Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” ngắn gọn

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”

Hướng dẫn lập dàn ý Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”

a. Mở bài:

– Dẫn dắt vấn đề: Ca dao, tục ngữ là kho tàng quý báu mà ông cha ta để lại cho thế hệ sau.Mỗi câu ca dao, tục ngữ đều là kinh nghiệm, lời khuyên từ các thế hệ đi trước cho con cháu sau này.

– Nêu vấn đề: Trong số đó, câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” là bài học quý giá về tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người trong xã hội.

b. Thân bài:

Luận điểm 1: Giải thích

– Nghĩa đen: Lá lành che chở, bao bọc lá rách khỏi những tác động xấu từ môi trường

– Nghĩa bóng:

   + Lá lành: Chỉ những người có cuộc sống đầy đủ, khỏe mạnh trong xã hội

   + Lá rách: Chỉ những người có cuộc sống thiếu thốn, khiếm khuyến về cả vật chất, tinh thần, sức khỏe…

   + đùm: bao bọc, giúp đỡ, cưu mang, chia sẻ…

⇒ Nghĩa bóng: Những người có cuộc sống đầy đủ cần biết đùm bọc, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong cuộc sống, con người phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Luận điểm 2: Tại sao lại phải sống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau

– Câu tục ngữ là lời khuyên dạy của ông cha ta về lối sống yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng là một trong những phẩm chất quý báu của người dân Việt Nam.

– Trong cuộc sống, mỗi người không sống cô lập một mình mà sống trong một tập thể, một cộng đồng, vì vậy, sự sẻ chia, đoàn kết là vô cùng cần thiết để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

– Khi một người gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn (vật chất, tinh thần, sức khỏe) thì những người xung quanh cần có sự đồng cảm, giúp đỡ, đùm bọc để họ có thể cố gắng vượt qua hoàn cảnh, nỗi đau. Có như vậy, xã hội mới trở nên văn minh và ngày càng phát triển.

– “Cho đi là nhận lại”, nếu chúng ta biết đùm bọc, giúp đỡ những người gặp khó khăn thì không chỉ tự ta thấy thoải mái trong lòng mà còn được những người xung quanh cũng sẽ tin tưởng, quý mến, và tôn trọng. Và chắc chắn trên con đường đời, nếu không may ta gặp khó khăn thì cũng sẽ có những bàn tay đưa ra giúp đỡ ta vượt qua tất cả.

(Lấy dẫn chứng khi đồng bào miền Trung gặp bão lũ…)

– Ngược lại, nếu trước những sự khó khăn, thiếu thốn của người khác mà ta dửng dưng, vô cảm, ích kỉ thì chắc chắn sẽ bị nhận lại những “quả báo” khôn lường.

Luận điểm 3: Làm thế nào để rèn luyện lối sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau

– Rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống cao đẹp.

– Luôn sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn bằng các hành động cụ thể, nghĩa cử cao đẹp.

– Kêu gọi giúp đỡ những cảnh ngộ khó khăn ở địa phương và trên khắp mọi miền đất nước.

Luận điểm 4: Mở rộng vấn đề

– Phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân mình, vô cảm, dửng dưng trước những khó khăn, bất hạnh của người khác.

– Phê phán những người lợi dụng tình thương của mọi người để ỷ lại, lười biếng, chỉ muốn nhận sự giúp đỡ của người khác mà không biết cố gắng vươn lên.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ: Câu tục ngữ còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, trở thành truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta.

– Bài học rút ra và liên hệ bản thân: Chúng ta cần phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp này.

Giải thích câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" ngắn gọn

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Bài mẫu 1

Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Lòng yêu thương, tinh thần nhân đạo đó càng ngời sáng trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ. Truyền thống ấy đã thấm nhuần vào máu thịt của con người và nố được đúc kết lại thành những bài học, những câu tục ngữ… mà ông cha ta thường nhắc nhở:

“Lá lành đùm lá rách”

Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta mượn hình ảnh chiếc lá để làm bài học giáo dục cho con người. Câu tục ngữ gợi lên những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với những sự việc bình thường trong cuộc sống.

“Lá lành” là chiếc lá còn nguyên vẹn, còn giữ nguyên dáng hình của chiếc lá. “Lá rách” là chiếc bị sâu rầy đục khoét hoặc gió làm tơi đi nên không còn nguyên vẹn như lúc trước. Ta thử nhìn lên một thân cây với nhiều cành cây xanh um tươi tốt, nếu nhìn kĩ ta sẽ thấy những chiếc lá lành đan cài, bao trùm che lấp một vài chiếc lá sâu rách ở phía sau. Cũng như chiếc bánh chưng, bánh ú được gói bằng nhiều lớp lá: Bên ngoài là lớp lá tốt, lành lặn, bên trong là những lớp lá nhỏ, xấu xí, không nguyên vẹn. Chính nhờ nhiều lớp lá, nhất là những chiếc lá tốt bọc bên ngoài nên nhìn vào ta không thấy được những chiếc lá xấu ở trong. Nhờ những chiếc lá tốt ấy mà chiếc bánh gọn gàng, khéo léo hơn.

Từ hình ảnh trên ta liên tưởng đến con người. Chiếc lá lành tượng trưng cho người có cuộc sống đầy đủ, ấm no. Còn chiếc lá rách là hình ảnh của người không may mắn, có cuộc sống thiếu thốn… Nếu chiếc lá lành biết đùm bọc che chở cho chiếc lá rách không may mắn, có cuộc sống thiếu thốn thì lẽ nào ta là con người mà không biết giúp đỡ, yêu thương những kẻ gặp hoạn nạn sao? Là người sống trong xã hội, ai cũng muốn có cuộc sống sung sướng đầy đủ nhưng mấy ai được như ý muốn của mình, có người gặp những điều không may này nối tiếp những điều không may khác. Trước hoàn cảnh đó, cùng là anh em sống trong một đất nước ta phải hết lòng giúp đỡ họ.

Sự giúp đỡ từ những tấm lòng của người may mắn sẽ an ủi được phần nào mất mát đau thương của kẻ gặp khó khăn. Đùm bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau là một tình cảm thiêng liêng quý báu, là đạo lí làm người. Sống trên một lãnh thổ, nói cùng thứ tiếng, cùng một tổ tiên, một lịch sử, như vậy là anh em trong một nhà. Lá lành hay lá rách cũng là lá, cũng như nghèo hay giàu, sang hay hèn đều là con người, thì ta đối xử với nhau cho ra cái đạo lí làm người.

Lời dạy trên là một bài học sâu sắc về đạo lí làm người mà mỗi người chúng ta cần thực hiện tốt. Có được như thế thì mọi người sẽ yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn khó khăn và xã hội sẽ tốt đẹp biết dường nào. Lời nhắc nhở của cha ông sẽ là phương châm cho hành động của mỗi chúng ta khi sống trong cõi đời này.

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Bài mẫu 2

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đó là tình yêu thương, đồng cảm giữa con người với nhau. Điều đó đã được khẳng định qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Ý nghĩa của câu tục ngữ xuất phát từ một thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thường sử dụng những chiếc lá để gói bánh hoặc gói đồ ăn… Nhưng chiếc lá lại mềm mỏng, dễ rách. Vì vậy người ta mới dùng nhiều lớp lá bọc lại, lớp lá lành bọc lấy lớp lá rách để không giữ cho đồ ở bên trong nguyên vẹn. Ông cha ta đã mượn hình ảnh trên để nói về cách ứng xử trong cuộc sống của con người. Người có hoàn cảnh tốt đẹp hơn sẽ giúp đỡ những người khó khăn.

Câu tục ngữ xuất phát từ tấm lòng yêu thương đồng loại:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hay:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Đó cũng chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xa xưa cho đến hôm nay.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh cho câu tục ngữ trên. Quá khứ vẻ vang đã khắc tên dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau để đánh bại hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Một ví dụ cụ thể nhất là trong năm 1945, khi cả nước phải đối mặt với nạn đói kinh hoàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh với động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no”. Các hũ gạo cứu đói đó đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Trở về với hiện tại, tinh thần “Lá lành đùm lá rách” lại càng được nâng cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương” – mỗi câu chuyện về một cặp lá chưa lành sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những cặp lá lành trên khắp cả nước. Ngay trong năm 2020 – một năm đầy biến động khi đất nước phải chịu ảnh hưởng của làn sóng đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo, thất nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Hàng trăm tấn nông sản của bà con nông dân được người dân cứu trợ thành công. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình… Mỗi người dân đều đã đóng góp một phần nhỏ để giúp đỡ “những chiếc lá chưa lành” với tinh thần “không ai bỏ lại phía sau”.

Bên cạnh đó, vẫn có không ít những cá nhân sống vô cảm, thờ ơ với nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của bản thân. Các doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng mà không nghĩ đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhiều người lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán khẩu trang, các mặt hàng nhu yếu phẩm… Đó là những hành vi đáng lên án, cần tránh xa. Vậy nên, bản thân mỗi học sinh hãy biết sống yêu thương mọi người xung quanh. Những hành động nhỏ bé như ủng hộ các bạn học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ những người già neo đơn… cũng đã thể hiện được tấm lòng nhân ái.

Như vậy, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” đã đem đến những ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ của mỗi người. Hãy coi đó là một lời khuyên để bản thân cố gắng rèn luyện và trở nên ngày một tốt đẹp hơn.

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Bài mẫu 3

Có lẽ hình ảnh đầu tiên khiến người xưa nghĩ đến câu tục ngữ này là một cái bánh. Ta hãy thử nhìn một chiếc bánh chưng mà xem. Chiếc bánh lớn, dày dặn, vuông vắn: qua hơn một ngày nấu qua nước sôi sùng sục, chiếc bánh vẫn chắc nịch, nếp đậu đã nhuyễn mà vẫn nén chặt vào trong. Bóc chiếc bánh ra, không phải lớp lá gói nào cũng lành lặn. Có tấm lá bị rách, nhưng bên ngoài nó, ngay chỗ bị rách lại là một lớp lá lành. Chính nhờ vậy mà tấm lá rách vẫn giữ được chiếc bánh, chứ không bị loại bỏ đi.

Đố các bạn câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” tiếng anh của nó là gì. Trả lời câu trả lời ở phía dưới !

Ai ngờ, bài học về chiếc bánh lại gợi nên một bài học về đạo lí làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có người, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn. Lúc ấy, sự giúp đỡ của người khác, sự chia sẽ của người khác là rất quan trọng. Sự đùm bọc lẫn nhau, sự tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết.

Xét về giá trị của câu tục ngữ, ta thấy trước hết nó có một giá trị thiết thực. Nói “lá lành đùm lá rách” là nói đến thái độ nhường cơm sẻ á của những người vốn cùng chung cảnh ngộ, vốn trong cùng một cộng đồng, trên cùng một đất nước. Tuy có “lành” có “rách” nhưng cùng là “lá”. Đây không phải là kiểu hành động ban ơn hay bố thí. Đây là chia sẻ, là thông cảm. Khi một người hoạn nạn, thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau xúm lại giúp đỡ, đó là “lá lành đùm lá rách”. Sự giúp đỡ của từng người có thể không nhiều, nhưng nhiều người hợp lại thì sự giúp đỡ trở nên có ý nghĩa, có thể giúp cho người bị hoạn nạn vượt qua được cơn hoạn nạn. Khi một làng, một vùng gặp hoạn nạn, thì những vùng bên cạnh cùng hợp lại, mỗi người một ít, mỗi nhà mỗi ít, mỗi làng, mỗi huyện, mỗi tỉnh một ít: kết quả thành ra rất to lớn.

“Lá lành đùm lá rách” đó là cách sốn và đạo lí đã có từ ngàn xưa của nhân dân Việt Nam, là một truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Có lẽ chính nhờ thế mà nhân dân Việt Nam đã vượt lên bao khó khăn, có lúc tưởng chừng không qua nổi để mãi mãi tồn tại vững vàng. Người ta nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Thậm chí, có lúc người ta còn nói: “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Trong khhi gặp hoạn nạn, người bị ít khó khăn còn chia sẻ cả với người nhiều khó khăn.

Trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh, rồi trong hai chục năm gần đây, truyền thống “Lá lành đùm lá rách” đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Chỉ nói riền mấy năm gần đây, trên đất nước ta đã bao nhiêu lần thiên nhiên gây ra tai họa ghê gớm. Một trận lũ quét ập xuống tỉnh Sơn La khiến bao nhiêu đồng ruộng bị tàn phá, thóc lúa hoa màu bị mất sạch, bao nhiêu nhà cửa, trường học, bệnh viện… bị phá hủy. Nhưng Sơn La gọi, cả nước lắng nghe và đã lên tiếng. Nhờ sự giúp đỡ của tin tức thời sự, thông tin đã đến với nhiều gia đình trên cả nước, được sử giúp đỡ của các tỉnh và địa phương khác trên cả nước nên Sơn La đã vực mình, dần dần ổn định cuộc sống. Gần đây nhất, cơn lũ ghê gớm nhấn chìm bao nhiêu ruộng vườn làng mạc của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong một biển nước mênh mông. Những tin tức thời sự về trận lũ được các báo, đài truyền đi những lời kêu gọi, thì những hành động hưởng ứng đã đáp lại tức thì. Có người góp vốn vào quỹ cứu trợ hàng triệu đồng. Song cũng có em nhỏ tự mình mang đến chỉ vài nghìn bạc vốn dành dụm từ tiền ăn sáng của mình.

Nói đúng ra, hành động “lá lành đùm lá rách” không phải là có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là tự giúp mình. Lá lành có đùm lá rách thì chiếc bánh mới kín, mới chắc. Giúp người khác, chia sẽ với người khác để người khác, làng khác, tỉnh khác vượt lên những khó khăn, đứng vững, chính là góp phần làm cho đất nước đứng vững, phồn thịnh hơn. Cuối cùng, cái kết quả tốt đẹp ấy, mỗi người đều được hưởng. Bởi vậy “lá lành đùm lá rách” không còn những hành động nhất thời, đặc biệt, mà đã trở nên thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta. Hằng ngày, vẫn có người lặng lẽ quyên góp chút ít tiền bạc, quần áo cho một trại phong,  một trại nuôi dưỡng người già neo đơn, một trại trẻ mồ côi, một gia đình khó khăn, một người tàn tật… Nhân những dịp lễ tết, những người trong phường lại càng nhớ để chia sẻ với những bà con nghèo còn thiếu thốn.

“Lá lành đùm lá rách” câu nói ngày xưa có lẽ chỉ mang một nghĩa hẹp, nhằm kêu gọi sự đùm bọc lẫn nhau trong một nhà, một họ hay rộng lắm làm một làng. Càng ngày, cùng với sự phát triển của đời sống, sự hiểu biết của con người, ý nghĩa của câu nói càng mang một nội dung nhân đạo sâu sắc và rộng rãi. Đây là một câu nói của tình thương đầy tính nhân đạo. Trong một xã hội, không có một sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình thương. Tình thương càng ngày càng phát triển thành tình cảm chung của mọi người, thành nếp sống phổ biến của xã hội thì tội ác cũng sẽ thu hẹp lại, xã hội sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn.

Riêng bản thân em, câu tục ngữ lá lành đùm lá rách cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Trong trường, trong lớp em, có không ít bạn hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều bạn đi học với chiếc áo vá, với cái bụng đói, ngoài giờ học còn phải vất vả phụ cha mẹ kiếm sống hoặc tự nuôi mình. Nếu em bỏ đi một món mua sắm, tiêu xài chưa cần thiết, em cũng có thể giúp cho bạn mình bớt chút khó khăn. Phần của một người bỏ ra tuy nhỏ nhưng nhiều người hợp lại, thì sự giúp đỡ sẽ có ý nghĩa lớn hơn.

Lá lành đùm là rách thật là một cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa. Tục ngữ không chỉ là văn chường mà còn là triết lí, đạo lí. Sống phải quan tâm đến người khác, phải chia sẽ khó khăn cùng người khác. Đạo lí sống ấy thật là tốt đẹp.

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Bài mẫu 4

Một trong những câu tục ngữ để lại bài học quý giá cho con người đó là “Lá lành đùm lá rách”. Đây là lời răn dạy của thế hệ đi trước về tấm lòng yêu thương, sẻ chia.

Câu tục ngữ mang hai nét nghĩa gồm nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu hiểu theo nghĩa đen, hình ảnh “lá lành đùm lá rách” đã vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Những chiếc lá thường dùng để gói đồ ăn. Lá lành bọc lên lá rách giúp giữ gìn đồ bên trong. Còn nếu hiểu theo nghĩa bóng, “lá lành” chỉ người có cuộc sống khá giả, giàu có, “lá rách” chỉ người có cuộc sống nghèo khổ, khó khăn. Như vậy, ý nghĩa của câu “Lá lành đùm lá rách” là khuyên nhủ con người cần biết yêu thương, chia sẻ với nhau.

Cuộc sống của con người là những mối quan hệ gắn kết giữa con người với con người. Không ai có thể sống một mình, không có sự giao tiếp với người xung quanh. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau bởi tình yêu thương giữa đồng loại. Cũng như khi giúp đỡ người khác, thì khi gặp khó khăn, chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ.

Dân tộc Việt Nam cùng chung nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”. Bởi vậy mà chúng ta vẫn luôn biết giúp đỡ lẫn nhau. Dù là sự chia sẻ về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thân (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…). Thì cũng đều đáng để người nhận trân trọng, biết ơn. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện chắc chắn đã quá quen thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam. Họ đã bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn (dạy chữ cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ người vô gia cư…). Hay những doanh nghiệp sẵn sàng thu mua nông sản để giải cứu cho bà con nông dân. Hoặc câu chuyện về chàng sinh viên hai mươi ba tuổi lao xuống biển cứu bốn cô gái, khiến chúng ta thật cảm động… Tất cả đều đã thể hiện được tình yêu thương, cũng như một tấm lòng biết sẻ chia.

Ngược lại, vẫn còn rất nhiều người có lối sống thờ ơ, vô cảm. Họ sống một cách ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Hoặc có người sau khi nhận được sự giúp đỡ của người khác thì chẳng mấy chốc mà quên đi. Những hành động như vậy thật đáng lên án. Bởi vậy mà mỗi người cần sống biết yêu thương, biết chia sẻ để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Trái đất sẽ thật lạnh giá nếu như không có tình yêu thương. Bởi vậy mà câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” là một lời khuyên quý giá dành cho mỗi chúng ta. Hãy biết yêu thương để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Bài mẫu 5

Dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay vẫn nổi tiếng với nhiều truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện nền văn hiến ngàn đời bền vững của nhân dân ta. Không chỉ đơn thuần thể hiện trong nền nếp sinh hoạt của người dân Việt mà các truyền thống, tinh hoa tốt đẹp còn được đúc kết trong các câu tục ngữ, thành ngữ, trong các tác phẩm văn học dân gian như một món ăn tinh thần, với ý nghĩa lưu giữ và răn dạy các thế hệ đi sau phải biết kế thừa và phát huy. Một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc ta phải kể đến truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, được thể hiện rất rõ trong câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Nói về hình tượng “Lá lành đùm lá rách” có lẽ xuất phát từ câu chuyện gói bánh của dân tộc ta, khi người ta gói bánh chưng thường bằng bốn lớp lá, lớp này chồng lớp khác, có đôi khi trong một phút sơ sẩy người gói bánh vô tình làm rách lá, thì họ sẽ lót tấm lá ấy ở trong cùng rồi mới bọc các lớp lá lành khác ở bên ngoài. Sở dĩ làm vậy là để chiếc bánh có hình thù đẹp đẽ, đồng thời khi luộc bánh không bị vỡ, nứt. Khi áp dụng vào đời sống, thì dễ mường tượng rằng “là lành” tức là những con người có cuộc sống ấm êm, hoàn chỉnh, có của cải, cơm no áo ấm, Còn trái lại “lá rách” là tượng trưng cho những kiếp người tạm bợ, nghèo khó, thiếu thốn điều kiện vật chất, tinh thần, đôi lúc là ở trạng thái, rách nát tàn tạ, vô cùng khó khăn, khốn khổ. Như vậy tổng thể kết hợp giữa hai lớp nghĩa trên ta có thể hiểu rằng câu tục ngữ muốn khuyên răn con người phải có tinh thần đoàn kết, biết đưa tay giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đáng thương. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người, đồng thời cũng là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay.

Trong cuộc sống hiện đại, đời sống con người đã vơi dần đi những khó khăn, vất vả, thế nhưng không phải kiếp nhân sinh nào cũng được may mắn, được sinh ra với cuộc sống đầy đủ vật chất, được lớn lên với một thân thể khỏe mạnh, được hưởng nền giáo dục một cách đầy đủ. Trái lại có những đứa trẻ mới năm, sáu tuổi đời đã phải lang thang kiếm sống bên những tờ vé số, những thanh kẹo năm mười ngàn, những tờ báo, và cả những hộp xi đánh giày. Những đứa trẻ bất hạnh ấy đã có một tuổi thơ cơ cực, vất vả không được hưởng tuổi thơ ngây thơ hồn nhiên như những đứa trẻ khác và có lẽ với những những bộ quần áo sặc sỡ, xinh xắn, những ngày cắp sách tới trường chỉ mãi mãi là giấc mơ không thành hiện thực. Rồi cũng có những cụ già đã lớn tuổi, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng lý phải được quây quần bên con cháu, thì trái lại họ vẫn phải lăn lộn vất vả bên mảnh vườn chật hẹp, bên mấy mớ rau, cải quả của vườn nhà để bòn mót từng đồng tiền nuôi thân, nuôi cả con cháu. Hoặc cũng có những phận đời bước ra đi từ những miền quê nghèo đất cày lên sỏi đá, bươn chải nơi thành phố trong những căn trọ chật hẹp, ẩm thấp, mục nát, làm những công việc vôi vữa nặng nhọc, làm công nhân để chắt chiu dành dụm gửi về cho gia đình. Hoặc đó cũng có thể là những người dân hằng năm phải gánh chịu thiên tai bão lũ, họ không chỉ mất mát về tài sản, vật chất và đau đớn hơn họ còn có thể mất đi cả những người thân yêu nhất trong gia đình… Điểm chung ở tất cả những kiếp người ấy là sự tàn tạ, đáng thương và khốn khổ vô cùng, họ cũng muốn tìm cho mình một lối thoát cuộc đời cứ mãi mịt mù như vậy. Chúng ta là những con người may mắn có cuộc đời hạnh phúc, dù rằng chưa đến mức giàu có, đại gia gì nhưng mỗi người sống ở trên đời cần có tấm lòng bao dung, nhân hậu, yêu thương và sẵn lòng giúp đỡ những phận đời cơ cực ấy bằng những khả năng mà chúng ta có. Tránh đi những thái độ, dè bỉu coi khinh, xa lánh những người mang phận “lá rách”, thay vào đó chúng ta phải biết thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia đấy mới là hành động đẹp, mang tính nhân văn, góp phần làm cho xã hội ngày một tươi sáng hơn, khiến cho những con người cùng khổ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu trong cuộc sống. Có câu nói rằng “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, có thể hiểu rằng khi chúng ta sẻ chia và cho đi một thứ gì mà không cần nhận lại, nhưng chính bản thân chúng ta cũng đã nhận lại được “hương thơm”, ấy là niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn, khiến cho trái tim chúng ta trở nên tươi sáng và yêu đời hơn hẳn. Hơn thế nữa, việc giúp đỡ một ai đó khi học gặp khó khăn chưa bao giờ là việc khó khăn cả. Nếu một người buồn bã bạn chỉ cần ở bên an ủi và lắng nghe họ, với một đứa bé bán vé số bạn chỉ cần mua giúp nó một vài tờ vé số để đứa bé ấy có thể về nhà sớm hơn. Nếu gặp một bà cụ lang thang bán kẹo, bạn hãy mua giúp bà một thanh kẹo ngọt, hoặc nếu gặp một người ăn xin khốn khổ, thì chỉ một vài ngàn lẻ của bạn có khi cũng đã đủ khiến họ hạnh phúc rồi. Hoặc đối với những nạn nhân của thiên tai bạn có thể đóng góp quần áo cũ, sách vở, lương thực hoặc đơn giản nhất là bạn chỉ cần tiết kiệm năm, mười ngàn tiền một bữa sáng bỏ vào thùng quyên góp. Như vậy là bạn đã chia sẻ được một phần nào khó khăn của họ rồi. Bạn thấy đấy việc chia sẻ và giúp đỡ người khác chưa bao giờ là khó khăn, vấn đề nằm ở chỗ bạn có thực sự muốn thực hiện nó bằng tấm lòng bao dung của mình hay không thôi.

Tóm lại “Lá lành đùm lá rách” là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, giáo dục cho con người lòng yêu thương con người, tinh thần đoàn kết dân tộc, biết sẻ chia giúp đỡ những người gặp khó khăn bất hạnh. Mà mỗi thế hệ chúng ta cần phải biết kế thừa và phát huy thật tốt truyền thống cha ông để lại, để làm giàu đẹp tâm hồn, để ít đi những cuộc đời khốn khổ, để thế giới này thêm phần ấm áp hơn.

—/—

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

Rate this post

Viết một bình luận