Giá trị con người

Đó là quan điểm truyền thống, giàu tính nhân văn của dân tộc ta. Còn xã hội hiện đại ngày nay thì sao, con người đối xử với nhau như thế nào? Chỉ đơn cử, khi ra đường nếu gặp một vụ cướp giật, có đến 95% số người chứng kiến sẽ quay mặt đi vờ như không thấy vụ cướp, thậm chí có người còn thích thú theo dõi diễn tiến của vụ cướp, mà không có bất kỳ hành động nào để giúp đỡ bị hại, bắt kẻ cướp. Hay một hình ảnh gần gũi hơn là khi đi trên xe buýt, chứng kiến kẻ xấu móc túi người đứng trước mặt, liệu có mấy người dám ngăn chặn, hoặc chỉ đơn giản là tri hô cho nạn nhân biết mà đề phòng, lấy lại tài sản bị mất cắp?

Và, trong cuộc sống, thấy người yếu thế bị ức hiếp, bắt nạt, mấy ai “thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, đứng ra can thiệp, bênh vực, bảo vệ? Khá nhiều người có cách nghĩ một cách bàng quan, vô cảm: Giúp đỡ người khốn khó chẳng được gì, có khi lại mang họa vào thân. Trở lại một câu của các cụ xưa nhưng lại quá đúng cho cuộc sống hiện đại ngày nay: Người ta phù thịnh, chứ chẳng ai phù suy cả! Một ví dụ minh chứng hùng hồn cho lối sống vô cảm này, đó là người ta sẵn sàng cho quan chức, người giàu vay tiền, thậm chí là biếu để nịnh nọt, để làm thân, nhưng mấy ai xuất tiền ra cho người nghèo vay (chứ đừng nói là tặng, cho), trong khi người cần được giúp đỡ là người nghèo. 

Điều đáng buồn là ngay cả những người nghèo cũng không ít người đã tự hạ thấp giá trị của mình khi mà họ, khép nép khi vào những nơi sang trọng, khi tiếp xúc với quan chức, hay người giàu. Họ tự cho mình là “vai dưới” có bổn phận và nghĩa vụ phải kính nể, vâng lời người có chức quyền hay thành đạt. Không phải trong xã hội có rất nhiều người nghèo, lao động vất vả, không có chức tước gì nhưng vẫn được kính trọng, giá trị rất cao đó sao?

Những anh hùng săn bắt cướp trong CLB SBC ở TP HCM xứng đáng được mọi người tôn trọng, những gương học sinh xả thân, quên đi mọi hiểm nguy lao xuống dòng nước lũ cứu thầy cô như em Nguyễn Hữu Thắng – học sinh lớp 11 trường THPT Cù Huy Cận (tỉnh Hà Tĩnh) mới đây chẳng phải là những nhân cách đáng trân trọng, nể phục đó sao?

Giá trị con người không được đo bằng thước đo tiền bạc, quyền chức hay các mối quan hệ xã hội. Giá trị con người nằm sâu trong mỗi con người ở tính nhân văn, sự nhân đạo, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí hy sinh bản thân mình cho những nghĩa cử cao đẹp.    

Rate this post

Viết một bình luận