Giải bài toán nhà ven kênh rạch: Cần phép tính hợp lý

Phóng viên

– 25/03/2022 | 15:26 (GTM + 7)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong lúc các dự án “xếp hàng” chờ bố trí vốn ngân sách nhà nước thì hàng ngàn hộ dân đa phần sống trong những căn nhà lụp xụp, ọp ẹp ven kênh rạch, phải chịu cảnh ô nhiễm nặng nề và nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay, việc chậm di dời nhà ven kênh rạch do hầu hết có diện tích đất rất nhỏ; phần lớn là chiếm kênh rạch, thậm chí không có đất để đền bù nên mức tiền đền bù cho các vật liệu kiến trúc rất thấp, không đủ mua nhà để người dân di dời.

Chưa kể, do điều kiện lịch sử để lại, nhiều căn nhà có nguồn gốc pháp lý không rõ ràng, xây dựng không phép, trái phép. Hoặc đa số người dân sống ven kênh thu nhập thấp, tạm bợ. Nếu di dời, thời gian sau, một số hộ dân sẽ lại tìm đến khu kênh rạch khác, do cuộc sống không ổn định.

Bên cạnh đó, trong hơn 44.000 tỷ đồng ngồn vốn nhà nước để thực hiện cùng lúc với các chương trình giảm ùn tắc giao thông, chống ngập của thành phố thì nguồn vốn cần để bồi thường, tái định cư nhà ven kênh chỉ mới đáp ứng được một nửa.

Với khoảng 10.000 căn nhà ven kênh rạch, quận 8 là địa phương có số hộ cần di dời cao nhất thành phố. Trước những khó khăn trên, ông Phạm Quang Tú – Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết:

 

“Khi giải phóng mặt bằng có thể tạo ra được quỹ đất để kêu gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên cái khó là, để tạo được mặt bằng trống thì số lượng bồi thường quá lớn.

Nếu chúng ta nâng các chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thì sẽ phá vỡ quy hoạch chung của quận”.

Không riêng quận 8, các quận có lượng nhà di dời nhiều, không chỉ khó ở công tác giải phóng mặt bằng mà vướng mắc lớn nhất chính là không còn nhiều quỹ đất công có vị trí đắc địa, để thanh toán cho nhà đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư theo hình thức BT, nên rất khó kêu gọi xã hội hóa.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cái khó của các nhà đầu tư hiện nay là theo quy định phải lo nhà tái đinh cư trước, sau đó mới di dời nhưng vướng khó ở quỹ đất. Thêm đó, số lượng nhà đền bù lớn nhưng giá trị hành lang đất ven sông nhỏ không mang tính thương mại. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế cân bằng quyền lợi hợp lý giữa nhà đầu tư và người dân, để thu hút đầu tư.

 

“Khi chúng ta thực hiện xã hội hóa về đầu tư, có cơ chế để cho nhà đầu tư khi thực di dời nhà trên và ven kênh rạch chỉnh trang đô thị như thế này thì cũng phải đạt được một mức lợi nhuận hợp lý.

Có thêm nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì điều này sẽ rất tốt để chúng ta triển khai nhanh chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven sông kênh rạch trên địa bàn thành phố”.

TPHCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà ven, trên kênh rạch. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách. Với số vốn này, thành phố sẽ thực hiện 25 dự án nhằm mục tiêu kép: giải quyết nhu cầu cấp thoát nước, vừa di dời nhà ven kênh vừa cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị.

Trong đó, các dự án được chia làm ba nhóm ưu tiên. Nhóm 1 gồm 3 dự án di dời nhà ven kênh đã xong các bước chuẩn bị đầu tư là dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, kênh Hy Vọng. Nhóm 2 gồm 14 dự án di dời nhà ven kênh, rạch đã triển khai xong các bước đầu tư trong giai đoạn 2016-2021. Nhóm 3 là 8 dự án đã được phê duyệt đầu tư công.

Trong lúc các dự án “xếp hàng” chờ bố trí vốn ngân sách nhà nước thì hàng ngàn hộ dân đa phần sống trong những căn nhà lụp xụp, ọp ẹp ven kênh rạch, phải chịu cảnh ô nhiễm nặng nề và nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào; vẫn mòn mỏi chờ từng ngày để được di dời, tái định cư đến nơi khang trang mới.

 

“Ở mé sông này khổ lắm, nước lớn là ngập hết trơn”.

“Nhà thì muốn nâng cấp nhưng mà trong diện giải tỏa rồi làm sao đây, thành ra cứ để vậy mà sống”.

“Nguyện vọng của nhân dân đa số cũng rất muốn là được giải toả, tái định cư đến một nơi bền vững lâu dài hơn”.

“Giải tỏa di dời sớm để nhà nước còn làm bờ kè sạch sẽ cho môi trường. Nhưng mà về chỗ ở mới cũng mong sao nhà nước hỗ trợ cho chỗ tái định cư cũng gần gũi hoặc đền đền bù thỏa đáng”.

Thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu di dời nhà trên và ven sông, kênh, rạch cần có sự phối hợp giữa các Ban ngành liên quan; nhất là sự đồng lòng hy sinh của người dân trước lợi ích chung của thành phố.

bài toán di dời hộ dân sống ven kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đang đặt ra bức thiết, cần nhất lúc này là những tính toán hợp lý để giải quyết căn cơ và lâu dài của các cấp chính quyền thành phố (Ảnh: NLĐ)

Vì sao nhiều năm qua, các địa phương đã nhiều lần họp bàn, triển khai di dời nhưng đến nay công tác đền bù vẫn còn nằm trên giấy? Để phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường, thành phố cần sớm đẩy nhanh công tác di dời nhà trên và ven kênh, rạch. Đây là bài toán cần được giải quyết trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2021-2025.

Về vấn đề này, Nhà báo Bùi Trọng Điển – Phó Giám đốc Kênh VOVGT có bài bình luận với nhan đề: Giải bài toán nhà ven kênh rạch: Cần phép tính hợp lý

 

Với lịch sử hơn hàng trăm năm của mình, sông rạch chính là hồn cốt làm nên một Sài Gòn – TP.HCM phát triển, năng động, sáng tạo, nhiều tiềm năng bậc nhất cả nước. Sông rạch không chỉ giúp kết nối giao thương mà còn tạo ra những nét thơ mộng, quyến rũ cho đô thị đặc biệt này suốt cả chiều dài lịch sử đã qua và tương lai.

Việc người dân quần cư, hội tụ qua nhiều thế hệ theo cách trên bến dưới thuyền nhộn nhịp ở TP.HCM vì thế là một thực tế hiển nhiên. Đời sống ven sông rạch đôi khi trở thành tập quán của nhiều gia đình thích sự phòng khoáng và giản đơn.

Tuy nhiên đặt trong bối cảnh thành phố muốn chỉnh trang, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại vấn đề người dân sống bấp bênh ven kênh rạch luôn là một áp lực rất lớn. Chính quyền thành phố qua các thời kỳ đã nhận rõ những hệ lụy này nhưng giải quyết căn cơ, lâu dài vấn đề người dân sống tạm bợ ven kênh rạch vẫn là bài toán khó. Số hộ, số người lên đến vài chục ngàn, không dễ giải quyết một sớm, một chiều.

Thành phố gần đây đã tổ chức nhiều hội thảo, có hẳn một đề án cho chương trình di dời các hộ sống ven kênh rạch nhưng trên thực tế triển khai vẫn ì ạch và gặp nhiều vướng mắc. Trong đó nút thắt lớn nhất là nguồn vốn, mặt bằng để bố trí tái định cư cho các hộ phải di dời; tiếp đến là sinh kế cho họ khi phải đến nơi ở mới.

Thực tế, đa số các hộ sống ven kênh rạch có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình nhiều nhân khẩu; công ăn việc làm không ổn định.

Chuyển đổi họ đến nơi ở xa lạ không chỉ bứt khỏi những việc làm hàng ngày để kiếm sống mà còn làm thay đổi toàn bộ thói quen mang tính tập quán đã thành nếp. Nhiều hộ vì thế được di dời nhưng vẫn tìm cách bám sông gần rạch để sống lay lắt qua ngày. TP.HCM cũng đã từng thành công với dự án di dời hàng ngàn hộ dân sống ven kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè.

Tạo ra các khu dân cư kiểu mẫu; trả lại lòng sông trong xanh và 2 con đường Trường Sa và Hoàng Sa đẹp đẽ uốn lượn 2 bên. Đây chính là kinh nghiệm quý để thành phố mạnh dạn thực hiện cho các dự án di dời hộ dân sống ven kênh rạch tới đây.

Theo đó, khi đã có đề án thành phố cần tập trung nguồn lực để dồn sức thực hiện. Các quỹ đất công cần ưu tiên để bố trí tái định cư cho bà con với tinh thần nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Người di dời cần được tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn để chuyển đổi công ăn việc làm mới, phù hợp, có thu nhập ổn định.

Tạo ra các không gian văn hóa sinh hoạt tương thích để người dân không cảm thấy hụt hẫng khi bị di dời. Về nguồn lực đầu tư, phải coi sông rạch chính là một thế mạnh để thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn chỉnh trang 2 bên bờ. Tạo ra những con đường đẹp, có giá trị. Về cách làm là thí điểm, từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Phải cho người dân chứng kiến và thấy được việc di dời nhà cửa ven sông rạch không chỉ làm đẹp đô thị mà chính là giúp cho cuộc sống của mỗi gia đình tốt lên, ổn định hơn. Trong giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư cần đảm bảo công bằng, khách quan; tránh tiêu cực, tham nhũng; gây mất lòng tin đối với người phải di dời.

TP.HCM hiện đang thiếu một cơ chế, chính sách đột phá để thu hút doanh nghiệp khai thác các bờ sông, kênh rạch. Nên cần mạnh dạn xin trung ương cho phép các doanh nghiệp khi bỏ vốn đầu tư sẽ được hưởng lợi để khai thác quỹ đất 2 bên sông rạch làm dịch vụ, thương mại.

Trong đó cần nhất là sự điều chỉnh diện tích đất dành cho công cộng và đất thương mại hợp lý để doanh nghiệp có lợi nhuận thu về khi tham gia.

Rõ ràng, bài toán di dời hộ dân sống ven kênh rạch ở TP.HCM đang đặt ra bức thiết, cần nhất lúc này là những tính toán hợp lý để giải quyết căn cơ và lâu dài của các cấp chính quyền thành phố.

Rate this post

Viết một bình luận