Dữ liệu được tiết lộ cho thấy Iran che đậy các ca tử vong do Covid-19
3 tháng 8 2020
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Iran là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông
Số các ca tử vong do virus corona tại Iran cao gần gấp ba lần so với con số chính thức mà chính phủ nước này công bố, theo điều tra của Ban BBC Tiếng Ba Tư.
Số liệu ghi chép của chính phủ có vẻ như nêu ra con số gần 42.000 người tử vong với các triệu chứng Covid-19 tính đến ngày 20/7, trong lúc Bộ Y tế nước này báo cáo con số 14.405.
Số những người được cho là nhiễm bệnh cũng cao gần gấp đôi so với các số liệu chính thức: 451.024 ca so với 278.827 được báo cáo.
Theo các số liệu chính thức thì Iran vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng Trung Đông.
Trong những tuần gần đây, nước này đã bị làn sóng tăng vọt lần hai các ca nhiễm bệnh.
Ca tử vong đầu tiên tại Iran do Covid-19 được ghi nhận ngày 22/1, theo danh sách và hồ sơ y tế được chuyển cho BBC. Thời điểm này sớm hơn gần một tháng so với trường hợp tử vong chính thức đầu tiên do virus corona được báo cáo tại nước này.
Kể từ khi bệnh dịch bùng phát tại Iran, nhiều nhà quan sát đã nghi ngờ các số liệu chính thức do nhà nước công bố.
Đã có những bất thường trong dữ liệu được báo cáo ở cấp quốc gia và cấp khu vực, và một số giới chức địa phương đã lên tiếng về điều này trong lúc các nhà thống kê số liệu đã tìm cách đưa ra những con số ước tính khác.
Việc có tỷ lệ các ca không được ghi nhận đầy đủ, chủ yếu là do năng lực xét nghiệm, là điều xảy ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, thông tin được tiết lộ cho BBC cho thấy giới chức Iran đã báo cáo con số nhiễm bệnh hàng ngày ở mức thấp hơn đáng kể tuy đã có hồ sơ về các ca tử vong. Điều này cho thấy các số liệu đã cố tình bị giảm bớt.
Dữ liệu lấy từ đâu?
Dữ liệu được gửi tới BBC từ một nguồn ẩn danh.
Dữ liệu bao gồm các thông tin chi tiết về các ca nhập viện hàng ngày trên toàn Iran, bao gồm cả tên, tuổi, giới tính, triệu chứng, ngày nhập viện, và thời gian nhập viện cùng các bệnh nền của bệnh nhân.
Các chi tiết trong danh sách phù hợp với thông tin về một số bệnh nhân mà BBC đã được biết, trong đó gồm cả những người đã tử vong.
Nguồn tin nói rằng họ chia sẻ dữ liệu với BBC nhằm “rọi ánh sáng vào sự thật” và nhằm chấm dứt các “trò chơi chính trị” quanh đại dịch.
Sự không khớp giữa các số liệu chính thức và số ca tử vong được ghi nhận trong hồ sơ này cũng phù hợp với sự khác biệt giữa số liệu chính thức và các tính toán về tình trạng tử vong cao quá mức, tính đến giữa tháng Sáu.
“Tử vong cao quá mức” là từ được dùng để chỉ số lượng các ca tử vong cao hơn và vượt quá những gì được trông đợi sẽ xảy ra trong các điều kiện “bình thường”.
Dữ liệu tiết lộ điều gì?
Thủ đô Tehran có số ca tử vong cao nhất, với 8.120 người chết do Covid-19 hoặc với các triệu chứng tương tự.
Thành phố Qorn – nơi ban đầu là tâm dịch ở Iran – bị ảnh hưởng nặng nề nhất tính theo tỉ lệ dân số, với 1.419 ca tử vong, tương đương với một ca tử vong do Covid-19 trên 1.000 người.
Đáng chú ý là trên toàn quốc, có 1.916 ca tử vong không phải là công dân Iran. Điều này cho thấy có một tỷ lệ không tương xứng các ca tử vong trong các nhóm dân nhập cư và tị nạn, những người hầu hết đến từ quốc gia láng giềng Afghanistan.
Xu hướng diễn biến lây các ca nhiễm bệnh và tử vong nêu trong dữ liệu được tiết lộ cho BBC tương tự như xu hướng trong các báo cáo chính thức, chỉ khác biệt về quy mô.
Mức độ tăng vọt các ca tử vong trong thời gian đầu nêu trong tài liệu này cao hơn nhiều so với các số liệu mà Bộ Y tế đưa ra, tính đến giữa tháng Ba – cao hơn gấp 5 lần so với số liệu chính thức.
Các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong dịp nghỉ lễ Nowruz, tức Lễ Năm Mới của Iran, bắt đầu vào dịp cuối tuần, tuần thứ ba của tháng Ba; và đã có mức suy giảm tương ứng các ca nhiễm bệnh và tử vong trong giai đoạn này.
Nguồn hình ảnh, AFP
Chụp lại hình ảnh,
Iran đã áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona
Tuy nhiên, khi các biện pháp hạn chế của chính phủ được nới lỏng, các ca nhiễm bệnh và tử vong bắt đầu lại tăng lên, bắt đầu từ sau thời điểm cuối tháng Năm.
Đáng chú ý là trong danh sách được tiết lộ cho BBC, ca tử vong đầu tiên được ghi nhận vào ngày 22/1, một tháng trước khi ca tử vong đầu tiên do virus corona được chính thức báo cáo tại Iran.
Tại thời điểm đó, các quan chức Bộ Y tế khăng khăng nói rằng không có bất kỳ ca nhiễm virus corona nào tại nước này, bất chấp các tường thuật của phóng viên bên trong Iran và những lời cảnh báo từ nhiều chuyên gia y tế khác nhau.
Trong vòng 28 ngày cho tới khi ca tử vong đầu tiên được chính thức thừa nhận vào ngày 19/2, có 52 người tử vong.
Các bác sĩ nắm tường tận vấn đề nói với BBC rằng Bộ Y tế Iran đã bị áp lực từ các cơ quan an ninh và tình báo bên trong Iran.
Chụp lại hình ảnh,
Bản đồ mức độ tử vong tại các tỉnh của Iran
Vì sao phải che đậy?
Bệnh dịch bắt đầu bùng phát vào thời điểm trùng với hai sự kiện quan trọng ở Iran: dịp kỷ niệm Cách mạng Hồi giáo 1979 và kỳ bầu cử Quốc hội.
Đây là những cơ hội to lớn cho Cộng hòa Hồi giáo chứng minh rằng họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi, và họ không muốn làm mất đi cơ hội này chỉ bởi vì virus.
Ayatollah Ali Khamenei, Lãnh tụ Tối cao của Iran, đã cáo buộc một số người là lợi dụng virus corona để làm suy yếu kỳ bầu cử.
Vào ngày bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu rất thấp.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Việc giới chức che đậy vụ bắn hạ máy bay của Ukraine đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ
Trước khi bị đại dịch virus corona toàn cầu tấn công, Iran đã có một loạt các cuộc khủng hoảng của riêng mình.
Vào 11/2009, Chính phủ tăng giá xăng dầu qua đêm và tiến hành trấn áp đầy bạo lực đối với các cuộc biểu tình sau đó. Hàng trăm người biểu tình đã bị giết chết chỉ trong vài ngày.
Vào tháng Giêng năm nay, phản ứng của Iran đối với vụ Hoa Kỳ ám sát tướng hàng đầu của Iran, Qasem Soleimani, người được coi là một trong các nhân vật quyền lực nhất tại Iran, chỉ đứng sau Lãnh tụ Tối cao, đã tạo ra một vấn đề khác.
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem
Chụp lại video,
Người biểu tình Iran trút giận lên chính phủ
Tiếp đến là vụ các lực lượng vũ trang của Iran trong tình trạng cảnh giác cao đã phóng nhầm hỏa tiễn vào một máy bay của Ukraina, chỉ vài phút sau khi chiếc phi cơ cất cánh từ sân bay quốc tế tại Tehran, khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng.
Lúc ban đầu, giới chức Iran tìm cách che giấu những gì xảy ra, nhưng sau ba ngày họ buộc phải thừa nhận. Điều này khiến Tehran rất mất mặt.
Bác sĩ Nouroldin Pirmoazzen, một cựu dân biểu và cũng là quan chức trong Bộ Y tế, nói với BBC rằng trong bối cảnh đó, chính phủ Iran rất lo lắng và sợ hãi sự thật khi virus corona tấn công vào Iran. Ông nói: “Chính phủ sợ rằng dân nghèo và người thất nghiệp sẽ xuống đường.”
Bác sĩ Pirmoazzen chỉ ra một thực tế rằng việc Iran ngăn chặn, không để tổ chức y tế quốc tế Thầy thuốc Không biên giới điều trị cho các ca virus corona tại tỉnh miền trung Isfahan cho thấy nước này rất cảnh giác về an ninh đối với đại dịch.
Iran đang trải qua giai đoạn khó khăn, thậm chí ngay cả trước khi khi có màn dương oai giễu võ về quân sự với Hoa Kỳ, và trước khi bị virus corona tấn công.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 5/2018 đã khiến nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng nặng nề.
Bác sĩ Pouladi (không phải tên thật) nói với BBC: “Những người dẫn dắt nền kinh tế tới thời điểm này không phải trả giá. Chính là người nghèo của đất nước và các bệnh nhân tội nghiệp của tôi mới là người phải trả giá, và họ phải trả bằng chính cuộc sống của mình.”
“Trong cuộc đối đầu giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Iran, chúng tôi bị nghiền nát bởi áp lực từ cả hai phía.”
Bộ Y tế nói rằng các báo cáo của nước này lên Tổ chức Y tế Thế giới về số các ca nhiễm và tử vong do virus corona là “minh bạch” và “không hề bị bóp méo”.