Theo ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Waka, cách tốt nhất để đẩy lùi nạn sách lậu là các đơn vị làm ebook có bản quyền phải nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Hồi cuối năm 2021, ấn bản Miền đất hứa, hồi ký của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ra mắt bạn đọc Việt. Ngay sau khi cuốn sách có mặt tại Việt Nam, một độc giả có tài khoản mạng viết tắt là N.L. đã chia sẻ lại trải nghiệm của bản thân trong thời gian chờ đợi bản dịch tiếng Việt hoàn thiện.
“Vì quá háo hức mà chờ đợi mãi vẫn không thấy bản tiếng Việt, mình đã sa ngã vào một bản ebook lậu của một nhóm dịch giả nào đó, vừa đọc, vừa đối chiếu với bản tiếng Anh với những phần dịch khó hiểu như máy dịch. Trải nghiệm đọc như thế khá tệ”, N.L. viết trong một nhóm dành cho người yêu sách gồm hơn 7.000 thành viên trên mạng xã hội.
Bên dưới bài đăng đó, cũng có độc giả khác để lại comment tiết lộ: “Mình cũng mê cuốn sách này quá nên đã đọc lậu”.
Có thể thấy, dù vô tình hay cố ý, hành động “đọc chùa” đã phần nào tiếp tay cho các trang ebook lậu “mọc lên như nấm”.
Ngày càng có nhiều ebook bị sao chép, phát tán trái phép. Ảnh: Scienceprog.
Ebook lậu ảnh hưởng ra sao đến người làm sách?
Waka là một trong số những nhà phát hành ebook chính thức do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ thông tin và Truyền thông) cấp phép. Ông Đinh Quang Hoàng – Giám đốc điều hành Waka – nhận định đến nay, nạn ebook lậu vẫn hoạt động trong trạng thái “bình thường, thậm chí là phát triển”.
“Nó khiến nhiều đơn vị xuất bản trong nước không chú trọng đầu tư làm ebook vì lo ngại rằng bản quyền sẽ không được đảm bảo, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu. Trên thực tế, dù các đơn vị xuất bản có làm ebook hay không, vấn đề phát tán ebook lậu vẫn hoành hành”, ông Hoàng nói.
Đến nay, Waka đã phát hiện rất nhiều trang đang phát tán ebook trái phép của đơn vị mình. Có những cuốn ở các trang đó còn có số lượt tải và đọc nhiều hơn trên trang chính thức của Waka.
Theo ông Hoàng, những đầu ebook bị làm lậu nhiều nhất là các bộ truyện văn học, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và mảng sách khai thác bản quyền từ nước ngoài. Những bản ebook đó thường thu về số lượt tìm đọc nhiều nhất.
Ông Hoàng cho hay hiện nay, các trang làm ebook lậu hoạt động theo mô hình khác nhau: Bán ebook với mức giá rẻ, nhận tiền quảng cáo, yêu cầu đăng nhập, cung cấp thông tin cá nhân…
“Dù núp dưới bóng của mô hình nào thì họ cũng thu được lợi nhuận”, giám đốc điều hành Waka khẳng định.
Alpha Books cũng là đơn vị có nhiều cuốn sách bị phát tán lậu trên mạng trong những năm gần đây. Ông Vũ Trọng Đại – Chủ tịch HĐQT Alpha Books – cho rằng nạn vi phạm bản quyền tác động trực tiếp đến người làm công tác xuất bản, khiến doanh thu bị ảnh hưởng, số lượng sản phẩm bán ra bị hạn chế.
Theo ông Đại, tác động “rất kinh khủng” khác là với các hình thức sao chép để đưa sách lên mạng, đôi khi không tránh khỏi sai sót. Do đó, người đọc có thể tiếp cận phải nguồn sách không nguyên bản, dễ bị sai lệch, không có sự bảo chứng.
Thêm vào đó, nội lực xuất bản sẽ bị lệ thuộc hơn vào việc mua bản quyền bên ngoài vì khi các tác giả ở Việt Nam phát hiện ra sách của mình bị phát tán trái phép tràn lan trên mạng, “họ sẽ không còn hào hứng sáng tạo nên các tác phẩm mới”.
“Có cầu thì mới có cung. Khi độc giả vẫn giữ thói quen đọc các phiên bản sách lậu, điều đó sẽ vô tình tạo nên một nét văn hóa tiêu dùng thấp trong xã hội”, ông Đại nói.
Tăng trải nghiệm khi đọc ebook cho độc giả là một trong những giải pháp giúp đẩy lùi ebook lậu. Ảnh: ipub.
Nâng cao trải nghiệm cho độc giả
Chủ tịch HĐQT Alpha Books quan sát và nhận thấy rằng ngay cả các chuyên gia, nhà nghiên cứu đôi khi cũng chia sẻ cho nhau những tài liệu phát tán trái phép trên mạng để tham khảo.
“Điều tôi muốn nói ở đây là kể cả những người có dân trí cao cũng vẫn tiếp tay cho nạn ebook lậu. Giải pháp cho vấn nạn này là nâng cao nhận thức của bạn đọc về vấn đề sở hữu trí tuệ và cũng cần có sự giám sát của xã hội”, ông Đại nêu quan điểm.
Trước tình trạng các trang ebook lậu “mọc lên như nấm”, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Waka, cho rằng không thể dập tắt được vấn nạn này.
“Tuy nhiên, dù ebook lậu hoành hành, phát triển đến đâu thì cũng không giết chết được nền xuất bản điện tử. Bởi cùng sự phát triển của công nghệ, nhu cầu của độc giả sẽ cao hơn mỗi ngày. Họ sẽ không còn cảm thấy hài lòng với trải nghiệm khi đọc các phiên bản lậu”, ông Hoàng nhận định.
Giám đốc điều hành Waka lý giải với các ebook lậu, chất lượng sách chắc chắn sẽ không được đảm bảo đúng như nguồn sách có bản quyền. Theo thời gian và sự phát triển của công nghệ, người dùng sẽ mong chờ vào sự chỉn chu, đầu tư của các đơn vị làm ebook chính thống.
“Nếu hàm lượng công nghệ trong trải nghiệm của người dùng ở một phiên bản ebook nhiều lên thì sẽ níu chân được người dùng. Một bản ebook chất lượng, có sự tương tác và ứng dụng công nghệ cao hơn chắc chắn sẽ thu hút bạn đọc hơn. Khi đó, các đối tượng làm ebook lậu sẽ khó lòng theo kịp”, ông Hoàng bày tỏ.