Diễn Châu là một huyện thuộc tỉnh Nghệ An, phía nam giáp huyện Nghi Lộc, phía bắc giáp huyện Quỳnh Lưu, phía tây giáp huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), phía đông giáp biển Đông. Huyện Diễn Châu nằm cách thủ đô Hà Nội 270 km, cách thành phố Vinh 40 km. Huyện Diễn Châu hiện tại có 1 thị trấn Diễn Châu và 38 xã; dân số đến hết năm 2006 của toàn huyện là 292.229 người, trong đó đồng bào theo đạo Thiên Chúa là 5.011 hộ với 28.076 người phân bố ở 22 xã.
Về giao thông, Diễn Châu có Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt chạy dọc Bắc – Nam, là điểm khởi đầu của Quốc lộ 7 nối với các huyện miền tây và nước ban Lào, Quốc lộ 47 lên các huyện vùng tây bắc của tỉnh, các tuyến giao thông nội huyện và liên huyện rất thuận tiện và hiện đại. Về đường thủy, có tuyên kênh nhà Lê theo hướng Bắc Nam nối liền với sông Cấm. Sông bùng chảy qua 10 xã trong huyện đổ ra biển đông. Có Cửa Vạn, Cửa Hiền và 28 km bờ biển nối liền với các huyện trong nước. Nằm cách sân bay Vinh 41km, đây là sân bay chính phục vụ các chuyến bay từ Vinh đi các Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột với tần suất 20/ngày đặt vé qua đại lý vé máy bay tại Nghệ An hoặc qua phòng vé máy bay tại Diễn Châu.
Diễn Châu là huyện có truyền thống lịch sử văn hoá và là một huyện có rất nhiều làng nghề truyền thống. Một số làng nghề nổi tiếng như nghề đúc đồng ở Cồn Cát (Diễn Tháp), nghề rèn ở Nho Lâm, Nước mắm Vạn Phần, nghề hát tuồng ở Lý Nhân,… Các làng nghề đóng cối xay, bện võng, đan bị, dệt vải, đan rổ rá, mộc, làm nón…
Diễn Châu còn là vùng đất của văn chương, khoa bảng, văn học dân gian còn truyền tụng câu đối nôm na về sự đỗ đạt của gia đình họ Ngô và họ Đặng; “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa – Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Đó là họ Ngô ở Lý Trai liên tiếp bốn đời đỗ 5 tiến sĩ. Còn họ Đặng ở Nho Lâm 3 cha con đỗ đại khoa và còn nhiều dòng họ khác.
Tiềm năng du lịch của Diễn Châu
Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi mộ dạ), Cao Xá Long Cương (gò rồng Cao Xá), Bùng Giang Thu Nguyệt (tràng thu trên sông Bùng), Bích Hải Quy Phàm (cánh buồm về cửa Bích), Thiên Uy Thiết Cảng (kênh sắt oai trời), Diễn Thành Thạch Bảo (thành đá phủ Diễn Châu). Trong số những danh thắng ấy, ta có thể biết tới Dạ Sơn Linh Tích (núi Mộ Dạ) có đền thờ An Dương Vương, phía sau núi là biển xanh mênh mông rì rào sóng vỗ.
Phía dưới là Cửa Hiền nhô lên mặt biển với ngàn vạn hòn đá có hình thù giống như cá biển nên ngư dân gọi là bãi đá Ngư Hải. ở đây có phiến đá cao to, bằng phẳng tương truyền là bàn cờ tiên. Từ đỉnh núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phía, ta sẽ thấy cả một vùng non nước hữu tình, nơi gặp gỡ giao hòa giữa núi, sông và biển.
Đối với Cao Xá Long Cương (gò rồng Cao Xá), bãi sò thuộc địa phận hai làng Hương Cái và Tiên Lý, kéo dài từ Nam chân núi Mộ Dạ đến sông Ông Phùng. Vỏ sò điệp chôn thành cồn bãi cao, sâu đến 4 – 5 thước. Điều đáng nói là nhờ gò Rồng này cao lên ở phía Đông (nằm ven biển), chạy dài chiếm 2/3 huyện Diễn Châu đã ngăn lớp phù sa, không trôi ra biển mà đọng lại làm phì nhiêu đồng điền Diễn Châu.
Còn Bùng Giang Thu Nguyệt thì sông Bùng bắt nguồn từ các con sông nhỏ ở huyện Yên Thành như sông Du, Vũ Giang, khe Cái, khe Cát chảy về Diễn Kỷ, Diễn Ngọc rồi đổ ra biển Đông Cửa Vạn. Vào những đêm trăng sáng, lớp lớp ánh trăng gieo vào đáy sóng như muôn ngàn chiếc mâm vàng thật là hữu tình kỳ thú, đã có tao nhân thốt lên rằng: Phủ hám Bùng giang cổ độ đầu/ Nhất luân minh nguyệt cáp phùng thu/ Trùng trùng quế phách hàm giang trữ/ Trạm trạm kim hàn tẩm bích lưu. Có nghĩa: Cúi đầu nhìn xuống bến đò cũ sông Bùng/ Một vầng trăng sáng quắc, ấy chính là buổi đang thu/ Phách cây quế trong suốt đến đáy cả bến nước/ Chiếc mâm vàng trong trẻo ngâm dưới dòng xanh.
Du lịch biển được Diễn Châu xác định là một thế mạnh. Diễn Châu có bờ biển dài 25 km chạy dọc từ Diễn Hùng đến Diễn Trung, trải dài ở 6 xã, nhưng đẹp nhất là khu du lịch biển Diễn Thành. Biển Diễn Thành bốn mùa xanh màu ngọc bích, cát vàng thoai thoải, bãi tắm dài ngút tầm mắt được trang điểm bằng những rặng phi lao xanh tốt tạo nên vẻ đẹp hoang sơ lãng mạn rất đặc trưng. Du khách đến đây được thoả sức hít thở không khí trong lành, hoà mình trong làn nước mát rượi, tản bộ dưới hàng phi lao sẽ quên đi những lo toan, phiền muộn của cuộc sống thường nhật. Hiện tại, bãi tắm Diễn Thành có 50 nhà nghỉ lớn nhỏ, với cao ốc sang trọng, đầy đủ tiện nghi, đội ngũ nhân viên nhiệt tình chu đáo. Đặc biệt, đến với Diễn Thành, du khách sẽ không phải chen chúc xô đẩy dưới bãi tắm, không bị “chặt chém” khi thuê phòng nghỉ và sử dụng các dịch vụ không bị làm phiền bởi người ăn xin và hàng rong…
Đi về phía Nam khu vực bãi biển Diễn Châu, bạn sẽ đến chân Núi Mộ Dạ. Phía trước là quốc lộ 1A, phía sau là biển cả mênh mông. Đây là nơi đã chứng kiến đoạn kết của huyền thoại Nỏ Thần, Loa Thành và tình yêu Mỵ Châu – Trọng Thủy. Tương truyền, đây là nơi An Dương Vương đã chém Công Chúa Mỵ Châu rồi theo Thần Kim Quy xuống biển, khởi nguồn của sự tích Ngọc Trai. Nhân lập đền thờ An Dương Vương dưới chân núi. Núi Mộ Dạ đứng xa trông giống hình con công khổng lồ đang múa, đầu công chính là nơi ngôi đền vua Thục tọa lạc nên người ta gọi đền thờ Thục Phán, An Dương Vương là đền Công (hay Đền Cuông theo tiếng địa phương). Đền Công được kiến trúc theo hình chữ tam, có 3 tòa Thượng, Trung, Hạ. Xung quanh có nhiều cây cổ thụ um tùm xanh tốt, trông rất cổ kính và linh thiêng. Đây là nơi bạn nên đến thăm khi đi du lịch Diễn Châu. Với vị trí địa lý và giao thông thuận tiện, từ Diễn Châu bạn cũng dàng kết hợp để đi thăm các danh thắng khác của tỉnh Nghệ An như Làng Sen quê Bác, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát hay thành cổ Nghệ An…
Các đặc sản ở Diễn Châu
Chắc hẳn các bạn đã nghe nói đến món Bánh mướt Diễn Châu, nó rất nổi tiếng khắp cả nước. Bánh mướt được làm từ thứ gạo Vê, một thứ gạo được trồng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An.Gạo thổi cơm rất cứng nhưng khi dùng để làm bánh thì rất tuyệt. Công đoạn đầu tiên ở đây đó là gạo phải đựơc ngâm gạo trong khoảng thời gian 3 tiếng, cho từng hạt gạo no nước, gạo nở đều và mềm rồi mới mang đi nghiền thành bột. Sau khi bột được nghiền xong cũng chưa thể mang đi tráng ngay thành bánh được, mà phải để bột lặng trong nước khoảng từ 6 giờ trở lên, người ta gọi đó quá trình là ủ bột. Tác dụng của quá trình ủ bột là để khi tráng, bánh mới nở đều, ăn mới dai, dẻo.
Ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, bánh mướt là món ăn được nhiều người yêu thích. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng. Nếu dùng bánh mướt để đãi khách thì có thể dùng kèm với thịt lợn nướng, bò nướng lụi, chả nem rán, bò lá lốt mỡ chài rất ngon. Đặc biệt hơn, bánh mướt ăn với bò hấp thố, bò nhúng dấm… cuốn bánh tráng, kèm rau xà lách và đủ loại rau thơm hấp dẫn.
Bánh mướt không còn là món ăn dân dã một thời mà đã có mặt ở các quán ăn, nhà hàng lớn nhỏ. Xa hơn, bánh theo người con đất Nghệ ra khắp các phương trời. Nhiều người con xa quê hương, mỗi lần về thăm quê thể nào cũng mua bánh mướt làm quà người thân, bạn bè. Với những người con làng Quy Chính công tác xa, lao động ở tận trời Âu không được về quê ăn tết, nhớ nao lòng những chiếc bánh mướt trong tiết trời lạnh, được quâ quần bên gia đình ăn bữa cơm tất niên, chỉ nghĩ đến bánh mướt chấm nước mắm thôi đã thấy thèm…
Con người nơi đây rất mến khách, chân tình, chất phác, mộc mạc, giản dị, thân thiện. Bạn hãy đến và cảm nhận những nét đặc sắc của Diễn Châu Nghệ An. Bạn có thể đặt vé máy bay qua phòng vé máy bay tại Diễn Châu hoặc đại lý bán vé máy bay tại Nghệ An.