Giải pháp phòng bệnh mùa nóng ở cá rô phi
Bệnh xuất huyết lồi mắt do liên cầu khuẩn Streptococcus sp
Cá Rô phi là một trong hai đối tượng nuôi chủ lực ở nước ngọt đối với khu vực miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dịch bệnh xuất huyết – lồi mắt do liên cầu khuẩn thường xảy ra ở cá Rô phi vào mùa hè đã gây tổn thất không nhỏ cho nghề nuôi cá Rô phi tại miền Bắc, đặc biệt là tình hình dịch bệnh xảy ra trong vụ Hè năm 2019 đã đẩy sản lượng cá Rô phi giảm sâu.
Mầm bệnh
Tác nhân gây bệnh cho cá là liên cầu khuẩn gram dương, gồm 2 loài vi khuẩn gây bệnh chính là Streptococcus iniae và Streptococcus agalactiae. Bệnh đã và đang là mối đe dọa cho nhiều loài cá ở các môi trường sống khác nhau như cá biển, cá nước lợ và cá nước ngọt. Tuy nhiên, mối đe dọa chính của bệnh này trong những năm gần đây là cá Rô phi, Điêu hồng nuôi mật độ cao trong ao/lồng.
Dấu hiệu lâm sàng
Cá bị bệnh do Streptococcus sp. thể hiện một số triệu chứng điển hình: ban đầu có hiện tượng cá kém ăn, bỏ ăn, bơi lờ đờ ở tầng mặt hoặc sát thành lồng. Những cá bệnh nặng có hiện tượng bơi xoay vòng (bơi không định hướng do vi khuẩn tấn công vào não bộ), mắt lồi và mờ đục một hoặc hai bên (bệnh nặng có thể dẫn đến hiện tượng vỡ mắt), đen thân, có hiện tượng xuất huyết trên da, xương nắp mang và gốc vây [hình 1]. Mặc dù triệu chứng điển hình nhất của bệnh là hiện tượng mắt lồi và xuất huyết, trong một số trường hợp cá nhiễm bệnh do Streptococcus sp nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng trước khi chết. Cá bệnh chỉ xuất hiện hiện tượng đuôi bị ăn mòn, mang nhợt nhạt có hiện tượng xuất huyết dạng điểm, trong trường hợp này cá thường chết với tỷ lệ cao trong thời gian ngắn là do cá nhiễm bệnh nặng kèm theo tổn thương não và hệ thống thần kinh [hình 2].
Hình 1: Dấu hiệu điển hình của cá bị nhiễm Streptococcus sp
Hình 2: Dấu hiệu không điển hình của cá bị nhiễm Streptococcus sp
Giải phẫu xoang bụng cho thấy gan, lách, thận, ruột là các cơ quan có nhiều tổn thương và chiếm tỷ lệ cao. Trong đó gan và thận thể hiện sự tổn thương ở nhiều mức độ khác nhau như sưng, xung huyết, xuất huyết và tụ huyết ở những mẫu cá có biểu hiện lồi mắt và kéo màng. Một số con bị bệnh nặng gan thường bị sưng rất to [hình 3]. Lách cá bệnh thường bị sưng, tụ huyết và thay đổi hình dạng bình thường. Lách của cá rô phi khỏe mạnh thường mỏng dẹt, có hình lá liễu, tuy nhiên khi mắc bệnh lách tụ máu, sưng to, những con bị nặng lách căng phồng lên và chuyển sang dạng hình chuông. Ruột cá bệnh thường xung huyết hoặc xuất huyết, ruột chứa nhiều chất nhầy, niêm mạc ruột xuất huyết, một số vùng của niêm mạc ruột còn bị thoái hóa rõ rệt [Trương Đình Hoài và cs. 2014].
Hình 3: Dấu hiệu không điển hình của cá bị nhiễm Streptococcus sp
Yếu tố rủi ro xuất hiện bệnh: một số nguyên nhân gây stress trong ao/lồng nuôi của cá bị bệnh như nhiệt độ cao, pH>8, oxy hòa tan thấp, nước có hàm lượng amonia, nitrite cao, nuôi với mật độ dày, quá trình vận chuyển và đánh bắt cá là những yếu tố quan trọng làm cho dịch bệnh thêm trầm trọng. Nhiệt độ cao trên 31ºC là một yếu tố quan trọng làm bùng phát dịch bệnh này. Đối với khu vực phía Bắc, bệnh thường xẩy ra vào tháng sáu đến tháng chín, đây là thời điểm có nền nhiệt độ cao và đi kèm với những trận mưa rào là điệu kiện thuận lợi cho việc bùng phát bệnh này.
Giải pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh cho cá, người nuôi nên thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Đặc biệt, cần thực hiện triệt để một số công việc sau:
(1) Duy trì độ sâu mực nước ao luôn lớn hơn 2m.
(2) Tránh gây sốc cho cá trong vận chuyển, đánh bắt, cho ăn (giảm lượng cho ăn trên ngày, cắt bữa ăn trưa khi nhiệt độ nước trên 35oC).
(3) Tăng cường sức đề kháng cho cá: Bổ sung Vitamin C + Vitamin tổng hợp & Khoáng
(4) Quản lý chênh lệch nhiệt độ giữa tầng mặt và tầng đáy: Bật máy quạt nước từ 12h – 18h hàng ngày; và từ 22h đêm đến 5h sang; Dùng lưới đen che mặt lồng.
(5) Sử dụng C tạt, tạt trực tiếp xuống ao nuôi vào lúc 14-16h trong những ngày thời tiết nắng gắt.
(6) Định kỳ sử dụng chế phẩm Probiotics và men xử lý đáy để tạo hệ vi sinh có lợi và hấp thu khí độc ở tầng đáy.
(7) Dự trữ Oxy cấp cứu trong kho để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.
Xử lý ao/lồng bị bệnh
Đối với ao/lồng bị bệnh, cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:
(1) Loại bỏ ngay những con chết và yếu.
(2) Xử lý môi trường nước bằng phương pháp phun hóa chất xuống ao nuôi hoặc treo túi hóa chất đối với khu lồng-bè.
(3) Dừng cho cá ăn 01 ngày.
(4) Gửi mẫu xét nghiệm và làm kháng sinh đồ.
(5) Sử dụng kháng sinh (dựa trên kết quả kháng sinh đồ), vitamin C/chất tăng cường hệ miễn dịch (Beta-glucan) cho ăn liên tục 7-10 ngày.
(6) Sau khi kết thúc dung kháng sinh, tiếp tục cho ăn vitamin C và sử dụng thêm men tiêu hóa và giải độc gan trong vòng 10 ngày.
Tác giả: TS. Đoàn Quốc Khánh – GĐ DVKTTS Tập đoàn Mavin