Parkinson là một bệnh lý rối loạn vận động mãn tính và được quản lý tốt nhất với sự kết hợp của theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc, hỗ trợ trị liệu, tập thể dục… Đặc biệt chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Parkinson vô cùng quan trọng.
1. Tổng quan về bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson thường gặp ở những người cao tuổi. Bệnh xảy ra do các nguyên nhân như: Nhiễm độc, thoái hóa thần kinh, viêm não, đột quỵ,…
Người bệnh Parkinson thường xuất hiện các dấu hiệu như: Mệt mỏi, khi nhớ khi quên, vụng về trong các động tác đơn giản, run chân tay,…
2. Dinh dưỡng cho bệnh nhân Parkinson
Theo các chuyên gia, không có một chế độ ăn cụ thể nào được khuyến nghị dành cho bệnh nhân Parkinson. Điều quan trọng là phải đảm bảo người bệnh nhận được đủ lượng calo và chất dinh dưỡng để duy trì sức mạnh, cấu trúc xương và khối lượng cơ. Các vấn đề mà bệnh nhân Parkinson thường gặp phải như: Giảm cân ngoài ý muốn, kém ăn, khó nuốt nên được thảo luận với bác sĩ kỹ hơn.
Tuy vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ ở những người có nguy cơ hoặc có các dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer. Dưới đây mà một số thực phẩm mà người bệnh Parkinson nên ăn hoặc cần tránh:
2.1. Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm chứa thành phần chống oxy hóa
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến viêm, thoái hóa não bộ, suy giảm trí nhớ ở bệnh nhân Parkinson là do sự tấn công của các gốc tế bào. Do đó, việc bổ sung các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa là rất quan trọng.
Trong nhiều loại rau củ, trái cây như: Cà chua, cà rốt, súp lơ, rau cải xanh,… rất giàu thành phần này. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể uống trà xanh, rượu vang,… vào những thời điểm thích hợp trong ngày để tăng cường khả năng chống oxy hóa và không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Thực phẩm giàu dopamine
Một trong những nguyên nhân khiến não bộ kém linh hoạt, phát triển ở người bệnh Parkinson là do suy giảm dopamin. Các chuyên gia khuyên trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh Parkinson nên bổ sung thành phần này.
Một số thực phẩm sau đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu dopamin của cơ thể như: Các loại đậu, các loại hạt, chuối,…
Thực phẩm giàu omega 3
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Parkinson không thể thiếu thực phẩm giàu omega 3. Bởi đây là chất béo lành mạnh giúp nạp dinh dưỡng cho các tế bào mô của cơ thể. Đồng thời, thành phần này có tác dụng kích thích não bộ, tăng cường khả năng nhớ lâu…
Bệnh nhân Parkinson được khuyên ăn các loại cá thu, cá hồi, cá ngừ,… để tăng cường omega 3
Các loại chất xơ
Táo bón là tình trạng thường gặp đối với những người bị bệnh Parkinson vì những thay đổi liên quan đến bệnh trong ruột hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh. Táo bón hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây. Đồng thời, chất xơ còn có vai trò đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh.
2.2 Thực phẩm cần tránh
Như đề cập ở trên, những thay đổi lành mạnh trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Parkinson sẽ giúp cải thiện bệnh. Tuy vậy, người bệnh cũng cần kiêng một số thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến bệnh Parkinson như:
Thực phẩm giàu protein
Protein vốn là một thành phần có lợi và cần thiết đối với sức khỏe. Tuy nhiên, đối với bệnh Parkinson, ăn quá nhiều protein sẽ gây giảm hiệu quả của các thuốc điều trị bệnh. Do đó, bệnh nhân Parkinson nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm protein.
Cần tránh xa đường
Các thực phẩm chứa đường làm người bệnh bị tăng cân, khiến việc vận động, di chuyển, kiểm soát bệnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong dinh dưỡng cho bệnh parkinson cần tránh ăn đường.
Các chất kích thích
Các thực phẩm này cần được loại bỏ hoặc hạn chế sử dụng trong tất cả các bệnh, nhất là bệnh Parkinson. Rượu, bia, cà phê,… đều có khả năng làm giảm tác dụng điều trị của thuốc chữa bệnh Parkinson, hạ đường huyết, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ,…
3. Các phương pháp khác hỗ trợ bệnh nhân Parkinson
3.1. Tập thể dục
Nhiều nghiên cứu cho rằng tập thể dục có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Parkinson. Biện pháp này giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn cả về thể chất và tinh thần. Tập thể dục nhịp điệu có thể có tác động tích cực đến tình trạng bệnh đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, duy trì vận động giúp ngăn ngừa một số biến chứng của bệnh Parkinson do tư thế cứng và gập (hoặc uốn cong) như đau vai, hông và lưng. Một số bài tập có lợi cho bệnh nhân Parkinson như đi bộ, đi xe đạp tĩnh, bơi lội hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước…
3.2. Phòng ngừa té ngã
Khi bệnh Parkinson trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ té ngã sẽ tăng lên. Để giảm nguy cơ này, bệnh nhân và người chăm sóc được khuyến khích làm cho ngôi nhà an toàn nhất có thể bằng cách:
● Lắp đặt thanh nắm vòi hoa sen hoặc bồn tắm, băng dính trên sàn và bệ ngồi toilet trên cao có tay cầm.
● Có đủ ánh sáng trong nhà, đặc biệt là vào ban đêm. Sử dụng đèn ngủ nhạy sáng hoặc đèn hẹn giờ có thể hữu ích.
● Cố định thảm lỏng lẻo
3.3. An toàn khi lái xe
Hầu hết những người bị bệnh Parkinson có thể tiếp tục lái xe miễn là các triệu chứng vận động của họ ở giai đoạn nhẹ. Khả năng lái xe phải được theo dõi và đánh giá lại chính thức khi các triệu chứng vận động và nhận thức xấu đi.
Nếu cần thiết phải dừng hoặc cắt giảm việc lái xe, các hình thức vận chuyển khác như taxi taxi, xe buýt đưa đón, xe buýt công cộng hoặc xe lửa. Người bệnh Parkinson được khuyến khích đi bộ để an toàn hơn.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: uptodate.com