Giới trẻ hờ hững với “việc làng”

(HNM) – Đồng bằng sông Hồng là đất trăm nghề. Nhiều làng nghề có lịch sử vài trăm năm, có một quá khứ rực rỡ. Thế nhưng, theo nghiên cứu của Viện Gia đình và giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), lớp trẻ hiện nay đang xa rời nghề truyền thống và lý do không có gì khác ngoài ước muốn thu nhập cao.

Thoát ly để có thu nhập cao

Nghiên cứu mang tên “Định hướng giá trị của vị thành niên và thanh niên làng nghề vùng Đồng bằng sông Hồng trong phát triển làng nghề bền vững” do Thạc sĩ Trương Thị Thu Thủy và cộng sự thực hiện vào năm 2013, trên cơ sở khảo sát tại 4 làng nghề Phú Vinh (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Lộng Thượng, Xuân Phao (Hưng Yên). Phạm vi bao phủ của đề tài nghiên cứu không quá rộng nhưng kết quả cho thấy nét phác thảo đáng quan tâm về xu hướng chọn nghề của giới trẻ tại làng nghề truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo kết quả khảo sát, ngành nghề được nhiều vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) đánh giá cao nhất là giáo dục (18,2%), thứ hai là y tế (16,5%) và thứ ba là nghề kinh doanh (13,6%), chỉ có 5% VTN, TN đánh giá cao nhóm nghề thủ công.

 

Đào tạo nghề mây, tre đan cho thế hệ trẻ tại làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền

Nói về sự lựa chọn nghề nghiệp của lao động trẻ, Thạc sĩ Trương Thị Thu Thủy cho biết, tuy gia đình là giá trị được đại đa số TN Việt Nam quan tâm hơn bất cứ giá trị nào khác trong cuộc sống nhưng khi đưa ra tình huống cần phải cân nhắc giữa việc đi làm có thu nhập bình thường nhưng được ở gần nhà với việc phải đi làm xa gia đình, xa quê hương nhưng thu nhập cao thì có tới 47,2% VTN, TN được hỏi đã chọn đi làm xa để có mức thu nhập cao; chỉ có 18,6% chọn phương án làm việc gần nhà dù phải chịu mức thu nhập bình thường. Số phân vân chưa biết nên “đi xa hay ở gần” chiếm tỷ lệ tương đối – 26,2%. Như vậy, suy nghĩ yêu gia đình, yêu làng xóm thì phải gắn bó, sống và làm việc tại quê hương ít còn tồn tại trong thế hệ VTN, TN hiện nay. Nghiên cứu cũng cho thấy 72,7% VTN, TN thích làm việc ở Thủ đô hoặc các thành phố lớn bởi điều kiện làm việc ở đó tốt hơn, công việc mang lại thu nhập thực tế cao và điều kiện sống cũng tốt hơn.

Nhóm nghiên cứu nhận xét rằng tại các làng nghề mà họ tiến hành khảo sát, lớp VTN trong độ tuổi đi học có làm nghề ngoài giờ học song chỉ với ý nghĩa phụ giúp cha mẹ là chính, không hẳn là học nghề để tính chuyện tương lai. Nhiều em mang trong mình mong muốn nghề nghiệp khác, một cuộc sống không gắn liền với nghề thủ công. Trong số TN đang làm nghề, cũng có người tâm huyết với nghề, thực sự yêu nghề, nhưng khi được hỏi có theo nghề lâu dài hay không thì những người trong cuộc đều tỏ thái độ dè dặt. Một nghệ nhân 53 tuổi ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) nói: “Ở làng này hiện vẫn có người ngồi đan, nhưng đó là những người nhiều tuổi, số TN ở nhà làm nghề đan còn lại rất ít. Sau 10 năm nữa, khi lớp người đang ngồi đan hôm nay già đi, lúc ấy sẽ không còn người làm nữa, làng nghề cũng sẽ mất đi”.

Rào cản đối với nghề truyền thống

Khó khăn của làng nghề hiện nay không chỉ thể hiện ở việc thị trường tiêu thụ bị co hẹp, mà còn ở sự hạn chế về nguồn vốn, khó khăn khi tìm cách vay vốn từ các ngân hàng, nguồn cung vật liệu khan hiếm và đắt đỏ, công việc vất vả… Chính những điều đó khiến nhiều TN muốn sống với nghề, muốn gắn bó với nghề nhưng đã nhụt chí. Đó là điều dễ hiểu bởi khi nhu cầu cuộc sống hằng ngày không được bảo đảm thì khó có thể nói đến đam mê làm nghề, bảo tồn nghề truyền thống. Nghệ nhân gốm N.T.L, 31 tuổi, người Phù Lãng (Bắc Ninh) cho biết: “Khi so sánh mình với các TN khác, em thấy bọn em vất vả hơn. Thời gian làm việc nhiều, hầu như phải làm cả ngày, nhiều đêm mưa gió vẫn phải dậy để chạy hàng, vậy mà thu nhập cũng chỉ bằng người đi làm ở các khu công nghiệp. Xu hướng chung của lớp trẻ bây giờ vẫn là học hành, nếu không thành đạt được nhờ việc học thì TN ở đây vẫn cố tìm cách để ra ngoài làm việc, rất ít người ở lại”.

Những cuộc trao đổi cho thấy các nghệ nhân làng nghề sẵn sàng truyền dạy bí quyết, những kỹ thuật tinh xảo góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của từng sản phẩm làng nghề quê mình, nhưng có ít người theo học. Những người thợ trẻ mải chạy theo thị trường, chọn làm những mặt hàng đơn giản về mặt kỹ thuật nhưng dễ tiêu thụ, họ không muốn học các kỹ thuật cao cấp. Cũng cần phải nói rằng vai trò của các nghệ nhân chỉ được phát huy trong việc truyền nghề, còn trong định hướng nghề nghiệp hay tạo việc làm nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ gắn bó với nghề thì phần lớn nghệ nhân “lực bất tòng tâm”. Bất lực là bởi ngay chính các nghệ nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ nghề, tìm cách sống được bằng nghề. Một số nghệ nhân chỉ có đơn hàng nhỏ, đủ nuôi sống gia đình; ngay cả người nhà nghệ nhân cũng phải đi kiếm việc làm khác, nói gì đến việc tạo việc làm – thu nhập nhằm giữ TN ở lại làm nghề truyền thống. Một nghệ nhân 53 tuổi, ở Phù Lãng, nói với nhóm nghiên cứu: “Tất nhiên là thị trường nay mai sẽ có sự điều chỉnh, nhưng ai mà biết được nó sẽ như thế nào, cho nên, nếu làm được việc khác thì cứ làm”.

Lao động trẻ là lực lượng tham gia duy trì và phát triển nghề truyền thống, thế nhưng, vì mưu sinh, phần lớn đã lựa chọn nghề khác, môi trường sống và làm việc khác. Chuyện ở làng nghề Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, như đã nói ở trên, cũng có thể đang xảy ra ở nhiều địa phương khác, về lâu dài chắc chắn để lại hậu quả xấu đối với định hướng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, để lao động trẻ gắn bó với nghề, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích lực lượng trẻ theo nghề của địa phương; ban hành chính sách đãi ngộ phù hợp hơn đối với các nghệ nhân làng nghề truyền thống – để danh hiệu nghệ nhân không “hữu danh vô thực”. Và điều quan trọng hơn cả là hỗ trợ làng nghề tìm được “lối ra” ổn định.

Rate this post

Viết một bình luận