Food-blogger: Những người “đẹp hóa” ẩm thực

Xu hướng mới của hội sành ăn

Food Blog được hiểu là những trang web cá nhân chia sẻ về các công thức nấu nướng, chụp những bức ảnh đồ ăn đẹp mắt; hay những chia sẻ, đánh giá về món ănmột cách khách quan. Nếu như trước đây, đó chỉ là nơi chia sẻ sở thích của cá nhân, thì nay đã dần định hình, nâng cấp và trở thành xu hướng hấp dẫn giới trẻ.

 

Naturally Ella, Mowie Kay, Lara Ferroni, Helen Dujardin,… là những cái tên đưa Food Blog thành một xu thế. Chỉ từ 3 – 5 giây sau khi vào trang blog của họ, thực sự bạn sẽ bị chinh phục bởi sự đẹp mắt và chuyên nghiệp. Bởi ở đó, những món ăn được phô bày một cách đẹp đẽ và tinh tế nhất. Những nhà hàng mà họ đã đến, những hương vị họ đã nếm qua đều được nhận xét chi tiết. Bên cạnh đó, những câu hỏi độc giả luôn được trả lời nhiệt tình,…

 

Blog ẩm thực được thiết kế đơn giản và chuyên nghiệp của hai Food-blogger Wendy và Jess

 

Dưới mỗi bài viết, Food-blogger đều dành thời gian trả lời những phản hồi của người đọc

 

Khi Food Blog được biết đến nhiều hơn thì nó định hình thành ba mảng riêng biệt là: Food-traveller, Food-blogger và Food-photographer. Có thể nói rằng, sự ra đời và phát triển của Food Blog tựa như một bước chuẩn bị dài hơi, và trên đà đó, Food-blogger bắt đầu những bước tiến độc lập thành một công việc chuyên nghiệp.

 

Food-blogger thực chất chính là những người viết blog về ẩm thực. Trong trang blog của mình, họ đề cập tới những thứ liên quan tới ẩm thực. Các Food-blogger đều biết nấu nướng và hầu như tập trung vào công thức nấu ăn của bản thân. Tất nhiên họ không “tham” tới mức cho tất cả mọi thứ vào trang. Họ đề cập tới ẩm thực địa phương, những vùng miền mà họ yêu thích hay chỉ là một dòng ẩm thực nào đó là họ quan tâm. Các blog sẽ có nét khác biệt bởi nó thể hiện phong cách riêng của mỗi Food-blogger.

 

“Gian bếp ảo” của Food-blogger Naturally Ella chuyên về các công thức món chay theo mùa

 

Sarah Britton bắt đầu viết blog vào năm 2007 để chia sẻ kiến thức về dinh dưỡng toàn diện

 

Không nằm ngoài sự phát triển của thế giới, giới trẻ Việt Nam nhanh chóng bắt kịp xu hướng này. Tuy nhiên, khi về đến nước ta, Food-blogger phát triển bật hẳn lên so với hai mảng còn lại và ngày càng chứng tỏ ưu thế của mình.

 

Đặng Vân Trang (Food-blogger: @trangnhimtron) đánh giá: “Food-blogger và Food-photographer thịnh hành hơn cả và có chiều hướng phát triển thành công việc chuyên nghiệp ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.”

 

Food-blogger: Liệu có nên nghề?

Trở thành một nghề nghiệp, hay một công việc chuyên nghiệp, tức là bạn phải kiếm ra tiền từ nó; còn nếu không, nó chỉ là một trong số những đam mê, sở thích. Vậy có thể kiếm được tiền từ công việc Food-blogger hay không, câu trả lời là: “Có”. Thế nhưng, việc nào cũng vậy, định hướng khác nhau thì cách kiếm tiền cũng khác nhau.

 

Bên cạnh hoạt động trên blog, các Food-blogger còn chia sẻ công việc trên các chương trình truyền hình, viết sách hoặc cộng tác với các báo, tạp chí ẩm thực (Food-bloggerSarah Graham).

 

Hiện nay ở nước ta, đa số Food-blogger chỉ là một công việc tay ngang, họ theo đuổi công việc này bởi niềm đam mê ẩm thực, thích “ăn đây ăn đó” và chia sẻ với mọi người về “những món mà mình đã ăn qua”. Nhưng tất cả sẽ chỉ là những chia sẻ mang tính cá nhân, tạo thương hiệu cá nhân và… không có thêm những thành tựu, sản phẩm gì khác. Những Food-blogger như vậy được biết tới nhiều hơn với cái tên “hội review ẩm thực” hay “các review-er” bởi công việc chỉ đơn thuần là: thưởng thức và chia sẻ.
 

Ngày càng nhiều bạn trẻ hướng tới công việc “review” này.

 

Mặc dù là nghề tay trái, nhưng công việc này vẫn giúp họ hái ra tiền. Đa số các blog ẩm thực sẽ phát triển mạnh trên trang mạng Instagram hay Facebook,… bởi tính tập trung cao cũng như tính năng tương tác tốt. Các Review-er đầu tư chụp những bức hình đẹp với những lời đánh giá mang tính khách quan, cũng đôi khi là cả chia sẻ cảm nhận của cá nhân,… và không thể thiếu địa chỉ của quán đó. Khi thương hiệu cá nhân đã mạnh, không khó khăn gì để họ kiếm tiền từ chính những lượt like, follow và PR cho các thương hiệu ẩm thực khác.

 

Review-er có những đánh giá cá nhân về món ăn và không quên đính kèm địa chỉ trong đó.

 

Còn đối với những người theo đuổi Food-blogger một cách chuyên nghiệp, công việc của họ lại khác rất nhiều. Trước hết, họ chắc chắn biết nấu ăn. Tất nhiên, các review-er cũng biết nấu, nhưng công việc chính của họ vẫn là đánh giá những món ăn của người khác. Còn khi đã bước chân trên con đường chuyên nghiệp, thì người ta phải có sự đầu tư đích thực và tạo nên sản phẩm tích cực.

 

Trở lại vào năm 2003, Food-blogger Heidi Swanson đã giới thiệu 101 cuốn sách nấu ăn. Hơn 10 năm sau, blog của cô cho thấy sự tập trung vào các món ăn với nguyên liệu tự nhiên và những món ăn trong các chuyến đi của cô. “Near & Far” là cuốn sách ra mắt gần đây nhất (cuối năm 2015).

 

Độc giả Việt không còn xa lạ gì với những cuốn sách ẩm thực “5 mùa yêu thương” (Khai Tâm), “Esheep kitchen: Mật mã yêu thương” (Phan Anh), “Tuyển tập Vietnamese cooking” (Linh Kokotaru), “Chuyện của bánh” (Nguyễn Bảo Anh Thư) hay “Ngẫu hứng vào bếp” (Phan Thắng Thái Hòa),… Đó là những sản phẩm được tạo nên từ tâm huyết, được đầu tư một cách chuyên nghiệp mà có lẽ chỉ những người toàn tâm toàn ý theo nghề mới có thể tạo nên.

 

Cuốn sách “Esheep kitchen: Mật mã yêu thương” (Blogger Phan Anh) nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.

 


“5 mùa yêu thương” của blogger Khai Tâm không chỉ là cuốn sổ tay nấu ăn. Mỗi trang sách là một bức hình minh họa đẹp mắt, ngôn từ mộc mạc, chan chứa yêu thương. Cuốn sách vừa phát hành đã bán hết và được tái bản lần hai ngay sau đó.

 

Cùng theo đuổi một mối tình là ẩm thực, nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa các Food-blogger chính là sản phẩm cuối cùng mà họ làm ra. Những cuốn sách này không còn đơn thuần là chia sẻ công thức nấu nướng, những hiểu biết về ẩm thực,… mà cao hơn, nó trở thành một cây cầu truyền cảm hứng cho những người yêu ẩm thực hay đang muốn thử thách mình trên con đường đầy màu sắc và hương vị đó.

 

Food-blogger Hương Thảo bỏ nghề thiết kế đồ họa để theo đuổi nghiệp nấu ăn.

 

Mạng xã hội là một đòn bẩy hiệu quả cho các Food-blogger xây dựng thương hiệu cá nhân và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Dành một vài phút lướt web, không khó để bắt gặp những blog ẩm thựcthu hút lượng quan tâm lớn của cư dân mạng. Tuy nhiên, khi Food-blogger đã trở thành công việc chuyên nghiệp thì mạng xã hội chỉ mang tính bổ trợ; còn với những Food-blogger chuyên về đánh giá ẩm thực thì mạng xã hội lại đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

 

Có thể thấy rằng, Food-blogger là một công việc hấp dẫn và đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Rất nhiều người nuôi đam mê thành hiện thực, hay từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi con đường của một Food-blogger. Nhưng nghề nào cũng vậy, chỉ đam mê thôi là chưa đủ.

 

Xem thêm:

Nở rộ sách nấu ăn của các Food-blogger

Giải mã thành công của bếp nhà Esheep: Yêu cái đẹp và hết mình vì đam mê

Huệ Anh Lala

Rate this post

Viết một bình luận