Độc huyền cầm

1. Có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, có những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc… rất Tây lại vốn là đệ tử của cây đàn bầu.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến Lệ Quyên- nữ ca sĩ dòng nhạc nhẹ danh giá vào những năm cuối 80 cho đến hết thập kỷ 90 thế kỉ trước. Lúc bấy giờ, không chỉ người Hà Nội mà người Thành phố Hồ Chí Minh cũng xếp hàng mua vé để được nghe, được ngắm Lệ Quyên – Ái Vân.

Quyên là một trong 3 học sinh đàn bầu đầu tiên của tôi. Còn một người là con nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn, một người con ông Cao Nhị. Cha Quyên là soạn giả cải lương lừng danh, NSND Sĩ Tiến.

Mẹ ở Đoàn cải lương Chuông Vàng- chị Khánh Hợi. Nhà ở phố Hàng Quạt (Hà Nội), Quyên theo tàu điện từ Bờ Hồ tới Ô Chợ Dừa rồi đi bộ vào trường nhạc học đàn bầu. Hỏi ra mới biết cô bé không biết đi xe đạp. Sau này, một lần gặp ở Paris, thấy Quyên lái ôtô đến đón, tôi lấy làm ngạc nhiên.

Quyên học chăm chỉ, tiếng đàn đẹp. Nhưng rồi rẽ theo nghiệp hát và đã rất thành công. Nhưng hẳn không ít người còn nhớ một giọng ngâm thơ đặc biệt của cô.

Nghe Quyên ngâm đến đoạn “Đau xé lòng anh chết nửa con người”- bài thơ  “Quê hương” của Giang Nam ruột gan cũng đến  tan nát. Mới đây, gặp Quyên ở Hà Nội khi cô cùng chồng (người Việt gốc Hoa) thăm ông Hoàng Dương- nhạc sĩ của ca khúc “Hướng về Hà Nội”, Quyên nói ở Pháp cô sắm cả một bộ dàn máy để chơi đàn bầu những lúc buồn vui, rỗi rãi. Để vơi đi nỗi nhớ Việt Nam, nhớ Hà Nội.

Một nữ ca sĩ nữa, nay cũng đã là Nghệ sĩ Nhân dân- vốn từ Nghệ An ra Hà Nội học đàn bầu từ bé, đó là Thái Bảo. Tiếng đàn của Bảo cũng rất đẹp, nhưng giọng hát của cô mới thật sự hiếm.

Một lần, khi ấy Bảo còn nhỏ, trong một cuộc liên hoan, tôi nghe Bảo hát “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến. Giọng hát thật lạ, đầy cảm xúc.

Sau đó, tôi nói với Bảo: Em nên học thanh nhạc. Bảo nghe lời. Sau này dù đã trở thành ca sĩ nổi tiếng nhưng Thái Bảo vẫn không quên cây đàn bầu.

Bài hát nào có phần phối cho đàn bầu cô cũng giành bằng được, để đệm. Trong những bài như vậy, bài “Trên bến Nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàn, Bảo vừa đàn vừa hát thành công nhất.

Giới trẻ cả chục năm nay rất thích nhóm nhạc nữ 5 dòng kẻ, mà linh hồn của nhóm là Bảo Lan. Lan cũng học đàn bầu từ bé, tại trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Vào Đại học, Lan mới chuyển sang học ở Nhạc viện.

Lan đánh đàn bầu hay, bộc lộ rõ là người có nhiều khả năng. Một lần tôi nói với Lan: Tôi thấy em có khả năng sáng tác đấy. Viết thử xem! Lan viết thật. Bài tác phẩm thi tốt nghiệp Đại học do chính Lan viết giai điệu đẹp mà kĩ thuật cũng tốt.

Sau này, Bảo Lan sáng tác ca khúc “Độc huyền cầm”- về chính cây đàn em học mười mấy năm trời, được Lan và 5 dòng kẻ biểu diễn đem đến thành công không nhỏ.

Tôi còn nhớ đến ca sĩ Đăng Dương- một giọng opera đẳng cấp. Năm chúng tôi về Chí Linh (Hải Dương) tuyển sinh, bố của Dương nói cháu nó mê đàn lắm.

Thử năng khiếu xong, tôi khuyến khích bố Dương cho em học đàn bầu. Dương học rất chăm chỉ, ngày nào cũng vác cây đàn lên phòng tập.

Những tưởng suốt đời Dương sẽ theo nghiệp đàn bầu. Nhưng một lần nghe Dương hát, tôi thấy giọng em rất tốt. Thế là hai cô trò đưa nhau đến nhà thầy Trung Kiên. Thầy nhận. Hết trung cấp chính quy đàn bầu, Dương vào học thanh nhạc và đã có thật nhiều thành công.

Nhưng, Đăng Dương vẫn không quên cây đàn bầu thuở thiếu thời. Trong một cuộc biểu diễn của Câu lạc bộ Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam gần đây, Dương độc tấu bài “Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục trong tiếng hoan hô vang dội.

2. Gần đây có dư luận: Việt Nam rất có thể sẽ mất quyền đối với cây đàn bầu, vì đã có nước đánh tiếng nhận là của họ.

Nhưng, nhận làm sao được! Khi mà nhiều trăm năm nay cây đàn một dây huyền diệu đã theo những con người Việt Nam nghèo khổ từ nơi thôn dã đến chốn thị thành.

Không nhóm hát xẩm nào không có đàn bầu. Cây đàn không chỉ làm người ta vui buồn mà còn là phương tiện kiếm sống của những người dưới đáy.

Trải qua hàng trăm năm ẩn hiện trong chốn nhân gian, với số phận long đong, thăng trầm qua các biến cố của lịch sử, đàn bầu vẫn có một sức sống mạnh mẽ, phi thường.

Biết bao thế hệ nghệ nhân vô danh, trong đó công lao đáng kể thuộc về những người hát xẩm đã truyền nội lực cho cây đàn, và đàn bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Cùng với việc được giảng dạy trong các cơ sở âm nhạc chính quy, gần đây với sự ra đời của Câu lạc bộ Nghệ thuật đàn Bầu Việt Nam (tháng 12 năm 2014), cây đàn bầu đã thực sự có vị trí vững chắc trong đời sống âm nhạc nước nhà. Rất nhiều nghệ sĩ đàn bầu mà tên tuổi đã đi vào đời sống xã hội, chính họ đã đem tiếng đàn bầu Việt Nam ra với thế giới.

Tiếng đàn bầu da diết cũng tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Một thời kháng chiến, vào những năm 60-75 của thế kỷ trước, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng bào cả nước, bộ đội các chiến trường đã từng say mê tiếng đàn bầu Đức Nhuận với những “Ru con Nam Bộ”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”, “Vũ khúc Tây Nguyên”, “Quê tôi giải phóng”…

Tiếng đàn bầu của NSƯT Mạnh Thắng với bài “ Vì miền Nam” đã như tiếng kèn xung trận, nối tình quân dân, trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và tiếng đàn bầu đã làm bạn bè khắp năm châu kinh ngạc, thán phục…

Trong thập kỉ 80-90 của thế kỉ XX, cây đàn bầu giữ vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc nước nhà. Những năm đó, số người theo học đàn bầu khá nhiều, người yêu thích tiếng đàn bầu còn nhiều hơn, bạn bè quốc tế cũng yêu mến văn hóa Việt Nam nhiều hơn thông qua tiếng đàn bầu và nhiều nghệ sĩ đàn bầu để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.

Kế nghiệp và phát huy ngón đàn của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước, nhiều nghệ sĩ đàn bầu đã mang cây đàn đi biểu diễn khắp các sân khấu trong và ngoài nước phục vụ đông đảo khán thính giả ở mọi tầng lớp khác nhau với nhiều thể loại âm nhạc, mang vinh quang về cho đàn bầu bằng rất nhiều những tấm huy chương cả ở trong và ngoài nước.

Các thế hệ nghệ sĩ đã tiếp nối tài năng và tâm huyết với cây đàn bầu của những người đi trước, để mạch nối cội nguồn không bao giờ đứt đoạn.  

Đàn bầu không chỉ diễn tấu với dàn nhạc dân tộc mà còn được nhiều tác giả viết cho đàn bầu độc tấu với dàn nhạc giao hưởng như tác phẩm: Concerto cho đàn bầu và dàn nhạc với tựa đề “Biển quê hương” của Trần Quý; Khúc “Khởi nhạc” của Trọng Bằng, Giao hưởng thơ “Quê hương” của Nguyễn Xinh và gần đây là “Hồn đất mẹ” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, “Đối thoại”, “Sắc Xuân” của Đỗ Hồng Quân…, “Cụ Rùa” của Robert Casteels (Singapore)…

Người nước ngoài cũng viết tác phẩm dành cho cây đàn Việt Nam, tự thân điều đó đã nói lên rất nhiều. Và đàn bầu cũng đã thể hiện không ít tác phẩm âm nhạc nước ngoài- đó chính là sự “gặp gỡ” của âm nhạc với những nền văn hóa khác nhau.

Trong đó có thể kể đến: Phiên chợ Ba Tư (Albert Ketelby); Sakura (Dân ca Nhật Bản), La Habana tươi đẹp (Cuba), Danube xanh (Johann Strauss); Hotel California (Ban nhạc Eagles)…

*
*   *
Hôm nay, trước sự giao thoa văn hóa ngày càng lớn, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, mạng điện tử internet, trước vô vàn các trường phái, các dòng âm nhạc- thì âm nhạc cổ truyền nói chung và cây đàn bầu nói riêng cũng lâm vào tình thế khó khăn. Khó khăn ấy là tất yếu, nhưng quan trọng là phải tìm được lối ra, để không bị nhấn chìm. 

Trong đó có cây đàn bầu- độc huyền cầm của người Việt Nam ta!

Rate this post

Viết một bình luận