Bạn đã bao giờ trải qua những giây phút đãng trí không ngờ tới như ra khỏi nhà quên mang theo chìa khóa, có ý định lên lầu lấy một vật gì đó nhưng khi đến nơi lại chẳng nhớ là cần phải lấy gì…? Thực ra bạn không nên quá lo lắng về điều này, bởi các nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho biết, những phút tự nhiên đãng trí ấy lại là biểu hiện của những người có bộ não rất thông minh.
Việc quên đi những chuyện không cần thiết là một hoạt động có chủ đích hẳn hoi của não người.
Cụ thể, việc nhớ nhớ quên quên này cho thấy não bộ của họ đang hoạt động cực tốt khi có thể tách những chi tiết vụn vặt ra khỏi những sự kiện chính. Đây là kết luận được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Toronto (Canada). Theo đó, các chuyên gia tại đây đã phát hiện ra rằng, sự phát triển của các noron thần kinh mới trong vùng hồi hải mã – hippocampus (vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ) sẽ loại bỏ những thông tin cũ và không cần thiết, nhường chỗ để ghi lại những thông tin quan trọng, bổ ích hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, việc chúng ta hay quên có thể là do một cơ chế an toàn trong não đang hoạt động để đảm bảo bộ não không bị quá tải thông tin. Nói cách khác, quên đi những chuyện không cần thiết là một hoạt động có chủ đích hẳn hoi của não người.
Một nghiên cứu từ năm 2007 đã tiến hành chụp cộng hưởng từ (FMRI) và theo dõi sự thay đổi ở não bộ của 20 tình nguyện viên khỏe mạnh. Các tình nguyện viên này được yêu cầu làm một bài test trí nhớ đơn giản, và kết quả cho thấy mọi người nhớ tốt với thông tin mâu thuẫn chứ không phải là những thông tin lặp đi lặp lại hay quá dễ. Michael Anderson (thuộc trường ĐH Oregon) chia sẻ: “Hay nhớ nhớ quên quên thể hiện một sự hoạt động tốt của não bộ ở thời điểm đó. Điều đó có nghĩa là họ có thể loại đi và thiết lập cơ sở sinh học thần kinh cho quá trình lọc bỏ thông tin này”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tốc độ chúng ta “nhớ nhớ quên quên” còn phụ thuộc vào môi trường xung quanh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra bằng chứng về sự suy yếu của các kết nối giữa các nơ-ron giúp lưu lại kí ức, nhưng họ cũng phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các nơron mới đã ghi đè lên những kí ức cũ, khiến bộ não khó tiếp cận đến những thông tin này hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có hai lý do khiến bộ não chủ động quên đi nhiều dữ kiện cũ:
– Thứ nhất, thói quen quên đi những cái không cần thiết giúp chúng ta cập nhật những thông tin mới.
– Thứ hai, việc này cũng cho phép chúng ta lưu giữ các sự kiện chính trong quá khứ chứ không phải ghi nhớ hết toàn bộ sự kiện.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, tốc độ chúng ta “nhớ nhớ quên quên” còn phụ thuộc vào môi trường xung quanh, bạn sẽ “mất trí nhớ” nhanh hơn nếu các sự kiện trong đời cứ luôn ồ ạt đến với mình.
Thế nên, bạn đừng quá lo khi mình bỗng “quên quên nhớ nhớ” hay thường bị người nào đó chê cười mình “não cá vàng”. Điều này chứng tỏ bộ não của bạn đang hoạt động cực tốt, và sự lãng quên kia chỉ là việc để dành không gian lưu trữ thông tin khác quan trọng, hữu ích hơn mà thôi.
Nguồn: IFL Science