“Lúc tôi đến khám thì thấy anh ấy bị xuất huyết võng mạc nặng. Tôi bảo phải tiêm trực tiếp thuốc vào mắt nhưng nhiều người tỏ ra lo ngại, nhưng chắc vì tôi là bác sĩ nên mọi người tin tưởng và không ai có ý kiến gì. Điều trị theo phác đồ của tôi được một tuần thì anh ấy khỏi”, bác sĩ Sơn cho biết.
Kí ức dữ dội của cậu bé mê ngành y
Hơn 30 năm gắn bó trong ngành y, luôn trăn trở với nỗi đau, nỗi lo của người bệnh và gia đình bệnh nhân, tiến sĩ, bác sĩ (TS,BS) Trần Hùng Sơn đã cứu chữa cho nhiều người giúp họ vượt qua ranh giới “lưỡi hái tử thần”, không những là người đồng hành mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho bệnh nhân mà ông còn làm thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân về y tế theo hướng tích cực.
TS,BS Trần Hùng Sơn khám bệnh cho bệnh nhân
Được trò chuyện với TS, BS Trần Hùng Sơn trong những ngày cuối tháng 2, khi cả nước đang hướng về ngày lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Trong buổi chiều xuân Hà Nội BS Sơn bắt đầu câu chuyện với kí ức tuổi thơ của một cậu bé có khao khát cháy bỏng trở thành một bác sĩ.
BS Trần Hùng Sơn, sinh ngày 28/10/1962 tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng trong một gia đình có bố là bộ đội hoạt động tại Bộ Tư lệnh pháo binh thuộc Quân khu III, mẹ là giáo viên. Tuổi thơ của BS Sơn là những tháng ngày di tản, rong ruổi theo bố mẹ từ chiến trường này qua chiến trường khác.
4 tuổi cậu bé Sơn cùng gia đình chuyển về sống tại huyện Nho Quan (Ninh Bình), sau đó di tản vào Thanh Hóa. 6 tuổi Sơn theo mẹ ra Hà Nội để đi học. Năm 1972, trong sự ác liệt của chiến tranh bố ông bị thương nặng ở chiến trường Đông Hà, Quảng Trị.
Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa khỏi bệnh xem BS Sơn như người thân trong nhà.
Một lần được vào thăm bố tại Bệnh viện Quân y 5, thuộc Quân khu II thấy bố nằm vật vã đau đớn trên giường bệnh với vết thương, đã thoáng trong đầu cậu bé 10 tuổi là khao khát được chữa khỏi bệnh cho bố, giúp bố và đồng đội vượt qua những cơn đau hành hạ. Và ước mơ mãnh liệt ấy đã thôi thúc ông đi theo con đường chữa bệnh cứu người sau này.
“Từ sau đợt thăm bố về, tôi và chị gái thường xuyên vào bệnh viện gần nhà nhặt hoặc xin những ống xi lanh, kim tiêm về tiêm hết gốc cây chuối này qua gốc cây chuối nọ, bắt những con nhái ngoài bờ ruộng hay thậm chí bắt gà để tiêm. Kỉ niệm đó giúp tôi nhớ lại một thời có một khát khao mãnh liệt và cũng như là cơ duyên đến với ngành y như ngày hôm nay”, BS Sơn nhớ lại.
Ước mơ trở thành bác sĩ đeo đuổi ông suốt quãng đời học sinh. Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, người thanh niên trẻ đã viết thư bằng máu xin được tham gia vào quân đội. Sau 3 năm hoạt động tại đặc khu Quảng Ninh, ông xuất ngũ và thực hiện ước mơ là thi vào Đại học Y.
TS,BS Trần Hùng Sơn chia sẻ về kỉ niệm một lần được khám bệnh cho Chủ tịch nước với phóng viên
Một lần chữa bệnh cho bác Trần Đại Quang
Đến năm 1987, tôi tốt nghiệp ra trường, được điều về công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Đống Đa và lần lượt được điều đi tại các Bệnh viện mắt Trung ương, Bệnh viện Nông nghiệp, phòng khám đa khoa Thanh Xuân…
Khi đã bước qua tuổi lục tuần, muốn chung sức chữa được cho nhiều bệnh nhân, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho giới trẻ, ông đã xin chuyển về làm trưởng Phòng khám đa khoa The Emerald, tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
BS Trần Hùng Sơn và đồng nghiệp trong một lần đi khám bệnh từ thiện
Tâm sự về kỉ niệm trong nghề, BS Sơn cho biết: Tôi chữa khỏi bệnh cho họ cách đây mười mấy, hai mươi năm nhưng bây giờ ngày lễ, ngày tết họ vẫn đến nhà tôi ăn cơm. Những tình cảm chân tình đó tạo động lực để tôi gắn bó với nghề, cố gắng cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân, nhiều mảnh đời hơn nữa.
“Tôi nhớ nhất một lần chữa khỏi mắt cho anh Trần Đại Quang, sau này anh ấy làm Chủ tịch nước. Hồi đó vào năm 1992, khi ấy đang là Đại tá, giảng viên Học viện An ninh. Anh ấy bị viêm mắt, đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, dẫn tới xuất huyết võng mạc. Lúc bấy giờ tôi có người bạn cùng làm giảng viên ở Học viện với anh Quang nên giới thiệu anh ấy đến chỗ tôi. Lúc tôi đến khám thì thấy anh ấy bị xuất huyết võng mạc nặng nên phải tiêm thuốc trực tiếp vào khu vực cạnh nhãn cầu, được một tuần thì khỏi”, BS Sơn cho biết.
Mãi đến sau này chúng tôi vẫn liên hệ với nhau, thỉnh thoảng vẫn ngồi nói chuyện ăn cơm chung. Bây giờ anh ấy mất rồi nhưng tôi xem đây như là một cơ duyên, một kỉ niệm không bao giờ quên.