Khi trẻ ở vào độ tuổi vị thành niên, các vấn đề tâm sinh lí mà trẻ phải trải nghiệm thực sự rất phức tạp. Nguyên nhân là bởi sự nảy sinh hàng loạt các yếu tố mới để tạo nên một giai đoạn phát triển bứt phá cho trẻ, chính điều này tạo nên một độ hẫng nhất định ở trẻ vì chính trẻ cũng chưa kịp hiểu rõ điều gì đang xảy ra với mình. Từ sự không ổn định này, trẻ dễ bị tác động bởi các yếu tố như sự xúi giục, hành động bạo hành, lợi dụng và lạm dụng tình dục. Điều này đòi hỏi bố mẹ phải thực sự quan tâm đến trẻ và trang bị kịp thời cho trẻ những cách thức để tự bảo vệ chính mình.
Cung cấp cho trẻ kiến thức về các dấu hiệu nguy hiểm
Bố mẹ cần giúp trẻ nhận diện các biểu hiện của hành vi nguy hiểm bằng những mô tả chi tiết. Hãy cùng trẻ liệt kê những tác động tiêu cực đến tinh thần và thể chất bằng câu hỏi đặt vấn đề: “Theo con, những hành vi nào mà người khác dành cho mình thì được xem là nguy hiểm?”. Đáp án mà chúng ta có thể thống nhất cùng trẻ sẽ là: chửi mắng, đe dọa, nói xấu, bôi nhọ danh dự, làm bản thân mình hoang mang, luôn tạo sự lo lắng cho mình, rủ rê làm chuyện vi phạm nội quy, thân mật quá mức, đối đãi tốt một cách vô lý, … Và một số những hành vi rõ ràng, ở mức độ cần được báo động khẩn cấp chính là: đánh đập, hành hạ, ép buộc làm việc quá sức, làm suy yếu thể trạng và làm cơ thể kém phát triển, dụ dỗ sử dụng chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, ma túy,…). Trong số các dấu hiệu nguy hiểm thì hãy lưu ý với trẻ nếu bắt gặp những dấu hiệu cho thấy có khả năng bị xâm hại tình dục thì: cần tìm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Trẻ cần được bố mẹ tư vấn để “định hình” người tốt – kẻ xấu
Mặc dù mỗi cá nhân sẽ có quan điểm riêng của mình về lòng tốt, và không phải người xấu thì với ai họ cũng xấu. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu về mặt nhân cách cho thấy việc để trẻ kết giao, tiếp cận với các đối tượng này là vô cùng nguy hiểm. Bố mẹ không thể luôn có mặt bên cạnh trẻ mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, trẻ cần được hình thành nhận thức để tự mình có thể chọn lọc được đối tượng đáng tin, ít nguy cơ mà giao tiếp. Những chỉ báo mang tính trừu tượng “người lạ, người xấu” không được xem là những thông tin lý tưởng và có ích thực sự đối với trẻ. Thay vào đó là những mô tả hành vi cụ thể: “hay cho quà mà không có lý do”, “rủ con đến nơi vắng người”, “đụng chạm vào những vùng kín (bikini) trên cơ thể con”, “lớn tiếng và dọa đánh”, “hay răn đe: không được nói cho ai biết”, “rủ hút thuốc lá”, “rủ chơi game và cá cược bằng tiền”,… Không nhất thiết bố mẹ phải là người liệt kê những chi tiết này cho trẻ. Tốt nhất, hãy hỏi trẻ “gặp một người nào đó, làm sao con có thể biết họ người tốt hay kẻ xấu?”. Từ câu trả lời của trẻ, bố mẹ chỉ cần ghi nhận những ý kiến đắt giá và bổ sung thêm các chỉ báo cần thiết mà thôi!
Cảnh báo con về hiện tượng “đại bàng”
Đối với bạn cùng trang lứa của trẻ, bố mẹ hãy lưu ý rằng, có khá nhiều học sinh trung học cơ sở bị bạo hành ở trường: bị bạn trêu chọc đến xấu hổ, bị đánh đập, giấu đồ dùng học tập, bắt ép đưa hết tiền ăn quà mà không dám nói cho giáo viên. Bố mẹ nên dành thời gian mỗi ngày trò chuyện với trẻ, để ý những biểu hiện bất thường ở trẻ như: cáu gắt, buồn bã khi đi học về, sợ đến trường, kết quả học tập bất thường, trốn trong phòng, ít nói, lảng tránh, có thái độ giấu giếm bố mẹ,… Hãy chủ động gợi ý cho trẻ các cách giải quyết vấn đề ngay từ khi điều này chỉ là “giả thuyết”: hạn chế tiếp xúc, không gây sự với bạn, mạnh dạn thông báo với người lớn nếu mình nhận được các dấu hiệu đe dọa. Bố mẹ cần nhấn mạnh với trẻ rằng: việc chịu đựng hoặc chống trả (dù là 1 mình hay có sự trợ giúp của nhóm bạn) chưa bao giờ là cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả.
Các cách ứng phó khi có nguy cơ bị bạo hành hay xâm hại tình dục
- Điều quan trọng nhất, phải báo ngay cho bố mẹ. Trẻ không nên giữ im lặng, tự giải quyết hay chịu đựng khi bị hoặc có nguy cơ bị bạo hành và xâm hại.
- Không nhận tiền hay quà của người khác một cách không rõ ràng vì có thể họ đang muốn lợi dụng mình.
- Cảnh giác khi phát hiện có người theo dõi, có các dấu hiệu bất thường: nhìn chằm chằm, quan sát các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
- Tránh xa những nơi tụ tập đông người, chen lấn, có nguy cơ bị lợi dụng.
- Tuyệt đối không tự ý đi chơi qua đêm, cần xin phép và được sự đồng ý của bố mẹ.
- Không quá thân thiết và đụng chạm thân thể với người khác.
- Khi bị đe dọa, bắt nạt dù sợ hãi cũng không giấu giếm, vì càng giấu nguy cơ xấu đi càng cao.
- Trong các tình huống nguy hiểm cần chạy đến nơi đông người, tránh chạy vào nơi hẻo lánh, đường cùng.
- Lưu giữ số điện thoại bố mẹ, đường dây nóng của công an để kịp thời ứng cứu khi có tình huống nguy hiểm.
- Khi có xích mích với bạn bè tuyệt đối không được hẹn nhau để giải quyết riêng, có nguy cơ bị đánh đập, bạo hành thể xác.
Bố mẹ cần lưu ý khi dạy con ở tuổi dậy thì
Không né tránh các vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống, nhưng cũng không cần thiết phải “phủ màu xám” lên nó. Hãy tường thuật 1 cách khách quan nhất có thể để trẻ có dữ liệu chân thực về bối cảnh mà mình đang sinh trưởng để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhất cho việc lớn lên mỗi ngày. Trẻ chưa thực sự chín muồi về khả năng tự lập, nhưng trẻ cũng rất cần những hoạt động thoát ly khỏi bố mẹ. Vì thế, cấm đoán trẻ vui chơi, tham gia hoạt động tập thể hay cắm trại qua đêm vì các nỗi sợ là điều không tích cực cho sự phát triển của trẻ. Thay vì cấm đoán hãy cùng trẻ dự đoán nguy cơ và tư vấn cho trẻ những cách thức đề phòng, ứng phó để bảo vệ bản thân ở mức tốt nhất có thể.