Đọc thơ: “Ông đồ”

Ở Việt Nam, liên quan đến đề tài Tết, có lẽ không có bài thơ nào được phổ biến rộng rãi cho bằng bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên (1913-96):

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Trong hai đoạn thơ đầu, tác giả sử dụng thuần bút pháp tự sự, chỉ kể chuyện, lại là một câu chuyện khá ư bình thường, cứ như một thói quen, một nhịp tuần hoàn quen thuộc: “Mỗi năm… lại thấy…”. Chả có gì đáng ngạc nhiên cả. Song tác giả vẫn không giấu được những xúc động thẩm mỹ của mình trước những gì mình nhìn thấy hằng năm.

Về sự kiện Tết đến, người ta có nhiều cách để nói: hoặc trực tiếp, gọn lỏn kiểu “Tết đến” hay “xuân về”; hoặc chọn một hình ảnh tiêu biểu của Tết, của mùa xuân như chim én, như nắng mới, như hoa đào nở.

Vũ Đình Liên chọn cách sau cùng. Cũng không có gì mới lạ. Sáo nữa là khác. Đã có hằng hà người viết như thế: hoa đào và gió đông và mùa xuân.

Dù sao, sự chọn lựa của Vũ Đình Liên cũng rất có ý nghĩa: “Mỗi năm hoa đào nở” là chọn giới thiệu mùa xuân ở một góc đẹp nhất của nó. Trong cái góc ấy, bên cạnh hoa đào, tưởng chừng như cùng nở với hoa đào, là một ông đồ già và mực tàu đen và giấy điều đỏ và có lẽ, một mái tóc trắng phơ phơ.

Ông đồ “nở” cùng với hoa đào, và cùng với hoa đào, ông đồ trở thành biểu tượng của mùa xuân: Trong cái đám đông xô bồ những người đi dạo phố thưởng xuân ấy, có một số khá đông dừng lại bên cạnh ông, chiêm ngắm bàn tay ông đưa ngòi bút thoăn thoắt “như phượng múa rồng bay” trên giấy điều.

Thán phục bàn tay ấy, họ dùng chữ: “hoa tay”. Với chữ “hoa tay” ấy, người ta không coi ông đồ là ông đồ, là người dạy học, người truyền bá chữ nghĩa của thánh hiền nữa mà coi ông như một nghệ sĩ. Khía cạnh thẩm mỹ ở ông nổi bật hẳn lên, lấn át khía cạnh học vấn.

Hơn nữa, chữ “hoa” trong “hoa tay” không thể không gợi liên tưởng đến chữ “hoa đào” trong câu thứ nhất: dường như, khi mùa xuân về, có hai loại hoa cùng nở, một trong vườn và một trong bàn tay của ông đồ.

Trong sự cộng hưởng giữa hoa đào và ông đồ, có cái gì hơi hơi nghịch lý và oái oăm: hoa thì là hoa mới mà người thì là người già, “ông đồ già”. Sau lưng ông đồ, do đó, là cả một quá khứ, cả một truyền thống.

“Mỗi năm… lại thấy…”. “Mỗi năm” là từ bao giờ?

Có lẽ không phải lâu lắm đâu.

Ngày xưa, xin câu đối, kể cả câu đối Tết, có lẽ người ta đến tận nhà các ông đồ hay các vị khoa bảng đã về hưu – như trường hợp Nguyễn Khuyến, người làm vô số các câu đối đến bây giờ vẫn còn được nhắc nhở.

Hiện tượng “bày mực tàu giấy đỏ / bên phố đông người qua”, nếu tôi đoán không lầm, chỉ là một trong những biểu hiện của xu hướng thương mại hoá, thành thị hoá xảy ra tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, lúc Việt Nam đã bị Pháp xâm lược.

Đó là một thứ nghề nghiệp mới của những người đã già. Cái sự oái oăm này chứa đựng cả một bi kịch lịch sử. Nó nhắc chúng ta nhớ lại sự kiện, cùng với ách ngoại xâm, xã hội Việt Nam bị đảo lộn hoàn toàn, trong đó, có quan hệ trực tiếp đến số phận của ông đồ, là sự tàn tạ của nền nho học.

Sự tàn tạ ấy dẫn đến sự thất thế của cả một lớp người, có thời, chúng ta vẫn coi như là những biểu tượng của văn hoá truyền thống Việt Nam. “Nào có ra gì cái chữ nho. Ông nghè, ông cống cũng nằm co”, Tú Xương từng kêu lên như thế, nhức nhối, não lòng.

Trong cảnh xáo xác ấy, học trò đổ xô đi học tiếng Tây. Ông đồ đành từ giã mái trường, chữ nghĩa thánh hiền, từ giã những buổi bình văn, đọc văn để chấp nhận cách sinh kế buồn tủi là ngồi viết thuê câu đối tết mỗi độ xuân về.

May cho ông, sự thay đổi của truyền thống văn hoá thường chậm hơn sự thay đổi của lịch sử, chính trị, xã hội và hệ thống giáo dục, khoa cử.

Quần chúng vẫn còn thói quen trọng chữ nho, ít nhất là trong mấy ngày Tết. Điều đó khiến cho ông, một mặt, có cách sinh nhai, mặt khác, còn những tri âm biết thưởng thức tài hoa của mình, dẫu là những tri âm qua đường. Sự thưởng thức nhiệt tình ấy khiến cái chỗ ngồi trớ trêu bên hè phố của ông trở thành ấm áp hẳn.

Hai đoạn thơ đầu, do đó, không những nói lên sự cộng hưởng, sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên mà còn nói lên sự tương liên giữa những con người với nhau.

Ông đồ không ngồi một mình với hoa đào. Bên cạnh ông còn có những khách hàng tri âm. Chung quanh họ là mùa xuân đang ngát hương và lộng sắc. Đẹp. Và vui.

Niềm vui tràn lên chữ nghĩa của người kể chuyện: giọng ông vang, mạnh với những chữ bắt đầu bằng phụ âm “đ” giòn giã (đào, đồ, đỏ, đông…); ông liếng thoắng, kể liền một mạch, không muốn nghỉ, rất sôi nổi, đầy say sưa, thật hào hứng: trong hai đoạn thơ, mỗi đoạn bốn dòng, về phương diện ngữ pháp, thật ra, chỉ là một câu, một câu thôi:

Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua. Bao nhiêu người thuê viết tấm tắc ngợi khen tài: “Hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay”.

Hơi thơ, nhờ thế, rất nhanh. Thoăn thoắt.

Niềm vui ấy kéo dài không lâu. Dù chậm chạp, sự thay đổi vẫn đến. Từ từ. Dần dần.

Ông đồ cảm nhận sự thay đổi ấy qua số khách hàng mỗi năm mỗi vắng. Từ sự hờ hững dẫn tới sự lãng quên. “Ông đồ vẫn ngồi đấy. Qua đường không ai hay”.

“Qua đường không ai hay”: câu thơ duy nhất toàn vần bằng, rưng rưng như một nỗi ngậm ngùi.

Lịch sử, như thế, một lần nữa, lại xua đuổi ông đồ vào thế giới của lá vàng và mưa bụi. Lá vàng? Tại sao lại có lá vàng rơi trên giấy? Đang là mùa đông, gần tết cơ mà. Chả lẽ là chiếc lá cuối mùa? Chả lẽ ông vẫn ngồi đấy, hoá thành bức tượng tang thương, đến tận mùa thu? Hay lá vàng ở đây chỉ là một biểu tượng của sự tàn phai? Tôi không biết. Chỉ thấy buồn. Thật buồn, cái cảnh “lá vàng rơi trên giấy” ấy.

Tuy nhiên, buồn nhất vẫn là câu kế tiếp: “Ngoài giời mưa bụi bay”.

Là người Hà Nội, Vũ Đình Liên phát âm “tr” thành “gi”, “trời” thành “giời”. Lạ lùng thay, âm “giời” – có người sẽ chê là viết sai chính tả – ở đây lại đắc thế. Đã đành dù là “trời” hay “giời” thì câu thơ vẫn là một sự khắc hoạ hình ảnh cơn mưa bụi đang lất phất bay. Nhưng âm “giời”, nhẹ và dài, dễ gợi cảm giác buồn và lạnh của một cơn mưa bụi lâm thâm, lắc rắc rơi trên hình bóng một ông đồ ngồi hiu quạnh với lá vàng và với nỗi thê lương.

“Ngoài trời mưa bụi bay” thì chỉ có mưa. “Ngoài giời mưa bụi bay” thì không những chỉ có mưa mà còn có cả cơn rét gây gây, se sắt, tái tê.

So với hai đoạn thơ đầu, nhạc điệu trong mấy đoạn thơ sau chùng hẳn xuống. Mỗi dòng hoặc mỗi hai dòng là một câu. Hơn nữa, trong hai đoạn đầu, tám câu, 40 âm tiết, có đến 17 âm tiết mang thanh trắc, tỉ lệ thanh trắc gần một nửa; trong hai đoạn thơ cuối, cũng tám câu và 40 âm tiết, nhưng số âm tiết mang thanh trắc chỉ có 11, tức chỉ hơn một phần tư. Ít hẳn.

Hơi thơ, do đó, rất chậm. Và nhẹ. Và lắng. Có cái gì bâng khuâng như một tiếng thở dài.

Rồi, chưa hết, cả màu sắc cũng phôi pha: trước là giấy đỏ thắm, sau, vẫn giấy đỏ, nhưng không còn thắm nữa; cuối cùng, cả giấy đỏ cũng dường như biến mất, chỉ còn là “giấy” thôi, và trên những tờ giấy, là những xác lá vàng.

Đến một lúc nào đó, ông đồ vắng hẳn trên hè phố:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa

Chữ nghĩa Vũ Đình Liên ý nhị vô cùng. Ở câu thơ đầu tiên, “hoa đào nở”; bây giờ, chỉ còn “đào…nở”. Mất đi một chữ “hoa”, có lẽ, như một cách bày tỏ sự thương cảm đối với người ra đi, cái người, thoạt đầu, được gọi là “ông đồ già”, sau đó, biến thành “ông đồ xưa”.

“Già” là một khái niệm về tuổi tác; “xưa” là khái niệm về thời gian. Từ “già” đến “xưa”, có vô vàn ngày tháng đi qua.

Nhưng chưa hết. Ở hai câu cuối, Vũ Đình Liên sẽ gọi ông đồ là “người muôn năm cũ”. Trong khái niệm “cũ” có sự đánh giá: đó là cái gì đã thuộc về một thế giới khác, xa xăm và xa lạ, đã bằn bặt mọi dấu vết, đã không còn chút liên hệ gì, dù thật mong manh, với cuộc sống bây giờ.

Ông đồ, và cùng với ông đồ, một nếp sinh hoạt văn hoá xa xưa của đất nước, đến đây, hoàn toàn tận tuyệt. Đã cũ. Hơn nữa, muôn năm cũ.

Có thể nói “Ông đồ” là bài thơ về những sự mất mát.

Trước, ông đồ mất một thế đứng trong lãnh vực giáo dục, sau, ông mất những tri kỷ, sau nữa, ông mất cả khách hàng, cuối cùng, chính bản thân ông cũng biến mất.

Nên chú ý đến hiện tượng từ bốn khổ thơ trên đến khổ thơ cuối có sự chuyển biến từ số ít sang số nhiều: từ ông đồ đến “những người muôn năm cũ”.

Còn sống, ông là một cá nhân, một cá thể, dù là một cá thể buồn tủi, hẩm hiu, “qua đường không ai hay”.

Qua đời, cái riêng nhỏ nhoi của ông cũng biến mất: Ông bị tan trong cái cõi quá khứ mịt mùng, cái cõi vô danh, vô tung, vô tích của những “muôn năm cũ”.

Nhưng bài thơ không chỉ nói về sự mất mát của ông đồ. Mối quan hệ chính trong bài thơ không phải là quan hệ giữa ông đồ và những người thuê viết mà thực ra là quan hệ giữa ông đồ và hoa đào, giữa con người và thiên nhiên.

Ở đầu bài thơ, giữa thiên nhiên và con người có sự hoà điệu rất đẹp: hoa đào nở đẹp như hoa tay của ông đồ.

Đến cuối, sự hoà điệu ấy biến mất: Đào vẫn nở trong khi ông đồ đã đi vào hư vô.

Cảm hứng của bài “Ông đồ” dễ gợi liên tưởng đến bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang đời Đường, tuy nhiên, trong khi cảm hứng của Trần Tử Ngang chủ yếu là một cảm hứng siêu hình (1) thì cảm hứng của Vũ Đình Liên chủ yếu là một cảm hứng nhân đạo: cái “du du” của “thiên địa”, cái không cùng không tận của thời gian không làm Vũ Đình Liên rợn ngợp mà chỉ khiến ông ngùi ngùi thương những người đã khuất.

Cảm giác ngùi ngùi thương ấy đọng lại đậm nét ở câu cuối: “Hồn ở đâu bây giờ?” Cả câu thơ chỉ có một thanh trắc. Hơn nữa, chữ “bây giờ” đứng cuối câu, buồn tênh.

Phan Ngọc, đây đó, trong nhiều bài viết khác nhau, chứng minh là chữ “bây giờ”, khi đứng đầu câu, nó chỉ là một thông báo khách quan và trung hoà về thời gian: “Bây giờ rõ mặt đôi ta”. Nhưng khi đứng ở cuối câu, chữ “bây giờ” ấy lại trở thành một thông báo đầy cảm xúc. Như trong lời Thuý Kiều nói với Kim Trọng sau mười lăm năm xa cách và bao nhiêu vật đổi sao dời: “Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ”(2).

Chữ “bây giờ”, cuối lời nói của Thuý Kiều, như hai giọt nước mắt; cuối bài thơ “Ông đồ”, như một nỗi ngẩn ngơ. Cứ còn lại hoài. Bây giờ, và có lẽ, lâu lắm, sau này.

Chú thích:

1. Bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang như sau:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

Nghĩa là:

Trước chẳng thấy người xưa
Sau chẳng thấy ai cả
Ngẫm trời đất vô cùng,
Một mình lệ lã chã.

2. Đào Duy Anh (1989), Từ điển Truyện Kiều, bản in lần thứ hai, với sự bổ sung và sửa chữa của Phan Ngọc, tr. 46.

Rate this post

Viết một bình luận