Giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng cân bằng sinh thái với nhu cầu thỏa mãn đặc sản miền Tây – con đuông dừa


Đuông dừa phá hủy cổ hũ dừa, dẫn đến héo lá, gãy, chết cây. Tuy nhiên, nó cũng là một loại thực phẩm bổ dưỡng sinh lực cho con người, được coi là đặc sản miền Tây và được du khách săn lùng tìm kiếm, có mặt trong các nhà hàng lớn đến bình dân.

Con đuông có hai bản tính: kẻ phá hoại cây dừa và là đặc sản ưa thích của dân sành điệu ẩm thực, từ đó, xuất hiện mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng đối lập nhau, một khuynh hướng ngăn chặn sự lây lan và diệt tận gốc con đuông dừa cân bằng môi trường sinh thái, một khuynh hướng khác coi nó là đặc sản hấp dẫn được du khách săn lùng tìm kiếm. Theo phép biện chứng Mác Lênin, mâu thuẫn này thuộc loại không đối kháng nên có có cách giải quyết: “cải tạo từng bước và có kế hoạch những điều kiện kinh tế xã hội… gây nên những mâu thuẫn ấy”.

Tạp chí Du lịch TP.HCM xin đăng tải toàn văn bài nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Bạch Mai, Nguyễn Diệp Mai về vấn đề này.

1. Đặt vấn đề

Đuông dừa hay sâu dừa là côn trùng có hại, đục khoét thân cây dừa. Đây cũng là một thực phẩm được coi là đặc sản miền Tây. Con đuông dừa thực chất là một loài bọ cánh cứng, tên khoa học là Rhynchophorus ferrugineus thuộc họ vòi voi (Curculionidae) thường sinh sống chủ yếu ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á. Ấu trùng của loài bọ này sống ký sinh chủ yếu trong thân cây dừa. Chúng cũng thích cây cau, cây chà là (một cây có họ hàng với cau, trồng đề lấy quả), cọ Sago và được người dân địa phương coi chúng là món ăn bổ dưỡng nhưng đang ở trong giai đoạn ấu trùng, chưa hoàn thiện cơ thể. Nó có màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, giống như một chú sâu non mập mạp, căng tròn, mềm mại và uyển chuyển.

Giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng cân bằng sinh thái với nhu cầu thỏa mãn đặc sản miền Tây - con đuông dừa - 1

Đuông dừa

Ở thời kỳ trưởng thành, con đuông dừa xâm nhập vào thân cây dừa bằng cách dùng cái vòi khỏe sắc nhọn đục khoét một cái lỗ hoặc lợi dụng các lỗ hổng có sẵn do con kiến vương đục từ trước rồi chui vào đó đẻ trứng. Cũng có thể chúng sinh sản vào chỗ các khoảng tiếp xúc giữa các tàu lá còn non phần ngọn cây dừa. Các ấu trùng mới nở rất phàm ăn, có bộ răng rất khỏe bắt đầu đục khoét, gặm nhấm phần cổ hũ (đọt dừa, phần non nhất của thân cây dừa), ăn, hút các chất dinh dưỡng làm giảm tốc độ sinh trưởng phát triển của toàn bộ cây dừa dẫn đến, các tàu lá bị héo dần, gãy gục, có thể làm chết cây dừa.

Cũng chính điều này, ấu trùng dần mập mạp, căng tròn, ban đầu người ta thường bắt cho gà ăn, về sau, có một số người ăn thử, cảm nhận trong đó có một tổ hợp hương vị rất đặc trưng, thơm, ngọt, béo, bùi. Hiện nay, đuông dừa đã trở thành một món ẩm thực khoái khẩu cho hầu hết các du khách khi đến miền Tây. Họ đến để muốn được trải nghiệm cảm giác mạnh, thưởng thức một món bổ dưỡng, tăng cường sinh lực được coi là đặc sản vùng này. Con đuông cũng là món ăn được giới sành điệu ẩm thực khai thác, săn lùng, tìm kiếm, cung không đủ cầu. Chúng xuất hiện trong hầu hết các nhà hàng cao cấp, bình dân tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước. Giá con đuông thành phẩm có giá cao (giá sỉ thị trường dao động từ 8 – 12 ngàn đồng một con, vào đến nhà hàng đội lên đến từ 25 đến 30 ngàn một con, một dĩa đuông dầm nước mắm có khi lên đến cả triệu đồng).

Như vậy, con đuông có hai bản tính: kẻ phá hoại cây dừa và là đặc sản ưa thích của dân sành ẩm thực, từ đó, xuất hiện mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng đối lập nhau, một khuynh hướng ngăn chặn sự lây lan và diệt tận gốc con đuông dừa để giữ bình yên môi trường sinh thái quần thể cây dừa, một khuynh hướng khác coi nó là đặc sản hấp dẫn được săn lùng tìm kiếm của du khách. Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi căn cứ vào quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, xác định, mâu thuẫn giữa các mặt đối lập đó là mâu thuẫn ở loại gì? Đối kháng hay là không đối kháng? Từ đó, đề xuất hướng giải quyết theo cách ‘sống còn’ hoặc là dung hòa.

2. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết này đó là, phân tích, tổng hợp các tài liệu thu thập được, phương pháp nghiên cứu liên ngành Sinh học, Du lịch, Văn hóa học, phương pháp điền dã, quan sát, phỏng vấn sâu một số nhà bảo vệ thực vật, nông dân có kinh nghiệm trong việc khai thác, nuôi cấy con đuông, giới sành điệu ẩm thực và tự thẩm định về mức độ hấp dẫn con đuông dừa của người nghiên cứu.

3. Nền tảng, hướng tiếp cận nghiên cứu

Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập hay còn gọi là quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác – Lênin. Quy luật này vạch ra nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật hiện tượng .

Mặt đối lập là những mặt có những đặc điểm, những thuộc tính, những tính quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên xã hội và tư duy. Bản thân con đuông dừa có hai bản tính trái ngược nhau đó là loài côn trùng gây hại và là món ẩm thực khoái khẩu miền Tây, từ đó, xuất hiện một hiệu ứng khác, quan điểm, tư tưởng trái ngược của con người đó là, căm ghét và ‘cưu mang’ con đuông. Hai quan điểm tư tưởng này thuộc 2 nhóm lợi ích khác nhau, một của người trồng dừa, một của giới tự phong là sành điệu ẩm thực luôn muốn thỏa mãn, ‘sướng cái miệng’.

Hiện tại, nhóm một đang được chính quyền ủng hộ bằng việc ra chỉ thị số 01/2015/CT-UBND tỉnh Bến Tre với nội dung nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán trái phép con đuông dừa trên toàn tỉnh. Nhóm còn lại buộc phải lén lút nuôi cấy, khai thác, phát tán thu lợi nhuận trái pháp luật. Mâu thuẫn này hiện nay vẫn chưa có cách giải quyết thấu đáo, triệt để, rốt cuộc, dừa vẫn bị sâu tàn phá. Con đuông vẫn xuất hiện với tần xuất cao tại các nhà hàng, dân sành điệu vẫn săn lùng tìm kiếm thỏa mãn sở thích, thậm chí, tôi còn bắt gặp một vài nhà quản lý thị trường cũng thường xuyên dùng món đặc sản này trong các nhà hàng. Số vụ vi phạm chỉ thị, bị phạt chỉ là tượng trưng.

Các mặt đối lập nằm trong sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau theo hướng trái ngược nhau, xung đột lẫn nhau tạo thành mâu thuẫn biện chứng. Theo triết học duy vật biện chứng của Engels thì mâu thuẫn biện chứng tồn tại một cách khách quan và phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Mâu thuẫn biện chứng trong tư duy là phản ảnh mâu thuẫn trong hiện thực và là nguồn gốc phát triển của nhận thức. Xét mâu thuẫn khuynh hướng giữa việc cần phải diệt tận gốc con đuông đảm bảo cân bằng sinh thái quần thể dừa với thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của giới sành điệu ẩm thực là mâu thuẫn biện chứng.

Nếu tận diệt được hoàn toàn con đuông thì sẽ triệt luôn cả một món đặc sản ẩm thực miền Tây, mặt khác, nếu ‘cưu mang’ để con đuông dừa sinh sôi nảy nở phát triển tràn lan sẽ dẫn dẫn đến hủy hoại tàn phá môi trường sinh thái. Vấn đề nảy sinh tiếp theo đó là xem xét mâu thuẫn đó là mâu thuẫn gì, cơ bản hay không cơ bản, đối kháng hay là không đối kháng và cách giải quyết mâu thuẫn sao cho hợp lý hiện nay còn nhiều quan điểm chưa được thống nhất. “khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết tức là có vấn đề. Khi đã có vần đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc của mâu thuẫn là vấn đề gì. Phải điều tra, nghiên cứu các mâu thuẫn đó. Phải phân tích rõ ràng và có hệ thống, phải xác định rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ, phải đề ra cách giải quyết” .

Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, có thể chia mâu thuẫn trong xã hội thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, những tập đoàn người có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau, chỉ đối lập về những lợi ích không cơ bản, cục bộ, tạm thời. Việc xác định đúng loại đối kháng hoặc không đối kháng quyết định đúng phương pháp giải quyết mâu thuẫn.

Mâu thuẫn giữa cân bằng môi trường sinh thái quần thể dừa và thỏa mãn nhu cầu khoái khẩu đặc sản miền Tây được sinh ra bởi con đuông dừa, theo chúng tôi, thuộc loại mâu thuẫn không đối kháng. Vậy cách giải quyết mâu thuẫn không đối kháng như thế nào? “Mâu thuẫn không đối kháng được khắc phục, giải quyết bằng cách cải tạo từng bước và có kế hoạch những điều kiện kinh tế xã hội … gây nên những mâu thuẫn ấy” . Vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn ở mục “Một số đề xuất, kiến nghị”

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Con đuông dừa

4.1.1. Vòng đời sinh trưởng và phát triển con đuông dừa

– Vòng đời con đuông dừa trải qua 4 giai đoạn là trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng, trong đó, chỉ ấu trùng là thủ phạm gây hại cho cây dừa nặng nhất.

– Trứng: con đuông cái có thể đẻ trung bình khoảng trên 200 trứng, trứng nở sau 3- 5 ngày. Nó đẻ trứng trên vết nứt hoặc các nơi bị tổn thương của thân và ngọn được sinh ra bởi con người hoặc các côn trùng khác… (kiến vương). Trứng có màu kem, hơi dài.

– Ấu trùng: là giai đoạn gây hại của con đuông. Ấu trùng có màu kem và dài, không chân với đầu màu nâu. Ấu trùng ăn cổ hũ dừa trong vòng 50 ngày.

– Nhộng: Nhộng nằm trong 1 cái kén làm bằng mô gỗ của dừa (phần mềm gần vỏ cây). Sau 19 ngày phát triển thành trùng.

– Thành trùng: Có màu nâu hơi đỏ hoặc đen. Có một cái sừng dài với mũi sừng hơi cong xuống. Thành trùng sống được 3-4 tháng. Vòng đời của con đuông khoảng 195 ngày từ trứng đến trưởng thành rồi chết .

4.1.1. Thành phần dinh dưỡng của con đuông dừa

Về giá trị dinh dưỡng của con đuông, theo kết quả nghiên cứu công bố trên Journal of Biologica Sciences số 7-2008 cho thấy: Chất béo thô 17,33%; Đạm thô 31, 61%; Cacbonhydrate 35.58%; Calories 423/100g. Tỉ lệ chất béo thô trong con đuông cao hơn trong trứng gà nhưng thấp hơn trong sữa bò. Tỉ lệ chất đạm thô cao hơn trứng và sữa bò. Về chất khoáng trong 100 gam đuông chứa: Calcium 0.01; Magnesium 0.04; Manganese 2.31; Đồng 2.61; Sắt 4.40; Phosphorus 0.10. Với tỷ lệ này, không tốt cho xương nhưng lại tốt cho những người thiếu máu. Trong con đuông còn có nhiều amino acid thiết yếu đều cao như: Histidine 3.38; Methionine 1.97; Phenilanine 4.75.

Theo The Foot Insects Newsletter số 3-1991, lượng acid béo loại Omega-3 chiếm khoảng 2% chất béo tổng hợp

4.1.2 Các thương phẩm được chế biến từ con đuông

Đuông tẩm nước mắm

Đây là một món ăn sống, dân sành điệu còn đặt cho nó một cái tên rất kêu “Chiến xa lội sông” bởi, khi thả con đuông vào nước mắm, bị tác động dung dịch mặn từ nước mắm, chúng giãy dụa, hoạt động rất mạnh. Ăn kiểu này, không nhiều người dám ăn, chỉ có những người muốn tìm cảm giác mạnh, còn những người yếu bóng vía và đa số trong phái nữ không dám ăn kiểu này vì cảm giác thực thụ, đó là con sâu. Cách ăn cũng có một điểm rất đặc biệt, trước khi đưa con đuông vào miệng, nên ngắt cái miệng của nó (vì nó có thể cắn vào lưỡi), nhai nhẹ, để cảm nhận những hương vị thơm ngọt béo bùi của nó, hoặc có thể nuốt chửng, đối với có những còn khỏe, ta có thể cảm nhận chúng chuyển động roọc roọc trong cuống họng.

Giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng cân bằng sinh thái với nhu cầu thỏa mãn đặc sản miền Tây - con đuông dừa - 2

Những món ăn ngon từ đuông dừa

Đuông lăn bột chiên

Đuông sau khi đã sơ chế để loại bỏ bớt chất xơ, cho vào bột lăn tạo thành một lớp áo phủ mỏng bao quanh con đuông, sau đó cho vào chảo dầu đun vừa chín tới, vớt ra để ráo dầu, ăn với rau thơm chấm mắm ớt tỏi. Ăn kiểu này bớt cảm giác sợ như đang ăn con sâu.

Đuông dừa rang lá chanh

Đổ đuông vào chảo rang đều tay, 10 phút, nêm một chút muối và rang đến khi nghe thấy đuông va chạm vào nhau phát ra tiếng lạo xạo như lá khô, vậy là đã vừa chín. Cho thêm một chút dầu ăn, nước mắm rang thêm vài phút nữa cho đến khi đuông dừa khô và thấm đều gia vị, thêm hành lá xắt nhỏ và lá chanh đảo đều thêm một chút nữa. Món này ăn với cơm.

Cháo đuông

Cháo đuông đơn giản chỉ gồm đuông, thịt lợn, gạo, gừng, hành và gia vị, nước cốt dừa. Riêng con đuông dừa, sơ chế rửa sạch bằng nước lạnh, sau đó cho chúng vào một chén rượu trắng trong 2 phút rồi cho vào chén nước mắm ớt vài phút rồi vớt chúng ra để vào tủ lạnh chừng 30 phút, mang ra nấu cháo.

Đuông luộc nước dừa

Đuông sau khi luộc với nước dừa tươi rất thơm ngon và béo được thưởng thức bằng cách cuốn với một số loại rau thơm kẹp trong bánh tráng, chấm mắm cơm trộn sả, ớt bằm.

Đuông dừa nướng

Trước khi nướng, nên phết thêm chút bơ, có thể nướng trong lò nướng, nhưng người ta thường chế biến món đuông nướng trên bếp than truyền thống, khi nướng, xâu khoảng trên dưới một chục con đuông vào một cái que tre rồi đưa lên bếp nướng.

Xôi đuông

Người ta có thể ăn xôi kèm với đuông bằng cách có thể chọc cho sữa trong mình đuông tứa ra, xới trộn đều với xôi. Xôi đuông cũng có thể trộn thêm một ít đường hoặc ăn với nước mắm ngon cho đỡ ngán, đặc biệt là tương thích ăn với thịt gà rang. Theo sử sách ghi lại, thời nhà Nguyễn, Vua Gia Long và Minh Mạng rất thích ăn xôi đuông, được dân làng hấp xôi đuông tiến kinh hàng năm.

Gỏi đuông

Gỏi đuông dừa được thực hiến với cổ hũ dừa thái con chỉ, ớt chuông thái mỏng, hành lá cắt khúc, trộn với tôm, ăn với bánh phồng tôm chiên giòn. Đuông được chiên vàng, phủ lên trên. Món này thường ăn kèm với các loại rau sống, xà lách, càng cua, húng quế…Khi ăn chỉ cần cuốn chúng chấm với mắm me, mù tạt, dấm, dầu olive tạo nên tổ hợp hương vị: chua, thơm, béo, bùi, rất ngon miệng.

Một điều hết sức lưu ý khi sử dụng thực phẩm con đuông dừa, đối với những người cơ địa không phù hợp với hàm lượng dinh dưỡng trong con đuông, gây mẩn ngứa, dị ứng, khó thở. Nhất là khi con đuông không được tươi sống hoặc đã chết, có thể nhiễm các nấm độc có thể dẫn đến chết người.

4.1.3 Hành trình gây hại của con đuông dừa

Hành trình hủy hoại cây dừa, tác nhân chính, có sự góp sức rất đắc lực của một loại côn trùng khác đó là con kiến vương (còn gọi là kiến dương), tên khoa học là Dynastinae, thuộc phân họ bọ cánh cứng trong họ bọ hung Scarabaeidae, một số loài trong phân họ này có hình dạng lớn nom khá ngầu. Trên cây dừa có nhiều loài Kiến Vương gây hại, nhưng tại Việt Nam và các quốc gia Châu Á (Thái Lan, Malaysia, Indo…) thường thấy 2 loài xuất hiện và gây hại quan trọng là: Kiến Vương Một Sừng (bọ hung tê giác): Oryctes rhinoceros Linneus; Kiến Vương Hai Sừng: Xylotrupes gideon Linneus

Giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng cân bằng sinh thái với nhu cầu thỏa mãn đặc sản miền Tây - con đuông dừa - 3

Đuông dừa phá hại cây dừa

Kiến vương và đuông dừa tạo thành cặp bài trùng tàn sát, phá hại cây dừa. Việc đục các lỗ thủng trên thân dừa, chủ yếu do con kiến vương phụ trách. Với cơ thể được coi là ngầu cùng với một hoặc 2 sừng như tê giác, kiến vương có thể đục thủng cây dừa ở bất kỳ một vị trí nào. Điều quan trọng hơn, các vết thủng được khai phá bởi con kiến vương là tiền đề, tạo điều kiện để cho con đuông giai đoạn thành trùng dễ dàng xâm nhập, đẻ trứng, nở ra ấu trùng đuông. Ngoài ra, con đuông thành trùng cũng có thể tự xâm nhập vào cây dừa nhờ các vết nứt hoặc khoảng kẽ hở giữa các tầng là phía ngọn cây dừa để đẻ trứng. Công cuộc phát hoại đọt dừa được ấu trùng đuông đảm nhiệm chính. Sức tàn phá thiệt hại quần thể dừa là rất lớn. Theo TS Cao Quốc Hưng, nếu không dùng các biện pháp phòng trừ côn trùng gây hại, thì chỉ trong vòng một năm, diện tích trồng dừa sẽ sụt giảm đến 70%. .

4.1.5 Biện pháp phòng trị đuông dừa

Trước tiên, phát quang các bụi rậm, các thảm thực vật có chiều cao tương đối thấp xung quanh cây dừa để hạn chế nơi trú ngụ của các con kiến vương. Khi xác định chính xác những điểm tấn công của đuông trên cây dừa, tiến hành phòng trừ bằng cách khoan sâu vào khoảng 10-25 cm hướng lệnh xuống 15cm bên trên vùng bị tấn công. Có thể khoan 1-2 lỗ ở mỗi đoạn thân bị đuông tấn công, sau đó cho vào lỗ khoan các loại thuốc trừ sâu như Basudin, Regent… Bịt kín lỗ lại bằng đất sét. Sau 3 – 4 ngày, kiểm tra hiệu quả của thuốc bằng cách áp tai vào kiểm tra thân cây dừa, nếu vẫn còn nghe tiếng rạo rạo và nhựa mới từ thân tiếp tục chảy ra thì nên xử lý thuốc lại lần hai, nếu đuông đã chết không còn gây hại thì có thể dùng đất sét bịt kín lỗ lại.

Ngoài ra, có thể dùng ong ký sinh để tiêu diệt ấu trùng. Các nhà khoa học đã nhập khẩu, nuôi dưỡng và nhân giống ong ký sinh (tên khoa học Asecodes hispinarum) có nguồn gốc từ đảo Samoa. Sau đó, ong sẽ được cho phát tán tiêu diệt ấu trùng đuông bằng cách đẻ trứng lên âu trùng đuông. Ấu trùng ong ký sinh sẽ nở và phát triển bên trong ấu trùng đuông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ấu trùng đuông sẽ bị chết sau 7 ngày. Đến 20 ngày sau nữa, ấu trùng ong trưởng thành và bay đến con ấu trùng đuông khác thực hiện tiếp sứ mệnh của mình.

4.1.6 Phương pháp nuôi cấy đuông trong nhà

Theo phương pháp của Thái lan, dùng cành dừa để nuôi. Phương pháp này khá hiệu quả vì mỗi năm, đều phát cắt tỉa, làm vệ sinh cho cây dừa. Một đồn điền trồng dừa, mỗi năm thường cắt tỉa hàng vạn cành, tận dụng chúng để nuôi đuông. Nuôi một con đuông từ trứng đến thu hoạch chưa đến 60 ngày. Thể tích mà nó nghiền cành dừa suốt quãng đời chỉ dài bằng một đoạn mía 50 cm. Như vậy, một cành dừa có thể nuôi được 5- 10 con đuông.

Chuồng nuôi đuông: Chuẩn bị một số lượng xô nhựa có đường kính 50 cm, được đậy bằng vải màn thông hơi để đuông có thể trao đổi không khí với môi trường bên ngoài.

Thức ăn của đuông: Chặt cành dừa, róc lấy vỏ xanh, đem xay, rửa sạch, cho cám vào trộn đều rồi cho thức ăn vào chuồng, thả ấu trùng đuông giống vào nuôi. Sau từ 10 đến 30 ngày, đuông dừa lột xác thành trùng (trưởng thành) cho vào chuồng mới để trùng trưởng thành đẻ trứng. Từ đó bắt đầu một vòng đời mới của con đuông.

4.1.7 Thử phép so sánh ước tính giá trị kinh tế của cây dừa với con đuông dừa

4.1.7.1 Giá trị lợi nhuận kinh tế của trái dừa (giả thuyết chỉ dùng để uống nước)

Cây dừa được trồng từ 3,5 đến 4 năm sẽ ra trái, bình quân mỗi năm, mỗi cây dừa có khả năng cho từ 100 đến 120 trái. Tùy theo giống dừa, mỗi ha có thể trồng từ 80 đến 90 cây dừa. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre (trên 72.000 ha); Tiền Giang (trên 14.000 ha); Vĩnh Long (trên 7.000 ha), từ đó, dừa được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là cây trồng quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp. Tại Bến Tre, hiện có gần 200.000 hộ dân trồng dừa . Ta có thể làm một phép tính ước lượng tương đối giá trị kinh tế của nó (thấy khớp với số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre:

72.000 ha x 85 cây/ha x 120 quả/cây = 734.400.000 trái x 12.000 VND/ 1quả (giá sỉ cho thương lái) = 8.812.820.000,00VND (gần chín tỉ đồng). Ngoài ra, hàng năm cộng với lợi nhuận xuất khẩu còn đạt cả triệu USD mỗi năm.

4.1.7.2. Giá trị kinh tế lợi nhuận của con đuông dừa

Mặc dù có nhiều biện pháp phòng tránh gây hại của côn trùng phá hoại dừa, theo phản ảnh của nhiều nông dân, tỉ lệ cây dừa nhiễm côn trùng gây hại (chủ yếu là con đuông) có thể lên đến xấp xỉ 15% (trong tổng số cây dừa tại Bến Tre- 612.000 cây) mỗi năm. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 61.000 cây dừa bị hại bởi sâu dừa. Trong mỗi cây dừa bị hại đến chết (phải chặt, bửa ra để khai thác) có khoảng 100 con đuông, mỗi con đuông, giá thị sỉ thị trường khoảng 20.000VND/con.

Thêm nữa, sẽ có ít nhất khoảng 20 ngàn hộ nuôi, nhân lén lút tại nhà, giả thuyết mỗi hộ thu hoạch thấp nhất 4 ngàn con/ năm, ta lại làm một phép thử ước tính nữa: Thu hoạch đuông từ những cây dừa bị hại trong tự nhiên: 91.150 cây x 100 con/cây = 9.115.000 con đuông x 20.000/con = 182.300.000,00 VND; Thu hoạch đuông nhân nuôi lén lút: 20.000 hộ nuôi lén 4.000 con/hộ = 80.000 x 20.000/ con = 160.000.000,00VND. Tổng cộng thu hoạch đuông trong tự nhiên và nuôi lén: 182.300.000,00Đ + 160.000.000,00VND = 342.300.000,00VND.

Qua tìm kiếm, chưa thấy có đề tài nào nghiên cứu về mức độ gây hại của con đuông. Những dữ liệu trên, căn cứ vào nhu cầu thị trường chỉ là phỏng đoán, thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn, nhưng dù gì, nếu để việc nuôi dưỡng diễn ra tự phát, không quản lý tốt, chắc chắn việc phát tán các con bọ cánh cứng đến quần thể dừa là không thể lường.

5. Kết luận, đề xuất và kiến nghị

Con đuông dừa là một loài côn trùng bọ cánh cứng, chúng sống ký sinh chủ yếu trong thân dừa ở thời kỳ ấu trùng còn non và có sức tàn phá cây dừa rất lớn phá hủy cổ hũ, dẫn đến héo lá, gãy, chết cây. Tuy nhiên, nó cũng là một loại thực phẩm bổ dưỡng sinh lực cho con người, được coi là đặc sản miền Tây và được du khách săn lùng tìm kiếm, có mặt trong các nhà hàng lớn đến bình dân. Từ thuộc tính của con đuông trái ngược nhau, gây hiệu ứng cho các nhóm lợi ích kinh tế xã hội, tạo ra “mâu thuẫn giữa xu hướng cân bằng sinh thái với nhu cầu thỏa mãn ẩm thực miền Tây”, theo chúng tôi là loại mâu thuẫn không đối kháng.

Phương pháp giải quyết mâu thuẫn không đối kháng theo phép biện chứng: “Mâu thuẫn không đối kháng được khắc phục, giải quyết bằng cách cải tạo từng bước và có kế hoạch những điều kiện kinh tế xã hội … gây nên những mâu thuẫn ấy”. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất cách giải quyết như sau:

Một là, Có chính sách quyết liệt hơn nữa, tìm nhiều biện pháp tăng năng suất trồng dừa tạo ra thành phẩm có giá trị kinh tế cao, bảo vệ cân bằng sinh thái quần thể dừa Bến Tre

Hai là, đồng thời, nghiên cứu có thể khoanh vùng khu vực nào đó trong tỉnh, có ‘rào, chắn’ thật kỹ tránh phát tán bọ cánh bay sang các vườn dừa thương phẩm khác được không? Hiện trạng vẫn nghiêm cấm, mà thực trạng là không thể cấm được, mặt khác, nhu cầu thỏa mãn đặc sản miền Tây mỗi ngày của du khách tăng cao. Việc này không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được mà phải có sự thay đổi quan điểm của chính quyền, sự đồng thuận, ủng hội của người nông dân.

Trước khi bàn luận vấn đề này, chúng tôi kiến nghị nên có các dự án, phát động các nghiên cứu khoa học, tham gia thực hiện một số đề tài chủ đề xung quanh xem xét mức độ gây hại của con đuông, hoặc nhu cầu thỏa mãn khoái khẩu của du khách một cách đồng bộ và toàn diện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

. Bộ giáo dục và Đào tạo, 2006, Giáo trình Triết học Mác – Lê nin, Nxb Sự thật Hà Nội.

. Hồ Chí Minh, 2000, Tuyển tập Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia.

. Lê Doãn Tá, 2003, Một số vấn đề về triết học Mác – Lênin: lý luận và thực tiễn, Nxb

Chính trị Quốc gia.

. Wikipedia, Con đuông dừa, truy cập ngày 10/08/2020.

. Cao Quốc Hưng, 2015, “Phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông

Cửu Long trở thành một ngành mũi nhọn trong thời gian tới” Hội thảo khoa học Bến Tre.

. Trần Tiến Khai, 2011, Báo cáo nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị dừa Bến Tre,Dự án

BDRF Bến Tre, Bộ môn kinh tế phát triển nông thôn, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Rate this post

Viết một bình luận