Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch người con ưu tú của quê hương Nam Định

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch người con ưu tú của quê hương Nam Định


Nam Định mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích các Vương Triều Trần với hào khí Đông A rực rỡ, ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông; Là một trong những địa phương có truyền thống hiếu học và học giỏi; Nam Định cũng là nơi đã sinh thành và hun đúc nên nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, những chiến sĩ cách mạng tiền bối và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, trong đó đồng chí Nguyễn Cơ Thạch – người chiến sỹ cách mạng kiên trung, nhà ngoại giao tài ba, thông minh và sáng tạo; Người con ưu tú của quê hương Nam Định.

Đồng
chí Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15/5/1921 trong một
gia đình lao động nghèo, có truyền thống cách mạng, tại xóm Cầu, thôn Tiền, xã
Lương Kiệt (nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sinh ra trong
lúc nước nhà còn chịu cảnh nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, từ khi còn
nhỏ, đồng chí đã tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của người lao động,
những bất công ngang trái, tủi nhục của người dân mất nước nên đã sớm có lòng
yêu nước, chí căm thù giặc; được tiếp thu truyền thống quê hương, gia đình,
đồng chí đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi mới 16
tuổi.

Từ năm 1937, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là học sinh của
trường Thành Chung (tiền thân của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam
Định ngày nay). Trong thời gian này phong
trào yêu nước, cách mạng được phục hồi và phát triển, với nhiệt huyết
của tuổi trẻ, đồng chí đã hòa mình vào phong trào học sinh yêu nước, nhiệt tình
hưởng ứng các hoạt động của tổ chức Thanh niên Dân chủ Đông Dương ở Nam Định do
đồng chí Đặng Việt Châu tổ chức, lãnh đạo.
Nhóm thanh niên Dân chủ Đông Dương của đồng
chí đã tổ chức các nhóm đọc sách báo của Đảng và các loại sách báo tiến bộ khác
trong học sinh của trường; hăng hái đấu tranh đưa yêu sách đòi tự do dân chủ,
tự do hội họp, giải quyết thất nghiệp, chống thất học, đòi việc làm cho người
lao động và tổ chức các cuộc mít tinh công khai. Trong những lần về nghỉ hè ở quê, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch thường mang
theo sách báo tiến bộ về truyền bá trong xã, tổ chức những buổi đọc tài liệu
cho các nhóm trong làng. Nhà đồng chí trở thành nơi nhóm Đoàn Thanh niên Phản
đế trao đổi và bàn chuyện hoạt động cách mạng.

Vào năm 1940, thực dân Pháp tiến hành các cuộc lùng sục,
vây bắt gay gắt cán bộ, đảng viên, quần chúng cơ sở cách mạng của ta, đồng chí
Nguyễn Cơ Thạch bị mật thám Pháp
bắt tại số nhà 40 Hàng Sắt, thành phố Nam Định
khi đang ngồi đọc sách trong nhà, chúng đưa đồng chí về sở mật thám và tra khảo
với những hình thức rất dã man: điện giật, bị đánh đập đến ngất đi… do không
khai thác được gì, nên chúng hoàn thành hồ sơ vụ án và chuyển đồng chí từ sở
mật thám sang nhà tù Nam Định, chúng xét xử và kết án đồng chí 5 năm tù giam
tại nhà lao Nam Định. Bị cầm tù, mất tự do lại bị tra tấn, đánh đập dã
man, đồng chí càng thêm hun đúc lòng căm thù thực dân tàn ác với quyết tâm đấu
tranh, cùng anh em trong tù giữ vững khí tiết người cách mạng. Do đồng
chí biết tiếng Pháp nên anh em trong buồng giam đã cử đồng chí làm đại diện cho
anh em tiếp xúc, yêu cầu với
cai tù người Pháp về những vấn đề như không được tra tấn, đánh đập và bỏ đói tù
nhân…bên cạnh đó, đồng chí còn tham gia dạy văn hóa cho anh em trong tù. Năm
1941, đồng chí bị địch chuyển từ nhà
lao Nam Định lên nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó chúng chuyển đồng chí lên nhà
tù Sơn La (1941 – 1943), rồi
giam ở nhà tù Hòa Bình
(1943 – 1945).

Ngục tù đế quốc đã không khuất phục được ý chí cách mạng của
người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Cơ Thạch. Trong tù, đồng chí đã tích
cực học tập để nâng cao trình độ về chính trị, lý luận cách mạng, về chủ nghĩa
cộng sản do các đồng chí lãnh đạo của Đảng cũng bị tù thời gian đó truyền bá; dự các lớp huấn
luyện về quân sự để chuẩn bị tổng khởi nghĩa…với tâm
nguyện để sau khi thoát ra khỏi nhà tù, tiếp tục cống hiến sức của mình cho sự
nghiệp cách mạng. Đồng chí còn tham gia cung cấp thông tin dạy lý luận cho
anh em tù nhân thông qua việc biên chép và làm họa sĩ cho tờ bào “Suối reo” do
đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Sống trong lao tù thực dân, có nghĩa là luôn cận kề cái chết,
thế nhưng với bản lĩnh và ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản trong
đồng chí vẫn luôn tỏa sáng và hơn hết đó chính là niềm tin vững chắc vào một
ngày toàn thắng. Năm 1943, tại nhà tù Sơn La – nhà tù khét tiếng tàn ác của chủ
nghĩa đế quốc và là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng chí đã được kết
nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 4 năm 1945, sau khi quân đội Nhật hất cẳng quân Pháp
khỏi Đông Dương, đồng
chí Nguyễn Cơ Thạch thoát khỏi nhà tù Hòa Bình. Sau
khi ra tù, đồng
chí chờ bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở tỉnh, mặt
khác, đồng chí cùng các
anh em tụ họp với nhau bàn cách bắt tay vào hoạt động cách mạng và đồng chí
được cử phụ trách chung của cả nhóm. Trong thời gian này, đồng chí cùng các anh em chủ trương vận động thanh niên tham gia quyên góp tiền, gạo để giúp đỡ
người nghèo đói trong thôn xóm và dạy chữ quốc ngữ cho dân làng, tổ chức đọc
sách báo, tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh. Đồng
chí hướng dẫn họ tìm đọc những sách báo tiến bộ, bổ ích, những bài hát giàu
lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng… Dần dần, đồng chí lôi cuốn họ hoạt
động theo chương trình của Mặt trận Việt Minh.

Mặc dù chưa bắt được liên lạc trực tiếp
với cơ sở Đảng của tỉnh, nhưng sau khi nhận được nhiều tài liệu của Đảng và Mặt
trận Việt Minh như “Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng
ta”, “Chương trình và điều lệ của Việt Minh”, “Chỉ thị về lập ủy ban khởi
nghĩa…”, đồng chí đã cùng với anh em đảng viên trong xã tích cực đẩy mạnh mọi
công việc chuẩn bị chờ thời cơ khởi nghĩa, tổ chức lực lượng tự vệ vũ trang, bí
mật luyện tập quân sự, sắm sửa rèn đúc thêm vũ khí, tuyên truyền tổ chức Việt
Minh và lập các tổ chức quần chúng.

Giữa tháng 8/1945, khi thấy cơ sở cách
mạng đã vững mạnh, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã sẵn sàng, đồng
chí đã cùng các anh em đi phá kho đay ở đình làng Thượng chia cho dân nghèo trong huyện được quần chúng phấn khởi
tham gia rất đông đảo.

Ngày 19/8/1945, được tin Hà Nội đã khởi
nghĩa giành chính quyền, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cùng một số anh em trong tổ chức
đảng bàn kế hoạch khởi nghĩa, lập Ủy ban khởi nghĩa để lãnh đạo chung cho cả
hai xã Hào Kiệt và Lương Kiệt
(nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sáng ngày
20/8/1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, hàng ngàn quần chúng nhân dân mang theo gậy gộc, dáo mác xếp
hàng đôi rầm rập tiến vào hai xã Hào Kiệt và Lương Kiệt đoàn kết nổi dậy đấu tranh và giành
chính quyền, tuyên bố xóa chính quyền của Nam Triều
ở 2 xã. Sau khi nhận được lệnh của Ban cán sự Đảng tỉnh Nam Định,
đồng chí thay mặt Ủy ban khởi nghĩa Lương Kiệt và Hào Kiệt gặp lực lượng cách
mạng ở Phủ
Nghĩa Hưng chỉ huy lực lượng quần chúng cách mạng
truyền lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Chỉ trong vòng một đêm, lực
lượng quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa đã giành được
chính quyền ở Phủ Nghĩa Hưng vào ngày 21/8/1945.

Sau cách mạng, tháng 9/1945, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch
được phân công giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp và được chỉ định là bí thư chi bộ
nơi có Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ở Bắc Bộ phủ sinh hoạt. Sau đó đồng chí
được cử được cử làm Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng
ủy các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Tổng Tư lệnh. Năm 1949, đồng chí
làm Phó Bí thư rồi quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành
chính kháng chiến tỉnh. Năm 1951, đồng chí được cử làm Ủy viên Đảng đoàn và Ủy
viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của
Liên khu.

Từ
năm 1954, đồng chí công tác trong ngành ngoại giao, đặt dấu ấn quan trọng của
mình trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đồng chí làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại
giao (hàm Bộ trưởng) từ năm 1979, rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 1.1980;
Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 1987 – 1991. Đồng
chí là Ủy viên T.Ư Đảng nhiều khóa (từ 1976 đến 1991), Uỷ viên dự khuyết Bộ
Chính trị từ năm 1982, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VI (1986 – 1991), phụ trách
Ban Đối ngoại T.Ư Đảng.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trong đó có gần 40
năm trong lĩnh vực đối ngoại, bằng tư duy thông minh, sắc sảo, với bản lĩnh dạn
dày và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã có những
đóng góp quan trọng cho nền ngoại giao nước nhà.

Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí đã được
Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. Ngày
15-1-2007, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được truy tặng Huân chương Sao Vàng – phần
thưởng cao quý nhất của Ðảng và Nhà nước ta.

Nam
Định tự hào là mảnh đất quê hương đã sinh ra đồng
chí Nguyễn Cơ Thạch, một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà
ngoại giao tài ba, thông minh và sáng tạo. Từ thủa thanh niên ra đi làm cách mạng cho đến khi trở
thành nhà lãnh đạo giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, do
điều kiện công tác, đồng chí không có nhiều dịp về thăm quê hương, nhưng trong
sâu thẳm lòng mình, đồng chí vẫn dành cho quê hương những tình cảm sậu nặng,
nghĩa tình. Nhớ lần về dự Đại hội Đại hội Đại biểu Đảng bộ
tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV (năm
1986),
đồng chí đã ân cần nhắc nhở Đảng
bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định phải luôn đoàn kết, chú ý phát triển kinh
tế – xã hội toàn diện, phấn đấu đưa Nam Định trở thành tỉnh giàu mạnh của đất
nước.

Phát
huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân Nam Định luôn ghi nhớ và thực hiện những lời căn dặn, cổ vũ của các bậc cách mạng tiền bối, những người
con ưu tú của quê hương Nam Định như: Tổng
Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ; đồng chí Nguyễn Cơ Thạch- đó là nguồn động viên to lớn để đảng bộ Nam Định vượt qua mọi khó khăn, đấu tranh giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và thực hiện thắng lợi công cuộc
đổi mới.

Là người suốt đời phấn đấu theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch gắn liền với
chặng đường đấu tranh vô cùng gian khổ, quyết liệt, nhưng rất tự hào của Đảng
và nhân dân ta. Công lao và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với Đảng
và cách mạng Việt Nam, với ngành ngoại giao và quê hương Nam Định là rất lớn.
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đi xa, nhưng cuộc đời cao đẹp của người chiến sỹ
cách mạng luôn một lòng, một dạ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của đồng chí
vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Kỷ
niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là dịp để chúng ta tưởng nhớ,
biết ơn và tôn vinh những cống hiến và đóng góp của
đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, càng trân
trọng tự hào, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí và mãi mãi đi theo
con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn
Cơ Thạch, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Cương lĩnh, đường lối của
Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Đảng
ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống quê hương, mỗi cán
bộ, đảng viên và người dân Nam Định sẽ đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XX, xây dựng tỉnh Nam Định giàu mạnh, văn minh.

“Sông Vị sáng ngời gương cộng sản

Non côi nhớ mãi bóng Anh hùng”

 

Tweet

Rate this post

Viết một bình luận