Gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người chịu trách nhiệm gì?
Câu hỏi: Luật sư cho hỏi, vào khoảng cuối 2017, hai em tôi đi từ trên đường về nhà bằng xe đạp điện. Xe tải chở phế liệu đi với vận tốc cao từ phía sau. Tông thẳng vào hai em từ phiâ sau dù đã đừng trong lề khiến hai em tử vọng tại chỗ. Bên công an chỉ nói về tài xế đi tù và bồi thường thương lượng do hai bên thu xếp. Mong quý luật sự giải thích về pháp lý giúp gia đình chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn:
Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau (áp dụng căn cứ pháp lý tại thời điểm hỏi tư vấn):
Theo thông tin bạn cung cấp thì tài xế xe tải đã điều khiển xe với tốc độ cao, gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người.
– Về trách nhiệm hình sự:
Căn cứ Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009):
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Trường hợp này, tài xế xe tải đã có hành vi điều khiển xe với tốc độ cao, vi phạm những quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người. Tùy theo mức độ của hành vi vi phạm mà Tòa án sẽ có hình phạt cụ thể đối với từng trường hợp.
– Về trách nhiệm dân sự:
Người gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người thì ngoài trách nhiệm hình sự thì người gây ra tai nạn còn phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được với nhau thì có thể yêu cầu Tòa giải quyết.
Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!