Đình, đền chùa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 811 cơ sở tín ngưỡng bao gồm đình, đền, miếu, chùa, phủ, am, nghè… , trong đó tập trung nhiều ở địa bàn thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Chi Lăng… Đây là những công trình văn hóa nghệ thuật do nhân dân xây dựng để thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tinh thần, tâm linh, đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống đặc sắc. Đối với người Tày, Nùng bản địa, Phật giáo mang tính chất dân gian, việc thờ cúng Phật chỉ dừng ở mức độ thờ tranh Phật Thích Ca, Quan Âm Bồ Tát, do vậy kiến trúc chùa ở Lạng Sơn chỉ tập trung ở nơi đô thị, tập trung nhiều đồng bào Việt cư trú. Đó là các di tích chùa nổi tiếng như: chùa Thành, chùa Tiên, chùa Tam Thanh, chùa Tam Giáo (thành phố Lạng Sơn) hay chùa Bắc Nga (Cao Lộc)… Di tích đền, miếu thờ tín ngưỡng dân gian như Thánh Mẫu, Thánh Trần, Thủy Thần, Thổ Công có rất nhiều như: đền Kỳ Cùng, Ngũ Nhạc, Cửa Đông (thành phố Lạng Sơn), Bắc Lệ (Hữu Lũng), Mỏ Ba (Chi Lăng)… Đặc biệt cũng phải kể đến các di tích thờ các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa đã có công khai phá, giữ yên đất nước, phát triển kinh tế xã hội ở Lạng Sơn như: đền tả Phủ thờ Tả Đô đốc, Hán Quân công Thân Công Tài thế kỷ XVII, đền thờ Đức Thánh Thần Triều (Trần Quốc Tuấn) ở Thất Khê (Tràng Định), Thành phố Lạng Sơn. Đây là biểu hiện đẹp cho đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Một số đình, đền chùa trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái, tham quan như:

Thành phố Lạng Sơn:

1. Đền Kỳ Cùng (còn có tên là đền Quan Lớn Tuần Tranh) nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng và ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa; hiện thuộc địa phận phường Vĩnh Trại. Tại đền Kỳ Cùng hiện nay ngai thờ và bài vị đức Kỳ Cùng Đại Vương (ông Cộc, ông Dài) được đặt tại ban thờ Trung điện, còn ban thờ và tượng thờ Quan lớn Đệ ngũ Tuần Tranh được đặt trong hậu cung đền. Vị trí bên trái cung Kỳ Cùng Đại vương là ban thờ đức Thánh Trần, vị anh hùng dân tộc đã trở thành một dòng tín ngưỡng riêng rất phổ biến và xuất hiện từ rất sớm ở Lạng Sơn. Hiện nay, ngoài Quan Lớn Tuần Tranh (Trần triều Đại vương), trong đền còn phối thờ Tam tòa Thánh mẫu và một số nhân thần khác. Hằng năm, lễ hội chính của đền được tổ chức từ ngày 22 – 27 tháng Giêng gắn với lễ hội đền Tả Phủ. Năm 1993, ngôi đền đã được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.

2. Đền Tả Phủ: nằm ở trung tâm phố chợ Kỳ Lừa, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đền thờ một vị quan tướng thời Hậu Lê tên là Thân Công Tài, chức Tả Đô đốc, Hán quận công. Ông là một nhân vật lịch sử, có công lớn với nhân dân Xứ Lạng nói riêng, cũng như là một danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc ta ở thời nửa sau thế kỷ XVII. Ngôi đền thờ Tả Phủ có hướng chính quay về hướng Tây, nằm trên thế đất cao tạo nên vẻ uy nghi, linh thiêng. Lễ hội truyền thống đền Tả  được tổ chức vào dịp 22 đến 27 tháng Giêng. Lễ hội này gắn liền với lễ hội đền Kỳ Cùng về nghi thức tế lễ, rước kiệu, các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc. Di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993.

3. Chùa Thành:

Chùa Thành (Diên Khánh Tự) là một trong những ngôi chùa cổ được lập vào sớm nhất ở Lạng Sơn, khoảng cuối thế kỷ XV dưới triều Lê Sơ. Khởi đầu chỉ là một miếu nhỏ thờ Quan Thánh Đế Quân (một vị thần của Đạo giáo). Sau đó linh ứng các sư trụ trì mở mang kiến trúc, tô thêm tượng để trở thành một ngôi chùa thờ Phật. Trải qua nhiều lần tu bổ kiến trúc chùa đã ổn định với một kết cấu hoàn chỉnh của một ngôi chùa Việt điển hình theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Chùa Thành có hệ thống tượng pháp rất phong phú, đa dạng, các bức đại tự, câu đối có giá trị… nổi bật là quả chuông đúc năm 1697 và tấm bia hai mặt tạo tác năm 1796.

4. Đền Cửa Đông – Đền Cửa Tây – Đền Cửa Nam – Đền Cửa Bắc: 4 đền nằm ở 4 hướng ngay xung quanh thành cổ Lạng Sơn.

Đền Cửa Đông: Đền có tên cũ là “Đền Bạch Đế” thờ thần sông Kỳ Cùng. Đền nằm ở phía Đông thành cổ Lạng Sơn, thuộc phố Cửa Đông, nay là đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn. Đền là một di tích kiến trúc – tôn giáo được xây dựng theo kiểu truyền thống hình chữ Đinh. Mặt trước nhìn ra sông Kỳ Cùng. Cấu trúc gồm 3 phần liền nhau: Tam Quan – Chính Điện – Tả Hữu Vũ. Đền Cửa Đông hiện nay ngoài việc thờ thần sông “Bạch Đế” còn là nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần với số lượng thờ khá phong phú.

Đền Cửa Tây: Đền nằm ở phía tây thành cổ Lạng Sơn, nên có tên gọi là đền cửa Tây. Đền nằm ngay bên cạnh đường ở đoạn cây số 2 đường Trần Hưng Đạo thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đền xây dựng vào năm 1924 để thờ đức Trần Hưng Đạo và các vị Thánh Mẫu, đền có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ. Kiến trúc của đền gồm: Tam quan ở phía ngoài và 3 tượng thờ ở bên trong, đền gồm 2 tòa nhà được xây dựng năm 1934. Tòa thứ nhất là điện thờ Mẫu, theo truyền thuyết đền này gắn liền với sự kiện Mẫu Liễu Hạnh gặp Trạng Phùng Khắc Quan ở Tây Hồ. Tòa thứ 2 kiến trúc theo kiểu chữ Đinh thờ Đức Thánh Trần và các gia tướng như Phạm Ngũ Lão – Dã Tượng, yết Kiêu, cùng các Hoàng tử và công chúa. Đây là một trong những đền thờ vọng (Đức Thánh Trần) ở Lạng Sơn.

Đền Cửa Nam: Đền nằm ở phía Cửa Nam thuộc phường Chi Lăng. Đền được xây dựng năm 1941, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, mặt đền quay về hướng Đông Bắc. Trong đền có các ban thờ như: Tam Tòa Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần. Hiện nay đền do ban Khánh tiết của địa phương quản lý và phục vụ tín ngưỡng đối với nhân dân trong khu vực.

Đền Cửa Bắc: Nằm ở phía Bắc nằm phía Bắc thành cổ Lạng Sơn. Đền được xây dựng từ thời Nguyễn, kiến trúc của đền gồm 2 tòa nhà: Tòa thứ nhất xây dựng theo kiểu chữ Đinh tường xây gạch, mái lợp ngói tây quay mặt về phía Bắc, bên trong gồm có Tam Tòa Thánh Mẫu và các Cô, Cậu. Tòa thứ hai hình chữ nhất là cung thờ Trần Triều. Đền hiện nay vẫn được quản lý và phục vụ tốt việc tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

5. Đền Vua Lê:

Thuộc thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Ngôi đền được nhân dân địa phương lập để thờ vọng vua Lê Thái Tổ. Đền nằm cách đường quốc lộ 1A cũ khoảng 30 m từ thành phố Lạng Sơn lên Đồng Đăng. Đền được bài trí 3 gian, gian giữa (chính diện) thờ Đức Vua Lê, 2 gian bên thờ các tướng nhà Lê và Đức Ông. Đền Vua Lê được con cháu dòng họ nguyễn Đình cho xây dựng với quy mô lớn, được các đời Vua triều Nguyễn ban nhiều sắc phong. Lễ hội đền Vua Lê được tổ chức vào ngày 23 – 24 tháng Giêng hàng năm. Vào những ngày này trong đền lúc nào cũng đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút, ca ngợi và tưởng nhớ ân đức của các Vua Lê, cầu mong những điều tốt lành cho mọi người.

6. Chùa Tiên

Thuộc địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Truyền thuyết kể rằng: “Vào năm trời hạn hán, dân làng Phia Luông không có nước dùng. Bữa nọ, một bầy trẻ chăn trâu gặp một cụ già xin ăn, lũ trẻ vui vẻ chia phần cơm của chúng cho ông cụ. Cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của lũ trẻ cụ già liền lấy gót chân giẫm xuống tảng đá, lập tức một dòng nước ngọt trong vắt phun lên. Từ đó, dân làng Phia Luông có đủ nước dùng. Người dân địa phương cho rằng: cụ già đó chính là ông Tiên nên gọi nguồn nước đó là Giếng Tiên. Sau này, người dân địa phương đã lập miếu thờ Tiên ngay cạnh giếng. Trải qua thăng trầm của thời gian nhân dân đã lập thành ngôi chùa và chuyển vào trong động Song Tiên để thờ tự. Lễ hội chùa Tiên được tổ chức vào ngày 18 tháng giêng âm lịch

7. Chùa Tam Thanh

Trong động Tam Thanh có chùa, gọi là chùa Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Qua các tài liệu thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu cho rằng chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Tam Bảo (thờ Phật), Cung Đức Ông, Cung Công đồng Thánh Mẫu, Cung Ngũ Dinh, Cung Cấm (nơi thờ A Di Đà), Cung Sơn Trang. Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích. Ngày lễ hội chính của Chùa là ngày 15 tháng Giêng. 

8. Đền Vĩnh Trại:

Đền nằm trong ngõ 4 đường Lê Lợi – phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Đền quay hướng Đông, thờ một vị tướng thời Lê đó là Lê Công Trứ. Các ban thờ được sắp xếp theo trật tự: Đại Bái – Hậu Cung. Tiền đường thờ Thần Sông, hậu cung thờ Lê Công Trứ, gian bên phải thờ Mẫu. Các ngày lễ trong năm là ngày mồng 9 tháng 1, 9 tháng 4, 9 tháng 7 và 9 tháng 12.

9. Đền Khánh Sơn: thuộc xóm Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Là một công trình nghệ thuật được xây dựng vào tháng 10 năm Khải Định thứ 3 (1918). Đền có kiến trúc chữ Nhị, diện tích 22m vuông gồm chính điện và hậu cung xây dựng bằng gạch đỏ lợp ngói âm dương. Cấu trúc nội ngoại thất của di tích được trang trí bởi những chi tiết truyền thống có giá trị mỹ thuật gắn với di tích, còn có 2 cây đa cổ thụ trước đền và một giếng vuông kè xanh. Di tích thờ Tứ Vị Đại Vương, thành hoàng của làng đó là: Nô Ông Phụ Đạo Dực Vệ Đại Vương, Nô Ông Khuyến Đại Thần, Nô Ông Kỳ Vĩ Đại Thần, Nam Dương Đại Thần. Đền Khánh Sơn là một di tích có giá trị trong số ít kiến trúc còn tồn tại ở Lạng Sơn.

Huyện Cao Lộc:

Đền Mẫu Đồng Đăng: Đền Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử. Đền thờ Phật Quan thế Âm Bồ Tát và nhiều tượng phật. Hệ thống tượng thờ Mẫu bài trí tại các ban thờ trong đền khá phong phú, đầy đủ thứ bậc. Lễ hội đề Mẫu được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng cầu mong sự an bình thịnh vượng với nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu  các môn thể thao như Đẩy gậy, Kéo co, Ném còn…và hoạt động ẩm thực truyền thống với các món ăn đặc sản tiêu biểu của Xứ Lạng: Lợn quay, Vịt quay, Khau nhục, Phở chua, Mía…

Chùa Bắc Nga: Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga Phật tự” hay còn gọi là Chùa Tiên Nga (Tiên Nga Tự). Chùa thuộc địa phận thôn Bắc Nga, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Xuất phát từ truyền thuyết: Ngày xưa người và tiên sống cùng nhau, các tiên nữ thường ngao du xuống hạ giới, thấy vùng này nhiều hoa tươi cỏ lạ, cây cối mướt xanh cùng sòng Kỳ Cùng uốn lượn hữu tình khiến các nàng rất thích thú. Một nàng tiên trong số đó đã nói với dân làng rằng nơi đây cảnh đẹp, đất lành, nàng không muốn về thượng giới nữa. Từ đó nhân dân trong vùng họp nhau lại, góp công của xây dựng miếu thờ Tiên, mong các Tiên nữ phù hộ dân làng cuộc sống bình yên. Chùa ban đầu thờ Tiên, dần rồi kết hợp thờ Phật. Lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm . Đây là lễ hội cầu tài cầu lộc, du xuân, nam nữ rủ lên đồi cao hát giao duyên với các làn điệu sli, lượn, được coi là nét đặc trưng cho hát trong lễ hội ở Lạng Sơn.

Huyện Hữu Lũng:

Đền Bắc Lệ: thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Trải qua năm tháng ngôi đền nhiều lần được trùng tu, tôn tạo lại nhưng vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc và giữ lại những di vật cổ có giá trị như 19 bức tượng lớn nhỏ làm từ gỗ mít, những bức hoành phi, câu đối qua các đời được chạm trổ tinh tế. Nét độc đáo nhất của đền Bắc Lệ nằm ở chỗ đối tượng được suy tôn trong đền là Bà Chúa Thượng Ngàn – một trong ba vị Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu Thủy (Mẫu Thoải) cai quản miền sông nước. Đền còn tôn thờ Chầu Bé, theo dân gian Chầu Bé là một nhân vật có thật từng sống trong vùng, có thể thay mặt Đức Mẫu thực hiện và đáp ứng những lời nguyện cầu của người dân. Lễ hội đền Bắc Lệ được tổ chức hàng năm vào ngày 20/9 âm lịch với các hoạt động mang đậm nét văn hóa tâm linh như lễ rước cô Bơ Bắc Lệ từ đền Kẻng lên đền Bắc Lệ (cô Bơ đến hầu Đức Mẫu Thượng Ngàn), các nghi thức thờ cúng Mẫu, nguyện cầu, lên giá đồng….

 

Đền Phố Vị: Đền nằm tại thôn Phố Vị xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng, cách trung tâm huyện Hữu Lũng 4 km về hướng Đông Nam. Đền thờ Đại Vương Trần Triều và mẫu Liễu Hạnh đồng thời thờ thần Tam Phủ Vương Quan. Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê, nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát quanh năm. Trải qua thời gian, các hiện vật cổ của đền bị thất lạc nhiều, song cho đến nay vẫn giữ được một số di vật cổ như: 01 chuông đồng, 04 bát hương đồng, 01 tượng phật bằng đồng đúc nhỏ, một số hoành phi, câu đối cổ và 01 khám thờ cổ ở gian hậu cung. Lễ hội chính của đền được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng, thu hút đông đảo du khách thập phương.

 

Đền Đèo Kẻng: Còn được gọi là “Sơn Lâm linh tự” ở tại thôn Vườn Chè, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng. Đền nằm trên một quả đồi bằng phẳng, cách thị trấn Hữu Lũng 10km, cách đền Bắc Lệ 2 km. Đền Đèo Kẻng có từ thời Hậu Lê, thờ Mẫu Thượng Ngàn, gồm có 3 cung: Cung ngoài thờ quan Ngũ Hổ, cung giữa thờ Đức Vua cha, hậu cung thờ Mẫu. Đền Đèo Kẻng gắn liền với quần thể di tích Bắc Lệ. Trong lễ hội chính đền Bắc Lệ tổ chức vào ngày 20/9 âm lịch, người dân vẫn thường tổ chức lễ rước Phật, Mẫu đến đền Đèo Kẻng để làm Lễ Đại Tế rồi lại rước về. Đền Đèo Kẻng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 1992.

 

Đền Quan Giám Sát: Nằm ở thôn 6, xã Hòa Lạc, là nơi thờ Đẹ vị Giám sát. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê. Năm 1991 tu sửa lại gồm 3 gian chính, 1 gian phụ. Lễ hàng năm vào 6/1 – 12/5, 20/8 và 10/10 âm lịch. Các đồ tự khí tượng thờ là những di vật có giá trị tiêu biểu.

 

Đền Suối Ngang: Nằm ở thôn Suối Ngang, xã Hòa Thắng. Đền thờ cô gái linh thiêng theo truyền thuyết kể lại từ thời xưa. Đền được xây dựng từ lâu, năm 1990 có tu sửa lại, đền có 3 gian chính, 1 gian phụ, có 8 pho tượng bằng gỗ. Đây là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng lâu đời của nhân dân và khách thập phương.

 

Huyện Lộc Bình:

Đền Khánh Sơn: Còn gọi là Khánh Sơn Linh Từ, nằm ở trung tâm thị trấn Lộc Bình, được xây dựng cách đây gần 200 năm, đền có kiến trúc tiền thánh hậu phật hình chữ Tam, xây bằng gạch chỉ gồm 3 gian (đại bái – tiền đường – hậu cung). Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, Tam phủ công đồng, đức thánh Trần và một số bát hương của con hương cái bán (nhà đền). Đền Khánh Sơn lưu giữ nhiều câu đối, hoành phi, các hiện vật cổ, cuốn thư phỏng theo phong cách mỹ thuật thời Nguyễn, hệ thống tượng pháp phong phú, hoàn mỹ cuối thế kỷ XIX. Lễ hội hàng năm tổ chức vào ngày 8/3 âm lịch thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Ngày nay đền Khánh Sơn là một trong những điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của địa phương, ngày hội của đền cũng trở thành ngày hội truyền thống của thị trấn Lộc Bình.

Chùa Trung Thiên: Chùa an lạc  tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, chùa nằm bên dòng sông Kỳ Cùng nhìn sang đỉnh núi Mẫu Sơn. Chùa được xây dựng vào năm chính hòa thứ nhất Tiết mùa đông tháng 10 năm 1680 do quận công Vi Đức Thắng, người xã Khuất Xá, châu Lộc Bình khởi công xây dựng. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh, hệ thống thờ “tiền Thánh hậu Phật. Chùa Trung Thiên hiện nay thờ quận công Vi Đức Thắng, người có công khởi dựng chùa, được dân làng yêu quý, kính trọng tôn lên làm thánh để thờ phụng. Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như: hát giao duyên, múa sư tử, tung còn, kéo co, đấu võ dân tộc… Đặc biệt trong ngày hội người ta còn đoán được tình hình thời tiết qua tình hình khí tượng ở đỉnh núi Mẫu Sơn. Người xưa truyền rằng khi nào đỉnh Mẫu Sơn có mây mù thì trời nắng, đỉnh trong xanh thì trời mưa.

 

Huyện Chi Lăng:

Đền Mỏ Ba: Thuộc xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII thờ tín ngưỡng mẫu gồm: Cung mẫu (Chầu mười), cung cấm (hậu cung), thượng chầu Mười hai bên có hai hầu cận, Tiền đường: trên nhất là hai ông quan lớn, nhị cấp là ông bẩy, ông mười, tam cấp là hai tượng cô. Bên phải tiền đường là cung sơn trang. Phía ngoài trước cửa đền là cung mẫu (Mẫu thượng ngàn). Phía ngoài bên trái đền là cung tứ phủ cung quan sơn thần.

Đền Suối Lân: Thuộc thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng. Được xây dựng thời hậu lê, được tu sửa nhiều lần, lần cuối vào năm 1990. Đền thờ Mẫu (chầu Năm). Đền có các đồ thờ tự: 11 pho tượng, 4 chuông đồng, 3 bát hương đồng, 1 chuông đồng, 1 ống hương đồng.

Đền Chầu Bát: thuộc Phố Hòa Bình, thị trấn Đồng Mỏ. Đền có từ lâu đời, năm 1965 di tích bị phá hoại, từ 1966 cho đến năm 1990 di tích là nơi UBND thị trấn dùng làm trụ sở. Năm 1992 di tích được tôn tạo như hiện nay. Di tích thờ: Công Đồng, thờ phật, thờ Mẫu. Các đồ thờ tự: 1 chuông đồng, 2 đỉnh đồng, 1 ống hương cổ.

 

Huyện Bắc Sơn:

Đình Nông Lục: Thuộc thôn Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn. Đình Nông Lục là một trong số 20 di tích kiến trúc nghệ thuật – tôn giáo tín ngưỡng đình làng còn tồn tại ở Bắc Sơn Lạng Sơn, xây từ thời Nguyễn có kiến trúc theo kiểu chữ Nhất, diện tích đình 180m vuông, phía Nam là miếu thờ Thần có diện tích 5m vuông. Đình là sự kết hợp hài hòa giữa ngôi đền cổ truyền đồng bằng Bắc Bộ và nhà sàn truyền thống của người Tày Lạng Sơn. Đình thờ vị thành hoàng “Cao Sơn Quý Minh Đại Vương”. Ngoài giá trị là một di tích kiến trúc nghệ thuật, đình Nông Lục còn là một di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ nhân dân huyện Bắc Sơn. Tại ngôi đình này tháng 9 năm 1940 các cán bộ Đảng viên Bắc Sơn đã họp và ra quyết định khởi nghĩa và dành lại chính quyền. Di tích đã được xếp hạng quốc gia năm 1992.

 

Đình Dục Lắc: Thuộc thôn Nội Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 8km về phía Đông Nam. Đình Dục Lắc thờ dòng họ Dương của xã. Đình Dục Lắc là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật mang ý nghĩa tôn giáo với kiến trúc được lưu giữ khá nguyên vẹn với 5 gian, các đồ thờ tự đã bị ly tán chỉ còn lại hai câu đối chữ Nho, một bức hoành phi… Đình Dục Lắc đồng thời là một di tích cách mạng quan trọng trong thời kỳ khởi nghĩa Bắc Sơn, tại đình Dục Lắc những năm tháng hoạt động cách mạng đã diễn ra những cuộc họp bí mật của các đồng chí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đề ra nhiều chỉ thị quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng ở Bắc Sơn.

 

Huyện Văn Lãng:

Chùa Tà Lài: Có tên chữ là “Thanh Hương Tự”. Tọa lạc trên lưng chừng núi Phia Chàu thuộc địa phận thôn Tà Lìa, xã Tân Mỹ, cách trung tâm huyện Văn Lãng khoảng 15 km về phía Nam. Chùa Tà Lài được được một nữ đô đốc dòng họ Nguyễn Đình theo quận công Nguyễn Đình Lộc hưng công xây dựng từ thế kỷ 18. Đó là một ngôi chùa nhỏ nằm gọn trong hang đá ở lưng chừng núi. Mặt chính quay  hướng Tây Nam. Hệ thống các ban thờ được bố trí theo kiểu Tiền Mẫu, hậu Phật. Hiện nay chùa Tà Lài còn lưu giữ được một số đồ thờ tự, một bia đá mang tên “Thanh Hương linh tự”, hệ thống tượng pháp làm bằng chất liệu nung biểu hiện sự tài hoa của nghệ nhân thế kỷ 18. Lễ hội chùa Tà Lài được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm thu hút du khách gần xa về trảy hội khá đông. Chùa Tà Lài đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Chùa Tân Thanh:  thuộc khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Chùa được xây theo lối kiến trúc thuần Việt, đậm đà nét văn hóa Bắc Bộ cổ truyền với diện tích 21 héc – ta. Nơi đây hàng năm luôn là điểm đến tâm linh của rất nhiều du khách và nhân dân trong tỉnh. Hội chùa Tân Thanh diễn ra vào mùng 9 tháng giêng thu hút nhiều du khách thập phương đến thăm bái.

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn

Rate this post

Viết một bình luận