NSGN – Phật giáo luôn khế hợp với mọi thời đại. Thành tựu công nghệ hiện đại không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh thổ, tạo mối tương giao giữa các nền văn hóa và văn minh trên thế giới; tạo nhiều cơ hội học hỏi hiểu biết, trao đổi những tinh hoa đặc thù giữa các quốc gia, tôn giáo với nhau mà còn giúp cho Phật giáo phát huy tiềm năng ảnh hưởng của mình cả bề rộng lẫn bề sâu.
Phật tử tại gia biết cùng nhau chọn nếp sống hướng thiện – Ảnh minh họa
Cuộc sống vốn đầy những gam màu. Mỗi kiếp người lại chọn cho mình một gam màu riêng, tùy theo nhận thức kiếp sống. Bị giới hạn trong thể xác năm uẩn khiến con người khó vượt lên cao hơn trong ước muốn vô cùng. Cho nên, mỗi người mỗi cảnh, có những lúc không tránh khỏi bị đè nặng bởi những đau khổ mà người khác hoặc bản thân mình gây ra, và không tránh khỏi có những quãng thời gian sống thiếu niềm tin vào con người và cuộc đời, bi quan về tương lai, buông xuôi theo số phận.
Thế nhưng, trước những gam màu cuộc sống ấy, hàng Phật tử tại gia – trưởng thành trong niềm tin kính Tam bảo – biết cùng nhau chọn nếp sống hướng thiện, vươn tới những điều cao cả. Bài viết này nêu lên cách thức để giữ tâm kiên định, cần giữ niềm tin cuộc sống có Phật, một lòng hướng thiện, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, đồng thời, đề xuất những phương pháp giữ niềm tin vững chắc trong thời hiện đại nhiễu nhương này.
Niềm tin cuộc sống có Phật
Đức Thế Tôn xuất hiện giữa thế gian đã từng ưu tư đến những vấn đề rốt ráo của con người nên tự mình dấn thân tìm con đường giải thoát ra khỏi tình trạng bấp bênh sóng gió của cuộc đời hay các biến cố rủi ro khác nhau. Để rồi, suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, Ngài mang chân lý hiện sinh đi vào cuộc đời. Những làng mạc, những thôn xóm mà Ngài đi qua đều thấm nhuần lợi ích với những ai thực hiện: việc làm đúng, lời nói đúng, và tư duy suy nghĩ đúng đắn. Lời dạy của Ngài vừa mang ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có giá trị về mặt xã hội, đặc biệt thể hiện giá trị đạo đức cao đẹp và tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Là một tôn giáo có tầm ảnh hưởng đối với xã hội loài người, sự tồn tại lâu đời của đạo Phật nhờ một hệ thống giáo lý trong Tam tạng kinh điển mà nổi bật nhất là tư tưởng, triết học, văn hóa, xã hội, nhân văn, kiến trúc, nghệ thuật; đã cống hiến cho nhân loại những giá trị không thể phủ nhận. Trên tất cả các lĩnh vực thì giáo dục Phật giáo bao trùm rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Và đó là một thiết chế xã hội, là chức năng cần thiết cung cấp kiến thức và đào tạo một con người hoàn thiện về nhân cách đạo đức cũng như lối sống chuẩn mực và giúp cho con người ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân và gia đình để sẵn sàng phục vụ và góp phần công bằng xã hội.
Trong xã hội đó, Đức Phật nêu cao giá trị làm người. Mặc dù cuộc đời vô thường, giả tạm và năm uẩn không có tự thể riêng biệt, song con người còn có thể vận dụng được xác thân ngũ uẩn ấy để chuyển hóa vô minh và giải thoát phiền não. Trong mối tương quan tương duyên của cộng đồng xã hội, mỗi người đều có giá trị hiện hữu bình đẳng. Không ai có quyền nhân danh bất cứ thế lực gì để chà đạp lên quyền sống và quyền làm người của kẻ khác. Làm người ai cũng muốn bảo vệ sự sống, ai cũng muốn tránh khổ đau và mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có sự tôn nghiêm trong tư cách làm người; cho nên phẩm giá của con người là giá trị phổ quát, không một ai có thể chối bỏ hay chà đạp. Nếu từng cá nhân tự chuyển hóa tâm thức để giải tỏa những vấn đề trong chính họ, nghĩa là họ đã giảm trừ hay tận diệt vô minh và các phiền não gây ra bất an khổ não, thì cộng đồng xã hội có thêm một thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng.
Một lòng hướng thiện
Đời người phải là một quá trình nỗ lực vươn lên không ngừng. Không phải chỉ khi nào đời ta đang đi trong bóng tối lầm lạc mới cần hướng thiện, mà bất cứ ai cũng đều có nhu cầu phải nhận ra bản thân mình hiện tại vẫn chưa hoàn thiện để rồi nỗ lực vươn lên nếp sống hướng thiện – ngay trong từng ngày ta đang sống. Bởi vì, cuộc sống là gì nếu không phải là tự đấu tranh với cái xấu của chính mình, là tự vượt lên chính mình mỗi ngày hay sao? Vì thế, lòng hướng thiện luôn tiềm ẩn nơi mỗi tâm hồn đang khát khao vươn lên trong cuộc sống, và vượt lên chính mình là chuyến hành trình khó khăn nhất! Tuy vậy, lòng hướng thiện giúp ta có một bản lĩnh vững vàng để có thể đủ sức giữ mình trước muôn vàn cám dỗ. Từ đó, chúng ta tránh được những cạm bẫy, vượt lên được những mặt trái của xã hội. Chính lối sống hướng thiện sẽ đưa ta trở về nẻo chính đường ngay, tìm lại được niềm tin và hạnh phúc chân thật của cuộc sống!
Cuộc sống của mỗi người luôn cần đến niềm tin. Một trong những điều nguy hiểm nhất ở con người là đánh mất niềm tin nơi con người và cuộc sống; mất niềm tin nơi những giá trị đạo đức tốt đẹp của cuộc sống. Khi mất niềm tin vào cuộc sống, sẽ giảm sút ít nhiều nghị lực vươn lên; đánh mất ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân mình. Việc mất niềm tin nơi con người và cuộc sống có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do. Trước hết, có thể là do bản thân mình đã phải chứng kiến hoặc gánh chịu quá nhiều đau khổ do những việc làm xấu ác của người khác mang lại, nhưng quan trọng hơn, mất niềm tin vào cuộc sống cũng có thể do bản thân mình thiếu sự tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.
Thiết nghĩ, không nên chỉ nhìn vào những bề trái cuộc sống rồi vội đánh mất niềm tin cuộc sống của bản thân. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Nhiều khi, mất niềm tin cuộc sống là do bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện; nhất là không chịu mở rộng tấm lòng để học hỏi, khám phá những ý nghĩa sâu xa của đời sống. Cho nên, cuộc sống vốn dĩ luôn có những quy luật của nó. Bề trái của cuộc sống chính là những thử thách cho lòng hướng thiện. Nếu không có bề trái của cuộc sống thì lòng hướng thiện của chúng ta nào còn ý nghĩa gì? Những người thông minh, sâu sắc và có tâm hồn rộng mở sẽ luôn nhìn thấy những khía cạnh tích cực trong cuộc sống mà những người bình thường khó có thể nhìn thấy được.
Có niềm tin mãnh liệt nơi con người, tin tưởng ở những điều tốt đẹp và tin tưởng chính bản thân mình thì mới có thể sống hướng thiện và tiếp tục gieo rắc thật nhiều hạt mầm hướng thiện cho người khác. Có thể, khi người khác nhìn vào lối sống tốt đẹp của bản thân ta, họ có thể có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào các giá trị đạo đức tốt đẹp của cuộc sống, để từ đó cũng sẽ nỗ lực vươn tới điều thiện và sống tốt hơn. Đồng thời, những ai có lòng hướng thiện chính là những con người biết nhìn nhận hạnh phúc cuộc sống của mình trong mối tương quan với hạnh phúc của nhiều người khác, với xã hội, và với hạnh phúc của cả nhân loại. Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng muốn sống bên cạnh những người tốt, để có thể chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Những người tốt là những người đem lại cho chúng ta hạnh phúc, bình an. Không ai muốn sống bên cạnh những kẻ xấu, bởi lúc nào cuộc sống cũng đầy những bất an; lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ những chuyện không hay hoặc những điều hiểm nguy bất chợt xảy đến với mình.
Chính vì những lý do đó, lòng hướng thiện phải trở thành nền tảng tinh thần trong đời sống của bản thân mỗi người. Lòng hướng thiện giúp mỗi con người tự hoàn thiện mình và nâng cao giá trị của bản thân, làm cho nhân cách bản thân mình trở nên thanh cao. Chính vì vậy, chỉ có nỗ lực sống hướng thiện mới là cội nguồn của hạnh phúc.
Nuôi dưỡng tâm Bồ-đề
Tâm Bồ-đề là gì? “Đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sanh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm, giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ-đề tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta”2.
Như vậy, Bồ-đề tâm vốn là mấu chốt của sự tu tập; là đích đến và cũng là điểm khởi hành. Với người Phật tử, phát Bồ-đề tâm không những là bước đầu mà còn là căn bản, không những là căn bản mà còn là cứu cánh. Cho nên, sau khi phát tâm Bồ-đề cần nuôi dưỡng, giữ gìn Bồ-đề tâm, vì“ngoài nỗi khổ sinh tử mà mình mục kích và ý thức, có hai chuyện mà Kinh Luật đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật và tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn, hay tương lai của Phật pháp”3. Và hạt giống ấy, “không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng nào xa xôi, cũng không chỉ đợi được gieo vào một vùng đất hứa thần thoại nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa mạc sanh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của chúng sanh này. Rồi hạt giống ấy cần phải được tưới bằng nước ngọt của từ bi để lớn mạnh, để đến thời trổ hoa giác ngộ.”4
Và chúng ta biết, phát khởi và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề là thể hiện chí nguyện hoằng pháp, dẫu đó là con đường đầy dẫy nội ma ngoại chướng. “Giờ đây, những trang sử Phật giáo đã được các Thánh Tăng, các Bồ-tát viết bằng chất liệu Từ bi, Trí tuệ và Hùng lực, cần phải được tiếp nối bởi những người con Phật. Hãy lên đường, đi để thấy, đến để thấy, để làm trong sáng niềm tin của mình, và mang niềm tin ấy đến cho nhiều người. Hãy đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, đến với những người cùng khổ, những người bị đoạ đày bởi từng miếng cơm manh áo; đến với những người sống trong bóng tối dày đặc của vô minh, những người bị bủa vây bởi những tâm thức cuồng loạn để chia sẻ niềm vui nỗi buồn, những khổ nhọc của hình hài, những đọa đày của tâm trí, để có thể giúp họ khai sáng tâm thức và khi tâm thức họ được khai sáng thì mọi sự ngay trong bản thân cũng như bên ngoài của họ hoàn toàn thay đổi, thay đổi một cách kỳ diệu…”5
Giữ tâm kiên định trước mọi phong ba
Trong làn sóng khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, cùng những biến động của Phật giáo, ít nhiều đã chi phối lối suy nghĩ, nếp sống của người Phật tử. Với người thuần thành, đó chỉ là con sóng lao xao trước cuộc thế; với người tín tâm chưa kiên cố thì sanh tâm nghi ngờ, lo sợ; với người ngoài cuộc thì xem thử điều gì sẽ xảy ra.
Với tâm tư thù oán, người ta đưa ra các thông điệp đầy chất liệu căm thù, khích động con người tạo nên sự nghi ngờ giữa con người với nhau, tạo nên hố ngăn cách tình cảm kiếp người. Một khi con người đã bị nhấn chìm trong dòng sông thông tin hoảng loạn thì bản chất tinh khiết đã bị vẩn đục, tầm nhìn đã bị che khuất; cái thấy chân chính, cái tư duy chính đáng không còn là ánh đuốc soi đường chỉ lối thì kiếp người lạc vào ma đạo; tâm tư con người luôn bị thiêu đốt bởi lửa sân hận của hỏa ngục, của kiếp đọa đày.
Vì vậy, Phật giáo luôn khích lệ con người sống tốt để hoàn thiện ứng xử; giữ niềm tin kiên định của người Phật tử, bởi trong tâm chúng ta luôn có hình ảnh từ hòa của Đức Từ Phụ. Hình ảnh Ngài vượt qua mọi chướng ngại và cản trở của ma quân trên lộ trình giác ngộ là năng lượng hùng hồn giúp chúng ta giữ được niềm tin kiên định trước mọi phong ba cuộc đời. Và ví như biển cả, không bao giờ dung chứa tử thi và cả mọi nhơ bẩn đều bị đánh bật vào bờ thì những chúng sanh chỉ lợi dụng hình thức tôn giáo như một niềm tin thời thượng, chạy theo xu thế thì đây là dịp giúp làm sạch những cấu uế trong ngôi nhà Chánh pháp.
Vì vậy, trong cuộc sống, khi hướng dẫn người Phật tử hướng về nẻo Đạo, cần phải hướng dẫn ngọn nguồn của pháp Phật để dựng xây thế giới Tịnh độ giữa nhân gian. Một khi đã được tắm gội trong niềm an lạc đó thì thiên ma ngoại chướng làm sao cản được bước chân hùng lực này. Do đó, với tâm nguyện gìn giữ ngọn đèn Chánh pháp để soi sáng cho chúng sanh trên bước đường hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, mong rằng gốc rễ tâm linh, quyết giữ gìn bằng việc, thứ nhất là hiểu và tin Phật Pháp. Làm thế nào để hiểu, chúng ta phải giảng giải Phật pháp bằng ngôn ngữ hiện tại, phù hợp với tâm tư con người thời nay. Và ngôn ngữ ấy, đòi hỏi người giảng pháp phải có sự thuần thục về ngôn ngữ, biết chọn ngôn từ phù hợp với tâm tư chúng sanh. Chỉ có như vậy, người Phật tử mới có niềm tin, niềm tin tuyệt đối; tự mình thở bằng chính hơi thở của mình.
Thứ hai, thực hành. Sau khi có niềm tin và hiểu được Phật pháp thì người Phật tử phải thực hành sự tin và hiểu đó. Nếu cái biết mà chỉ về mặt tư duy, triết lý mà không đem ra để thực hành trong đời sống để mang lại an lạc hạnh phúc cho chính mình mà chỉ là thỏa mãn những nhu cầu về tri thức thì điều đó không thể mang lại lợi ích thiết thực cho chình mình. Chánh pháp của Đức Như Lai là đến để mà thấy, đến để thực tập mới thấm nhuần niềm an lạc giải thoát. Muốn không khát nước thì phải uống nước, chứ nhìn ly nước mà không chịu đến để uống thì kiếp kiếp không bao giờ hết khát.
Thứ ba, cùng đồng nguyện dựng nên cảnh giới Tịnh độ. Trong xu thế phát triển của nền kinh tế hội nhập hiện nay, Phật tử phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp, ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Cho nên người Phật tử ngoài việc tự thân mình nỗ lực tinh tiến, họ cần phải được trang bị Phật pháp mới có thể làm tốt được trách nhiệm cũng như bổn phận của người Phật tử. Đó là trách nhiệm với gia đình, với xã hội.
Đối với gia đình, mỗi người Phật tử phải có trách nhiệm chăm lo mọi công việc, cùng với các thành viên trong gia đình xây dựng một cuộc sống lành mạnh, phát triển kinh tế gia đình, sống hiếu thuận, cư xử nhu hòa đúng theo tinh thần Chánh pháp để tạo nên hương thơm Tịnh độ. Đối với xã hội, mỗi Phật tử là một công dân cho nên phải có trách nhiệm thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân, tuân thủ pháp luật, sống lành mạnh, giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; phát huy truyền thống đạo đức, giao lưu, học hỏi với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới; kiên quyết loại bỏ luồng văn hóa độc hại, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội cũng như đạo pháp.
Kết luận
Tóm lại, trong vị thế người Phật tử trước những phong ba của cuộc đời, mỗi người phải tự thân mình vượt qua những ham muốn thường tình để điều phục chính mình; phải xác định rõ lý tưởng qua việc hiểu và tin Phật pháp, đồng thời đem ánh sáng đó soi vào cuộc sống hàng ngày để được nuôi dưỡng bằng năng lượng Chánh pháp và rồi đem ánh sáng đó góp phần vào xây dựng gia đình cũng như xã hội để cùng nhau xây dựng cảnh giới Tịnh độ giữa nhân gian này. Khi tất cả người Phật tử đã có tín tâm kiên cố như vậy thì ngại gì những lao xao của cuộc đời mà phải bận tâm trước con sóng xô bồ đảo điên ấy.
Thích Thanh Tâm1
______________
(1) Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.
(2) Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận, Ban Tu thư Phật học viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, PL.2544 -2001.
(3) Đại sư Thật Hiền, Văn khuyến phát Bồ-đề Tâm, Trí Quang dịch.
(4) Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận, Ban Tu thư Phật học viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, PL.2544 -2001.
(5) Hòa thượng Thích Lệ Chân, “Bài phát biểu nhân dịp Phật đản – 2546”, Tập san Nghiên cứu Phật học Thừa Thiên – Huế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Hoà thượng Thích Lệ Chân, “Bài phát biểu nhân dịp Phật đản – 2546”, Tập san Nghiên cứu Phật học Thừa Thiên – Huế.
2- Đại sư Thật Hiền, Văn khuyến phát Bồ-đề tâm, Trí Quang dịch.
3- Thích Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng – theo gót chân Bụt, Lá Bối xuất bản lần hai, San Jose 1992.
4- Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận, Ban Tu thư Phật học viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Pl.2544 – 2001.
5- Thích Hạnh Bình, Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, https://thuvienhoasen.org/p21a26283/ai-thay-phap-la-nguoi-ay-thay-phat.
6- Trần Thị Giồng, Giữ sao cho tâm an giữa dòng đời vạn biến?, https://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/tu-van/giu-sao-cho-tam-an-giua-dong-doi-van-bien-a242427.html.
7- Tịnh Không, Mười điều trọng yếu của sự tu hành, https://thuvienhoasen.org/p21a13059/10-dieu-trong-yeu-cua-su-tu-hanh.
8- Chân Hiền Tâm, Ba đại nguyện của phu nhân Thắng Man, https://thuvienhoasen.org/p21a25043/ba-dai-nguyen-cua-phu-nhan-thang-man.
9- Tịnh Tâm, Thưởng thức tinh tế ‘Tâm bất động’: Giữ mình thanh cao trước sóng gió cuộc đời, https://www.dkn.tv/nghe-thuat/thuong-thuc-tinh-te-tam-bat-bien-giua-dong-doi-van-bien-bai-hoc-cua-vi-thien-su-ve-giu-tam-bat-dong.html.
10- Thích Quảng Tánh, Biển lớn không dung chứa tử thi, https://thuvienhoasen.org/p21a16367/3/bien-lon-khong-dung-chua-tu-thi.