Lang ben là một bệnh nhiễm nấm, nông, không triệu chứng và kéo dài dai dẳng. Bệnh gây ra do một loại vi nấm có tên khoa học là Pityrosporum orbiculaire. Bệnh có khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở miền nhiệt đới, ở nước ta, bệnh nhiều ở mùa nóng, bệnh ít vào mùa mưa, bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 35.
Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, bệnh xuất hiện là do kết quả của sự thay đổi sức chống đỡ của cơ thể đối với vi nấm. Bệnh gây trở ngại trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Bệnh lây trực tiếp từ người này qua người khác hay lây qua đồ dùng cá nhân như khăn, quần áo, mùng, mền, chiếu, gối… ThS Mai cũng cho biết thêm, bệnh lang ben thường không có triệu chứng, có thể gặp ngứa nhẹ hoặc không ngứa, khi ra nắng đổ mồ hôi thì có thể ngứa nhiều. Về cách chữa trị và dùng những loại thuốc nào, ThS Mai tư vấn cho độc giả như sau:
Câu hỏi 1: Chào SongKhoe.vn! Cháu năm nay 18 tuổi, giới tính nam. Cháu bị lang ben ở lưng và 2 cánh tay đã 2 năm rồi. Xin Bác sĩ tư vấn cho cháu cách điều trị bệnh này tại nhà ạ. Xin cảm ơn!
Trả lời: Chào cháu, Bệnh lang ben dễ nhầm lẫn với bệnh phong, bệnh bạch biến, vì thế bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán đúng. Về cách điều trị có thể như sau: Vì bệnh của cháu đã kéo dài 2 năm cho nên cháu xem xét các biểu hiện bệnh và có thể kéo dài thời gian điều trị so với người khác. Nếu những đốm nhỏ và ít, có thể dùng thuốc thoa tại chỗ như Antimycose, BSI, ASA có hiệu quả nhưng đôi khi bệnh nhân khó chịu vì đau rát và tróc da. Để tránh khó chịu và đau rát, cháu có thể thoa kem Nizoral trong 3 tuần thì đạt được kết quả khả quan. Trường hợp có nhiều đốm lang ben xa nhau, dùng thuốc thoa dễ bỏ sót, vì vậy nên dùng thuốc uống. – Nizoral (Ketoconazol) viên 200mg, ngày uống 1 viên trong 10 ngày. – Sporal (Itraconazole) viên 100mg, ngày uống 2 viên trong 7 ngày. Hai thuốc trên uống sau khi ăn. Khi dùng thuốc uống cần có sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu. Sau khi dùng thuốc khoảng 1 giờ, cháu nên tập thể dục mạnh để thuốc đến chỗ tổn thương nhiều nhất, cháu cũng không nên tắm trong thời gian đó 1 vài giờ. Chú ý, điều trị bệnh lang ben phải điều trị mọi người trong gia đình. Quần, áo, màn, chăn nên thay đổi thường xuyên. Đồ dùng cá nhân nên giặt bằng nước nóng. Không nên mặc quần áo ẩm ướt. Đề phòng bệnh phát trở lại, việc điều trị kháng sinh chống nấm nên được lặp lại, có thể hàng tháng uống thuốc 1 đến 3 ngày. Hoặc sau khi điều trị, cháu nên tắm ngày 1 lần với dầu gội Nizoral (Nizoral sampoo) trong 5 ngày liên tiếp. Chúc cháu điều trị thành công!
Câu hỏi 2: Thưa bác sĩ! Cháu năm nay 15 tuổi, là nữ giới. Cháu đã từng bị lang ben trên mặt nhưng đã trị khỏi. Giờ cháu lại thấy lên tiếp, vậy cháu nên làm gì ạ? Mong SongKhoe.vn tư vấn giúp cháu!
Trả lời: Chào cháu, Bệnh lang ben do loại nấm Malassezia furfur, còn gọi là nấm Pityrosporum ovale gây nên. Bệnh gặp chủ yếu ở người trẻ (nhất là những người ở lứa tuổi 15-17 như trường hợp của cháu). Sau tuổi trung niên thì tỉ lệ mới mắc lang ben giảm do sự bài tiết của tuyến bã giảm. Bệnh thường gây tổn thương trên da, chủ yếu nửa người phía trên như mặt, cổ, lưng, ngực… Nơi da bị nhiễm nấm thường có những mảng đổi màu, có thể lan rộng nếu không được điều trị. Tổn thương hơi gồ hoặc phẳng so với mặt da, ranh giới rõ, bề mặt có vảy mịn như phấn. Điều kiện thuận lợi để phát bệnh là khí hậu nóng ẩm, hoạt động thể lực nhiều, mặc quần áo bít kín, tiết nhiều mồ hôi nhờn, sử dụng mỹ phẩm, tăng corticoid máu… Chẩn đoán bệnh lang ben chủ yếu dựa vào lâm sàng, trong trường hợp khó có thể dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng như: dấu hiệu vỏ bào, xét nghiệm soi trực tiếp vảy da, nghiệm pháp ánh sáng Wood…
Điều trị: quan trọng nhất là loại bỏ điều kiện thuận lợi cho vi nấm gây bệnh. Nên mặc đồ thoáng, nhất là vào mùa nóng; tắm rửa, thay đồ hằng ngày. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn lau, quần áo… Khi bệnh mới phát, tổn thương ít thì chỉ cần dùng thuốc bôi da dạng nước (ASA, Antimycose, BSI), dạng kem (các azole), hoặc các dung dịch dầu gội hoặc xà phòng có chứa chất chống nấm như sastid, kelog, nizoral… Trường hợp nặng hoặc có nhiều đốm lang ben cách xa nhau, có thể dùng thuốc uống như ketoconazol hoặc itraconazol theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Điều trị lang ben dễ song rất hay tái phát, nhất là khi không biết cách phòng ngừa và điều trị đúng. Nếu để lang ben lan rộng sẽ khó điều trị và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác. Vì vậy, cháu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và kê đơn chính xác. Chúc cháu thành công!