Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ lạc là củ hay quả?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Củ lạc chứ
Quả lạc nhé
Không quan tâm!
Bạn nghĩ lạc (hay đậu phộng) là gì? Là một loại hạt ăn được, ngon, béo, có thể làm gia vị điểm xuyết cho món ăn, hoặc rang lên ăn chơi. Với những người có chút kiến thức về y học thì còn biết thêm rằng lạc có thể gây dị ứng nữa.
Nói chung thì dù có là gì đi nữa, danh từ đứng trước chữ “lạc” vẫn luôn là “củ”. “Củ lạc” – giống như tên bài hát từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội của “thánh thả thính” Osad vậy.
Nhưng điều đó có đúng hay không? Nếu tôi bảo rằng hầu hết chúng ta đang nhầm thì sao nhỉ? Bởi vì lạc thực chất là quả, chứ không phải là củ đâu. Có nghĩa, tên của nó phải là “quả lạc” (hoặc trái lạc theo người miền Nam) mới đúng chuẩn.
Thế nào là củ, thế nào là quả?
Theo như khoa học định nghĩa, củ là phần cấu trúc của thực vật bị biến đổi và phình to để lưu trữ các chất dinh dưỡng.
Đây là khoai lang – loại củ đích thực
Củ có thể là rễ củ (như khoai lang), đôi khi đến từ thân (gọi là thân củ – như củ su hào), hoặc củ kiểu khoai tây (do thân bò lan ra, có đoạn phình to).
Còn quả thì dễ quá – do hoa thụ phấn rồi phát triển thành. Và đúng rồi đấy, lạc là sản phẩm của quá trình tạo quả, nên tên gọi đúng của nó phải là quả lạc.
Sở dĩ có sự nhầm lẫn này là vì cách mọc quả của lạc có phần quái dị.
Hoa lạc (thường có màu vàng) vốn mọc ở phần thân khá thấp. Sau khi thụ phấn, hoa phát triển thành một ống thân dài, phát triển hướng xuống đất.
Quả lạc mọc ra cắm xuống đất, nên nhiều người gọi nó là củ
Phía đầu của ống thân ấy là các củ (quả) lạc, sẽ xuyên thẳng xuống đất rồi giấu mình dưới đó để phát triển.
Và bởi dân gian có thói quen gọi bất kỳ thứ gì moi được dưới đất lên là củ, lạc mới “chết” với tên “củ” là vì như vậy.
Nhưng nhìn chung thì do đã quá quen thuộc với cái tên “củ lạc” rồi, nên bạn có lẽ cũng không cần đổi lại cách gọi cũng được, chẳng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới.
Chỉ là nếu có ai bảo lạc là “quả” thì cũng đừng nhìn người ta như sinh vật lạ từ sao Hỏa đáp xuống, nhé.
Tham khảo: Plant fact