Nóng gan có thể gây ra những vết mụn vừa mất thẩm mỹ, vừa gây đau đớn và khó chịu.
Nóng gan là gì?
Gan là bộ phận thực hiện rất nhiều nhiệm quan trọng trong cơ thể, vừa có chức năng ngoại tiết, vừa có chức năng nội tiết, lại là kho dự trữ của nhiều chất và là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể. Gan thực hiện một loạt nhiệm vụ thiết yếu như sản xuất protein, cholesterol và mật, lưu trữ vitamin, khoáng chất và cả carbohydrate cho cơ thể, phá vỡ các chất độc trong quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Khi chức năng gan suy giảm, độc tố trong cơ thể tích tụ, dẫn đến các triệu chứng như mụn nhọt, mề đay hay phát ban mà dân gian thường gọi là nóng gan. Chứng nóng gan theo y học hiện đại được hiểu là khi người bệnh uống nhiều bia rượu, các chất kích thích; ăn nhiều đồ ngọt, dầu mỡ… dẫn đến gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, thậm chí quá tải để loại bỏ các chất có hại ra khỏi cơ thể.
Đồng thời, các chất độc hại tổng tấn công vào gan làm kích hoạt tế bào Kupffer (làm nhiệm vụ miễn dịch tại gan) một cách thái quá, gây phóng thích ra các chất gây viêm Interleukin, TNF-α, TGF-β… Hậu quả tế bào gan bị tổn thương, suy giảm khả năng giải độc, tích tụ độc tố trong cơ thể và phát sinh các triệu chứng gan nóng mà dân gian hay gọi.
Khi bị nóng gan, bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình, hạn chế những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại, thay vào đó là sử dụng những loại thực phẩm có tính mát, hỗ trợ gan dễ dàng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Uống gì cho mát gan hết mụn?
1. Nước rau má
Nước rau má là một trong những “thần dược mát gan” được nhiều người biết đến và sử dụng nhất. Rau má vốn có vị đắng, tính mát nên từ xa xưa đã được sử dụng để điều trị nóng gan, nổi mụn hay mề đay. Ngoài ra, những dưỡng chất trong rau má cũng giúp làm lành vết thương do mụn, giảm thâm mụn, tái tạo làn da.
Tác dụng của nước rau má cũng mang lại hiệu quả cải thiện với người bị mụn nhọt rôm sảy, khí hư bạch đới, giảm stress, phòng ngừa bệnh tim mạch… Ngày nay, nhiều loại thuốc mát gan, hỗ trợ chức năng gan cũng có thành phần rau má.
Có nhiều cách sử dụng rau má như ăn sống, nấu canh hoặc phổ biến nhất là ép nước. Nước rau má giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả, hỗ trợ chức năng gan khỏe mạnh. Lưu ý, chỉ nên uống 3-4 ly nước rau má mỗi tuần, không nên uống quá nhiều vì dễ gây phản tác dụng.
2. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc cũng là một loại nước mát gan được nhiều người sử dụng. Theo tạp chí World Journal of Gastroenterology, trà hoa cúc có khả năng cải thiện gan nhiễm độc do lạm dụng thuốc, giúp gan duy trì hoạt động bình thường. Ngoài công dụng thải độc, trà hoa cúc còn giúp ổn định niêm mạc dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa. Trà hoa cúc chứa nhiều chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho làn da.
Giống như nhiều loại trà khác, trà hoa cúc nên uống vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn để phát huy những tác dụng tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng chỉ nên uống dưới 2 ly trà hoa cúc mỗi ngày và không nên uống vào buổi tối để tránh mất ngủ.
3. Trà xanh
Giống như trà hoa cúc, trà xanh cũng rất tốt cho gan, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Theo công bố của tạp chí World Journal of Gastroenterology năm 2015, trà xanh có tác dụng làm giảm chất oxy hóa, giảm hàm lượng chất béo, từ đó kiểm soát tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu, hạn chế tổn thương tế bào gan.
Trà xanh với lá trà tươi nguyên chất có nhiều lợi ích cho gan hơn trà xanh đã qua chế biến và đóng gói. Bạn cũng không nên uống quá 2 ly trà xanh mỗi ngày và không nên uống trước khi đi ngủ.
4. Nước lá sâm (lá găng)
Lá sâm hay lá găng là loại lá dân dã được nhiều người sử dụng làm nước uống, không chỉ có tác dụng giải khát mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả tác dụng với gan. Nước lá sâm được coi như một loại nước uống mát gan, giải độc và trị mụn hiệu quả.
5. Nước dừa
Nước dừa được coi là loại nước uống mát gan tự nhiên với rất nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng cường trao đổi và chuyển hóa chất. Hơn thế, bổ sung nước dừa sau khi thức giấc sẽ giúp hỗ trợ đào thải cặn bã, độc tố tích tụ trong đêm ra khỏi cơ thể. Loại nước này cũng chứa lượng lớn axit lauric với khả năng chống viêm, kháng khuẩn cao, giúp giảm mụn, sáng da.
Nước dừa đem đến rất nhiều lợi ích nhưng không phải ai cũng nên uống nhiều nước dừa. Loại nước này chứa hàm lượng carbohydrate cùng hàm lượng natri, kali cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bị cao huyết áp, tim mạch. Bên cạnh đó, nước dừa cũng chứa lượng đường cao (6,26 gram/1 ly), nếu dùng thường xuyên sẽ làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Một tác dụng rõ rệt của nước dừa là lợi tiểu, dùng quá nhiều loại thức uống này sẽ khiến thận làm việc vất vả hơn.
6. Nước ép bưởi
Bưởi là loại trái cây nhiệt đới quen thuộc, chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa. Trong bưởi có chứa nhiều naringin, được cho là có tiềm năng trong việc ngăn ngừa tổn thương gan, hỗ trợ chuyển hóa lipid phòng ngừa gan nhiễm mỡ chống xơ gan…
Nếu không thích ăn bưởi trực tiếp, bạn có thể uống nước ép bưởi, cũng đem đến những lợi ích tương tự cho sức khỏe.
Cần lưu ý rằng dùng bưởi chung với các loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng gan thận, mức độ phụ thuộc vào thể trạng từng người. Tốt nhất là không ăn bưởi và dùng các sản phẩm có thành phần từ bưởi trong vòng 24h sau khi uống thuốc, bia rượu. Người có hệ tiêu hóa kém không nên uống nhiều hơn 1 ly nước ép bưởi hoặc ăn quá nhiều bưởi trong ngày vì có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
7. Trà atiso
Atiso có vị đắng nhẹ, tính mát có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, lợi tiểu chống độc, lợi mật, tăng tiết mật, nhuận gan, bảo vệ gan. Do đó, loại cây này thường được dùng như một loại trà mát gan tiêu độc cho cơ thể.
Việc dùng atiso hỗ trợ mát gan cũng phải tuân theo các khuyến cáo về y khoa. Theo các chuyên gia, atiso có tác dụng thúc đẩy tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột, nếu lạm dụng thường xuyên hoặc dùng với lượng nhiều cùng lúc có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa, gây nên chứng đầy hơi trướng bụng.
Ở người viêm loét dạ dày tá tràng, uống atiso thường xuyên sẽ khiến vết loét lâu lành. Nhiều người uống atiso như trà mát gan thay cho nước lọc, điều này khiến gan phải làm việc liên tục để chuyển hóa từ đó tăng thêm gánh nặng cho gan.
8. Bột sắn dây
Từ lâu, sắn dây đã được sử dụng để làm nước uống mát gan, giải độc, lợi tiểu. Bột sắn dây được mài từ củ sắn dây. Theo Đông y, loại củ này có vị ngọt, mát, tính bình.
Bột sắn dây có tác dụng hạ nhiệt, giảm đường huyết, cải thiện rối loạn mỡ máu, giải rượu, giảm độc tố tích tụ trong gan, từ đó giảm mụn trên da hiệu quả. Khi sử dụng bột sắn dây, cần lưu hạn chế dùng bột sắn dây sống, tốt nhất là cho nước nóng từ từ vào khuấy đều cho bột tan và chín hẳn. Mỗi ngày chỉ nên uống tối đa 1 ly sắn dây. Phụ nữ có thai không nên uống hoặc nếu có nhu cầu cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
9. Trà bạc hà
Tinh dầu trong lá bạc hà có tác dụng hỗ trợ chức năng gan hiệu quả, giúp giải độc gan, làm mát gan, cải thiện khả năng loại bỏ chất thải khỏi cơ thể. Khi chức năng gan được cải thiện, mụn trên da cũng từ đó giảm đi.
Nên uống trà bạc hà trước khi đi ngủ từ 30 phút đến 1 tiếng. Uống 3-4 lần trong tuần.
10. Cây mã đề
Cây mã đề có tính mát, lành, vị ngọt, tác dụng lợi tiểu, mát gan. Từ xưa, cây mã đề đã được sử dụng để trị chứng nóng gan, chữa một số vấn đề về gan.
Hầu như tất cả các bộ phận của cây mã đề từ rễ, thân, lá, hoa, đều có thể sử dụng để nấu nước uống hoặc xông. Lá mã đề non còn được xem là một loại lá mát gan có thể dùng làm rau nấu canh.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/gan-nong-noi-day-mun-uong-gi-cho-mat-gan-het-mun-n…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/gan-nong-noi-day-mun-uong-gi-cho-mat-gan-het-mun-nhung-thuc-uong-giup-lam-sach-gan-d299729.html
Theo Khánh Hằng (Tổng hợp) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)