Theo How Stuff Works, cá sấu cũng biết khóc giống như con người và nhiều loài động vật khác, nhưng điều đặc biệt là chúng khóc trong khi ăn con mồi vừa sát hại.
Cá sấu khóc trong khi ăn con mồi vừa sát hại. (Ảnh minh họa)
Cơ chế sinh học giải thích cho hành vi này của cá sấu đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn, do các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn khi làm thí nghiệm kiểm tra.
Trong một nghiên cứu năm 2006, các nhà khoa học tại Đại học Florida và Đại học California, Mỹ, huấn luyện 7 con cá sấu di chuyển đến địa điểm ăn khô ráo, sau đó họ quay phim lại phản ứng của chúng. Kết quả cho thấy, 5 trong số 7 con cá sấu rơi nước mắt trong khi ăn.
Theo nhà khoa học Kent Vliet, một thành viên trong nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Florida, chắc chắn cá sấu hay họ hàng của loài này không thể trải qua những cảm xúc vui buồn như con người được.
Vliet cũng cho biết “Tôi đã từng quan sát loài cá sấu và thấy rằng, khi chúng nuốt một vật gì đó vào trong miệng, chúng thường nhỏ nước mắt.” Vliet cũng chính là người mới đây đã xác thực rằng hành động nhỏ nước mắt ở loài cá sấu Mỹ và một vài loài họ hàng của chúng là hoàn toàn có thật!
Những giọt nước mắt này có thể đóng vai trò tương tự nước miếng ở con người, giúp chúng tiêu hóa thức ăn, Vliet nói thêm. Tuyến “nước mắt” (lacrimal hoặc tear), các tuyến của loài cá sấu được nối trực tiếp với xoang và có ý kiến cho rằng những giọt nước mắt đó chảy vào xoang và chảy xuống cổ họng của loài cá sấu.
Những giọt nước mắt có thể đóng vai trò tương tự nước miếng ở con người, giúp chúng tiêu hóa thức ăn.
Vliet cho biết thêm rằng “Trước đây người ta đã cho rằng những giọt nước mắt đó có chức năng bôi trơn thức ăn giúp cá sấu nuốt vào được dễ dàng, và hành động nhỏ nước mắt mà chúng ta nhìn thấy chỉ là do lượng nước mắt sản sinh ra quá nhiều, gây hiện tượng trào ra”.
Một khả năng khác nữa cũng có thể xảy ra đó: Nước mắt là kết quả của sự rít lên và hít thở khi ăn của loài cá sấu. Luồng không khí bị đẩy qua xoang đẩy những giọt nước mắt ra khỏi mí mắt tạo nên hiện tượng mà chúng ta nhìn thấy, theo Livescience.
>>>Xem thêm: Giải mã bí ẩn cách rắn biển chịu “khát” 6 – 7 tháng mà vẫn “sống nhăn răng”
Phong Linh
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi bài viết Giải mã bí ẩn về thế giới xung quanh trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 21h hằng ngày.