Dịch vụ công là gì? Đăng ký dịch vụ công trực tuyến thế nào?
Việc quy định các dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp cho Nhà nước quản lý các hoạt động trong đời sống xã hội một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, mà còn cải thiện chất lượng của việc giải quyết các thủ tục hành chính, tránh gây chậm trễ, rườm rà cho người dân. Vậy dịch vụ công được quy định như thế nào, thủ tục đăng ký dịch vụ công trực tuyến thực hiện ra sao? Luật Minh Gia sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn đọc qua bài viết sau.
1. Dịch vụ công là gì?
Khái niệm dịch vụ công theo quy định hiện hành có thể được hiểu thông qua Nghị định 32/2019/NĐ-CP như sau: Dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện trong một số lĩnh vực nhất định.
Trong đó, các lĩnh vực thuộc phạm vi thực hiện của dịch vụ công bao gồm: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; xây dựng; lao động thương binh và xã hội; tư pháp và các lĩnh vực khác theo quy định của Chính phủ.
2. Dịch vụ công trực tuyến là gì?
Trong thời đại công nghệ hiện nay, các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng cần thay đổi để phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Do đó, dịch vụ công cũng là một trong những nội dung được công nghệ hóa bằng việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Trước đây, đã có văn bản pháp luật định nghĩa về vấn đề này, theo khoản 2 điều 3 Thông tư 26/2009/TT-BTTTT, dịch vụ công trực tuyến được hiểu là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Quy định này góp phần giảm thiểu một số thủ tục hành chính theo phương pháp truyền thống gây ra sự rườm rà, chậm trễ khi giải quyết cho người dân. Ngoài ra, nó cũng tăng cường tính bảo mật bởi được quản lý bằng công nghệ cao, giảm bớt các loại sổ sách, giấy tờ gây tổn thất không nhỏ đến ngân sách nhà nước.
3. Các loại dịch vụ công trực tuyến
Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến có 4 mức độ khác nhau theo quy định. Mỗi mức độ sẽ có những yêu cầu, điều kiện khác nhau, cụ thể tại điều 5 Thông tư 32/2017/TT-BTTTT như sau:
“1. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 phải cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản sau:
a) Tên thủ tục hành chính;
b) Trình tự thực hiện;
c) Cách thức thực hiện;
d) Thành phần, số lượng hồ sơ;
đ) Thời hạn giải quyết;
e) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
g) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính;
h) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: ghi rõ kết quả cuối cùng của việc thực hiện thủ tục hành chính;
i) Thông tin nếu có về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí;
k) Hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, qua môi trường mạng);
l) Văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính.
2. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản như dịch vụ công trực tuyến mức độ 1;
b) Cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử không tương tác và cho phép người sử dụng tải về để khai báo sử dụng;
c) Hồ sơ in từ biểu mẫu điện tử không tương tác sau khi khai báo theo quy định được chấp nhận như đối với hồ sơ khai báo trên các biểu mẫu giấy thông thường.
3. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 2;
b) Các biểu mẫu của dịch vụ được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ;
c) Hồ sơ hành chính điện tử được sắp xếp, tổ chức, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm khả năng xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng liên quan;
d) Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng;
đ) Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.
4. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3;
b) Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người sử dụng thực hiện được ngay việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua môi trường mạng;
c) Việc trả kết quả cho người sử dụng có thể được thực hiện trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp. Kết quả dưới dạng điện tử của dịch vụ công trực tuyến có giá trị pháp lý như đối với kết quả truyền thống theo quy định về kết quả điện tử của cơ quan chuyên ngành. Việc trả kết quả trực tuyến được thực hiện theo sự thống nhất của người sử dụng và cơ quan cung cấp dịch vụ qua một hoặc nhiều hình thức sau: thông báo trên cổng thông tin điện tử có dịch vụ công trực tuyến; gửi qua chức năng trả kết quả của dịch vụ công trực tuyến; gửi qua thư điện tử của người sử dụng. Khuyến khích gửi kết quả qua các kênh giao tiếp điện tử khác như: tin nhắn trên điện thoại di động, dịch vụ trao đổi thông tin trên mạng.”
Thông thường, mỗi vấn đề hay lĩnh vực được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến sẽ thuộc một mức độ nhất định để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân và khả năng hỗ trợ từ cơ quan nhà nước trong đó đảm bảo đúng quy định pháp luật.
4. Thủ tục đăng ký dịch vụ công trực tuyến
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến có thể thực hiện theo quy trình như sau
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ dichvucong.gov.vn. Chọn vào phần Đăng ký để tiến hành đăng ký tài khoản dịch vụ công. Trường hợp người sử dụng đã có tài khoản từ trước thì lựa chọn phần Đăng nhập.
Bước 2: Lựa chọn các phương thức đăng ký và xác minh tài khoản dịch vụ công
Tại bước này, sau khi đã lựa chọn các phương thức và cách xác minh phù hợp, người sử dụng điền đầy đủ các thông tin được yêu cầu để hoàn tất thủ tục đăng ký tài khoản.
Bước 3: Lựa chọn dịch vụ công trực tuyến cần thực hiện
Tại mục “Dịch vụ công trực tuyến”, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn các thủ tục cần thực hiện và làm theo hướng dẫn. Các dịch vụ công trực tuyến được phân loại theo cơ quan thực hiện, đối tượng thực hiện hoặc theo mức độ dịch vụ công.
Trên đây là những quy định liên quan đến dịch vụ công. Qúy bạn đọc có vấn đề gì còn thắc mắc hoặc cần làm rõ có thể liên hệ đến công ty Luật Minh Gia để được giải đáp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.