✔ Tổng hợp các bài văn mẫu được chọn lọc chi tiết và các dàn ý cho đề bài giải thích câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Từ đó có thể vượt qua những kì thi quan trọng và hiểu sâu sắc hơn về câu tục ngữ này để có thể áp dụng trong cuộc sống.
Bài viết liên quan
Dàn ý giải thích câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Đối với đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí như trên, chúng ta cũng tiến thành lập dàn ý theo trình tự 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Nên nhớ mỗi phần đều phải có những luận điểm rõ ràng.
Dàn ý số 1
Mở bài
- Giới thiệu về lòng biết ơn
- Giới thiệu lòng biết ơn thông qua câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Gợi ý: Học sinh có thể lựa chọn cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp để tăng độ hấp dẫn cho bài văn.
Thân bài
#1. Giải thích
- Nghĩa đen: Ăn quả phải nhớ tới công trồng cây, bao gồm công vun xới, chăm bón của người trồng cây. Để rồi ta có những trái ngon ngọt
- Nghĩa bóng: Người được hưởng thành quả lao động từ nhiều mặt cần phải nhớ công ơn người giúp đỡ ta trong lúc khó khăn hoạn nạn
#2. Chứng minh
- Phần này tập trung chứng minh về tính đúng đắn của câu tục ngữ.
#3. Mở rộng liên hệ
- Liên hệ về chính bản thân mình và các tấm gương trong thời nay
Kết bài
- Nêu lại quan điểm về câu tục ngữ
- Nhắc nhở mọi người luôn phải nhớ lấy nguồn cội của bản thân
Dàn ý số 2
Mở bài
-
Giới thiệu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những câu tục ngữ được ông cha để lại để khuyên dạy con cháu.
Thân bài
#1. Giải thích
– Nghĩa đen: Quả là loại thực phẩm rất cần thiết cho con người, vì vậy khi ăn một loại quả nào đó cần nhớ tới những người đã ngày đêm chăm sóc để cho chúng ta ăn.
– Nghĩa bóng: Chính là những thành quả, thành tựu được ông cha để lại, hay là để có được chúng ta ngày hôm nay thì nhờ công ơn phụng dưỡng của ông bà cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô. Phải biết ơn những người đã có công lao, những hy sinh, mất mát để cho chúng ta có được ngày hôm nay. (Dẫn chứng cụ thể)
#2. Chứng minh
– Thờ cúng tổ tiên, tổ chức các ngày lễ tạ ơn.
– Tổ chức các ngày tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh như: ngày thương binh liệt sỹ 27/7, 20/11. Hay là tôn vinh trao tặng giấy khen, hỗ trợ cho mẹ việt nam anh hùng và gia đình thương binh liệt sỹ. Ngoài ra, nhà nước còn tổ chức lưu giữ các di sản văn hóa do ông cha ta để lại.
#3. Tại sao cần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”?
-
Vì tất cả những thứ chúng ta thừa hưởng được ngày hôm nay là do công lao cha ông để lại
-
Giúp bản thân thấy hạnh phúc.
-
Làm cho gia đình và đất nước cảm thấy tự lào.
-
Làm cho con người trở nên giá trị.
#4. Phản biện
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một truyền thống tốt đẹp, nhưng bên cạnh đó, vẫn có một vài thành phần giới trẻ hiện nay không biết trân trọng. Nhiều trường hợp còn đi ngược lại với truyền thống này của ông cha ta để lại.
#5. Rút ra bài học cho bản thân
-
Sống là phải biết ơn
Kết bài
Cảm nhận của bản thân về lòng biết ơn. Là một người con đất Việt cần lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Dàn ý số 3
Mở bài
-
Dẫn dắt vấn đề và giới thiệu câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Thân bài
#1. Giải thích
-
Nghĩa đen: Khi ăn hưởng thụ những trái ngon thì phải nhớ người đã làm ra, trồng ra cây đó.
-
Nghĩa bóng: Chúng ta luôn biết ơn, nhớ đến công lao của người đi trước, những người đã cho chúng ta hưởng được thành quả như bây giờ.
-
Những thành quả chúng ta được hưởng là mồ hôi, công sức, trí tuệ của các bậc cha anh phải đánh đổi mồ hôi, công sức.
-
Phản ánh truyền thống vô cùng tốt đẹp, cần phát huy truyền thống ấy.
-
Là thước đo nhân phẩm đạo đức của con người.
#2. Biểu hiện
-
Biết ơn cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè những người giúp đỡ khi khó khăn.
-
Duy trì phong tục tổ tiên, làm cơm ngày giỗ, những ngày lễ hội lớn 20/11; 10/3; 27/7.
-
Biết ơn những anh hùng liệt sĩ, các danh nhân văn hóa dân tộc.
#3. Bình luận
-
Phê phán những lối sống cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa.
#4. Bài học cá nhân về ăn quả nhớ kẻ trồng cây
-
Tùy thuộc vào mỗi lứa tuổi, xuất phát từ chân thành,không vụ lợi.
-
Ra sức học tập chăm sóc báo đáp ông bà cha mẹ, trở thành công dân có ích cho xã hội.
-
Kế thừa, phát huy tiếp nối những truyền thống đạo lí của dân tộc, hoàn thiện bản thân.
-
Biết sống có ý nghĩa tốt đẹp, cống hiến cho đất nước.
Kết bài
-
Khẳng định giá trị câu tục ngữ.
-
Liên hệ bản thân.
Văn mẫu giải thích câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Bài viết số 1
Từ xưa đến nay dân tộc Việt Nam có truyền thống về lòng biết ơn, tôn trọng những công lao dựng nước và giữ lấy nước của cha ông ta. Đất nước được hòa bình, độc lập và cuộc sống ấm no hạnh phúc là nhờ công ơn to lớn ấy. Mỗi chúng ta sinh ra đều có nguồn cội. Ông cha ta có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chỉ một câu đơn giản đã khắc họa được tầm quan trọng của lòng biết ơn. Khuyên chúng ta nhớ đến cội nguồn những bậc sinh thành đã sinh ra ta, cho ta cuộc sống tốt đẹp với sự biết ơn sâu sắc nhất. Không ai trên đời tự nhiên được sinh ra đời, chúng ta đều có nguồn cội có cha mẹ sinh ra nuôi dạy dưỡng dục ta khôn lớn và thành công như ngày hôm nay. Vì vậy nên chúng ta nên biết ơn và đền đáp công lao to lớn và sự hi sinh thầm lặng của đấng sinh thành.
Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đưa ra lời khuyên cho tất cả mọi người phải có lòng biết ơn. Nghĩa đen là “Ăn quả” là lựa chọn những quả ngon nhất ngọt nhất của cây để thưởng thức. Nhưng khi ăn ta phải nhớ đến người đã hết lòng chăm sóc, bón phân, tưới nước để cây trái tươi tốt và có những quả ngon ngọt cho chúng ta ăn. Nhưng chúng ta nên biết rằng đó chỉ là nghĩa đen, nhưng khi nhìn câu tục ngữ ta cũng đoán được phần nào ý nghĩa câu tục ngữ muốn nhắn nhủ điều gì. Câu tục ngữ khuyên chúng ta khi nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hưởng thụ những điều có sẵn từ người khác thì hãy biết ghi nhớ công lao của người đã làm ra nó. Người xưa thật tinh tế khi sử dụng phép ẩn dụ bằng hai hình ảnh quen thuộc với mọi người “Ăn quả” là sự thừa hưởng, kế thừa những thành quả giá trị vật chất và tinh thần. Còn hình ảnh “ Kẻ trồng cây” là muốn nói những người đi trước đã sáng lập, cống hiến sức lao động đã tạo ra những giá trị tinh thần, thành quả tốt đẹp đó. Những thế hệ trước đã xây dựng sẵn cho những thế hệ mai sau kế thừa, gìn giữ và phát huy.
Tại sao chúng ta phải ăn quả nhớ kẻ trồng cây đơn giản vì tất cả những thành quả mà ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên mà có các bạn ạ. Nó phải đánh đổi cả thời gian, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của biết bao nhiêu người đi trước đã tạo ra và lưu truyền giữ gìn cho ta tới ngày hôm nay. Họ mang lại cho ta cuộc sống hạnh phúc đầy đủ như bây giờ là điều không dễ dàng phải trải qua biết bao gian nan, thử thách khó khăn.
Những biểu hiện thể hiện khắc họa rõ cho câu tục ngữ đó chúng ta cùng điểm qua một số ngày trọng đại được dân tộc ta chọn ngày tưởng nhớ công ơn của cha ông ta ngày xưa. Để có nền độc lập, đất nước thái bình như hiện giờ thì dân tộc ta phải trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, bốn ngàn năm đô hộ giặc tàu, tám mươi năm đô hộ giặc tây, phải gánh chịu biết bao đau thương, mất mát người thân gia đình, đồng đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn rằng: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Các anh hùng liệt sĩ, họ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập thống nhất đất nước của dân tộc ta họ đã phải cả tính mạng của bản thân để lấy sự vinh quang cho nước nhà. Để biết ơn những công lao to lớn đó đảng ta đã chọn ngày 27-07 hằng năm để làm ngày Thương binh liệt sĩ để vinh danh những tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bản thân mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, để cùng tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ anh hùng cách mạng.
Do đó mỗi chúng ta được ăn no, mặc đẹp, được học tập phát triển ổn định như ngày hôm nay là nhớ các chiến sĩ cách mạng, hãy ghi nhớ công ơn của họ, hãy nhìn về quá khứ để hiểu được thành quả của ngày hôm nay là điều không dễ dàng có được. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ dân tộc, ông cha ta đã nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn “ Tôn sự trọng đạo”, “ Muốn sang thì bắt cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” cũng tương tự như câu trong bài nghị luận mà ta cần làm rõ như ở đề bài “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để tỏ lòng biết ơn với thầy cô đã truyền đạt kiến thức cho chúng ta để có được thành công như hôm nay. Ngày 20/11 ngày nhà giáo Việt Nam là ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm đây được xem là lễ hội của ngành giáo dục, ngày tôn sự trọng đạo nhằm mục đích tôn vinh những giáo viên đã góp phần nâng cao chất lượng giảng trong sự nghiệp trồng người. Những ngày này học sinh thường tặng hoa và biếu quà cho các thầy giáo để tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô kính yêu của mình.
Không ngẫu nhiên mà nước ta có ngày 10/3 ngày giỗ tổ Hùng Vương để nhớ công ơn dựng nước ông ta cha có câu dành riêng cho ngày lễ trọng đại này: “ dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba”. Lòng biết ơn được thể hiện rất nhiều trong cuộc sống trong cuộc sống hàng ngày, đơn giản chỉ là lời nói cảm ơn với những ai sẵn sàng giúp đỡ, thể hiện qua hành động thực tế như biết ơn công ơn sinh thành của cha mẹ là phải phụ giúp việc nhà san sẻ một phần cơ cực của ba mẹ, cố gắng học tập thật giỏi để không phụ lòng thầy cô giáo. Mỗi cá nhân phải biết thể hiện tấm lòng mình với người đã giúp đỡ mình trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Mặt khác sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Mọi điều tốt đẹp mà ta đang hưởng thụ như hiện tại là do công sức của biết bao nhiêu người đi trước. Từ bóng cây xanh ngoài đường che mát cho ta khi những trời nắng nóng của ngày hè, từ những con đường mòn, đường đèo mà ta có để đi như ngày nay là biết bao công sức khai hoang đường xá để ta có thể tự do đi du lịch tất cả mọi nơi trên cả nước. Những hạt lúa hạt gạo dẻo thơm mà hằng ngày ta thưởng thức cũng trải qua một quá trình chăm sóc, vun trồng, bón phân, tưới nước đều đặn mới có được. Người nông dân đã dãi nắng dầm sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đã làm ra nó. Rồi đến tấm áo, bộ đồ đẹp ta mặc, chiếc giày ta mang cũng đều bởi những bàn tay khéo léo của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù bỏ sức lao động để làm cho ta. Những di sản văn hoá nghệ thuật, những thành tựu độc đáo sáng tạo để lại cho con cháu sau này. Rất nhiều những công trình vĩ đại, đồ sộ nữa mà thế hệ trước đã làm nên nhằm mục đích phục vụ thế hệ con cháu chúng ta mai sau. Những thành quả đó là những công sức lớn lao, sự tâm huyết của mỗi người dồn lại đã tạo nên một thành quả vô cùng to lớn thật đáng khâm phục và tự hào để ngày nay chúng ta cần biết ơn, phát huy, tu dưỡng, phát triển những di sản tốt đẹp đó. Những lòng biết ơn, kính trọng không phải chỉ là lời nói mà còn cần hành động để tỏ lòng thành kính đến công ơn to lớn của cha ông ta.
Mỗi người chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ và phát huy thành quả tốt đẹp đó như câu “người ăn quả” của hiện tại là “người trồng cây của mai sau”. Truyền thống đó cứ tiếp nối nhau từ đời này sang đời khác. Cha mẹ, thầy cô là những người đóng vai trò là người trồng cây được nhắc ở câu tục ngữ, còn con cái và học sinh là những người ăn quả. Vì vậy, qua đó nhắn nhủ là những người con trong gia đình phải hiếu thảo với cha mẹ, là học sinh phải cố gắng học tập thật giỏi, vâng lời thầy cô của mình. Khi chúng ta làm tốt bổn phận làm con, làm học sinh thì đó là sự biết ơn sâu sắc của mình dành cho những người hy sinh thầm lặng nuôi daỵ, yêu thương ta.
Tuy nhiên trong thực tế xã hội không phải ai cũng mang trong người có lòng biết ơn từ tâm, một số người họ sống vô ơn với những người tố sẵn sàng ra tay giúp họ. Chỉ biết nghĩ lợi ích cho riêng mình, không nhớ đến sự giúp đỡ của người khác để đền đáp trả ơn. Những câu ca dao nói lên sự vô ơn : “Ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, vong ơn bội nghĩa…”. Cần lên án và bài trừ những đức tính không tốt làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống tinh thần của mọi người trong xã hội.
Lòng biết ơn là một trong những truyền thống đạo lí của dân tộc ta từ bao đời nay được ghi ấn trong tiềm thức của mỗi người, thể hiện rõ tinh thần hết sức tốt đẹp, sâu sắc và trường tồn mãi theo thời gian. Nhờ sự khắc ghi và tưởng nhớ công ơn của thế hệ cha ông đi trước phải biết trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát huy mãi về sau. Để có được cuộc sống hạnh phúc, ấm no sống trong nền hòa bình như ngày nay đều trải qua quá trình lao động, sản xuất chăm chỉ, tình thần đoàn kết để hướng về một tương lai tốt đẹp. Những con người tần tảo, chịu thương chịu khó không ngại khó khăn, cực nhọc để cống hiến cho tổ quốc thân yêu. Quá trình xây dựng nước nhà phát triển được như hiện tại là không hề đơn giản mà đạt được họ phải trải qua những ngày lao động mệt nhọc, thấm đẫm mồ hôi nước mắt thậm chí là sự hi sinh mất mát vô cùng to lớn.
Chúng ta phải trân quý và không được lãng phí những thành quả đó cũng thể hiện lòng biết ơn. Câu tục ngữ trên giúp ta hiểu được về đạo lý làm người. Lòng tôn kính, sự biết ơn không thể thiếu trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta luôn phải trau dồi những phẩm chất cao quý đó, hãy biết rèn luyện, phấn đấu bằng những hành động nhỏ nhất vì nó không tự có trong mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải biết ơn những người đã có công dẫn dắt ta trong cuộc sống nhất là đối với những người trực tiếp giúp đỡ chỉ bảo ta như cha mẹ, thầy cô. Bài học đó sẽ mãi là một kinh nghiệm sống ẩn chứa trong câu tục ngữ trên và nó có vai trò, tác dụng rất lớn đối với cuộc sống này.
Giới trẻ ngày nay là thế hệ mang trọng trách to lớn để đưa nước ta đến một tầm cao mới. Các bạn phải giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu đó là lòng biết ơn mà ông cha từ xưa để giữ gìn đến ngày nay. Chúng ta luôn nhớ công lao to lớn của những anh hùng cách mạng đã giữ nền hòa bình, nhớ công ơn sinh thành hiếu thảo với mẹ cha, nhớ những người tốt đã giúp đỡ mình khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Đây là những hành động rất thiết thực không quá khó để thực hiện.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” chính là nét đẹp, bản sắc, đạo lý vô cùng quý báu của dân tộc ta. Hãy cùng gìn giữ và quý trọng, hãy sống sao để tưởng nhớ, biết ơn, mở rộng trái tim nhân hậu của chúng ta để cùng tạo nên những trang sử mới tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam. Những ai có lòng biết ơn sẽ thấy tâm trạng thoải mái, an nhiên, thấy cuộc sống vui tươi, hạnh phúc, nhân ái hơn. Lòng biết ơn là phẩm chất đáng quý tạo nên đức hạnh tốt đẹp cho mỗi người. Sống sao cho trọn tình trọn nghĩa với những người có lòng tốt giúp đỡ, nuôi nấng mình chắc chắn các bạn sẽ nhận lại được muôn vàn điều tốt đẹp hơn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các bạn hãy luôn phát huy truyền thống tốt đẹp như câu tục ngữ trên các bạn nhé.
Nguồn: verbaLearn.com
Bài viết số 2
Ca dao tục ngữ Việt Nam là một kho tàng về tri thức được ông cha ta đúc kết và truyền lại cho không biết bao nhiêu thế hệ, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những câu tục ngữ được ông cha ta để lại nhằm khuyên nhủ, răng dạy con cháu khi làm bất cứ một việc gì đó phải luôn nhớ tới cội nguồn của mình.
Cho dù là mang nghĩa đen hay nghĩa bóng câu tục ngữ này đều có ý nghĩa sâu sắc, là một đạo lý tốt đẹp về lòng biết ơn mà ai trong chúng ta cũng cần phải có. Chúng ta cùng nhau xét về khía cạnh nghĩa đen của nó, quả là loại trái mà chúng ta sử dụng hằng ngày và là một loại thực phẩm không thể thiếu, câu tục ngữ với hàm ý khi ăn bất kì một loại trái nào đó chúng ta cần phải biết nguồn gốc của nó, hoa quả không tự nhiên mà có, nếu không có người trồng cây có lẽ sẽ không có những loại trái ngọt lành cho chúng ta ăn. Từ đó chúng ta phải biết ơn đến những người vun trồng, chăm sóc.
Về nghĩa bóng nó muốn nói với chúng ta rằng chúng ta cũng cần phải nhớ tới công ơn cha mẹ người đã mang chúng ta đến với cuộc đời này, nếu không có họ có lẽ chúng ta sẽ không có cơ hội để ngắm được cuộc sống đầy màu sắc, là con người thì chúng ta cần phải biết ơn ông bà cha mẹ là người đã có công chăm sóc nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta, công ơn sinh thành đã lớn và công ơn dạy dỗ cũng không kém phần quan trọng, là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cũng cần phải nhớ tới công ơn thầy cô, những người lái đò đưa chúng ta sang bến bờ của tri thức nếu không có những người thầy có lẽ chúng ta sẽ chẳng phát huy được hết khả năng của mình, để minh chứng cho công ơn to lớn của thầy cô ông cha ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Ngoài ra, để có được nền hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay thì ông cha ta đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ, biết bao nhiêu mồ hôi xương máu, biết bao nhiêu sự hy sinh, mất mát. Trong các cuộc chiến tranh của dân tộc, lớp lớp thế hệ cha anh lên đường ra chiến trường, họ bỏ lại mẹ già, con thơ, vợ trẻ để lên đường cống hiến cho đất nước. Và chúng ta cũng không thể nào quên đi ký ức “mùa hè đỏ lửa”, 81 ngày đêm thành cổ quảng trị, hay sự hy sinh anh dũng của chị Võ Thị Sáu và còn rất nhiều sự hy sinh khác nữa, có những sự hy sinh đã để lại những mất mát to lớn cho tới ngày hôm nay. Ví dụ như trong đại dịch covid-19 đang hoành hành như hiện nay chúng ta cần phải biết ơn những “chiến sĩ áo trắng”, những con người không sợ khó sợ khổ hy sinh hạnh phúc của bản thân để chiến đấu với đại dịch bất chấp nắng mưa hay thời tiết oi bức. Sự hy sinh thầm lặng của họ sẽ góp phần cùng cả nước, cả thế giới chiến thắng đại dịch Covid-19 để mang lại sự bình yên cho mỗi người dân, mỗi gia đình và cho cả cộng đồng. Vì vậy, là người Việt Nam chúng ta phải biết quý trọng những thành quả, những sự hy sinh đó, họ đã hy sinh hạnh phúc của bản thân và rồi kết quả là chúng ta có được một cuộc sống yên bình hạnh phúc, ấm no và tự do như ngày hôm nay. Đó chính là những gì mà tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” muốn nhắn nhủ đến chúng ta.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã trở thành truyền thống lâu đời của người Việt ta, cho dù là ngày xưa hay ngày nay đều có những phương thức nhớ ơn tổ tiên, chứ không chỉ đơn thuần là nói suông. Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, hay trong các thôn xóm người ta thường lập các miếu, đền. Và chúng ta cũng có các ngày như: 27/7 ngày thương binh liệt sĩ ghi nhớ những người đã có công hy sinh cho dân tộc, hay ngày 20/11 ghi nhớ công ơn của thầy cô. Bên cạnh đó nhà nước còn có những hành động như tổ chức chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, quan tâm thương binh, bệnh binh gia đình liệt sỹ và trao tặng nhiều giấy khen, huân chương có giá trị. Ngoài ra, nhà nước còn tổ chức bảo tồn tu sửa và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do ông cha để lại.
Vậy, tại sao chúng ta ăn quả lại phải nhớ người trồng cây? Bởi vì những gì chúng ta có được ngày hôm nay là do thế hệ đi trước để lại. Việc sống biết ơn sẽ làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc tuy không phải là thần dược nhưng nó là cách đơn giản nhất để bạn thấy hài lòng với cuộc sống từ đó mà sống tích cực hơn và trở thành người có ích cho xã hội, không những làm cho người thể hiện lòng biết ơn hạnh phúc mà nó còn làm cho người nhận cảm thấy những thành quả của họ tạo ra được trân trọng, từ đó làm cho những người xung quanh bạn hạnh phúc và yêu mến bạn hơn. Lòng biết ơn cũng thể hiện bạn là một người có phẩm chất đạo đức tốt bạn sẽ làm cho gia đình mình tự hào, có thể một ngày nào đó không xa bạn cũng sẽ làm cho đất nước cảm thấy tự hào về bạn và lòng biết ơn sẽ làm cho bạn trở nên giá trị hơn. Nếu duy trì thói quen biết ơn cũng là cách tốt nhất để kéo chúng ta ra khỏi thời gian khó khăn nhất, mang lại cho chúng ta sức mạnh tinh thần và sự cân bằng hơn.
Tuy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một truyền thống tốt đẹp, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số thành phần phản động vì lợi ích cá nhân mà có những hành động hay lời nói dung tục xúc phạm đến đất nước, có thể những kẻ đó trong quá khứ là những bọn tay sai cho quân địch, sẵn sàng bán nước vì lợi ích bản thân. Hay ở thời nay vẫn có vô số bạn trẻ ăn chơi đua đòi, bỏ bê học hành lừa dối cha mẹ thầy cô, sống ích kỷ thờ ơ vô tâm, chỉ biết hưởng thụ cho bản thân mà không biết những thứ họ đang có là nhờ đâu.
Vậy nên, chúng ta cần phải hình thành thói quen biết ơn ngay từ ngày hôm nay. Đó là hãy cố gắng học tập thật tốt và trở thành một người có ích cho xã hội. Đặc biệt phải luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thầy cô những người đã giúp đỡ chúng ta. Hãy nói lời cảm ơn với những người xung quanh mình một cách chân thành. Không những giữ gìn những thành quả của thế hệ trước để lại mà còn phải nâng cao giá trị và tạo ra nhiều giá trị hơn nữa để có thể đưa đất nước vương tầm thế giới, và để lại những thành quả cho thế hệ mai sau nữa.
Câu tục ngữ đã truyền tải cho chúng ta đạo lý làm người. Lòng biết ơn là thứ không thể thiếu. Là người người con đất Việt chúng ta phải cố gắng phấn đấu để giữ gìn và phát triển những thành quả mà cha ông ta để lại.
Nguồn: verbaLearn.com
Bài viết số 3
Ca dao, tục ngữ là những viên ngọc quý báu không thể thiếu của kho tàng văn học Việt Nam. Nếu những bài ca dao là những lời ca câu hát ngọt ngào thì tục ngữ là những kinh nghiệm về lao động sản xuất, những bài học quý về đạo lí sống tốt đẹp của dân tộc được cha ông ta đúc kết để truyền lại cho các thế hệ sau học tập và noi theo. Một trong những đạo lý quý giá ấy là lòng biết ơn đã được ông cha ta gửi gắm qua câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đây cũng là một truyền thống văn hóa của người Việt về sống tình nghĩa ở đời.
Câu tục ngữ trên tuy có hình thức ngắn gọn xúc tích về mặt chữ nghĩa, được cô động chỉ trong sáu từ nhưng lại mang đến nhiều ý nghĩa sâu xa. Trước tiên là về nghĩa thực hay còn gọi là nghĩa đen những thế hệ trước đã rất tinh tế khi mượn những hình ảnh quen thuộc, gần gũi là quả và kẻ trồng cây, để khuyên răn về những triết lí đạo đức. Đó chính là sự kết tinh ngọt ngào, là thành quả của cả một quá trình chăm sóc, vun trồng nặng nhọc, vất vả của người nông dân. Là sản phẩm sau bao mồ hôi, nước mắt, chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì những người trồng cây đã được đền đáp xứng đáng bằng những mùa thu hoạch trái thơm, quả ngọt. Chúng ta thường chỉ quan tâm để ý thành quả lao động cuối cùng mà quên đi đằng sau đó là cả một quá trình gian khổ, đầy nỗ lực của người làm ra. Vì vậy khi được hưởng thụ quả ngọt trái thơm thì phải biết ơn, nhớ tới công lao trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ, dãi nắng dầm mưa của người khác bỏ ra. Xuất phát từ nghĩa thực đó, cha ông ta đã gửi gắm thêm một lớp nghĩa sâu xa hơn là: Khi chúng ta được hưởng thụ bất cứ thành quả nào đó trong cuộc sống thì phải biết ơn công lao người đã tạo ra chúng, ghi lòng tạc dạ họ khi đã ra sức cống hiến, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay cũng là lời khuyên dạy sâu sắc phải biết trân trọng giữ gìn những gì mình đang có, đang được thừa hưởng, để từ đó có ý thức sống ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn, biết đền ơn đáp nghĩa, hướng về cội nguồn dân tộc biết “ Uống nước nhớ nguồn”. Bằng biện pháp ẩn dụ đa nghĩa kết hợp với những đặc điểm quen thuộc của tục ngữ, sử dụng các hình ảnh đặc trưng độc đáo và hàm súc câu nói “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lại càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của sự biết ơn: “ Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”. Vậy tại sao chúng ta phải cần biết ơn người trồng cây? Tất cả những thành quả về vật chất cũng như tinh thần mà chúng ta đang được hưởng thụ ngày nay không phải tự nhiên mà có được. Bạn có biết rằng bất cứ thứ gì trong cuộc sống mà đã và đang sử dụng, đang tận hưởng hằng ngày đều nhờ vào bao công sức, trí tuệ, xương máu của lớp người đi trước tạo nên. Từ những thứ đơn giản, nhỏ nhất, hạt cơm ta ăn nước ta uống, từ ngôi nhà ta ở đến những quần áo, cây kim đều phải trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất, nhờ vào bàn tay cần cù, tỉ mỉ, sự lao động gian khó vất vả của người làm ra. Thật vậy, mọi thứ ta được hưởng hôm nay thật không dễ dàng mà có được, đều phải có cội nguồn rễ gốc “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọt, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”, con người chúng ta cũng vậy.
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”
Truyền thống luôn hướng về cội nguồn, luôn cảm thấy biết ơn những thế hệ trước luôn là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Lòng biết ơn ấy cũng là một trong những tiêu chí trong thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của con người giúp nảy sinh, hình thành những đức tính đáng quý, thể hiện những truyền thống quý báu khác như lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo. Đã có bao giờ bạn tự hỏi làm sao mình có mặt được trên đời? Đó chẳng phải là công lao to lớn biển trời của cha mẹ hay sao? Họ là những người đã có công lao sinh thành, nuôi dưỡng,chăm sóc ta trưởng thành nên người, lo cho ta được sống đầy đủ trọn vẹn, là chỗ dựa tinh thần vật chất, luôn đồng hành với ta khi gặp khó khăn, thử thách, buồn vui, sướng khổ khác:
“Ơn cha núi chất trời Tây
Láng lai nghĩa mẹ nước đầy biển Đông”
Ngoài những người trồng cây đem lại những thành quả lao động ngon ngọt cho đời mà còn là những người thân như cha mẹ, thầy cô giáo, họ đã và đang nỗ lực cố gắng hi sinh vì sự nghiệp trồng người, những người thầy không chỉ trao cho ta những vốn tri thức quý giá, những bài học tốt đẹp mà còn luôn ủng hộ cổ vũ những ước mơ lí tưởng của ta, giúp cho con thuyền tuổi trẻ cập bến đến bến bờ thành công trong cuộc sống.
“Ngày nào em bé con con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha, áo mẹ, công thầy
Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao”
Chúng ta cần phải nhớ những người đã giúp đỡ, hỗ trợ ta trong lúc gian nan, hoạn nạn, vực dậy tinh thần bạn những lúc đau buồn thất bại nhất, cũng nhờ những người như thế đã không bỏ bạn mà đi những lúc ta sa cơ lỡ bước mà mới có được như ngày hôm nay. Họ có thể là những người bạn bè cùng trang lứa giúp đỡ nhau trong học tập, có thể là những người xa lạ chưa quen biết nhưng vẫn sẵn sàng đưa tay ra để cùng chia sẻ những khó khăn trong công việc, sự nghiệp trên đường đời đầy khắc nghiệt, nếu bạn gặp được những người đáng gặp như thế quả thật là một điều may mắn và đáng để biết ơn. Dù bạn là ai, đang có những thành tựu, danh vọng, địa vị cao sang như thế nào đi nữa thì cũng không được quên đi người đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ ta để có được những thành công đó, những người đã đồng cam cộng khổ, luôn kề vai sát cánh trong khi mọi người xung quanh đã rời bỏ ta mà đi. Thế nhưng lòng biết ơn mà câu tục ngữ “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ” muốn nhắn nhủ không chỉ dừng lại ở đó nó còn được biểu hiện phong phú ở nhiều phạm vi, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đạo lí sống ân nghĩa, sống trong thủy chung, biết ơn những thế hệ đi trước này còn được khẳng định và chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc vẫn được giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ. Phong tục thờ cúng tổ tiên, làm cơm ngày giỗ để thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên, với cội nguồn con dân đất Việt, hằng năm vẫn tổ chức duy trì các lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ hội đền Hùng: “ Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”, tiến hành tổ chức các ngày kỉ niệm của cha mẹ, ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 8/3, 20/10 để nhắc nhở về những công lao của những người phụ nữ Việt Nam. Để có được nên hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc như bây giờ, chúng ta còn phải biết ơn, khắc ghi những thế hệ cha anh ngày trước, những vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, những bà mẹ anh hùng, thương binh liệt sĩ, họ đã không ngại hi sinh máu xương tuổi trẻ của mình, ra sức cống hiến, chiến đấu để tổ quốc hôm nay được màu mỡ về mảnh đất quê hương, chan hòa tiếng sóng vỗ.
Vậy ngày nay chúng ta cần làm gì để nớ đến kẻ trồng cây, để biết ơn đền đáp tri ân sao cho đúng. Tùy vào đúng lứa tuổi, vị thế xã hội mà cần có thái độ hành động thiết thực bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành, đúng đắn, không vụ lợi cá nhân, ra sức học tập rèn luyện để báo hiếu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, trở thành niềm tự hào của gia đình và họ hàng, một công dân có ích cho xã hội. Biết rèn luyện nhân phẩm, đạo đức, ngày càng hoàn thiện bản thân, tôn trọng những thành quả lao động, cống hiến của người khác, giữ gìn, kế thừa và phát huy những truyền thống, những lễ hội tốt đẹp của dân tộc, biết sống hướng về cội nguồn tổ tiên. Luôn thực hiện tốt những trách nhiệm, bổn phận của mình sao cho xứng đáng với những thế hệ cha anh đi trước, ra sức xây dựng đất nước ngày càng văn minh tốt đẹp. Đồng thời cũng cần biết phê phán những kẻ vong ơn bội nghĩa, qua cầu rút ván, ăn cháo đá bát, ăn cây táo rào cây sung… sống ích kỉ, vô cảm, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”
Câu tục ngữ ấy đã mang đến những triết lí nhân văn sâu sắc, những bài học đầy ý nghĩa về cách sống biết ơn, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc ta, nó không đơn thuần là đạo lí phải biết công ơn mà còn là thước đo nhân phẩm, đạo đức của mỗi con người, là nhiệm vụ của mỗi chúng ta. Nhận thức đúng đắn về những ý nghĩa tốt đẹp của các câu tực ngữ ta sẽ biết sống tốt hơn, có ích hơn đối với gia đình và xã hội, biết ơn những người đã và đang nỗ lực ra sức cống hiến và bảo vệ đất nước như các đội ngũ y bác sĩ, sinh viên tình nguyện, các chiến sĩ bộ đội ngày đêm chiến đấu để đẩy lùi dịch Covid 19. Từ đó, các mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó, gần gũi, xã hội ngày càng tiến bộ văn minh.
Bạn có biết bài đồng dao về sự biết ơn chưa: “ Ăn một bát cơm, nhớ người cày ruộng, ăn một con ốc nhớ người đi mò, sang đò nhớ người chèo chống, nằm võng nhớ người mắc dây, đứng mát dưới gốc cây nhớ người trồng trọt ”. Và cuối cùng là câu tục ngữ “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ”, tuy ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa phải không các bạn? Là lời căn dặn về đạo lí sống thủy chung về lòng biết ơn và sự đền đáp của người ăn quả và người trồng cây. Câu tục ngữ ấy cũng giúp cho tôi biết trân trọng những gì mình đang nhận được ngày hôm nay, biết hướng về cội nguồn để sống tốt đẹp hơn, biết tri ân và báo đáp. Và hơn hết có khát vọng trở thành những người trồng cây ấy để tạo ra nhiều trái ngọt cho thế hệ mai sau.
Nguồn: verbaLearn.com