Thứ Ba 19/07/2022 , 08:25 (GMT+7)
QUẢNG NGÃI Hiện giá cá bớp đang được thương lái thu mua ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ở mức 180.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua.
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quy hoạch khoảng 20ha mặt biển có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: L.K.
Đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Những năm qua, người dân tại đây không ngừng mở rộng diện tích, số lượng lồng bè để nuôi các loại hải sản như tôm hùm, cá bớp, cá mú… Mặc dù vậy, trong một thời gian dài, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, giá cả… nên hiệu quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, người nuôi cá bớp tại đây đã có lãi lớn khi giá cá tăng cao, đầu ra ổn định, nhiều hộ gia đình thu lãi hàng tỷ đồng.
Theo chị Bùi Thị Bích Hạnh (trú thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn), gia đình chị bắt đầu nuôi cá bớp từ năm 2015 đến nay nhưng chưa thấy năm nào giá cao như năm nay. Thông thường những năm trước, giá cá bớp thường chỉ dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg, có năm chỉ còn 80.000 đồng/kg nhưng năm nay giá thấp nhất mà các hộ nuôi bán cho thương lái là 180.000 đồng/kg, lúc đỉnh điểm lên đến 220.000 đồng/kg.
“Đợt này, gia đình tôi thả nuôi 28 lồng cá bớp. Từ đầu năm đến nay cũng bán được khoảng hơn 8 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ tất cả chi phí cũng lãi trên dưới 1 tỷ đồng”, chị Hạnh phấn khởi.
Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có khoảng 50 hộ nuôi cá lồng bè. Ảnh: L.K.
Theo các hộ nuôi cá bớp lồng bè ở Lý Sơn, năm nay, ngoài giá cao, thời tiết tương đối thuận lợi, cá ít bị dịch bệnh, phát triển nhanh nên hầu hết các hộ đều có lãi từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Trong điều kiện bình thường, thời gian nuôi cá bớp sẽ kéo dài 12 tháng từ lúc thả giốn đến khi thu hoạch. Lúc này, trọng lượng cá đạt tầm 8 – 10kg. Tuy nhiên năm nay, do giá cao nên các chủ lồng quyết định xuất bán sớm trước 2 tháng nên mỗi con chỉ nặng từ 5 – 6kg.
Anh Huỳnh Ngọc Thảo (trú thôn Đông An Hải) bắt đầu nuôi cá bớp từ năm 2017. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm cùng với việc mưa bão thường xuyên, phải di chuyển lồng bè đến khu vực khác có môi trường không đảm bảo dẫn đến nhiều lồng cá bị chết, thua lỗ. Các năm sau, có năm vừa đủ vốn hoặc lãi ít nhưng năm nay cá nuôi phát triển tốt và giá cao nên gia đình anh rất phấn khởi.
Mỗi con cá bớp được xuất bán có trọng lượng từ 5 – 6kg, được thả nuôi trong vòng 10 tháng. Ảnh: L.K.
Vụ nuôi năm nay, gia đình anh Thảo đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để thả nuôi 50 lồng cá bớp. Đến thời điểm này, anh đã xuất bán được 12 tấn cá, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên khoảng 20 tấn. “Tính trung bình mỗi kg cá thương phẩm từ lúc nhỏ đến thu hoạch đầu tư hết 100.000 đồng thì mỗi con cá tôi bán ra với trọng lượng từ 5 – 6kg cũng lãi từ 400.000 – 500.000 đồng. Vậy nên, nếu từ nay đến cuối năm nếu không có gì thay đổi thì gia đình tôi có lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng”, anh Thảo dự tính.
Về nguyên nhân giúp giá cá bớp cao như hiện nay, anh Thảo cho rằng, những năm trước do dịch bệnh Covid-19, vấn đề tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên giá cả giảm sút. Đến bây giờ, các hoạt động đã trở lại ổn định, nhất là thị trường du lịch đã mở cửa trở lại, các đám cưới được tổ chức nhiều nên nhu cầu thị trường rất lớn. Việc giao thương, vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi hơn nên thương lái tìm đến thu mua liên tục, sản phẩm có bao nhiêu cũng đều bán được hết.
Ông Võ Trí Thời, Phó trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng nông nghiệp huyện Lý Sơn cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 51 hộ nuôi cá bớp với trung bình mỗi bè từ 20 – 30 ao lồng. Cá bớp của Lý Sơn thường được tiêu thụ ở các thị trường du lịch lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định).
Cá bớp hiện nay đang được thu mua với giá cao, các hộ nuôi có lãi lớn. Ảnh: L.K.
Đối với việc phát triển nuôi cá lồng bè trên biển, Lý Sơn cũng đã quy hoạch một khu vực nuôi với diện tích khoảng 12ha. Đây là địa điểm có môi trường đảm bảo cũng như thuận lợi trong việc di chuyển đến khu vực an toàn mỗi khi có thiên tai, bão gió.
“Do diện tích để neo trú lồng bè trên đảo ít nên huyện cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân không nên tăng thêm số hộ gia đình nuôi và mở rộng diện tích nuôi vừa phải trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân lựa chọn thời điểm nuôi, thả giống phù hợp để tránh thiệt hại vào thời điểm cuối năm do đây là lúc mà Lý Sơn thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão”, ông Thời nói.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Hiện nay, người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản trên đảo cũng có thu nhập rất khá. Trung bình mỗi năm, một hộ dân có thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở địa phương vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa quy mô.
Chiến lược của huyện thời gian tới về ngành thủy sản sẽ phát triển theo hướng bảo tồn. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức về giữ gìn môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại huyện đảo”.