Hội yêu cầu gỡ một số tranh “bất ổn”
Chiều 24/7, trả lời Báo Giao thông, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết sau khi nhận phản ánh từ giới chuyên môn, dư luận, Hội lắng nghe, xem xét và quyết định gỡ những tác phẩm “bất ổn, không thể chấp nhận” tại triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan.
Một tác phẩm trong triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương”
Ông Đoàn thừa nhận hội đồng nghệ thuật sơ suất trong quá trình duyệt tác phẩm. “Chúng tôi tôn trọng tự do sáng tạo của các họa sĩ, cả về quan niệm, không gây cản trở nên có chút sơ sẩy. Hội có trách nhiệm và tiếp thu ngay ý kiến dư luận. Chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn những lần sau”, ông nói.
Theo ông Đoàn, hiện hai họa sĩ quyết định dừng triển lãm vì sự kiện chỉ kéo dài vài ngày, và nếu gỡ một số bức sẽ tạo thành khoảng trống trong không gian trưng bày.
Hiện, đạo diễn Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan vẫn chưa lên tiếng về ồn ào liên quan đến triển lãm
Trước đó, tại khai mạc triển lãm, đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan cho biết, anh lại tạo hình một Hồ Xuân Hương bay bổng. Một “Hồ Xuân Hương bay lượn trên sóng Tây Hồ” hay “Hồ Xuân Hương với bồng bềnh sen Tây Hồ”… đều đan xen giữa không gian thực và mơ.
Theo đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan, anh đang diễn tả cõi mơ của nữ sỹ, là nỗi lòng tự sự của nhà thơ, là sự cô đơn rỗng lòng, là ôm ấp hoài niệm bốn mùa đi qua, là cá tính mạnh mẽ. Bởi thế, 200 năm sau ngày bà mất dường như cá tính ấy còn thấp thoáng đâu đây với những nữ sỹ ngày nay…
Trong khi đó, tranh của Nguyễn Quốc Thắng được giới thiệu lấy cảm hứng từ thơ, cái nhìn về Hồ Xuân Hương, họa sĩ thể hiện hình ảnh nữ sĩ khao khát tình yêu.
Cẩn trọng khi vẽ về Hồ Xuân Hương
Triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” gồm 25 bức tranh của hai họa sĩ đều sử dụng chất liệu acrylic, với nhiều kích thước khác nhau, diễn ra từ ngày 20 – 29/7/2022.
Không gian triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương”
Tại triển lãm, họa sĩ, nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn cho biết khi tham quan triển lãm, anh thấy các tác phẩm không có nhiều điểm mới trong cách vẽ, hình ảnh nữ sĩ được khắc họa thô thiển, phản cảm như tranh hentai (khiêu dâm) Nhật Bản. Một số bức nét vẽ như bôi màu, nguệch ngoạc không có giá trị thẩm mỹ.
“Tranh vô tình làm xấu đi hình ảnh Hồ Xuân Hương, trông như kỹ nữ hơn là ca ngợi hay thể hiện khát vọng tự do của phụ nữ. Hồ Xuân Hương và thơ của bà không phải như vậy.
Mọi người khi vẽ phải tìm hiểu về nữ sĩ, phải nhìn vào góc độ bà sống ở thế kỷ 18, UNESCO công nhận bà là danh nhân văn hóa thế giới. Tôi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho rằng khi đem tác phẩm đến công chúng, họa sĩ nên có trách nhiệm, nhất là với giới trẻ”, nam họa sĩ cho hay.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái minh họa cho bài thơ “Tự tình” (trái) và “Giếng nước” của Hồ Xuân Hương
Chia sẻ với Báo Giao thông, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thừa nhận, thơ Hồ Xuân Hương vừa tục vừa thanh, nhưng khi chuyển sang ngôn ngữ tạo hình của hội họa thì rất khác, phải rất cẩn trọng, vì chỉ cần trượt qua ranh giới rất mong manh là trở thành dung tục.
“Bùi Xuân Phái cũng vẽ Hồ Xuân Hương táo bạo những cách tạo hình của bậc thầy làm duyên thêm cho Hồ Xuân Hương, tạo nên cảm xúc rất thanh thoát.
Nếu họa sĩ nào tạo hình một nhân vật văn hóa như bà Hồ Xuân Hương mà gây ra những va đập về thị giác, tạo cảm giác sỗ sàng, nghiêng về dung tục là rất không nên”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho hay.