Người ta không biết rõ Đạo giáo khởi phát lúc nào, chỉ thấy được là tôn giáo này hình thành qua một quá trình dài, thâu nhập nhiều trào lưu thượng cổ khác. Đạo giáo thâu nhiếp nhiều tư tưởng đã phổ biến từ thời Nhà Chu (1040-256 trước CN). Thuộc về những tư tưởng này là vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, bát quái, tứ tượng, thuyết về năng lượng, chân khí), thuyết âm dương và Kinh Dịch. Nhưng, ngoài chúng ra, những truyền thống tu luyện thân tâm như điều hoà hơi thở, Thái cực quyền, Khí công, Thiền định, thiết tưởng linh ảnh, thuật luyện kim và những huyền thuật cũng được hấp thụ với mục đích đạt trường sinh bất tử. Việc tu luyện đạt trường sinh có bắt nguồn có lẽ từ những khái niệm rất cổ xưa, bởi vì trong Nam Hoa chân kinh của Trang Tử, một tác phẩm trứ danh của Đạo giáo thế kỉ thứ 4 trước CN thì các vị tiên trường sinh bất tử đã được nhắc đến, và đại diện tiêu biểu cho họ chính là Hoàng Đế và Tây Vương Mẫu, những hình tượng đã có trong thời nhà Thương, thiên niên kỉ 2 trước CN.
Đạo trong sự trình bày của Lão Tử (609 trước CN) là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: “Người ta bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên”. Nó là nguồn gốc của vạn vật. Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào hình thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái Tĩnh vô hình thì Đức là cái Động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ
Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về Đạo ở Lão Tử thấm nhuần sâu sắc tinh thần biện chứng âm dương. Được chi phối bởi luật quân bình âm dương, vạn vật tồn tại theo lẽ tự nhiên một cách rất hợp lý, công bằng, chu đáo, và do vậy mà mầu nhiệm. Hợp lý, vì theo Lão Tử, lẽ tự nhiên giống như việc giương cung, cao thì ghìm xuống, thấp thì nâng lên. Công bằng, vì nó luôn bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu. Chu đáo, vì nó như cái lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Bởi vậy mà nó mầu nhiệm tới mức không cần tranh mà chiến thẳng, không cần nói mà ứng nghiệm. Mọi sự bất cập hay thái quá đều trái với lẽ tự nhiên, và do vậy sẽ tự điều chỉnh theo luật âm dương chuyển hóa: “vật hễ bớt thì nó thêm, thêm thì nó bớt”.
Từ đây, Lão Tử suy ra triết lý sống tối ưu là muốn làm việc gì, phải đi từ điểm đối lập, phải vô vi (không làm). Vô vi không có nghĩa là hoàn toàn không làm gì, mà là hòa nhập với tự nhiên, đừng làm gì thái quá. Vì làm thái quá thì theo luật âm dương “vật cực tắc phản”, kết quả thu được còn tệ hại hơn là hoàn toàn không làm gì. Triết lý vô vi áp dụng vào đời sống cá nhân là “chỉ vì không tranh nên thiên hạ không ai tranh nổi với mình”. Áp dụng vào đời sống xã hội, Lão Tử không tán thành lối cai trị cưỡng chế, áp đặt đương thời, ông nói muốn dân yên ổn thì cai trị một nước phải “giống như kho một nồi cá nhỏ”: cá nhỏ nên để yên, không cạo vẩy, không cắt bỏ ruột, khi kho không quấy đảo – cạo, cắt, khuấy đảo chỉ tổ làm cho cá nát. Đạo chẳng phải cái gì khác ngoài sự phạm trù hóa triết lý tôn trọng tự nhiên; còn Đức chính là sự phạm trù hóa luật âm dương biến đổi. Khổng thì “nhập thế”, “hữu vi”, còn Lão thì “xuất thế”, “vô vi”. Hegel từng nhận xét rằng tư tưởng của đạo Khổng thì nghèo nàn, còn Lão Tử mới xứng đáng là người đại diện cho tinh thần phương Đông cổ đại.[1]
Trong khi đạo của Khổng Tử hết sức thực tế vẫn không được dùng thì dễ hiểu là triết lý của Lão Tử càng không thể được sử dụng. Lão Tử phàn nàn: “Lời nói của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, thế mà thiên hạ không ai hiểu, không ai làm”.
Mãi đến Trang Tử (khoảng 369 – 286 tr.CN), học thuyết của Lão Tử mới lại được người đời chú ý.
Trong lĩnh vực nhận thức, phát triển tư tưởng biện chứng của Lão Tử, Trang Tử đã tuyệt đối hóa sự vận động, xóa nhòa mọi ranh giới giữa con người với thiên nhiên, giữa phải và trái, giữa tồn tại và hư vô, đẩy phép biện chứng tới mức cực đoan thành một thứ tương đối luận.
Trong lĩnh vực xã hội, nếu như Lão Tử chỉ dừng ở mức không tán thành cách cai trị hữu vi, thì Trang Tử căm ghét kẻ thống trị đến cực độ; ông không chỉ bất hợp tác với họ mà còn nguyền rủa, châm biếm họ là bọn đại đạo (kẻ trộm lớn).
Nhưng Trang Tử đẩy phép vô vi với chủ trương sống hòa mình với tự nhiên của Lão Tử tới mức cực đoan thành chủ yếm thoát thế tục, trở về xã hội nguyên thủy: “Núi không đường đi, đầm không cầu thuyền, muôn vật sống chung, làng xóm liên tiếp cùng ở với cầm thú”.
Trong cảnh loạn li cuối thời Đông Hán (thế kỷ thứ 2), tư tưởng của Lão Tử cộng với chất duy tâm mà Trang Tử đưa vào đã trở thành cơ sở cho việc thần bí hóa đạo gia thành Đạo giáo. Chủ trương vô vi cùng với thái độ phản ứng của Lão – Trang đối với chính sách áp bức bóc lột của tầng lớp thống trị khiến cho Đạo giáo rất thích hợp để dùng vũ khí tinh thần tập hợp nông dân khởi nghĩa.
Đạo giáo thờ “Đạo” và tôn Lão Tử làm giáo chủ, gọi là “Thái Thượng Lão Quân”, coi ông là hóa thân của “Đạo” giáng sinh xuống cõi trần. Nếu mục đích của việc tu theo Phật giáo là thoát khổ thì mục đích của việc tu theo Đạo giáo là sống lâu. Đạo giáo có hai phái: Đạo giáo phù thủy dùng các pháp thuật trừ tà trị bệnh, chủ yếu giúp cho dân thường khỏe mạnh; Đạo giáo thần tiên dạy tu luyện, luyện đan, dành cho các quý tộc cầu trường sinh bất tử. Kinh điển của Đạo giáo gọi là Đạo tạng kinh; ngoài sách về nghi lễ, giáo lý, Đạo tạng còn bao gồm cả các sách thuốc, dưỡng sinh bói toán, tướng số, coi đất, thơ văn, bút ký… tổng cộng lên đến trên 50 vạn quyển.
Đạo giáo thần tiên hướng tới việc tu luyện thành thần tiên trường sinh bất tử. Tu tiên có hai cách: nội tu và ngoại dưỡng. Ngoại dưỡng là dùng thuốc trường sinh, gọi là kim đan (hay linh đan, thu được trong lò bằng cách luyện từ một số khoáng chất như thần sa, hùng hoàng, từ thạch, vàng). Nội tu là rèn luyện thân thể, dùng các phép tịch cốc (nhịn ăn), dưỡng sinh, khí công… lấy thân mình làm lò luyện, luyện tinh thành khí, luyện khí thành thần, luyện thần trở về hư vô (Đạo). Con người cũng như vạn vật là từ “Đạo” mà sinh ra; cho nên tu luyện là trở về với “Đạo”
Lão Tử và Đạo đức kinh
Người ta biết được rất ít về cuộc đời Lão Tử. Sự hiện diện của ông trong lịch sử cũng như việc ông viết cuốn “Đạo Đức Kinh” đang bị tranh cãi rất nhiều. Lão Tử đã trở thành một nhân vật văn hóa quan trọng đối với các thế hệ người Trung Quốc tiếp sau. Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ (苦縣) nước Sở (楚), hiện nay là Lộc Ấp (鹿邑) thuộc tỉnh Hà Nam, trong những năm cuối thời Xuân Thu. Một số truyền thuyết nói rằng khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 70 năm rồi mới ra đời, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành “bậc thầy già cả”.
Theo truyền thống, và một tiểu sử gồm cả trong cuốn sử của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử và làm quan giữ sách trong thư viện triều đình nhà Chu. Khổng Tử đã có ý định hay đã tình cờ gặp ông ở nước Chu, gần nơi hiện nay là Lạc Dương, nơi Khổng Tử định đọc các cuốn sách trong thư viện. Theo những câu chuyện đó, trong nhiều tháng sau đó, Khổng Tử và Lão Tử đã tranh luận về lễ nghi và phép tắc, vốn là những nền tảng của Khổng giáo. Lão Tử cho rằng việc khôi phục lễ giáo thời nhà Chu của Khổng Tử để giúp thiên hạ thái bình là không thực dụng. Truyền thuyết Đạo giáo kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những gì có trong thư viện.
Sau này, Lão Tử nhận thấy rằng chính sự của đất nước đang tan rã và quyết định ra đi. Ông đi về phía Tây trên lưng một con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Truyền thuyết kể rằng có một người gác cửa tên Doãn Hỉ ở cửa phía tây của ải Hàm Cốc thuyết phục Lão Tử viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Cho tới lúc ấy, Lão Tử mới chỉ nói ra các triết thuyết của ông mà thôi, và giống như trường hợp của Chúa Giêsu, Phật, và Khổng Tử (những cuốn văn tuyển của họ hầu như được hoàn thành bởi các đệ tử). Theo yêu cầu của người lính đó, Lão Tử đã viết để lại cuốn “Đạo Đức Kinh”. Nhiều cuốn ghi chép và bức tranh về Lão Tử còn lại đến ngày nay, thường thể hiện ông là một người già hói đầu với một chòm râu trắng hay đen và rất dài; ông thường cưỡi trên lưng một con trâu.
Một số vấn đề vẫn còn được tranh luận về cuộc đời Lão Tử gồm:
Những tranh cãi đã nổ ra về việc “Lão Tử” là một bút danh của Đam, Thái sử Đam (太史儋); hay một ông già từ Lai, một quận thuộc nước Tề (齊); hay một nhân vật lịch sử nào đó
Cũng có người tin rằng “Đạo Đức Kinh” được viết như một cuốn sách hướng dẫn dành cho các vị vua về việc họ phải cai trị đất nước như thế nào theo một cách thức tự nhiên hơn: “Cai trị bằng cách không cai trị”. Điều này có thể thấy trong nhiều đoạn trong “Đạo Đức Kinh”, khi nói rằng: “Không tán dương người quyền quý thì người dân không tranh tụng” và “Không đề cao giá trị đồ quý thì người dân không tranh cướp” và “Dân chúng đói khổ là kết quả của thuế nặng. Vì thế, không có nạn đói”.
Đạo Đức Kinh
Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh, là một trong những cuốn chuyên luận đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc. Nó là kiệt tác được cho là của ông, đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên, “người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”, rằng con người cần sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, tu luyện để sống lâu và gần với Đạo.
Lão Tử đã phát triển khái niệm “Đạo”, với nghĩa là “Con đường”, thời Lão Tử mọi ngành nghề đều có một chữ “Đạo” đằng sau, Lão Tử nói Đạo của mình là “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh” (Đạo mà nói ra được thì không còn là đạo bình thường nữa, Tên mà đặt ra được thì không còn là tên bình thường nữa. Chữ Đạo ngoài nghĩa là “Đường” còn có nghĩa là “Nói”, Danh ngoài nghĩa là “Tên” còn có nghĩa là “Đặt tên”) và mở rộng nghĩa của nó thành quy luật hay nguyên lý của vũ trụ tuần hoàn và tác động lên vạn vật: “đạo là cách thức của thiên nhiên”. Ông nhấn mạnh khái niệm vô vi, “Hư vô thanh tĩnh, tự nhiên vô vi”, hay “hành động thông qua không hành động”, “hành động thuận theo tự nhiên không có mục đích phi tự nhiên”. Điều này không có nghĩa là người ta chỉ nên ngồi một chỗ và không làm gì cả, mà là hành động thuận theo tự nhiên, hành động theo nguyên lý vũ trụ, không bị ràng buộc vào mục đích cá nhân mạnh mẽ, vào dục vọng để đạt được một cái gì đó cụ thể. Những hành động được thực hành theo Đạo rất dễ dàng và có hiệu quả hơn mọi cố gắng để chống lại nó. Người ta hành động thuận theo tự nhiên khi thông qua tu luyện để hiểu về nguyên lý của vũ trụ, tự nhiên, và cải biến bản thân mình thành sinh mệnh cao cấp hơn. Lão Tử tin rằng cần phải tránh bạo lực khi có thể, và rằng một chiến thắng quân sự nên là dịp để đau buồn thay vì ăn mừng chiến thắng.
Giống với những lý lẽ phản đối do Plato đưa ra trong cuốn Cộng hòa về nhiều hình thái chính phủ, Lão Tử chỉ ra rằng các luật lệ để chuẩn hóa và cai trị chỉ dẫn tới một xã hội khó kiểm soát hơn. Lão Tử nói “Nếu dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì”, người ta có thể hiểu rằng nếu đặt ra quá nhiều luật lệ hà khắc để bắt nhân dân tuân phục nhưng trong tâm của họ không phục thì sẽ gây nên những tình huống khó khăn hơn về sau.
Tương tự như nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc khác, cách giải thích tư tưởng của ông luôn sử dụng sự nghịch biện, loại suy, sử dụng các câu nói từ trước, lặp lại, đối xứng, vần và chuỗi sự kiện lặp lại. Những đoạn văn được cho là của ông rất giống thơ và khó hiểu. Chúng được coi là những điểm khởi đầu cho sự suy xét về vũ trụ học hay quan sát nội tâm. Nhiều lý thuyết mĩ học trong nghệ thuật Trung Quốc bắt nguồn từ những ý tưởng của ông và người kế tục nổi tiếng nhất của ông là Trang Tử.
Trang Tử và Nam Hoa Kinh
Trang Tử (chữ Hán: 莊子; ~369 TCN – 286 TCN[1]), có tên là Mông Lại (蒙吏), Mông Trang (蒙莊) hay Mông Tẩu (蒙叟), là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu (莊周) và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử.
Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử.
Cũng như Lão Tử, tư liệu sớm nhất chép về Trang Tử là ở bộ Sử ký của Tư Mã Thiên. Sử gia Tư Mã Thiên viết về Trang Tử khá vắn tắt: “Trang tử, người đất Mông, tên Chu, làm quan lại ở Vườn Sơn (Tất Viên)” sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Nhưng điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Đất Mông được xác định nằm trong đất Tống, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú.
Cũng theo Tư Mã Thiên, Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười vạn câu (thập dư vạn ngôn) để châm biếm cái học của Khổng Tử và xiển minh học thuật của Lão Tử. Miêu tả tính chất thoát tục của Trang, Sử ký Tư Mã Thiên có đoạn viết:
Uy vương nước Sở nghe nói Trang Chu là bậc hiền tài bèn sai sứ đem vàng lụa đến mời đón hứa cho làm tướng. Trang Chu cười nói với sứ giả rằng:
“Nghìn vàng là lợi to, khanh tướng là ngôi quý đấy. Nhưng ông không thấy con bò lúc tế giao hay sao? Nó được ăn mấy năm, được mặc đồ vóc thêu để đưa vào nhà thái miếu. Lúc bấy giờ, muốn làm con lợn nhỏ có được không ? Ông đi ngay cho, đừng làm bẩn đến ta. Ta chỉ chơi đùa trong nơi ngòi vũng để tự vui, không để cho kẻ có nước trói buộc, trọn đời không ra làm quan để thoả chí ta.”
(Nguyên văn Hán-Việt: Thiên kim trọng lợi, khanh tướng tôn vị dã. Tử độc bất kiến giao tế chi hỉ ngưu hồ? Dưỡng thực chi sổ tuế, y dĩ văn tú, dĩ nhập Thái miếu. Đương thị chi thời, tuy dục vi cô đồn, khởi hà đắc hồ? Tử cức khứ, vô ô ngã, ngã ninh du hí ô trọc chi trung tự khoái.)
Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang.
Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích về phương Tây; với Trang Tử, người đời thường nhắc đến “Trang Chu mộng hồ điệp” như một huyền thoại.
Nam Hoa Kinh
Nam Hoa kinh (南華經) hay còn gọi Nam Hoa chân kinh (南華真經) là cuốn sách triết học nổi tiếng thường được cho là của Trang Chu thời Chiến Quốc viết. Cuốn sách ngoài giá trị triết lý còn có giá trị nghệ thuật rất cao, được Kim Thánh Thán liệt vào hạng nhất trong lục tài tử thư của Trung Quốc.
Theo truyền thuyết, Nam Hoa kinh được Trang Châu viết khi ông vào ở ẩn tại núi Nam Hoa thuộc nước Tống thời xưa. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, ngoại trừ Nội thiên, phần lớn sách Nam Hoa (tạp thiên, ngoại thiên) không phải do Trang tử viết mà là của hậu thế thêm vào. Sách được viết vào lúc nào, không ai nói chắc vì chính Trang tử cũng không ai chắc là sinh mất vào năm nào.