Điều trị thoát vị đĩa đệm: Biện pháp khắc phục và thuốc

Hầu hết các vấn đề do thoát vị đĩa đệm gây ra sẽ bắt đầu tự cải thiện trong vòng vài tuần. Trong thời gian này, bạn có thể thử một hoặc nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm như sử dụng thuốc và bài tập điều trị thoát vị đĩa đệm để cảm thấy tốt hơn.

1. Nghỉ ngơi

Thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép lên các dây thần kinh trong cột sống, gây đau, yếu và tê ở cổ, lưng, cánh tay, chân. Đôi khi những triệu chứng này sẽ nghiêm trọng đến mức làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Nếu được chẩn đoán mắc bệnh, bạn hãy gác lại công việc một vài ngày. Nghỉ ngơi có thể giúp giảm sưng và cho tấm lưng của bạn có thời gian để chữa lành. Trong khi lưng đang bị đau, bạn cần tránh tập thể dục cũng như thực hiện các hoạt động khiến lưng phải uốn cong, hay nâng đồ vật.

Bác sĩ có thể đề nghị bạn nghỉ ngơi trên giường trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng đừng chỉ nằm yên lâu hơn 1 – 2 ngày. Bạn cần duy trì vận động thể chất để các khớp và cơ bắp không bị cứng.

Thoát vị đĩa đệm

Bạn cũng có thể sử dụng nước đá và liệu pháp nhiệt nóng để giảm đau. Chỉ cần đặt một túi nước đá hoặc khăn ướt ấm lên vùng lưng bị đau, hoặc tắm suối khoáng, đắp bùn… Có thể dùng biện pháp nóng hay lạnh tùy ý, hoặc kết hợp với nhau miễn là bạn cảm thấy dễ chịu.

2. Thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm

Uống một loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm không kê đơn như: Ibuprofen (Motrin, Advil) hoặc naproxen (Aleve, Naprosyn)… sẽ giúp giảm đau và giảm sưng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không dùng những loại thuốc này liên tục hơn 10 ngày mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Khi sử dụng với số lượng lớn hoặc trong một thời gian dài, những loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hay paracetamol có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim hoặc chảy máu, cũng như các ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan và thận… Ngoài ra, không có chỉ định dùng thuốc giảm đau chống viêm loại steroid vì nhiều tác dụng phụ.

Các chất gây nghiện như codein hoặc oxycodone-acetaminophen (Percocet) cũng là một trong những lựa chọn ngắn hạn, bác sĩ có thể kê đơn nếu những thuốc thông thường không có tác dụng.

Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giãn cơ để giảm co thắt cơ ở lưng. Những nhóm thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm khác, có tác dụng giảm đau thần kinh bao gồm: Amitriptyline (Elavil, Vanatrip), duloxetine (Cymbalta), gabapentin (Neurontin), pregabalin (Lyrica), và tramadol (Ultram). Hơn nữa, cũng có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12.

NSAIDs

3. Vật lý trị liệu

Một số bài tập điều trị thoát vị đĩa đệm có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Bác sĩ vật lý trị liệu có thể dạy cho bệnh nhân cách tăng cường cơ bắp, hỗ trợ lưng. Các chương trình vật lý trị liệu cũng bao gồm:

  • Tác động kéo giãn cột sống để dịch chuyển đĩa đệm trở lại vị trí bình thường
  • Mặc áo nẹp cột sống để cố định tạm thời, hạn chế lực tác động lên đĩa đệm
  • Bài tập căng cơ để giữ cho cơ bắp linh hoạt
  • Các bài tập aerobic – chẳng hạn như đi bộ hoặc thiết bị đạp xe tại chỗ
  • Mát xa
  • Chườm nóng và lạnh
  • Liệu pháp sóng siêu âm
  • Kích thích điện cơ, điện phân
  • Chiếu đèn hồng ngoại
  • Sóng ngắn

Gần đây, y học cũng bắt đầu sử dụng tia laser và sóng radio qua da để kiểm soát đau do thoát vị đĩa đệm. Đây là các phương pháp an toàn, nhưng chỉ hiệu quả trong những trường hợp nhẹ.

4. Tiêm ngoài màng cứng

Nếu đã tuân thủ yêu cầu nghỉ ngơi, kết hợp uống thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm và tập vật lý trị liệu nhưng vẫn không cải thiện cơn đau, bác sĩ có thể tiêm một loại thuốc steroid vào khoảng trống xung quanh dây thần kinh cột sống, được gọi là tiêm ngoài màng cứng. Các chất steroid có thể giúp giảm sưng, giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn và giảm đau do thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ sẽ sử dụng X-quang hoặc CT scan để tìm đúng vị trí tiêm thuốc. Đôi khi, bệnh nhân có thể cần tiêm nhiều mũi steroid mới có tác dụng. Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm, có thể tiêm ngoài màng cứng hydrocortison với liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 – 7 ngày. Lưu ý, kỹ thuật này phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa khớp có kinh nghiệm, đảm bảo điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.

Tiêm thuốc đẻ không đau (gây tê ngoài màng cứng) có hại không?

5. Phẫu thuật

5.1. Chỉ định

Hầu hết những người bị thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật. Nghỉ ngơi và các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm khác sẽ phát huy tác dụng cải thiện các triệu chứng trong vòng 4 – 6 tuần. Nhưng nếu cơn đau không thuyên giảm, phẫu thuật có thể được chỉ định.

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu:

  • Không nhận thấy hiệu quả từ việc uống thuốc giảm đau, tiêm và vật lý trị liệu
  • Các triệu chứng ngày càng trở nặng hơn, đau quá mức hoặc thậm chí là có liệt chi
  • Gặp khó khăn khi đứng hoặc đi lại
  • Không thể kiểm soát được ruột hoặc bàng quang (hội chứng đuôi ngựa)
  • Không có kết quả sau khoảng 6 tháng điều trị thoát vị đĩa đệm nội khoa.

5.2. Phẫu thuật cắt bỏ

Cụ thể, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ đĩa đệm bị tổn thương để giảm áp lực lên dây thần kinh theo một số cách sau:

  • Cắt bỏ đĩa đệm thông qua mổ hở ở lưng hoặc cổ. Biện pháp phẫu thuật kinh điển này đòi hỏi can thiệp rộng, về sau nhiều biến chứng, nhất là đau tái phát do vết mổ cũ xơ dính.
  • Phẫu thuật vi phẫu (vết mổ nhỏ hơn nhiều). Bác sĩ sẽ chèn một ống mỏng có gắn camera ở một đầu để quan sát và loại bỏ đĩa đệm bị hỏng.

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

5.3. Giải phẫu cung sau của đốt sống thắt lưng

Đôi khi bác sĩ phẫu thuật cũng cần phải loại bỏ một mảnh xương nhỏ từ đốt sống, gọi là lamina. Các lamina tạo thành một lớp bảo vệ tủy sống. Loại bỏ một phần hoặc tất cả lamina giúp bác sĩ phẫu thuật tiếp cận vào đĩa đệm bị thoát vị, đồng thời có thể làm giảm áp lực lên dây thần kinh, cũng như kiểm soát cơn đau chân và đau thần kinh tọa.

Các lamina có thể được loại bỏ trong quá trình cắt bỏ đĩa đệm, hoặc bác sĩ có thể đã lấy chúng ra trước trong một phẫu thuật riêng biệt.

5.4. Hợp nhất cột sống

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm, bác sĩ có thể hợp nhất hai đốt sống ở hai bên của đĩa đệm để ổn định cột sống. Thủ thuật này được gọi là hợp nhất cột sống. Hợp nhất hai đĩa đệm sẽ ngăn xương di chuyển ngoài ý muốn, đồng thời cắt hẳn cơn đau.

5.5. Thay thế đĩa đệm nhân tạo

Chỉ có một vài người bệnh đủ điều kiện thể chất mới có thể tiến hành thay thế đĩa đệm nhân tạo. Nói cách khác, đĩa đệm nhân tạo chỉ thích hợp với một số đĩa đệm bị hỏng nhất định ở lưng dưới. Không phải bệnh nhân nào cũng có đĩa đệm bị thoát vị giống nhau. Phẫu thuật thay đĩa đệm mới thường ít được chỉ định.

Trường hợp đã được chỉ định, bác sĩ sẽ thay thế đĩa bị hỏng bằng một đĩa nhân tạo, làm bằng nhựa hoặc kim loại. Đĩa mới sẽ giúp giữ cho cột sống ổn định và giúp bạn vận động dễ dàng hơn.

Các kỹ thuật cải tiến hơn bao gồm:

  • Phẫu thuật mở nhỏ (mini-open)
  • Cắt bỏ đĩa đệm qua da
  • Nội soi lấy nhân thoát vị
  • Nội soi hút nhân nhầy…

Đĩa đệm nhân tạo

6. Bảo vệ cột sống

Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm sẽ tiến triển tốt hơn hoặc tự khỏi, nhưng cũng có thể tái phát lại. Để bảo vệ cột sống và ngăn ngừa thoát vị một đĩa đệm khác, bạn phải luôn:

  • Ngồi và đứng thẳng: Nếu công việc đòi hỏi phải đứng trong một thời gian dài, hãy đặt một chân lên ghế hoặc hộp nhỏ để giảm áp lực cho lưng.
  • Cẩn thận khi nâng bất cứ vật nặng nào: Nên ngồi xổm trên đầu gối và nâng vật lên, thay vì uốn cong từ thắt lưng. Thói quen cúi người nâng vật này tạo ra rất nhiều áp lực lên lưng.
  • Giữ cân nặng ở mức thích hợp: Việc tăng thêm vài kilogram có thể tạo thêm áp lực cho lưng.
  • Tránh xa thuốc lá: Hút thuốc có thể gây xơ cứng động mạch, dẫn đến tổn thương các đĩa đệm trong cột sống.

Đĩa đệm có tính đàn hồi, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động một cách mềm dẻo. Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, cần rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là cột sống vững chắc bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Từ khi còn trẻ, phải chú ý giữ tư thế cột sống đúng trong lao động, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày, tránh cúi người khiêng vật nặng và chấn thương cột sống. Đối với người bệnh, lựa chọn biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bảo tồn hay can thiệp phẫu thuật sẽ dựa theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động và sinh hoạt.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Các bác sĩ Nội Cơ xương khớp cùng các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình giàu chuyên môn và kinh nghiệm sẽ kết hợp hội chẩn, đồng thời thực hiện các phương pháp chẩn đoán tiên tiến nhất hiện nay để đánh giá tình trạng bệnh và chỉ định phác đồ điều trị cụ thể.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chính là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin tưởng trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý cơ xương khớp. Khi thăm khám tại Hệ thống y tế Vinmec, Quý khách hàng sẽ được:

  • Đội ngũ y – bác sỹ là các chuyên gia đầu ngành, trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân.
  • Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp.
  • Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
  • Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa.
  • Đảm bảo trọn vẹn sự an toàn và riêng tư cho khách hàng.
  • Mô hình quản lý, chia sẻ và kết nối dữ liệu thông tin trực tuyến hiện đại, hiệu quả tối ưu.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!

Nguồn tham khảo: webmd.com

Rate this post

Viết một bình luận