–
Thứ sáu, 01/05/2020 08:06 (GMT+7)
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thế nhưng ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn mãi vẹn nguyên trong trái tim người cận vệ Tạ Quang Chiến. Ông là một trong 8 người vinh dự được Bác Hồ đặt lại tên theo khẩu hiệu “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” mà chúng tôi may mắn có dịp được trò chuyện.
12 năm làm cận vệ bên Bác Hồ
Những ngày cuối tháng tư, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông Tạ Quang Chiến (sinh năm 1925, quận Ba Đình, TP.Hà Nội). Ở tuổi 95, tuy sức khỏe đã có phần giảm sút nhưng ông Tạ Quang Chiến vẫn toát lên vẻ mẫn tiệp, vẫn nhớ như in những năm tháng mà ông cùng đồng đội tháp tùng bên Bác Hồ.
Ông Tạ Quang Chiến – 1 trong 8 cận vệ được Bác Hồ đặt lại tên năm 1947. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Chiến bảo, ông vinh dự là một trong 8 người được Bác Hồ đặt lại tên, là Đội trưởng Đội thanh niên 36 – Kiểu mẫu, có 12 năm làm cận vệ kiên trung bên Bác. Thời bình, ông giữ các chức vụ quan trọng như: Vụ trưởng vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương đoàn thanh niên, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (giai đoạn 1981 – 1992) và là Đại biểu Quốc hội khóa VII.
Nhớ về kỷ niệm được Bác Hồ đặt lại tên năm 1947, ông Tạ Quang Chiến nói: “Tên thật của tôi là Nguyễn Hữu Văn, quê gốc ở Hải Dương, nhưng sinh ra ở Thanh Hóa. Sớm giác ngộ cách mạng, khi mới 18 tuổi tôi tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên cứu quốc. Năm 1945 là chiến sĩ của đội tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ. Cuối năm 1945, tôi được nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào tổ thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Những ngày đầu khi tiếp xúc và làm quen với công việc, ông Chiến được ông Nguyễn Văn Lý (tức Hoàng Hữu Kháng) là người phụ trách tổ cận vệ và các ông như Ngọc Hà (Chu Phương Vương), Văn Lâm, Nam Phong, Trần Đình là những người đã từng bảo vệ Bác ở trên căn cứ Tân Trào giúp đỡ và kèm cặp kinh nghiệm.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Lý là người thẳng tính, cương trực và quyết đoán, khiến ông Chiến rất kính nể, coi như anh cả trong gia đình. Trong mỗi chuyến công tác bảo vệ Bác, ông Chiến thường được bố trí đi cùng Bác đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức Hà Nội, bảo vệ Bác dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I hoặc bảo vệ Bác đi các tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình…
Năm 1947, khi chiến sự ngày càng ác liệt, các cơ quan Trung ương Đảng được lệnh rút về vùng căn cứ địa. Tổ thư ký được đi cùng với Bác về Việt Bắc lúc này chỉ gồm 8 người là Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và Nguyễn Hữu Văn. Theo ông Chiến, nói là cận vệ thì chưa đúng, vì thực tế ông và các đồng đội đều phải kiêm tất cả các công việc như cảnh vệ, văn phòng, thư ký, liên lạc và hậu cần trên tinh thần một người có thể làm được nhiều công việc. Nhưng trên hết, nhiệm vụ bảo vệ Bác, lo cho Bác lúc nào cũng khỏe mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhất.
“Để đảm bảo an toàn và bí mật, chúng tôi phải liên tục thay đổi chỗ ở. Một lần khi chúng tôi đang đốt củi, ngồi quây quần để sưởi ấm thì Bác nói: “Hôm nay, Bác đặt lại tên cho các chú theo thứ tự vòng tròn mà các chú đang ngồi nhé Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Đặt xong, Bác lại hỏi: “Các chú có biết tại sao Bác lại đặt tên cho các chú như vậy không?” Rồi Bác tiếp tục giải thích: “Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện tại vừa là trước mắt, vừa là lâu dài cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đi đến thắng lợi. Vì vậy, đặt lại tên cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hằng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông Chiến nhớ lại.
Ông kế tiếp: Cái tên Tạ Quang Chiến gắn với tôi kể từ hồi đó, và nay 8 người cận vệ bên Bác chỉ còn lại mình tôi. Được Bác Hồ đặt lại tên là một kỷ niệm không thể nào quên và đó là niềm hạnh phúc lớn khi tôi được Bác khai sinh ra lần thứ hai”.
95 tuổi vẫn không ngừng học, tiếp thu cái mới
Những ngày ở Việt Bắc, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn và gian khổ. Ngoài trách nhiệm bảo vệ, ông Chiến cùng với đồng đội giữ cả nhiệm vụ lo cơm nước cho Bác và chăm sóc cho Bác những lúc ốm đau. Trong tâm trí của ông Chiến, Bác Hồ tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn quan tâm, hỏi han và để ý đồng đội từng chi tiết nhỏ nhặt. Bác thường nhắc nhở đội cận vệ chuẩn bị gậy để chống khi đi đường trơn, dễ leo dốc và làm vũ khí để phòng lúc thú dữ, rắn rết tấn công.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, anh Nguyễn Vinh Quang (con trai cả của ông Chiến) cho biết, hằng ngày ông Chiến vẫn đều đặn ngồi trên xe lăn nghiên cứu tài liệu lịch sử, không ngừng học hỏi, tiếp thu cái mới. Ông vẫn thường xuyên theo dõi báo đài, cập nhật thông tin thời sự trong nước và quốc tế để bổ sung kiến thức, mở rộng tầm nhìn và nhãn quan cho mình.
Ông Chiến luôn căn dặn con cháu phải luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi người phải biết sống giản dị, tiết kiệm, anh em trong gia đình phải đoàn kết, yêu thương nhau. Nói về những mong muốn hiện nay, ông Chiến vẫn đề cao sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng, nâng cao chất lượng Đảng viên và đặc biệt ông rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Ông cho rằng mỗi người khi học tập theo Bác trước tiên phải hiểu Bác, hiểu được tư tưởng của người. Chống thói a dua, thùng rỗng kêu to.
Cũng theo ông Chiến, thế hệ trẻ chính là tương lai của nước nhà, mỗi người cần phải nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện cả thân và tâm nhiều hơn nữa. Việc chuẩn bị về kiến thức thôi chưa đủ, phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, cả về trình độ học vấn, kiến thức và bản lĩnh để sẵn sàng hội nhập với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới.