Dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi mà bố mẹ nên biết – YouMed

Dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi là một trong những nội dung chăm con mà bố mẹ cần quan tâm. Giai đoạn 1 tuổi hay 12 tháng tuổi là giai đoạn trẻ rất nhạy cảm với việc ăn uống. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển tốt, cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này để bố mẹ tham khảo.

1. Dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi cần chú ý những gì?

Một tuổi là thời điểm bé đang thay đổi, phát triển và khám phá thế giới với tốc độ rất nhanh. Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi là một mối quan tâm. Bố mẹ tuyệt đối không nên xao lãng trong vấn đề này. Bởi vì một chút sai sót có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

Vào thời điểm 12 tháng tuổi, trẻ mới biết đi cần mỗi ngày khoảng

  • 1.000 calo.
  • 700 mg canxi.
  • 600 IU vitamin D.
  • 7 mg sắt

Nhu cầu trên nhằm để hỗ trợ sự tăng trưởng phù hợp, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ xác định. Lúc này, trung bình mỗi tháng bé có thể tăng 0,2 kg cân nặng và 2 cm về chiều cao. Tốc độ chuyển hóa của trẻ có thể lên đến 4 calo mỗi giờ.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, trẻ rất dễ nhanh cảm thấy đói hơn người lớn. Đồng thời, do sự hoạt bát, hiếu động của trẻ nên nguồn năng lượng mà trẻ tiêu thụ cũng nhiều hơn. Chính vì thế, một chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp sẽ giúp bé yêu khỏe mạnh. Đồng thời, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều mới lạ, mở mang đầu óc.

>> Táo bón ở trẻ em là tình trạng hoạt động không thường xuyên của nhu động ruột. Phần lớn các trường hợp xảy ra trong thời gian ngắn và điều trị được. Cùng YouMed hiểu thêm về chứng táo bón ở trẻ em nhé. 

2. Những thay đổi sinh lý của trẻ 1 tuổi

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi có vai trò rất quan trọng. Nó đóng góp chủ yếu vào việc giúp bé khỏe mạnh. Đồng thời tăng cường trí thông minh và cũng là tiền đề cho các giai đoạn phát triển trong tương lai.

Thời điểm bé tròn 1 tuổi hay 12 tháng tuổi là thời điểm cân nặng và chiều cao thay đổi nhiều nhất. Bé trai có thể có cân nặng từ 9,0 đến 10 Kg, chiều cao từ 72 đến 78 cm. Trong khi bé gái sẽ có cân nặng trong khoảng 7,5 đến 9,5 Kg và chiều cao trung bình là 70 đến 76 cm.

Bé 1 tuổi tập đi đứng - dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi
Bé 1 tuổi tập đi đứng - dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Bé 1 tuổi có thể tự đứng và tập đi được những bước nhỏ. Về tâm sinh lý, bé sẽ có thể nhận ra bố mẹ, ông bà, người thân chăm sóc bé. Có thể tập nói những tiếng đơn như ba, mẹ, bà,…

3. Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Ở giai đoạn trẻ được 1 tuổi, sữa vẫn là thức ăn chủ yếu dành cho trẻ. Tổng lượng sữa và nước trung bình mỗi ngày khoảng 100 đến 150 ml cho mỗi kilogram cân nặng.

Bên cạnh đó, khi tròn 12 tháng tuổi, bé có thể ăn dặm một số món như súp, cháo cùng các loại thức ăn mềm dễ tiêu. Cháo có thể đặc hơn một tí so với giai đoạn lúc mới ăn dặm. Hoặc thậm chí là cơm nhão để kích thích động tác nhai ở trẻ.

Bố mẹ chú ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi là cung cấp thêm trái cây, rau củ quả xay nhuyễn, dễ tiêu. Các loại thực phẩm mềm như tôm, thịt gà luộc mềm để trẻ có thể cắn và nhai.

Sữa tươi cùng các chế phẩm từ sữa cũng khá cần thiết cho sự phát triển của trẻ 12 tháng tuổi. Chế độ ăn uống nên đa dạng các món, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu cơ thể của trẻ. Bố mẹ nên phối hợp nhiều loại thịt, sữa, cá, trứng, rau, ngũ cốc,…

4. Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi

Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khuyến nghị, thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi tối ưu nhất nên gồm:

  • 3 đến 4 bữa bú sữa mẹ.
  • 3 bữa ăn thức ăn dặm.
  • Một vài bữa phụ có thể gồm: sữa công thức, trái cây mềm, nui, mì, phở,…

Bố mẹ lưu ý 3 bữa thức ăn dặm nên bao gồm đủ 4 nhóm thực phẩm chủ yếu:

  • Đạm: Thịt băm nhuyễn, cá, trứng băm nhuyễn.
  • Đường, tinh bột: tốt nhất là bột ngũ cốc, cháo, cơm nhão.
  • Chất béo: 1 thìa cà phê dầu thực vật.
  • Chất xơ xay nhuyễn như rau xanh luộc chín, cà rốt, bí đỏ, củ dền, khoai tây,…

Ngoài ra, mẹ có thể cho bé ăn tráng miệng sau mỗi bữa ăn. Một số món ăn tráng miệng như sữa chua, trái cây, kem tươi, nước trái cây, sinh tố,… Một vài món cháo gợi ý cho các bà mẹ như: cháo thịt bằm, cháo tôm, cháo thịt lợn cải ngọt,…

5. Những điều bố mẹ cần nhớ

Trong giai đoạn xung quanh 1 tuổi, bé sẽ tăng chậm hơn về chiều cao và cân nặng so với những tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thấy bé đứng cân hoặc không cao thêm thì nên đưa bé đi khám chuyên khoa dinh dưỡng. Tốt nhất là bố mẹ hãy theo dõi bé thông qua biểu đồ chiều cao cân nặng.

Biểu đồ chiều cao cân nặng của trẻ em
Biểu đồ chiều cao cân nặng của trẻ em

Ngoài ra, nếu nhận thấy bé chậm mọc răng, chậm nói, chậm đi đứng,… bố mẹ nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Đó có thể là dấu hiệu của:

  • Suy dinh dưỡng.
  • Ăn uống không đủ chất như: kẽm, sắt, can xi, magie,…
  • Thiếu vitamin.
  • Bệnh chậm phát triển trí tuệ.

Hy vọng qua những thông tin trên, các ông bố bà mẹ sẽ hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi. Từ đó, bố mẹ sẽ có kế hoạch chăm sóc, theo dõi tình trạng dinh dưỡng. Mục đích là để trẻ có thể tăng trưởng tốt nhất về thể chất và trí tuệ.

>> “Bác sĩ ơi, con tôi có bị TỰ KỶ không?” Đây là câu hỏi bác sĩ thường được nghe ở các phòng khám nhi khoa ngày nay. Cùng tìm hiểu xem chứng tự kỷ ở trẻ sẽ thế nào tại đây nha. 

Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang

Rate this post

Viết một bình luận