Fan cuồng tỉnh ngộ

Sau thời gian dài chạy theo nam thần tượng, Gao (Trung Quốc) suy kiệt cả về sức lực, tinh thần lẫn tiền bạc. Cô tỉnh ngộ và nhận ra mọi thứ không đáng để đánh đổi.

Trong cuộc thi âm nhạc kéo dài hai tiếng diễn ra ở Bắc Kinh hồi năm 2020, Gao cùng hàng nghìn người hâm mộ đã không kìm được sự cuồng nhiệt, phấn khích. Họ không biết bao giờ tới lượt thần tượng của mình trình diễn.

Một số fan đã bỏ ra hàng nghìn nhân dân tệ để mua vé, tới đây với hy vọng nhận được một cái nhìn thoáng qua từ nghệ sĩ yêu thích. Khoảnh khắc ấy sẽ càng đặc biệt vì mỗi ca sĩ sẽ chỉ trình diễn trong 4 phút.

Khi thần tượng của Gao bước ra, cô hét lên vì phấn khích. Nhưng cô không thể để mình quá hưng phấn. Gao cần chuẩn bị sẵn máy ảnh để ghi lại mọi khoảnh khắc của idol trên sân khấu. Bất kỳ sự phân tâm nào cũng có thể phá hỏng mục tiêu của cô.

fan cuong o trung quoc anh 1

Người hâm mộ chụp ảnh thần tượng bên ngoài tòa nhà của CCTV ở Bắc Kinh vào năm 2021. Ảnh: Zhao Naiming/VCG.

Bài hát kết thúc, Gao đặt chiếc máy ảnh kỹ thuật số nặng và ống kính tiêu cự dài xuống, lôi máy tính ra sửa ảnh ngay tại chỗ.

“Hôm nay da của anh ấy trông không đẹp lắm”, cô lẩm bẩm một mình trong khi chỉnh màu một cách thành thạo. Từng động tác sửa ảnh vừa đủ để che đi khuyết điểm của nam ca sĩ mà không làm anh trông thiếu tự nhiên.

Sau đó, cô nhanh chóng đăng những bức hình mới chụp lên blog Weibo. Nhận được những lời khen từ nhiều fan khác, cô mỉm cười và nói: “Đêm nay, chắc một bức ảnh của tôi sẽ viral trên mạng”.

Hành trình thành một fan cuồng

Theo Sixth Tone, Gao sinh ra trong một gia đình giàu có ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, theo học đại học ở Thượng Hải. Tại đây, sinh viên có nhiều hoạt động bên ngoài lớp học: ăn tại các nhà hàng nổi tiếng nhất của thành phố, đi mua sắm ở các khu thương mại, làm công việc tình nguyện, và say mê thần tượng.

Ban đầu, Gao chỉ là một fan bình thường. Cho đến mùa hè năm 2020, khi lần đầu nhìn thấy thần tượng của mình bằng xương bằng thịt, cô đã đổi suy nghĩ. Thần tượng của Gao là một ca sĩ kiêm vũ công đã có màn trình diễn bùng nổ trong chương trình tài năng.

fan cuong o trung quoc anh 2

Nhiều người trở thành fan cuồng sau những tương tác đời thực với thần tượng. Ảnh: generacionkpop.net.

“Khi thấy anh xuất hiện trên sân khấu với sức sống mạnh mẽ và ý chí theo đuổi giấc mơ, tôi đã bị cuốn đi”, cô nói.

Ngay sau đó, Gao đã tham gia khoảng hơn chục nhóm người hâm mộ trực tuyến, cả chính thức và do người hâm mộ tạo ra, bắt đầu cân nhắc chiến lược để tăng mức độ phổ biến trên mạng xã hội của thần tượng và giúp anh giành chiến thắng trong cuộc thi.

Trong ngành công nghiệp người hâm mộ trị giá hàng tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc, các diễn viên, ca sĩ và idol thường xuyên tương tác để duy trì, phát triển cơ sở fan trung thành.

Những người hâm mộ tận tụy hơn, như Gao, dành nhiều thời gian, tiền bạc lẫn năng lượng để trở thành một fan chuyên nghiệp, theo dõi nhất cử nhất động của thần tượng và đăng nhiều ảnh nhất có thể.

fan cuong o trung quoc anh 3

Nhóm fan chờ thần tượng bên ngoài một trung tâm sự kiện ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Yuan Kejia/VCG.

Mục tiêu của họ rất đơn giản: tăng cường sức ảnh hưởng và mức độ nổi tiếng của thần tượng thông qua các hashtag, lượt chia sẻ và bình luận. Những người điều hành “tuzhan” (trạm hình ảnh) như Gao được gọi là “zhanjie”.

Gao bắt đầu hành trình trở thành zhanjie bằng cách mua một máy ảnh Canon 5D4 SLR và ống kính tiêu cự dài 100-400 mm với giá hơn 30.000 nhân dân tệ (4.500 USD).

Gấp rút học thành thạo các chức năng cơ bản và kỹ năng chụp ảnh sơ cấp, cô bắt đầu công việc đầu tiên của mình: chụp ảnh thần tượng khi anh đến sân bay quốc tế Hồng Kiều, Thượng Hải.

Cô đã mua trước thông tin chuyến bay. Dù điều đó là vi phạm quyền riêng tư, nó vẫn rẻ hơn vé tham dự các sự kiện, thường có giá vài nghìn tệ.

Khi ngành công nghiệp thần tượng được mở rộng, những “trạm hình ảnh” do fan lập ra càng có vai trò quan trọng trong việc duy trì tương tác. Dù điều này có vẻ là xâm phạm quyền riêng tư, người nổi tiếng ngầm đồng ý với nó vì tin rằng sẽ có lợi cho sự nghiệp của họ.

Do đó, các “trạm hình ảnh” chỉ hoạt động dựa trên mức độ tận tụy của fan. Họ không đòi hỏi điều gì khi cung cấp những bức ảnh của mình, tự coi mình như một tay săn ảnh và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.

Vì lần đầu chưa có kinh nghiệm, Gao bị mắc kẹt sau “bức tường” đặc kín người hâm mộ và những tay săn ảnh kỳ cựu. Toàn bộ thứ cô thu về là những tấm ảnh mờ tịt.

Ngồi thẫn thờ ở sân bay, Gao đành lên các nhóm trò chuyện trên WeChat để mua ảnh từ người khác, đăng lên trang blog của mình.

Sau vài lần đi chụp ở hiện trường, cô học được rất nhiều mẹo hữu ích. Cô biết tìm cửa ra, giấu máy ảnh của mình, trốn đội an ninh… Dần dần, trạm hình ảnh của Gao đã thu hút số người theo dõi lớn và ngày càng được khen ngợi.

Kiệt sức và từ bỏ

Gao bày tỏ bản thân vốn là người ít nói. Khi làm việc, cô không bao giờ bắt chuyện với người xung quanh, thường đeo khẩu trang và lặng lẽ chụp ảnh liên tục.

Tuy nhiên, tại những sự kiện, cô thấy mình gần gũi với thần tượng. Chẳng hạn như ghi lại khoảnh khắc anh khởi hành hoặc hạ cánh ở sân bay. Anh ấy sẽ thỉnh thoảng nhìn vào ống kính và mỉm cười hoặc vẫy tay với cô.

fan cuong o trung quoc anh 4

Các zhanjie sẽ làm mọi cách để giúp idol của mình nổi tiếng hơn. Ảnh: @iqiy.

Những lần như vậy, cô ấy cảm thấy mình đang ở đỉnh cao hạnh phúc. “Trong những khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng anh ấy sẽ nhớ đến tôi, rằng tôi có đặc biệt một chút”.

Không khó để bắt gặp những zhanjie ngồi chầu chực ở sảnh khách sạn và nơi làm việc của idol, chi tiền mua vé tới các sự kiện. Đôi khi, họ theo chân thần tượng đến những thành phố khác để chụp hình sự kiện.

Để có được vị trí thuận lợi, zhanjie thức dậy sớm hơn những người hâm mộ thông thường, đến điểm tổ chức sự kiện sớm hơn thần tượng.

Có lần, khi nhiều show truyền hình và lễ hội được ghi hình liên tiếp, Gao chỉ ngủ 6 tiếng trong 3 ngày để kịp chụp ảnh. “Lúc quay lại khách sạn, kính áp tròng của tôi đã khô và dính chặt vào mắt”, cô nói.

Để chạy theo thần tượng khắp các địa điểm không chỉ mệt mỏi về sức lực mà còn tốn kém tiền bạc. Ngoài máy ảnh, ống kính và tiền đi lại, chi phí lớn nhất là vé tham dự các sự kiện. Giá vé có thể dao động từ hàng nghìn đến hơn 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD).

Các zhanjie thường sẽ mua hàng chục, thậm chí hàng trăm album, tạp chí hay sản phẩm của thần tượng để chứng minh sự ủng hộ của mình. Đó cũng là cách họ đong đếm “tình yêu”.

fan cuong o trung quoc anh 5

Những fan cuồng thường chi số tiền lớn để mua mọi thứ ủng hộ thần tượng của mình. Ảnh: VCG.

Mặc dù xuất thân giàu có, những khoản chi này không hề dễ dàng với Gao.

“Tôi biết có người đã chi số tiền tương đương giá một chiếc ôtô sản xuất trong nước. Tôi chưa tiêu nhiều như vậy, nhưng chắc chắn đã bỏ hàng chục nghìn nhân dân tệ”.

Mức độ tương tác của fan càng lớn, các trạm nhỏ càng có cơ hội trở thành “trạm lớn” (dazhan) hoặc “trạm huyền thoại” (shenzan). Những trạm lớn như vậy còn trở thành công cụ quảng bá của thần tượng, họ thường được nhận vé xem concert sớm.

Ban đầu, Gao cũng nuôi tham vọng trở thành một dazhan. Tuy nhiên, trong những tháng đầu, cô đã phải bỏ rất nhiều buổi học để đi theo thần tượng. Cuối cùng, trạm của cô vẫn có tương tác kém.

“Có lẽ do áp lực học tập, kiệt sức và sợ hãi, tôi đã tự huyễn hoặc mình. Tôi đã không dừng lại để xem mọi cố gắng có thực sự xứng đáng không”.

Gao từng nhận được những lời đe dọa riêng tư từ người hâm mộ khiến cô lạnh sống lưng.

“Tôi sợ một ngày sẽ trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Ai biết được người hâm mộ cuồng nhiệt khác sẽ buộc tội tôi vì điều gì. Có thể là chụp ảnh thần tượng xấu, không mua đủ sản phẩm, thậm chí quy kết tôi xâm phạm đời tư thần tượng”.

“Tôi không đủ thân với ai trong vòng kết nối này. Lúc đó, nếu không có ai giúp đỡ, đó sẽ là dấu chấm hết của tôi”.

Suy nghĩ đó khiến cô quyết định bỏ nghề.

Đầu năm 2021, kết quả học tập sa sút cùng những tiết lộ tiêu cực về thần tượng khiến Gao thấy cay đắng.

“Tôi phát hiện mọi thứ không đáng. Cuộc sống của tôi đã xoay quanh anh ấy (nam ca sĩ thần tượng) quá lâu, tôi quyết định đã đến lúc phải sống cho mình”.

Một số người bạn là zhanjie của Gao cũng đã bỏ cuộc. Nhìn thấy thần tượng không còn gợi lên trong cô sự ngưỡng mộ hay niềm đam mê như trước nữa.

Thay vào đó, cô mệt mỏi khi chứng kiến mặt tối của ngành công nghiệp người hâm mộ: chi tiêu lãng phí cho những sản phẩm, sự độc hại trong mối thù giữa các fandom và mong muốn được xác nhận không lành mạnh.

Rate this post

Viết một bình luận