổ trăm tuổi và các làng nghề truyền thống.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch An Giang

Vườn Quốc Gia Tràm Chim Đồng Tháp

Nằm ở trung tâm của Đồng Tháp Mười, du lịch Đồng Tháp là hành trình du khách tham quan khám phá vùng đất trũng nước lớn nhất Tây Nam Bộ. Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên ngập nước đặc trưng, Đồng Tháp đã cho ra đời nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Tại Đồng Tháp, tiêu biểu về độ rộng lớn và hấp dẫn của thiên nhiên thì chúng ta không thể không nhắc đến vườn quốc gia Tràm Chim. Là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất miền Tây, vườn quốc gia Tràm Chim là nơi sinh sống của nhiều loài chim quý hiếm trong đó có sếu đầu đỏ.

Khu di tích Xẻo Quýt

Nằm cách trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 30km, trên địa bàn hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, khu di tích lịch sử kết hợp sinh thái Xẻo Quýt sẽ mang đến cho du khách cảm giác như lạc vào rừng nguyên sinh với khung cảnh tuyệt đẹp.

Làng hoa Sa Đéc 

Làng hoa Sa Đéc là điểm yêu thích của đông đảo du khách tại Đồng Tháp mỗi khi xuân về. Là xứ sở của hàng trăm loài kì hoa dị thảo, làng hoa kiểng Sa Đéc tự hào là thiên đường hoa kiểng của Miền Tây.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Sa Đéc

Nằm bên bờ sông Tiền, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ngày nay tọa lạc tại địa chỉ số 255A đường Nguyễn Huệ, ngay sát chợ trung tâm Sa Đéc. Ngoài giá trị về kiến trúc và lịch sử, ngôi nhà còn nổi tiếng bởi chuyện tình xuyên biên giới của cô gái Pháp Marguerite Duras và chàng công tử người Việt gốc Hoa, Huỳnh Thủy Lê, vào những năm đầu thế kỷ XX. Sau đó, bà Marguerite Duras đã đem câu chuyện của mình viết nên cuốn tiểu thuyết L’Amant, tiếng Việt là Người tình. Tác phẩm được giải Goncourt (giải thưởng văn chương danh giá nhất của Pháp) và dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới, và được chuyển thể thành phim cùng tên.

Kiến An Cung (Chùa Ông Quách)

Đến Tp.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp mà không đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trầm mặc pha lẫn nét uy thiêng của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Kiến An Cung thì chuyến đi thực sự chưa trọn vẹn. Người dân bản xứ vốn quen gọi ngôi chùa này là chùa Ông Quách được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến di cư sang đây lập nghiệp. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, rực rỡ theo phong cách đền miếu của Trung Hoa với những đường nét, họa tiết, hoa văn, tiểu tượng rất công phu, tinh xảo.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Đồng Tháp

Hà Tiên Thập Cảnh – Kiên Giang

Nằm về hướng Tây – Bắc của tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc sơn thủy hữu tình đầy thơ mộng, quyến rũ du khách thập phương. Vùng đất biên thùy nổi tiếng có “thập vịnh” cảnh từng đi vào nhiều áng văn thơ của những bậc thi nhân đại tài, có những di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo cổ kính, linh thiêng đã trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều người. Một trong những danh lam thắng cảnh nổi bật đó chính là bãi biển Mũi Nai. Khác với phần lớn các bãi biển tại Việt Nam đều nằm về phía Đông, nơi mỗi sáng đón bình minh lên rạng rỡ, Mũi Nai nằm tại vị trí tây nam của tổ quốc, nơi bạn sẽ được ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Với bãi biển hình mảnh trăng lưỡi liềm, Mũi Nai sóng nhẹ, nước trong, bãi biển nông quanh năm. Vào buổi chiều tối, có rất đông khách du lịch và người dân đến đây tắm biển, nghỉ ngơi. Và đương nhiên, ngắm hoàng hôn là một trong những điều hấp dẫn nhất ở Mũi Nai, một việc mà du khách khi đã đến nơi này sẽ không bỏ qua.

Đảo Phú Quốc – Kiên Giang

Hòn đảo nổi tiếng nằm trong danh sách các địa điểm tham quan du lịch phải đi ở tỉnh Kiên Giang. Với không khí mát mẻ, trong lành, nước biển trong xanh bãi cát dài trắng mịn cùng nhiều món đặc sản thơm ngon chính là những điều tuyệt vời núi kéo khách mỗi khi du lịch Phú Quốc.

Đảo Hải Tặc – Kiên Giang

Đảo Hải Tặc ở Kiên Giang được xem là một điểm đến lạ lùng ngay từ tên gọi. Thực chất đây là tên của một quần đảo gồm 16 hòn đảo mà lớn nhất là đảo Hòn Tre (Hòn Đốc), nằm ở xã Tiên Hải, huyện Hà Tiên. Nơi đây cách bờ biển Hà Tiên gần 28 km và đảo Phú Quốc 40 km. Đa phần diện tích đảo là cây rừng che phủ, nơi giáp với nước mặn là ghềnh đá trơ trọi và hoang sơ.

Tại đây, ngoài việc được tìm hiểu và nghe những người bản địa kể lại những câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ tên gọi của quần đảo Hải Tặc. Sào huyệt của cướp biển nay đã trở thành điểm tham quan với bãi cát trắng cùng những làng chài nằm yên bình dưới tán rừng nhiệt đới hoang sơ.

Đảo Nam Du – Kiên Giang

Đảo Nam Du nổi tiếng là điểm du lịch cuốn hút với vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc mà trữ tình. Nằm ở phía đông nam đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du thuộc hai xã An Sơn và Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá khoảng 80 km. Sở hữu phong cảnh nguyên sơ, hữu tình với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, những rạn san hô, đàn cá đủ sắc màu cùng nhiều loại hải sản tươi ngon đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Khi đến đến với Nam Du, hầu hết du khách không thể bỏ qua bãi Mến ở hòn Lớn – bãi tắm được cho là đẹp nhất quần đảo và các hòn đảo xung quanh như Hòn Ngang, Hòn Mấu, Hòn Dầu…

Hòn Sơn – Kiên Giang

Nằm trên cung đường của chuyến tàu từ Rạch Giá ra Nam Du mà nơi đây đang là điểm đến thu hút đông đảo giới trẻ. Với vẻ đẹp tự nhiên, có chút hoang sơ mà nơi đây đang gìn giữ được thì bạn sẽ có những giây phút thư giãn hết mình khi tới hòn đảo xinh đẹp này.

Quần Đảo Bà Lụa

Quần đảo Bà Lụa thuộc xã Sơn Hải và Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên biển Tây vẫn còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, làn nước trong xanh. Trong đó nổi bật nhất là Ba Hòn Đầm gồm Đầm Giếng, Đầm Dương và Đầm Đước. Xung quanh đảo nước cạn nên bạn có thể đi từ đảo này sang đảo khác để tham quan, tắm biển và chụp hình mà rất an toàn. Thậm chí, bạn có thể bắt sò, bắt nhum, mò ốc dưới lớp cát hoặc các bụi rong biển, rất thú vị.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Kiên Giang

Mũi Cà Mau

Du lịch Cà Mau là hành trình mà chúng ta tìm đến mảnh đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc. Và Mũi Cà Mau là một trong địa danh mà bất cứ ai cũng muốn được một lần đặt chân đến. Mũi Cà Mau nằm ở xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km.

Rừng U Minh

Rừng U Minh là một khu rừng rất đặc thù và đã được xếp hạng quý hiếm độc đáo trên thế giới vì nó mang một vẻ đẹp hùng vĩ nhưng đầy hoang sơ. Rừng có diện tích rộng khoảng 2000 km2 và chia thành hai khu rõ ràng được chia cắt bởi con sông Trẹm và sông Cái Tàu đó là rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Do nhiều nguyên nhân tác động, rừng tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn và loại rừng nguyên sinh chiếm phần lớn ở đây.

Du lịch sinh thái rừng U Minh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của rừng tràm trên đất than bùn, khám phá hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước với nhiều loài động vật quý hiếm; tham quan sân chim, máng dơi; quan sát động vật hoang dã về đêm. Tận hưởng không khí trong lành với không gian khoáng đãng, tha hồ thưởng thức các món ăn ngon thuở khai hoang. Đặc biệt còn được tìm hiểu truyền thống lịch sử và trải nghiệm cuộc sống của cư địa phương.

  • Xem thêm

    : Những địa điểm du lịch Cà Mau

Mang đậm bản sắc vùng quê sông nước, những hình ảnh hiện lên trong tâm trí bao người về vùng đất này là cọng lục bình, dòng phù sa mùa nước nổi, cánh đồng mạ non xanh mướt, đàn vịt chạy đồng chí chóe kêu la, cho đến từng ngọn dừa, bông hoa điên điển, những đàn cá rô đồng nối đuôi nhau lượn thiệt lẹ dưới con mương… Những ai từng đặt chân đến miền sông nước Tây Nam Bộ đều ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, không hề phô trương, hoa mỹ của cảnh vật và con người nơi đây.

Rate this post

Viết một bình luận