Tên gọi
Đức Phật Siddhārtha Gautama, chữ Hán 悉達多瞿曇 (phiên âm Hán Việt: Tất-đạt-đa Cồ-đàm) hay còn có tên gọi khác là Shakyamuni, chữ Hán 釋迦牟尼 (phiên âm Hán Việt là Thích Ca Mâu Ni).
Khi dịch sang tiếng Trung Quốc, tên Đức phật Thích Ca Mâu Ni có hai nghĩa là Năng nhân và Tịch Mặc.
Năng Nhân
“Nhân” ở đây là nhân đức, nhân từ, và “năng” là năng lực, sức mạnh. “Năng nhân” có nghĩa là “sức mạnh của lòng từ bi”. Sức mạnh này đã trở thành một năng lực vĩ đại để Đức Phật có thể cứu khổ cho chúng sinh một cách vô ngã. Đối với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tình thương mà Ngài dành cho chúng sinh luôn bình đẳng, và trở thành sức mạnh có thể chuyển hóa được khổ đau cho chúng sinh, giúp chúng sinh đạt được giác ngộ.
Tịch Mặc
“Tịch mặc” ở đây có thể hiểu là “trí tuệ”. “Tịch” là có trí tuệ thấu đáo ngoại cảnh. “Mặc” là có trí tuệ để đối diện chính nội tâm mình. Trong cuộc sống, những thành bại, thịnh suy, vinh nhục đều không làm dao động được Đức Phật. Cũng có thể hiểu là Đức Phật ban phúc tạo điều lành nhưng không hề phô trương mà tâm hồn luôn luôn yên tĩnh, vắng lặng.
Ngoại hình
Tuỳ theo văn hoá của các nước mà hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại có phần khác nhau. Ở Việt Nam, Phật Thích Ca Mâu Ni mang nét đẹp vô cùng Á Đông, với gương mặt hiền từ phúc hậu.
Theo kinh nguyên thủy Nikaya – bộ kinh được phần lớn các học giả nghiên cứu lịch sử Phật Giáo lấy làm tư liệu thì ngài sở hữu thân hình cao to, khoảng trên 1m90. Ngài vô cùng đẹp trai, không phải vẻ đẹp hiền từ như tranh ảnh chúng ta thấy mà là vẻ đẹp của sự oai nghiêm, tôn quý và tĩnh tịch. Một vẻ đẹp khiến nhiều kẻ ngoại đạo lúc gặp ngài thì cứng người không còn dám tranh luận hay đàm đạo.
Sau này khi tu hành theo con đường trung đạo thì ngài chỉ ăn ngày một bữa nên cơ thể không còn lực lưỡng như trước. Ngài để đầu trọc như các vị tăng ni khác chứ không để tóc lọn như trong phim ảnh, bởi vậy ngài bị ngoại đạo phỉ báng là tên Samon đầu trọc. Có điều, khi còn tại thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không cho phép ai vẽ lại chân dung của mình, nên những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy ngày nay đều mang tính chất minh hoạ, không khắc họa chính xác được thực tế lịch sử.
Cuộc đời
Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật. Ngài được xác nhận là có thật trong lịch sử, là hoàng tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm của vương quốc Thích Ca – thuộc Ấn Độ ngày nay, sinh vào khoảng năm 624 TCN.
Trưởng thành
Vào ngày mùng 8 tháng 4 năm 624 TCN, hoàng hậu Ma Da (Maha Maya) hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Sau khi sinh ngài được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da qua đời. Thái tử được giao cho người dì là Ma Ha Ba Xà Bà Đề (Maha Pajapati Gotami) nuôi dưỡng. Vua cha Tịnh Phạn (Suddhodana) vui mừng bèn triệu tập các vị thánh giả, đạo sư để xem tướng và cầu phúc cho con trai của mình.
Một hôm có vị đạo sư tên là A Tư Đà (Asita) đến từ Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) xin yết kiến vua để chúc mừng và xem mặt thái tử. Ngài A Tư Đà xem xong bật khóc. Vua Tịnh Phạn hỏi nguyên nhân. A Tư Đà thưa rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp sau này nhất định sẽ trở thành bậc chánh đẳng, chánh giác. Tôi khóc là vì tới lúc đó thì tôi đã chết rồi nên không có cơ hội nghe pháp của Ngài”. Thái tử Tất Đạt Đa lớn lên là người trầm tư, hay tìm những nơi thanh tịnh để thiền định.
Thái tử được nuôi dạy rất chu đáo về cả văn lẫn võ. Với sự thông minh và sức mạnh phi thường của mình, đến năm 12 tuổi ngài đã thông thạo tất cả các học vấn. Từ năm 13 tuổi đã được truyền thụ võ nghệ. Ngài có sở trường bắn cung rất thiện xạ.
Hôn nhân
Trong một lần trong một cuộc thi bắn cung, ngài đã nâng được chiếc cung rất nặng mà từ trước đến giờ chưa ai nâng nổi và bắn xuyên qua 7 lớp bia đồng trong khi người giỏi nhất cũng chỉ bắn xuyên được 3 lớp. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi tuyển chọn phò mã. Ngài đã kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) lúc ngài được 16 tuổi. Vua cha Tịnh Phạn rất yêu quý và luôn cung cấp cho ngài những thứ tốt nhất trên đời. Ngài đã có 13 năm sống cùng vợ trong sự tột cùng của nhung lụa.
Một ngày khi đi dạo bốn cửa thành, ngài đã nhìn thấy 4 hình ảnh đó là: một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết, và một vị tu sĩ. Ngài nhận ra một điều là con người ta được sinh ra rồi già đi, rồi sẽ bị bệnh tật và cuối cùng sẽ chết cho dù người đó có là ai đi chăng nữa. Ngài trân quý hình ảnh siêu thoát của vị tu sĩ. Ngài quay về cung nhìn thấy các cung nữ say sưa, nằm ngổn ngang trong phòng khiến ngài cảm thấy sự ô uế của con người.
Quá trình khổ hạnh và giác ngộ
Qua bao nhiêu sự việc, ngài quyết định ra đi tìm đường giải thoát. Ngài đến phòng của mình, ghé cửa nhìn vào người vợ yêu dấu Da Du Đà La và đứa con thơ La Hầu La (Ràhula) lần cuối trước khi lên đường.
Thế rồi ngài đã cưỡi con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) cùng với người nô bộc của mình là Xa Nặc (Channa) bỏ lại kinh thành ra đi vào giữa đêm khuya. Khi đến bờ sông Anoma, ngài đã cắt tóc, trao lại ngựa, tháo bỏ tất cả trang sức quần áo đưa cho Xa Nặc và kêu Xa Mặc trở về. Khi đó ngài được 29 tuổi.
Sau khi đã thọ giáo hết với 2 vị thầy đầu tiên là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, Ngài đã đến một khu rừng để tu ép xác khổ hạnh cùng với 5 anh em Kiều Trần Như (Kondanna). Sau 6 năm tu ép xác, thân thể ngài càng suy nhược, yếu ớt tưởng chừng sắp chết. Đến khi ngài nghe được tiếng đàn của đấng Phạm Thiên Indra, ngài liên tưởng đến loại dây đàn không quá căng cũng không quá chùng nên ngài đã phát hiện ra con đường trung dung – Trung Đạo. Ngài đã ăn uống bình thường trở lại. Điều này khiến cho 5 anh em Kiều Trần Như thất vọng và đã bỏ ngải để ra đi tìm nơi khác tiếp tục ép xác tu hành.
Ngài đã thọ nhận bát cháo sữa của nàng Sujata. Sau khi thọ thực xong, ngài đã đặt chiếc bát xuống dòng sông Ni Liên và thệ nguyện sẽ đạt được giác ngộ rốt ráo. Chiếc bát đã trôi ngược theo dòng nước. Sau đó Ngài đã băng qua dòng nước và được anh nông dân cúng dường bó cỏ Kusa (một loại cỏ thơm), Ngài bèn dùng bó cỏ làm gối lót tọa thiền, rồi đến ngồi dưới gốc cây Bồ Đề (Boddhi) mà phát nguyện: “Nếu không đạt thành đạo quả, ta quyết không đứng dậy và không rời khỏi chỗ này.”
Khi ngài đang ngồi thiền thì bất chợt có một cơn mưa trái mùa rất lớn. Thần rắn Naga liền bò ra khỏi hang, quấn mình quanh chỗ ngồi của ngài 7 vòng để nâng Ngài lên và dùng đầu của mình để che mưa cho Ngài. Ngài đã ngồi quán tưởng các duyên khởi, nhìn thấy được các kiếp trước của mình, của chúng sanh, sự hình thành và hủy diệt của thế giới, của nhiều thế giới. Ma vương Vasavatti cùng đoàn tùy tùng đã đến quấy nhiễu ngài. Một vị nữ thần từ trong lòng đất đã đánh bại ma vương để hộ pháp cho ngài. Nhờ tu tập pháp độ trong nhiều kiếp nên ngài đã nhiếp phục ma vương một cách dễ dàng. Cuối cùng ma vương cũng bị khuất phục và thành tâm đảnh lễ với Ngài.
Vào buổi bình minh trăng tròn tháng 4 năm 588 TCN, ngài đã hoàn toàn giác ngộ trở thành một đấng chánh đẳng, chánh giác, một vị Phật. 3 người con gái của Ma vương vẫn không buông tha cho ngài và lại tìm cách quyến rũ ngài nhưng họ đều thất bại trước một vị toàn giác như ngài. Đấng Phạm Thiên đã cầu xin Đức Phật đem chánh pháp giáo hóa chúng sanh. Đức Phật đã nhận lời hoằng pháp độ sinh.
Sau 6 năm khổ hạnh và 45 năm thuyết pháp độ sinh, cuối cùng công đức của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng đã viên mãn. Cuộc đời vĩ đại của Đức Phật từ lúc đản sanh đến lúc nhập Niết Bàn luôn là bài học lớn có giá trị mặc dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ. Suốt cuộc đời hành đạo của mình, Đức Phật chỉ nhận mình là bậc Đạo sư, là người dẫn đường. Ngài luôn dạy các đệ tử phải tự mình tu tập và cũng chỉ tự bản thân mình mà thôi, không ai có thể giúp đỡ được.
Hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong các tôn giáo khác nhau trên thế giới
Nhiều người theo Ấn Độ giáo cho rằng Phật Thích Ca Mâu Ni là hóa thân thứ 9 của thần Vishnu. Tuy nhiên nhiều lời dạy của Phật Thích Ca vốn đi ngược lại giáo điều tôn giáo của Ấn Độ giáo, điển hình là Phật phủ nhận quyền năng của kinh Vệ Đà (Vedas) và phủ nhận sự tồn tại của Ngã, linh hồn trường tồn, bất biến (Atman). Phật cũng phủ nhận địa vị tối cao của Phạm Thiên (Brahma) trong Ấn Độ giáo, Phật nói rằng các vị thần cũng chỉ là một chúng sinh trong tam giới mà thôi, họ không phải toàn năng và cũng không bất tử. Do vậy, chi tiết này có lẽ là do Ấn Độ giáo hư cấu ra để thuyết phục những tín đồ Phật giáo chuyển sang Ấn Độ giáo.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được một giáo phái Hồi giáo của dân tộc Ahmadiyya coi như là một nhà tiên tri. Một số tín đồ Phật giáo Trung Quốc thời sơ khai từng nghĩ Tất-đạt-đa Cồ-đàm là hóa thân của Lão Tử trong Đạo giáo.
Các tín đồ của Đạo Cao Đài tôn thờ ông như một bậc thầy tôn giáo lớn của họ. Hình ảnh của ông có thể được tìm thấy trong cả Tòa Thánh và trên bàn thờ ở nhà. Ông cũng được họ cho là có mối liên hệ với những người sáng lập tôn giáo lớn khác như Jesus, Lão Tử hoặc Khổng Tử.
Trong giáo phái Gnostic cổ Mani giáo, Thích Ca Mâu Ni Phật được cho là một trong số những vị thầy giảng đạo của Đức Chúa Trời trước khi Mani xuất hiện. Trong đạo Sikh, Phật được đề cập như là đại diện thứ 23 của Vishnu trong Chaubis Avtar, một tác phẩm Dasam Granth theo truyền thống được viết bởi Guru Gobind Singh.
Ý nghĩa và thờ cúng
Như chúng ta đã nhắc đến ở trên việc thờ cúng Tượng Phật Thích Ca luôn có một ý nghĩa quan trọng đối với những tín đồ phật giáo. Thích Ca Mâu Ni được biết đến là người khởi nguồn và truyền thụ phật giáo đầu tiên trên thế giới. Chính vì thế mà uy vọng của người rất lớn được các tín đồ phật giáo tôn trọng. Việc thờ cúng Tượng Phật Thích Ca là một tín ngưỡng để cho các gia chủ gửi gắm được tâm tư, nguyện vọng vào đó. Theo triết lý của phật giáo thì Phật ở ngay trong lòng của mỗi người. Khi chúng ta nghĩ đến phật, một lòng hướng phật thì sẽ đạt được những cảnh giới của phật giáo. Tượng Phật Thích Ca được đặt lên đài sen thể hiện sự thanh tịnh, giải thoát con người khỏi những bể khổ của nhân gian.
Đôi mắt của Tượng Phật Thích Ca luôn được điêu khắc một cách rất tỉ mỉ thể hiện là một đôi mắt trầm tĩnh. Với đôi mắt có thể nhìn thấu mọi vật, quan sát chúng sinh Tượng Phật Thích Ca luôn cho người thờ cúng tự kiểm điểm, tự tĩnh tu để có thể nhìn nhận mọi thứ xung quanh mình, giác ngộ chân lý của cuộc sống. Hầu hết những Tượng Phật Thích Ca đều được đặt ngồi trên đài sen sáng chói. Điều này thể hiện được tính bao dung của phật giáo đến với tất cả chúng sinh.
Việc thờ cúng Tượng Phật Thích Ca dù ở đâu, sử dụng chất liệu gì đều chỉ đến mong muốn của con người là cuộc sống bình an, thanh tịnh được phật giáo che chở khỏi giông bão cuộc đời.
Tham khảo
- Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91a_C%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0m#Di_t%C3%ADch
- Tên gọi và hình tượng của những vị Phật, Bồ Tát thường gặp, https://phatgiao.org.vn/ten-goi-va-hinh-tuong-cua-nhung-vi-phat-bo-tat-thuong-gap-d33839.html
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, http://tuyenphap.com/duc-phat-thich-ca-mau-ni-1262
- Ý nghĩa danh hiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, https://phatgiao.org.vn/y-nghia-danh-hieu-duc-phat-thich-ca-mau-ni-d41598.html
- Vẻ ngoài thật sự của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, https://khamphalichsu.com/ve-ngoai-cua-duc-phat-thich-ca-mau-ni-n67.html
- Lược sử tóm tắt về cuộc đời Đức Phật – Thích Ca Mâu Ni, https://phatgiao.org.vn/luoc-su-tom-tat-ve-cuoc-doi-duc-phat–thich-ca-mau-ni-d32509.html
- Phật Giáo Gia Lai: Tóm tắt lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ Giáng sinh đến Thành đạo, http://phatgiaogialai.vn/tin-tuc/phat-giao-gia-lai-tom-tat-lich-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni
- Ý nghĩa và cách thờ cúng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, https://xuongtranhtuongphat.com/cach-tho-cung-tuong-phat-thich-ca-mau-ni/
Chấm điểm