Điều gì làm chúng ta hạnh phúc?
“Mình có đang hạnh phúc với cuộc sống của mình? “
“Điều gì làm mình thật sự hạnh phúc?”
Có bao giờ bạn tự hỏi mình những câu hỏi đơn giản nhưng đầy sức mạnh này? Bởi xét cho cùng, cảm giác hạnh phúc là động lực ẩn sau mọi việc chúng ta làm hàng ngày.Mọi việc.
Do đó, việc tìm ra điều gì thực sự mang lại hạnh phúc cho chúng ta là một trong những việc quan trọng nhất cần làm trong đời.
Theo những gì mình học được, hầu hết mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc ở sai thứ. Bản thân mình cũng không ngoại lệ.
Triệu chứng điển hình là gì?
Là sau tất cả, cho dù bạn đã làm rất nhiều và đạt được rất nhiều, bạn vẫn luôn cảm thấy mình còn thiếu “một điều gì đó” để có thể có được hạnh phúc trọn vẹn: Một ngôi nhà to hơn, một chiêc xe xịn hơn, một tài khoản nhiều con số hơn,… Bạn cảm thấy hạnh phúc là điều gì đó ở tương lai, khó nắm bắt, ngắn ngủi và không bền vững.
Vậy, làm thế nào để cảm nhận được nhiều niềm hạnh phúc hơn? Có công thức nào để có được hạnh phúc bền vững hay không? Tiền bạc, vật chất có thực sự mang lại hạnh phúc?,…
Mình sẽ chia sẻ những điều mình học được về chủ đề này trong bài viết dài lê thê bên dưới :))
Đầu tiên:
I. Hạnh phúc có đến từ tiền bạc, vật chất?
Câu trả lời ngắn gọn là “Có”.
Có mà điên mới trả lời không :))
Một nữ triết gia nổi tiếng đã phát biểu một chân lý rằng “không có tiền cạp đất mà ăn” (bạn biết cô ấy là ai rồi đó ;))
Và thực tế chúng ta “cày sấp mặt” để kiếm tiền bởi chúng ta tin rằng, tiền chắc chắn mang lại cho ta hạnh phúc.
Và điều đó đúng.
Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc mà tiền bạc mang lại thì còn tùy vào hoàn cảnh hiện tại của bạn và tùy vào CÁCH BẠN SỬ DỤNG TIỀN BẠC của mình vào việc gì.
Thứ nhất, về hoàn cảnh, ví dụ, nếu một người đang sống kham khổ, túng thiếu, chạy ăn từng bữa, hoặc đang tuyệt vọng vì không có tiền chữa bệnh thì tiền bạc là tất cả với họ. Lúc này, tiền bạc, vật chất CHẮC CHẮN sẽ mang lại hạnh phúc cực kỳ lớn lao.
Tuy nhiên, đến một ngưỡng nào đó, khi chúng ta khá giả, giàu có và không còn lo lắng quá nhiều về tiền nữa thì nhiều tiền hơn không giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Đây không phải là nhận định chủ quan mà đến từ rất nhiều nghiên cứu về hạnh phúc.
Nếu bạn đang có thu nhập 5tr/tháng, chất lượng cuộc sống sẽ khác hẳn và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều nếu bạn tăng được thu nhập lên 50tr/tháng. Nhưng nếu bạn đang có thu nhập 50tr/tháng thì thu nhập có tăng lên 100tr/tháng cũng không giúp bạn gia tăng hạnh phúc lên bao nhiêu.
Tháp nhu cầu Maslow có thể giải thích được điều này. Khi những nhu cầu căn bản về ăn ở, an toàn đã được đáp ứng thì chúng ta sẽ có xu hướng tìm kiếm những nhu cầu cao hơn như nhu cầu về tinh thần, kết nối xã hội,…
Chốt lại, có tiền chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng không có tiền thì chắc chắn khổ.
Thứ hai, về cách sử dụng tiền bạc, bạn sẽ có được nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn nếu dùng tiền để mua TRẢI NGHIỆM thay vì đồ đạc, vật chất.
Cái này chắc không cần giải thích nhiều, bỏ tiền đầu tư cho một chuyến du lịch sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn là mua một món đồ gì đó không thực sự cần thiết.
Trải nghiệm thì còn mãi và không thể so sánh được, còn món đồ thì cũng còn đó nhưng chúng ta sẽ thấy chán ngay và lại đi tìm niềm vui trong món đồ mới hơn.
II. Có cột mốc nào mà khi đạt được, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc bền vững không?
Chắc hẳn có lúc nào đó trong đời, bạn đã tự nói với chính mình những câu như:
“Mình sẽ cảm thấy hạnh phúc CHỈ KHI mua được căn hộ cao cấp hoặc mua được căn nhà như ý muốn” (nếu bạn đang ở trọ giống mình).
“Mình sẽ cảm thấy hạnh phúc CHỈ KHI mình mua được chiếc xe hơi hạng sang mơ ước, một chiếc Mercedes hoặc BMW.” (nếu bạn là người mê xe)
“Mình sẽ cảm thấy hạnh phúc CHỈ KHI đạt được thu nhập xyz triệu mỗi tháng”, có thể là 20tr, 50tr, 100tr hoặc 500tr gì đó,…
(vân vân và mây mây)
Bạn nghĩ rằng, chỉ khi mình đạt được một CỘT MỐC nào đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc mãi mãi.
Tuy nhiên, nếu bạn thành thật với bản thân, có thể bạn đã nhận ra rằng, không hề có cột mốc nào như vậy cả.
Bởi vì, chắc là bạn đã từng trải nghiệm cảm giác, khi bạn đạt được một mục tiêu to bự nào đó rồi, bạn sẽ cảm thấy thật ra nó cũng BÌNH THƯỜNG, nó không mang lại quá nhiều niềm vui như bạn từng mơ tưởng và niềm vui đó cũng thường KHÔNG KÉO DÀI quá lâu.
“Ồ hóa ra cũng chỉ thế này thôi à!”
Mua được một căn hộ cao cấp hay một chiếc xe hơi sang trọng chỉ mang lại cho bạn cảm giác phấn khích trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó: một tháng, hai tháng,…hoặc nhiều lắm là một năm. Và rồi bạn sẽ QUEN với điều đó và nó chẳng mang lại nhiều cảm xúc nữa.
Bạn sẽ lại đi tìm những “cột mốc” mới và lại tự nói với bản thân:
“Nhất định sau khi đạt được những mục tiêu MỚI này, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc”.
Một vòng lẩn quẩn!
Rõ ràng, cách tiếp cận này không hề hiệu quả. Có hai vấn đề ở đây:
- Thứ nhất, bởi tâm lý
THÍCH NGHI
với hoàn cảnh sống mới, không có sự thành công hay cột mốc nào có thể mang lại cho chúng ta cảm giác hạnh phúc lâu dài cả.
- Thứ hai, trông chờ vào hạnh phúc ở tương lai sẽ khiến chúng ta có cảm giác phải
CHỊU ĐỰNG
hiện tại chứ không tận hưởng được nhiều. Chúng ta chỉ xem hiện tại là phương tiện để đi tới một đích đến màu hồng nào đó ở tương lai. Nó có nghĩa là chúng ta chỉ muốn tương lai, không muốn hiện tại. Chúng ta chỉ muốn những thứ chưa có và xem nhẹ những thứ đang có. Mình học được rằng, việc trì hoãn cảm nhận hạnh phúc ngay bây giờ là một trong những rào cản lớn nhất đối với hạnh phúc.
(Mặc dù, về mặt tích cực, trông đợi một tương lai tươi sáng hơn sẽ cho bạn hy vọng để chiến đấu tiếp nếu hoàn cảnh hiện tại của bạn đang rất tệ)
Mình KHÔNG có ý nói rằng bạn nên ngừng theo đuổi những mục tiêu tiền bạc, vật chất. Nên chứ, thậm chí mình còn đặt ra những mục tiêu siêu to khổng lồ. Tuy nhiên, chúng ta cần giảm bớt sự kỳ vọng và trông đợi rằng hạnh phúc sẽ chỉ đến sau khi đạt được một mục tiêu vật chất nào đó.
“Nhưng cuộc sống của tôi đang có quá nhiều vấn đề, hạnh phúc thế méo nào được?”
Đúng là nếu bạn đang có quá nhiều vấn đề, mà toàn là những vấn đề nghiêm trọng, bạn sẽ khó mà cảm thấy hạnh phúc được.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, làm gì có cuộc đời nào không có vấn đề gì cả. Vấn đề LUÔN LUÔN TỒN TẠI và KHÔNG BAO GIỜ BIẾN MẤT, cho dù bạn là ai, cho dù bạn giàu có hay thành công đến mức nào.
Cuộc đời vô thường, đầy những rắc rối, sự chịu đựng và nỗi đau, chẳng có gì là bền vững. Triết lý nhà Phật dạy rằng “Cuộc sống chỉ tồn tại trong một hơi thở”. Thở vào mà không thở ra nữa, là ta quéo.
Ngay cả cuộc sống cũng mong manh vậy, nói chi đến hạnh phúc.
Bất cứ điều gì mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc đều tiềm ẩn khả năng mang lại đau khổ. Người mà bạn yêu thương nhất, làm bạn hạnh phúc nhất chính là người có thể làm bạn đau khổ nhất.
Do đó, chúng ta đừng mong rằng đến một lúc nào đó mình sẽ không gặp phải vấn đề nào nữa. Không có đâu!
Chúng ta chỉ hy vọng rằng, mình sẽ phải đối mặt với những vấn đề “dễ thương” hơn mà thôi, kiểu như “giờ tiền nhiều quá, không biết tiêu kiểu gì cho hết đây” :)) (hy vọng một lúc nào đó phải chịu đựng vấn đề này :)))
Tóm lại:
Vấn đề luôn tồn tại, dù chúng ta là ai. Do đó, cảm giác hạnh phúc đến từ các yếu tố BÊN NGOÀI không bao giờ bền vững.
Khi ta chấp nhận rằng sự chịu đựng và nỗi đau là điều tất yếu trong đời và nó không bao giờ biến mất, chúng ta sẽ biết trân trọng hiện tại và dễ dàng tìm thấy niềm vui từ những điều bình thường trong cuộc sống hơn.
Không có công thức để hạnh phúc bền vững, nhưng có công thức để tối đa hóa hạnh phúc, để có được nhiều trải nghiệm hạnh phúc nhất, và bên dưới là những điều mình học được:
III. Làm thế nào để “tối đa hóa” hạnh phúc?
1. Sống với hiện tại
Chắc chắn là bạn đã được nghe điều này ở đâu đó rồi, nghe sáo rỗng vãi cả ra đúng không? Mình cũng nghĩ vậy.
Cho đến một ngày, đọc được cuốn sách “Sức Mạnh Của Hiện Tại” của Eckhart Tolle, mình mới phần nào “cảm” được cụm từ nghe có phần sáo rỗng này. Đây là cuốn sách mình đọc đi đọc lại nhiều nhất và là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đến bản thân mình cho tới thời điểm hiện tại.
Bạn đọc thử một trích đoạn nhé:
“Cuộc đời chỉ có độc nhất một thứ: đó là phút giây hiện tại, ngoài cái ấy ra không còn thứ gì khác nữa. Phút giây hiện tại BẤT TẬN này chính là không gian trong đó, cuộc đời bạn được phô diễn, nó là yếu tố duy nhất không thay đổi…
…Những gì ta cho là quá khứ, đấy chỉ là những DẤU VẾT KÝ ỨC, được cất giữ trong đầu bạn, của những phút giây hiện tại đã qua. Khi ta nhớ về quá khứ, tức là khi ta làm sống lại một dấu vết gì của ký ức – và bạn đang làm điều này trong phút giây hiện tại, đúng không?
Cũng vậy, tương lai là một SỰ TƯỞNG TƯỢNG của phút giây hiện tại, một sự phóng chiếu của trí năng. Khi tương lai xảy tới, nó cũng chỉ xảy tới được TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI. Khi ta suy nghĩ về tương lai, ta cũng chỉ có thể làm điều này trong giây phút hiện tại. Như vậy Quá Khứ và Tương Lai rõ ràng tự nó không có thực.”
Nếu như cuộc đời chỉ có một thứ duy nhất là Giây Phút Hiện Tại, nếu chúng ta không sống trong hiện tại thì về cơ bản thì chúng ta chưa THẬT SỰ sống.
Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục, đúng không? :))
Cho nên, theo quan điểm cá nhân mình, đây là điều kiện tiên quyết. Chúng ta không thực sự TẬN HƯỞNG được cảm giác hạnh phúc nếu không thực sự có mặt ở hiện tại.
Ngắm một bông hoa, để tận hưởng vẻ đẹp của nó, ta phải chú tâm vào nó. Ăn một bữa ăn ngon, để tận hưởng được cái-sự-ngon của nó, ta phải tập trung vào món đang ăn. Ở bên một người ta yêu thương, để thật sự tận hưởng được cảm giác hạnh phúc vì có họ trong đời, ta phải có mặt ở giây phút hiện tại.
Có mặt và tận hưởng!
“Đã về. Đã tới. Bây giờ. Ở đây” – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Hầu hết chúng ta không làm được điều này, chúng ta hay nghĩ về tương lai hoặc quá khứ hầu hết thời gian. Do đó, chúng ta gần như không trải nghiệm hay tận hưởng được cảm giác hạnh phúc.
Chúng ta chỉ thường cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về những trải nghiệm trong quá khứ.
Kiểu như, khi đi làm rồi mới thấy thời học sinh hay sinh viên nó đẹp vãi ra. Hay khi nghĩ về một chuyến du lịch nào đó và cảm thấy hạnh phúc (nhưng trong chuyến du lịch đó thì chả tận hưởng gì nhiều, vì không thật sự có mặt ở hiện tại, đầu óc bận nghĩ tới công việc hay một điều gì đó khác).
Đối với bản thân mình, sống với hiện tại là điều rất khó, bởi mình là người tham vọng và là kiểu người hướng tới mục tiêu. Mình bị ám ảnh bởi việc đạt được các mục tiêu và sống ở tương lai nhiều hơn là trong hiện tại.
Sống với hiện tại không có nghĩa là chúng ta chỉ biết hôm nay, đếch cần quan tâm tới tương lai như nào, không có nghĩa là chúng ta dừng việc đặt mục tiêu.
Chúng ta chỉ cần nhận ra rằng, đạt được mục tiêu quan trọng, nhưng tận hưởng từng giây phút trong quá trình hướng tới mục tiêu thậm chí còn quan trọng hơn.
Sống với hiện tại thực sự là một điều RẤT KHÓ, và bạn đừng mong đợi sẽ sống với hiện tại 100% thời gian, đó là điều bất khả thi. Tuy nhiên, chúng ta có thể tối đa hóa những khoảng thời gian sống với hiện tại bằng 3 cách:
- Tập thiền. Theo mình biết thì đây là cách hiệu quả nhất. Mỗi ngày, dành khoảng 10 phút ngồi yên lặng, chẳng làm gì cả, nhắm mắt, tập trung vào hơi thở (hoặc làm theo hướng dẫn nếu bạn dùng các ứng dụng Guided Meditation như Insight Timer, Headspace). Khoa học đã chứng minh rằng thiền có rất nhiều tác dụng tuyệt vời đến sức khỏe và tâm trí, và nó là cách tốt nhất để bạn rèn luyện sống với hiện tại.
- Tập trung vào chỉ một việc duy nhất tại một thời điểm. Có gắng nói không với multitasking (đa nhiệm). Đây cũng là điều khó thực hiện, bởi chúng ta hay có thói quen làm 2 3 thứ cùng lúc (kiểu vừa ăn cơm vừa xem tivi). Bạn có thể tìm hiểu và áp dụng phương pháp pomodoro, giúp hình thành thói quen tập trung rất tốt.
- Thực tập mindfulness (sống tỉnh thức) trong mọi việc bạn làm. Nghĩa là làm việc gì thì tập trung hoàn toàn vào điều đó. Chẳng hạn, đang ăn cơm thì tập trung tâm trí vào món ăn, cảm nhận hương vị của nó, không để đầu óc đi lang thang quá nhiều. (Chắc chắn nó sẽ đi lang thang, bạn chỉ cần nhận biết và đưa nó trở về việc mình đang làm thôi).
Nói chung là 3 thứ này đều KHÓ LÀM. Tuy nhiên, chẳng có gì đáng giá mà đến dễ dàng cả. Và thực tập sống với hiện tại là một trong những điều đáng giá nhất chúng ta có thể làm để cảm nhận được nhiều hơn vẻ đẹp của cuộc sống.
2. Biết ơn (Gratitude)
Theo mình thì đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Cho dù mình có đạt được bất cứ điều gì, nếu mình không biết ơn và trân trọng những gì mình có, mình sẽ không thể nào cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc được.
Về cơ bản, chất lượng cuộc sống của chúng ta được quyết định bởi trạng thái cảm xúc chúng ta cảm nhận được ở từng khoảnh khắc trong ngày. Và trạng thái cảm xúc này phụ thuộc chủ yếu vào việc chúng ta hướng tâm trí mình tập trung vào điều gì.
Tập trung vào những điều bạn biết ơn là cách tốt nhất để thường xuyên có được trạng thái cảm xúc tích cực.
“It’s not happiness that brings us gratitude. It’s gratitude that brings us happiness”
Cuộc sống là những chuỗi ngày “bình thường”
Thông thường, chúng ta có xu hướng trông đợi hạnh phúc đến từ những sự kiện lớn lao: Được thăng chức, tăng lương, mua nhà, mua xe, đi du lịch đến một vùng đất mới nào đó,…Và chúng ta gắn hạnh phúc của mình vào những mục tiêu đó.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, mỗi ngày của hầu hết chúng ta đều trôi qua một cách “bình thường”, có phần lặp đi lại nhàm chán: Ngủ dậy, đi làm, gặp những con người quen thuộc, làm những điều quen thuộc, đi ăn uống cafe với những người bạn quen thuộc,…
Nếu chúng ta không học cách trân trọng, biết ơn và tận hưởng những điều bình thường xảy ra hàng ngày, chúng ta đã để cuộc đời trôi qua trước mắt mà không tận hưởng được gì.
Thành công có ý nghĩa gì khi ta cắm đầu cắm cổ mong chạy nhanh tới đích mà không “enjoy” được gì trên chặng đường đi.
“Nhưng hoàn cảnh của tôi đang rất tệ, biết ơn thế nào được?”
Đúng là có những người cực kỳ kém may mắn và khó lòng cảm ấy biết ơn được. Tuy nhiên, với hầu hết chúng ta, lòng biết ơn là vấn đề của thái độ chứ không phải chúng ta đang có gì.
Nhiều người gần như có mọi thứ nhưng họ lúc nào cũng phàn nàn, “khó ở”, luôn so sánh với những người có nhiều hơn mình và ghen tỵ, khó chịu. Với những người này, chẳng có gì có thể làm họ hạnh phúc.
Ngược lại, có những người gần như không có gì trong tay nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ, tích cực và yêu đời bởi họ luôn trân trọng và biết ơn những gì họ đang có.
Và thật sự, bạn chẳng cần phải có gì trong tay để bắt đầu cảm thấy biết ơn. Cho dù hoàn cảnh hiện tại của bạn có tệ đến mức nào, chắc chắn bạn đang may mắn hơn một ai đó.
Ra đường, bạn gặp một người khuyết tật, họ không thể bước đi trên đôi chân của mình, trong khi bạn có đôi chân lành lặn. Nhiêu đó cũng đủ cảm thấy mình may mắn biết nhường nào và biết ơn cuộc đời rồi.
Bạn đang đọc được những dòng này, bạn đang may mắn hơn hàng triệu người mù chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng, chưa được nhìn thấy gương mặt những người thân yêu, bầu trời xanh trong hay màu xanh diệu kỳ của cây lá.
Nếu nhìn sâu một chút, bạn sẽ nhận ra được vô số điều cần biết ơn và nhận ra rằng mình may mắn biết nhường nào, cho dù hiện tại bạn đang gặp phải vấn đề lớn nào đó.
Làm thế nào để rèn luyện lòng biết ơn?
Để biết ơn và trân trọng được những điều nhỏ bé, tầm thường, chúng ta cần phải rèn luyện rất nhiều. Nó không tự nhiên mà có.
Bạn có thể rèn luyện lòng biết ơn bằng cách, mỗi ngày, bạn hãy viết ra 3 điều bạn biết ơn, bất kỳ điều gì.
Bạn có thể viết tay trên một cuốn sổ hoặc sử dụng app trên điện thoại, máy tính (search app “Gratitude Journal” hoặc “5 Minute Journal”. Trước đây thì mình dùng app “5 Minute Journal” và hiện tại thì dùng Evernote).
Thực tập việc ngày đều đặn hàng ngày, sau một vài tháng bạn sẽ nhận ra điều “kỳ diệu”. Bạn sẽ cảm thấy biết ơn và hạnh phúc từ những điều cực kỳ bình thường: một bữa ăn ngon, một cơn gió mát, một quyển sách hay hoặc đơn giản là có được một chỗ ngồi đẹp trong quán cafe như chỗ mình đang ngồi.
“There are only two ways to live your life. One is as though nothing is a miracle. The other is as though everything is a miracle.” – Albert Einstein
3. Sự phát triển – Sự tiến bộ (Progress – Growth)
Điều này đến từ một sự thật cơ bản là không có thành công nào có thể mang lại hạnh phúc lâu dài, cho dù đó là thành công về địa vị, tiền bạc hay thậm chí tình cảm.
Tùy vào mức độ “quành tráng” của thành công mà nó có thể mang lại cảm giác vài ngày, vài tuần hoặc nhiều nhất là vài tháng.
Hãy nhớ lại, lần bạn mua được con xe mới, được thăng lương, tăng chức hay thậm chí trúng số, cảm giác hạnh phúc đó kéo dài bao lâu?
Chắc là không lâu lắm.
Bởi vì, chúng ta sẽ nhanh chóng quen với những điều kiện mới và thấy nó thật ra cũng bình thường. Và chúng ta lại mong chờ cột mốc hoành tráng tiếp theo sẽ làm ta hạnh phúc.
Hạnh phúc không đến từ thành tựu nào đó mà đến từ quá trình tiến tới mục tiêu đó, và đây là hành trình không có điểm dừng.
Mình học được ý tưởng này từ Tony Robbins và mình thấy nó khá chuẩn:
“If you want to have ongoing joy and fulfillment in your life, the secret is just one word – progress. Progress equals happiness. While achievements and material things may excite you for the moment, the only thing that’s going to make you happy long-term is knowing that you’re making progress.” – Tony Robbins
Để dễ hiểu, hãy xem tình huống bên dưới:
Giả sử bạn đang kinh doanh thêm gì đó và mỗi tháng kiếm được 20 triệu. Bạn liên tục tối ưu công việc kinh doanh của mình và mỗi tháng thu nhập lại tăng lên 2 triệu so với tháng trước, nghĩa là sau 1 năm bạn đạt được thu nhập 42 triệu/tháng. Bạn sẽ cực kỳ phấn khích và niềm vui đó kéo dài tháng này qua tháng khác suốt cả năm.
Kế bên nhà bạn có ông doanh nhân có công ty cũng to to, tháng kiếm được 10 tỷ. Không biết tối ưu kiểu gì mà mỗi tháng thu nhập giảm đều 200 triệu, sau 1 năm thu nhập chỉ còn 7,6 tỷ/tháng.
Nếu bạn là ông doanh nhân đó, bạn cảm thấy thế nào? Có hào hứng nổi không? Chắc chắn là không rồi!
Rõ ràng, về con số thì 42 triệu còn chưa bằng con số lẻ của 7,6 tỷ. Nhưng bạn thì phấn khích suốt cả năm còn ông ấy thì chắc là sẽ ủ rủ suốt cả năm.
Bài học rút ra là, chúng ta đang đứng ở đâu không quan trọng, miễn là chúng ta đang tiến lên.
Bí quyết để chúng ta cảm thấy hứng khởi, đầy năng lượng và sống tưng bừng mỗi ngày là chúng ta phải có được cảm giác mình đang phát triển (making progress).
Chìa khóa ở đây là PHÁT TRIỂN BẢN THÂN. Ở mọi mặt.
Hầu hết chúng ta đều có mục tiêu để hướng tới, nhưng phần lớn chỉ liên quan đến tiền bạc, vật chất.
Không có gì sai, nhưng chưa đủ.
Để cảm thấy hạnh phúc, chúng ta phải cảm thấy mình đang “making progress” ở mọi khía cạnh quan trọng trong cuộc sống: Sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn, công việc, tài chính, các mối quan hệ,…
Nói cách khác, chúng ta phải cảm thấy mình đang trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, ngày qua ngày.
To-do:
“Be your best self. Live your best life”
4. Tình yêu và các mối quan hệ (Love and relationship)
Một nghiên cứu kéo dài đến hơn 80 năm của đại học Havard đã tiết lộ:
Các mối quan hệ tốt đẹp là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để hạnh phúc, nó có tầm quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc và danh tiếng.
Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng từ những mối quan hệ tốt đẹp.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trong các mối quan hệ, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nguyên lý 80/20 vẫn đúng trong trường hợp này: 20% những mối quan hệ thân thiết sẽ quyết định 80% hạnh phúc của bạn.
Điều này có ý nghĩa gì?
Thứ nhất, đừng vì theo đuổi những tham vọng về vật chất, địa vị mà bỏ bê những mối quan hệ quan trọng: gia đình, bạn bè thân thiết,…
Mình thấy nhiều người “thành đạt” về mặt công việc, sự nghiệp ở xung quanh đang vướng phải vấn đề này. Lý do cũng khá dễ hiểu: Họ quá bận rộn, và có quá nhiều mối quan hệ xã giao, nhiều mối quan hệ công việc, trong khi quỹ thời gian là có hạn.
Cho nên:
Thứ hai, chúng ta cần học cách tối giản hóa các mối quan hệ. Dành thời gian cho những người quan trọng và có ý nghĩa đối với bạn và cắt giảm bớt những mối quan hệ xã giao hời hợt.
Điều này không có nghĩa là chúng ta ngừng kết bạn, ngừng mở rộng các mối quan hệ. Nó có nghĩa là chúng ta cần chọn lọc hơn, khắt khe hơn về việc nên dành thời gian cho những ai. Nó có nghĩa là nhận ra phần 20% các mối quan hệ chất lượng và dành nhiều thời gian hơn cho họ.
5. Sự đóng góp, cho đi (Contribution, Giving)
Sự đóng góp, sự cho đi là một trong những cách CHẮC CHẮN sẽ giúp chúng ta có được cảm giác hạnh phúc.
Chắc bạn đã nghe đến điều này nhiều lần rồi, và cũng đã trải nghiệm cảm giác này nhiều lần rồi.
Hãy nhớ lại những lần bạn mua giúp một cụ già vài tờ vé số, cho tiền một người ăn xin, tham gia các chuyến từ thiện, hay đơn giản là giúp đỡ ai đó một cách vô tư mà không mong cầu được đáp lại. Ngay lúc này, khi hồi tưởng lại, bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc, đúng không?
Bản thân mình tin rằng, có hai điều làm nên ý nghĩa của cuộc sống:
Thứ nhất, chúng ta phát huy được tối đa tiềm năng của bản thân mình.
Giống như sứ mệnh của lá là phải xanh, của hoa là khoe sắc, tỏa hương hết mức có thể. Là con người, chúng ta được làm những điều mình yêu thích, cháy hết mình với nó, thể hiện những gì tốt nhất của bản thân để sau này nhìn lại, chúng ta tự hào rằng mình đã sống hết mình.
Thứ hai, đó là sự đóng góp, cho đi. Là sự tác động, ảnh hưởng. Là biết rằng sự tồn tại của mình trên đời đã tạo ra sự khác biệt tích cực đối với cuộc đời nhiều người khác. Đây là một trong những cảm giác mãn nguyện nhất.
Và thật sự, chúng ta không cần phải giàu có để bắt đầu học cách cho đi.
Giống như lòng biết ơn, tinh thần cho đi là vấn đề của mindset chứ không phải bạn đang có gì trong tay. Cho đi 5% của thu nhập 10tr dễ hơn rất nhiều so vơi cho đi 5% của thu nhập 100tr. Và không nhất thiết là phải cho đi tiền bạc, chúng ta có thể cho đi kiến thức, lời khuyên, thời gian, công sức,…
Bản thân mình rất trân trọng các tổ chức từ thiện và các bạn hay tham gia các chuyến từ thiện. Mình cũng học được rất nhiều về tinh thần cho đi cũng chính từ những lần tham gia các chuyến đi này.
Điều thú vị là, yếu tố Cho đi này có liên quan mật thiết đến yếu tố thứ ba – Sự phát triển. Để đóng góp nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, chúng ta phải có nhiều thứ hơn để cho, điều này đòi hỏi chúng ta phải phát triển bản thân mình nhiều hơn.
Có tâm thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có tầm nữa. Bill Gates là tấm gương điển hình nhất, “tầm” của ông ấy là cho đi hàng chục tỷ đô la và có tác động đến hàng chục triệu người khắp thế giới.
Growth and Contribution có vẻ là một cặp đôi hoàn hảo.
6. Làm điều bạn yêu thích
Cái tiêu đề nói lên tất cả rồi, và nó khả hiển nhiên:
Muốn hạnh phúc, chúng ta hãy làm những điều mình yêu thích, những điều sẽ mang lại niềm vui.
Đơn giản là thế, nhưng có mấy ai trong chúng ta làm được điều này. Ở đây, chúng ta có hai khía cạnh cần xem xét:
a. Về công việc.
Bạn có yêu thích công việc mình đang làm? Nếu có thì chúc mừng bạn, vì bạn nằm trong nhóm thiểu số.
Theo một khảo sát thì có đến 80% người Mỹ không yêu thích công việc của họ. Ở Việt Nam, con số có lẽ cao hơn. Bởi hệ thống giáo dục của chúng ta đang làm rất tệ trong việc định hướng về lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh.
Lúc thi đại học, mình và hầu hết bạn bè đều chọn trường và chọn nghề theo một cách “méo thể nào tin được”:
Chọn theo ý muốn ba mẹ, vì ngành đó dễ kiếm việc, lương cao hay đơn giản là do đứa bạn thân nó rủ thi ngành đó. Rất hiếm đứa biết rõ mình yêu thích lĩnh vực gì, thế mạnh của mình là gì.
Từ thực tế này, không ngạc nhiên khi hầu hết mọi người không hề yêu thích công việc của mình và không làm công việc đúng thế mạnh.
Bản thân mình cũng không ngoại lệ, chọn học ngành kỹ sư điện, học mất 5 năm, đi làm mất 4 năm nữa mới thấy đây không phải là công việc mình đam mê và muốn làm cả đời.
May mắn là, mình đã lựa chọn thay đổi và bây giờ đang làm công việc mà mình thích. (Trong tương lai thì biết đâu mình sẽ tìm được việc thích làm hơn và lại thay đổi tiếp :)) )
Công việc chiếm một phần lớn thời gian trong đời, và bạn khó có thể hạnh phúc trong công việc nếu không hề yêu thích công việc của mình.
Thay đổi công việc là quyết định không dễ, lựa chọn làm lại từ đầu là khó và nhiều rủi ro. Tuy nhiên, bạn biết cảm giác nào còn tệ hơn nỗi sợ không, đó là hối tiếc sau này vì đã không đủ dũng khí thay đổi.
Hãy nghĩ đến viễn cảnh phải tiếp tục công việc bạn không hề hứng thú trong 20, 30 năm nữa, bạn sẽ thấy rất đáng để bắt đầu lại từ đầu.
Hoặc là đổi việc, hoặc là học cách yêu công việc đang làm. Đếch còn cách nào khác.
“Your work is going to fill a large part of your life, and the only way to be truly satisfied is to do what you believe is great work. And the only way to do great work is to love what you do. If you haven’t found it yet, keep looking. Don’t settle.” – Steve Jobs
b. Sở thích cá nhân.
Bạn có những sở thích nào? Bạn thích làm điều gì? Và hãy quán chiếu lại xem, bạn có ưu tiên thời gian dành cho những hoạt động đó hay không?
Theo kinh nghiệm của bản thân thì câu trả lời thường sẽ là “Không”.
Bởi vì, hầu hết chúng ta bị những nỗi lo “cơm áo gạo tiền” và đầy ắp những thứ xao nhãng kéo chúng ta đi, kết quả là chúng ta quên mất việc dành thời gian cho bản thân mình.
Thử liệt kê những điều bạn thích làm, và khoảng thời gian bạn đang dành cho những hoạt động đó, bạn sẽ thấy mình đang tốn thời gian vào những thứ không đâu, và quá ít thời gian vào những điều bạn yêu thích.
To-do:
- Viết ra những điều bạn yêu thích, mang lại niềm vui. Sau đó ưu tiên dành thời gian cho những hoạt động này hàng ngày hoặc hàng tuần.
7. Yêu bản thân (Love yourself)
Mối quan hệ quan trọng nhất chúng ta cần nuôi dưỡng là với chính bản thân mình. Cách chúng ta nhìn nhận bản thân ra sao quan trọng hơn nhiều so với cách người khác nghĩ gì về chúng ta.
Yêu bản thân có nghĩa là gì?
Là làm những điều chúng ta yêu thích và bớt quan tâm đến việc thiên hạ nghĩ gì về mình (đếch quan tâm luôn càng tốt). Ngoài gia đình và những mối quan hệ thân thiết, chả ai rảnh rỗi nghĩ gì về người khác đâu. Nhà bao việc :))
Là cảm thấy thoải mái với chính mình, là chấp nhận con người không hoàn hảo, đầy những khiếm khuyết của mình (Hoàn hảo thì là thứ gì đó chứ không phải là người nữa rồi :))).
Là chấp nhận thực tế rằng mình đang sống một cuộc đời rất “bình thường”, không có gì đặc biệt. Và như thế cũng chả sao. Cuộc đời của hầu hết mọi người cũng đều bình thường và không có gì đặc biệt. Cuộc đời chúng ta không cần phải đặc biệt để đáng được trân trọng.
Trong thời đại ngập tràn thông tin trên internet và đặc biệt là Facebook, chúng ta bị áp lực phải trở nên “đặc biệt”, bởi lúc đó chúng ta mới được chú ý (kiểu như làm cái gì đó siêu to khổng lồ như bà Tân Vlog thì mới được chú ý :)).
Những hình ảnh “hào nhoáng” trên Facebook tạo ra cho chúng ta những tiêu chuẩn không thực tế. Chúng ta so sánh cuộc sống bình thường của mình với phần lung linh nhất của người khác muốn khoe ra và rồi chúng ta thấy cuộc sống của mình sao mà chán thế. Biết đâu được, cuộc sống của họ còn đáng chán hơn thì sao :))
Khi giải tỏa được áp lực phải trở nên nổi bật, phải thể hiện bản thân thật kool ngầu, chúng ta sẽ có được cảm giác tốt đẹp về bản thân mình hơn và tìm thấy được niềm vui từ những điều rất bình thường trong cuộc sống.
Yêu bản thân là đối xử tử tế và biết quan tâm chăm sóc bản thân mình, hiểu rằng nếu không biết quan tâm đến bản thân, chúng ta chẳng thể quan tâm chăm sóc người khác được.
Là tôn trọng, bảo vệ và sống đúng với những giá trị sống của bản thân và không để người khác dẫm lên nó. Nó khác với ích kỷ là chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân và mặc kệ người khác (cho dù nó có gây ra thiệt hại cho họ).
Sống theo “các giá trị sống” của bạn
Có một điểm mình muốn nhấn mạnh ở đây, đó là các giá trị sống. Yêu bản thân bao gồm việc sống đúng với các giá trị sống của bạn.
Giá trị sống là những điều bạn coi trọng và ưu tiên trong đời. Ai cũng có những giá trị sống nhất định, dù họ có nhận ra điều đó hay không.
Khi chúng ta “nhìn thiên hạ mà sống”, sống để làm hài lòng người khác và ngó lơ cảm giác của mình, sống theo quy chuẩn của xã hội và lờ đi tiếng nói trực giác của bản thân, rất có thể chúng ta đang đi lầm đường, rất có thể chúng ta đang không tôn trọng các giá trị sống của mình.
Ví dụ, bạn có năng khiếu viết lách và mơ ước lớn nhất là trở thành một nhà văn. Tuy nhiên, ba mẹ muốn bạn trở thành một bác sĩ vì nghề đó nghe danh giá, kiếm được nhiều tiền.
Bạn bỏ qua mơ ước của mình, học ngành bác sĩ để làm hài lòng bố mẹ, mặc dù chả có hứng thú gì với ngành này cả. Bạn trở thành một bác sĩ nhưng chưa bao giờ cảm thấy mãn nguyện bởi bạn đã lờ đi mong muốn của bản thân. Bạn mơ ước có thể làm lại từ đầu nhưng không dám từ bỏ công việc ổn định, thu nhập cao và được trọng vọng như hiện tại.
Một ví dụ khác, điển hình hơn:
Chẳng hạn gia đình là giá trị sống quan trọng nhất của bạn (nghĩa là bạn coi trọng hạnh phúc gia đình hơn bất kỳ điều gì khác). Tuy nhiên, nhìn bạn bè mình ai cũng giàu sụ, bạn cảm thấy thua kém và lao vào kiếm tiền như thiêu thân.
Bạn dành quá nhiều thời gian cho công việc và không còn thời gian cho gia đình. Sự gắn kết gia đình ngày càng giảm và mâu thuẫn ngày càng gia tăng. Sau 2 năm, bạn trở nên giàu sụ nhưng cái giá phải trả cũng rất đắt: hạnh phúc gia đình tan vỡ. Dù giàu có nhưng bạn cảm thấy trống rỗng và vô nghĩa bởi bạn đã đánh mất giá trị sống quan trọng nhất của mình.
Chúng ta khó mà cảm thấy hạnh phúc được khi những điều chúng ta làm hàng ngày đi ngược lại những giá trị sống mà mình coi trọng.
To do: Tìm hiểu và liệt kê ra những giá trị sống của bạn, những điều bạn coi trọng nhất. Sau đó, xem lại các hoạt động hàng ngày của mình có phù hợp với những giá trị đó hay không.
Cả 6 yếu tố trên sẽ rất khó thực hiện nếu bạn không làm được điều thứ 7 này. Nếu bạn không yêu bản thân, bạn sẽ thấy mình không xứng đáng để làm điều mình yêu thích. Bạn sẽ không thể yêu thương người khác và có mối quan hệ tốt đẹp. Bạn cũng sẽ chả buồn bỏ công phát triển bản thân và đóng góp, cho đi,…
Và bạn có biết rằng, để yêu bản thân, chúng ta cần phải rèn luyện RẤT NHIỀU.
Chúng ta lớn lên với đầy niềm tin tiêu cực được nhồi nhét vào tâm trí, rằng chúng ta không xứng đáng, rằng chúng ta không có gì đặc biệt, rằng yêu bản thân là điều ích kỷ,…
Kết quả là, hình ảnh của bản thân trong mắt chính mình thường là xấu xí và tệ hại. Và chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều để thay đổi những hình ảnh đó.
Mình nhận ra tầm quan trọng của việc yêu bản thân từ sau khi đọc cuốn sách “Love YourSelf Like Your Life Depends On It” của Kamal Ravikant (nếu bạn đọc được tiếng Anh thì nên tìm đọc, cuốn sách rất ngắn nhưng rất hay).
Tác giả, sau khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì công ty bị phá sản, mọi khía cạnh trong cuộc sống đều xuống dốc không phanh, chỉ bằng cách học cách yêu bản thân mình với câu thần chú “I Love Myself”, đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình.
CÂU HỎI VÀNG
Tại sao chỉ bằng việc học cách yêu bản thân, chúng ta có thể thay đổi mọi mặt trong cuộc sống của mình? Mấu chốt nằm ở câu hỏi vàng bên dưới:
“Nếu mình thật sự yêu bản thân mình, mình có để bản thân trải nghiệm điều này không?”
“Nếu mình yêu bản thân mình, mình có để bản thân phải chịu đựng làm một công việc không yêu thích suốt mấy chục năm không?”
Chắc chắn là không.
“Nếu mình yêu bản thân mình, mình có để sức khỏe đi xuống bằng lối sống không lành mạnh như nhịn ăn sáng, thức quá khuya và không bao giờ tập thể dục không?”
Chắc chắn là không.
Bạn hiểu ý rồi chứ?
Việc thực tập yêu bản thân và đặt ra câu hỏi này thường xuyên sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định sáng suốt và đúng đắn hơn rất nhiều, và nó thường là các lựa chọn khó. (“Easy choices, hard life. Hard choices, easy life”)
Làm thế nào để yêu bản thân?
Theo những gì mình biết được, có hai cách thực tập chính:
- Affirmation (lời khẳng định tích cực). Lặp đi lặp lại câu nói “Mình yêu bản thân” để nó thấm vào tiềm thức. Nghe hơi “bệnh” chút nhưng affirmation là cách hiệu quả nhất để lập trình lại tiềm thức và thay đổi niềm tin tiêu cực của bạn. Chìa khóa là phải kiên trì. Mình thường làm điều này trong lúc thiền vào buổi sáng.
- Viết ra một điều bạn yêu thích ở bản thân mình. Bất cứ điều gì. Mình kết hợp thực tập này vào thói quen viết ra 3 điều biết ơn mỗi buổi sáng.
Cả hai cách thực tập này nghe giống bị tự kỷ vãi cả ra, nhưng chúng đều có cơ sở và đã được chứng minh hiệu quả. Bạn hãy thử thực tập trong một hai tháng xem, cuộc sống của bạn sẽ có nhiều sự thay đổi đáng kể.
Biến những điều trên thành THÓI QUEN
Nếu có điều gì đó đáng làm, nó phải được biến thành một thói quen. Bởi vì, chỉ có thói quen mới tạo ra được những sự thay đổi LÂU DÀI và BỀN VỮNG.
Biết mà không làm hoặc có làm nhưng lâu lâu mới làm thì chả có ý nghĩa gì cho lắm.
Để hạnh phúc hơn, chúng ta cần biến các điều trên thành thói quen: tập thói quen sống với hiện tại, thói quen biết ơn, phát triển bản thân, dành thời gian cho các mối quan hệ quan trọng, cho đi, làm điều bạn yêu thích và yêu thương bản thân.
Phá bỏ những thói quen cũ và rèn luyện thói quen mới là điều khó. Tuy nhiên, như bạn biết rồi đấy, có điều gì đáng giá mà đến dễ dàng đâu :))
Tóm lại
Mỗi người sẽ có những giá trị sống khác nhau, do đó định nghĩa về hạnh phúc cũng sẽ rất khác nhau. Không có công thức hạnh phúc chung chung dành cho tất cả.
Tuy nhiên, bản thân mình cho rằng, cho dù quan điểm về hạnh phúc của bạn là gì, tập trung vào 7 điều trên sẽ giúp bạn cảm nhận được nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống. Là con người, chúng ta chịu tác động của những nguyên tắc tâm lý chung, gần như đúng cho tất cả mọi người.
Hạnh phúc là MỘT CẢM GIÁC, và cảm giác thì xuất phát từ BÊN TRONG mỗi người. Nó có nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát được và rèn luyện được cách mà ta cảm nhận như thế nào tại mỗi thời điểm trong đời.
Mình xin được chốt lại bài viết này bằng một câu nói của Charles Spurgeon mà mình rất thích:
It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.
Chúc bạn “enjoy” được nhiều niềm vui trong cuộc sống!