Du lịch Thị xã Quảng Yên

Hoang sơ đầm Tây Long.

Đầm Tây Long nằm ở xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên, có vẻ đẹp hoang sơ với những ngọn núi đá kỳ vĩ, nước biển xanh ngắt, đang là địa điểm hấp dẫn du khách tham quan trải nghiệm.

Đầm Tây Long là một vụng nước nhỏ gần biển, gồm nhiều hòn đảo nằm ở phía Tây của Vịnh Hạ Long nên người ta đặt tên là đầm Tây Long. Có hai cách để đến được đầm Tây Long. Một là, từ quốc lộ 18A đi tới phường Minh Thành, hỏi thăm con đường nhỏ dẫn vào xã đảo Hoàng Tân. Đi khoảng 10 phút men theo con đường đê, vòng quanh, uốn lượn qua những con đồi nhỏ với hàng thông rợp bóng. Trên cánh rừng thông hút gió có chùa Hoàng Lỗ. Cách thứ hai là đi qua đường Chợ Rộc – Hoàng Tân.

Ở đầm Tây Long có những mỏm đá dựng đứng được thiên nhiên tạc với hàng trăm hình thù kỳ vĩ. Những cánh rừng ngập mặn xanh ngắt là nơi trú ngụ của các loài tôm, cá, cua. Thảm thực vật ở đầm Tây Long cũng rất phong phú. Đến đầm Tây Long, du khách có thể thuê một chiếc thuyền để được phiêu du cùng mây trời, sóng nước; ngắm những núi đá mọc giữa biển khơi.

Mặc dù vẫn còn chưa được đầu tư nhiều, nhưng khi đến khu sinh thái đầm Tây Long, bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên. Nếu có dịp, vào cuối tuần hay những kỳ nghỉ, bạn hãy ghé qua đầm Tây Long một lần để cảm nhận hết vẻ đẹp và chất nồng hậu mến khách của người dân nơi đây.

Di tích lịch sử quốc gia đình Trung Bản.

Đình Trung Bản cách trung tâm TX Quảng Yên khoảng 8km về phía nam, nằm trên một gò đất cao thuộc xóm Thượng, thôn Trung Bản, xã Liên Hoà. Năm 2012, đình Trung Bản được xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt quốc gia trong Cụm di tích Bạch Đằng.

Truyền thuyết kể rằng: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng đoàn tuỳ tùng đi thị sát chuẩn bị cho trận thuỷ chiến Bạch Đằng đánh quân Nguyên Mông (1288), khi qua đây gió bay tóc bị sổ, ngài đã chống gươm dừng lại để bối tóc. Nơi ngài chống gươm, người đời sau đã lập đình thờ để tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc có công với nước. Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngày 30/8/1991. Năm 2012, đình Trung Bản là di tích lịch sử đặc biệt quốc gia trong Cụm di tích Bạch Đằng.

Đình Trung Bản quay hướng Tây Nam, bố cục hình “chuôi vồ”, gồm 3 phần: Tiền đường, bái đường và hậu cung, tổng diện tích hơn 500m2 (không kể sân). Trong đó, tiền đường gồm có 5 gian, cấu kết vì kèo kiểu chuồng rường, có bốn hàng cột, cột cái chu vi 1,6m, cột quân chu vi 1,52m. Các con rường, đầu bẩy được chạm nổi hình rồng, mây và hoa văn lá cách điệu, 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung cũng có kết cấu trang trí tương tự. Đình Trung Bản đã có những lần trùng tu lớn vào năm 1919 và 1998. Năm 2009, đình được Nhà nước cấp kinh phí trùng tu và đã khánh thành vào tháng 9/2010. Đình Trung Bản có nhiều đồ thờ và hiện vật khá phong phú và có giá trị. Đó là các hoành phi, câu đối, án gian, đặc biệt là bộ kiệu (bát cống) và bộ quán tẩy có niên đại từ thời Lê (thế kỷ thứ 17), được xếp vào là một trong những hiện vật quý quốc gia, trải qua hằng trăm năm nhưng vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn mà ít có ngôi đình, chùa nào ở Quảng Ninh có được.

Đình Trung Bản hiện còn giữ được 6 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, đều phong: “Thượng Đẳng Thần” và ca ngợi công lao to lớn của tướng Trần Hưng Đạo dẹp tan giặc Nguyên – Mông đã linh ứng thánh thần phù hộ độ trì cho dân, cho nước. Hằng năm, vào dịp Tết và ngày giỗ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch), đặc biệt năm nay (mùng 8/3 âm lịch) nhân dịp kỷ niệm 1080 năm (938 – 2018) và 730 năm (1288 – 2018) chiến thắng Bạch Đằng, dân làng tổ chức các trò chơi thi đấu thể thao như: Cờ tướng, kéo co, bài điếm và biểu diễn văn nghệ…, thu hút nhiều đoàn khách thập phương về tế lễ, tham quan.

Rate this post

Viết một bình luận