Mẹ Đốp là vai nghệ sĩ Ngọc Giàu khoái nhất khi nhận kịch bản Thị Mầu từ tay đạo diễn Nguyễn Công Ninh. Kịch Sài Gòn thời đó có mẹ Đốp của chị phòng vé bán… mệt nghỉ. Dù chỉ xuất hiện một lớp ngắn nhưng chị diễn rất rôm rả, không chỉ làm khán giả cười chị còn làm bạn diễn kềm tiếng cười vì cái duyên ngẫu hứng bất chợt. Mẹ Đốp của Ngọc Giàu không đanh đá, đốp chát nhưng “đánh” thật đau vào sự ươn hèn, ngu dốt của lũ quan tham trong làng. Hành động gói chữ nghĩa nhà thầy lý vào dây lưng quần mẹ Đốp – Ngọc Giàu đã làm khán giả cười giòn. Chị kể: “Vai này biểu hiện rõ nét nhất cụm từ “gà mái đá gà cồ”. Đốp quê mùa nhưng hiểu được thâm ý ăn của đút lót của bọn quan tham. Khi cô Mầu chẳng chịu khai báo cái thai của ai, chúng lôi cô ra xử án để ăn phạt. Đốp là gà mái đã dùng “vũ khí” dân dã, đó chính là những câu nói ví von, chửi thẳng vào bọn quan sâu dân mọt nước. Đạo diễn Nguyễn Công Ninh đã cài kịch rất khéo khi cho xuất hiện những tay hương chức hội tề là những gã câm, mù, điếc, ngọng ngồi xử án. Tiếng cười của vở Thị Mầu như tiếng gà gáy xua tan bóng đêm tiêu cực trong cuộc sống”.Với nữ quái kiệt Kim Ngọc, chị nhớ nhất vai bà Tư xả láng trong vở kịch Những mối tình trắc trở của đạo diễn truyền hình Trần Văn Sáu. Vai người lao động tay lấm chân bùn nhưng dứt khoát không tham lam. Tư xả láng đã dùng trí thông minh để giữ lấy tờ vé số trúng độc đắc trả về cho người được hưởng mà đối thủ của chị chính là những tay không công, rồi nghề. Chị kể: “Tôi hiểu ý nghĩa của vở diễn mà anh Trần Văn Sáu muốn nhấn mạnh, đó là những người thấp cổ bé miệng, những con gà mái “nắng hỏng ưa, mưa hỏng chịu”… nếu biết giữ chữ tín, giữ đạo lý làm người thì lẽ phải điềm lành sẽ đến với họ. Chị Tư xả láng rồi cũng đá nhào bọn tham lam. Chống lại những tham vọng bất chính trong mỗi con người. Dù chị vẫn nghèo nhưng lại sống thanh thản, mùa Xuân qua chị vẫn tươi cười, “tối ngủ không sợ giật mình vì đã không làm điều tầm bậy”. Có một điều mà khán giả hâm mộ tiếng cười sân khấu chưa biết, đó là sàn diễn hài kịch ít khi hội tụ ba nữ quái kiệt: Ngọc Giàu, Kim Ngọc, Hồng Nga. Ấy thế mà mùa Xuân năm nay họ sẽ xuất hiện trong một lớp diễn Ngao sò ốc hến, vai ba bà vợ của quan huyện, thầy lý, thầy đề đi bắt ghen trong chương trình Những dấu ấn không phai tại rạp Hưng Đạo. Trích đoạn này sẽ đánh dấu sự xuất hiện trở lại của ba nữ quái kiệt chuyên trị những vai “gà mái đá gà cồ”. Nghệ sĩ Hồng Nga kể: “Năm ngoái khi được nghệ sĩ Phượng Liên mời tham gia vở Ngao sò ốc hến, chúng tôi đã đụng độ nhau “nảy lửa” trên sân khấu. Vai của tôi là vợ thầy lý, một tay “dê gái” số một. Bà quyết tâm trị cái tính “tham của lạ” của chồng, bèn ra tay rủ bà đề, bà huyện đánh ghen. Thú thật hồi trước đến giờ Hồng Nga chưa biết cảm giác ghen là như thế nào, nên khi diễn vai “gà mái có máu Hoạn Thư” chỉ biết cách dùng sự bình tĩnh để diễn cho ra cái tính ghen ngầm của phụ nữ. Vai bà lý trong Ngao sò ốc hến là một vai Hồng Nga thích nhất.Thích bởi cá tính dám đứng lên chống lại sự hà hiếp của mấy ông chồng có chức, có quyền ham mê vợ bé. Có năm HTV mời Hồng Nga diễn vai bà vợ ông giám đốc đêm giao thừa đi đến ổ “gà móng đỏ” kiếm chồng. Giờ giao thừa đã điểm vậy mà ông chồng vẫn chưa chịu về, bị gà móng đỏ giam cầm. Nhờ mưu trí cài bẫy dẫn công an thâm nhập vào động “gà”, những chú gà cồ ham của ngọt đã lọt bẫy. Vai diễn đó đã để lại cho Hồng Nga nhiều kỷ niệm, cũng như vai bà Tám bán chè trong vở Bến phà kỷ niệm, vai đã giúp Hồng Nga đoạt Giải Mai Vàng năm 1998, cũng thuộc loại vai “gà mái” đá văng những tay anh chị quậy phá ở bến phà, lập lại trật tự an ninh nơi công cộng”.
Còn rất nhiều những vai gà mái dễ thương mà ba nữ quái kiệt đã đem lại niềm vui cho khán giả, thế nhưng với ba chị đó chưa phải là điểm dừng. NSƯT Ngọc Giàu cười: “Tôi ẩn tuổi Dậu, là con gà mái dầu đó… nhưng đến mùa Xuân này tôi vẫn mong có thêm nhiều vai diễn góp phần đem lại niềm vui cho công chúng. Gà thường không ưa tiếng gáy của nhau, nhưng ba chị em chúng tôi hợp lại thì lúc nào cũng vui như Tết, vì sở trường của chúng tôi là… đá gà cồ, đá văng những hủ tục, những tiêu cực trong cuộc sống”.