HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH VỀ BIỆN PHÁP DẠY TRẺ KHI KHÔNG NGHE LỜI

Chắc chắn rằng, trong các gia đình đều có những tình huống mà bố mẹ yêu cầu con một điều gì đó mà trẻ lại không nghe lời. Nếu chúng ta không kìm chế và không có những kinh nghiệm nhất định sẽ dễ dẫn đến các tác động tâm lý không tốt cho trẻ.

 1. Không giảng đạo đức

 Không tuyên bố những điều trời ơi đất hỡi. Không giảng bài cho trẻ như thế nào là tốt, như thế nào là xấu. Nói chung, nguyên tắc một là không nói gì cả.

 2. Hành động

 Cha mẹ không cần giảng giải chỉ cần hành động. Hãy làm mọi thứ đúng theo những gì chúng ta định dạy trẻ. Ví dụ: Dạy trẻ chào mọi người thì việc đầu tiên là ta chào thật ngoan, thật lễ phép. Chào tất cả, từ ông bà, các cụ, đến trẻ nhỏ và…. chính cả đối tượng chúng ta đang dạy nữa. Cha mẹ cũng chào con… thật ngoan.

 3. Không nhắc nhở, để con bị trả giá

Cứ để con làm sai đi, sau mỗi lần sai, con sẽ học được sự trả giá. Đây chính là bài học thú vị khiến con phải rút kinh nghiệm rất nhanh. Trước khi con trả giá, cha mẹ chỉ nói trước chuyện gì sẽ xảy đến nhưng đó là quyết định của con thì cha mẹ không can thiệp.

 Ví dụ: Con gái tôi cực kỳ cá tính và bướng. Cháu hát hay nhưng lười đi học hát. Khi con gái xin nghỉ học hát, tôi tuyên bố một câu: “Con sẽ chỉ có một cơ hội học hát thôi, nếu con từ bỏ, vĩnh viễn mẹ không cho con cơ hội thứ hai và con sẽ ân hận về điều này”. Sau đó đúng là bé đã xin học hát lại khi bị bạn chê bai, tôi từ chối và bé vô cùng ân hận. Sự việc đã xảy ra 7 năm rồi nhưng bé vẫn nhớ.

 4. Đặt ra luật trong gia đình

 Một số việc trong nhà phải đặt ra luật rõ ràng, đó là những công việc và cách ứng xử trong gia đình. Những ai vi phạm luật sẽ bị phạt nặng. Cha mẹ nếu lâu lâu vi phạm thì cũng ngoan ngoãn chấp hành một hình phạt nào đó cho trẻ hài lòng vì thấy luật gia đình thật nghiêm minh và công bằng.

 5. Khi cần đưa ra lời khuyên, tuyệt đối không ép buộc

  Nếu cha mẹ ép buộc trẻ thực hiện, trẻ sẽ vô cùng khó chịu. Nếu việc gì cần ép buộc thì đưa vào luật gia đình.

 6. Cho trẻ lựa chọn các phương án xử lý

  Thay vì bắt trẻ phải theo một cách duy nhất, hãy cho trẻ lựa chọn các phương án, trong đó mỗi phương án cha mẹ sẽ kèm theo một hậu quả. Ví dụ, mẹ sẽ cho con chọn hai phương án sau: Một là con ăn nhanh trong thời gian 30 phút thì sau đó sẽ được đi chơi 15 phút ở nhà hàng xóm. Hai là con không ăn thì đứng úp mặt vào tường. Cha mẹ cứ yên tâm đi, trẻ sẽ chọn ngay phương án có lợi cho bản thân để thực hiện.

7. Khi chuẩn bị đưa ra hình phạt, hãy đếm

  Như vậy là trẻ được thêm cơ hội để giải quyết khó khăn. Ví dụ: Khi con không chịu tắm, cha mẹ nói: Mẹ đếm đến 10 mà con không vào tắm thì mẹ sẽ… (một hình phạt gì đó). Sau đó cha mẹ đếm và sẽ thấy trẻ chạy vào tắm nhanh lắm. Khuyên người khác không dễ, vì thế nếu như có ý định khuyên nhủ trẻ, hãy thực hiện theo các bước này cha mẹ nhé. Rồi các cha mẹ sẽ thấy mọi thứ đi vào quỹ đạo.

*Kinh nghiệm của một số phụ huynh:

 Cùng theo dõi xem các cha mẹ thông thái xử lý thế nào khi con không nghe lời nhé!

 1.Thể hiện thái độ thân mật với con

 Không nên áp dụng tuyệt đối phương pháp dạy nào đối với trẻ, vì mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Đối với mỗi lứa tuổi cũng cần có phương pháp riêng, tùy theo nhận thức của trẻ.

Khi bé không nghe lời, cha mẹ cần giải thích việc đó đúng sai như thế nào để cho bé hiểu, nếu bé tiếp tục không nghe, cha mẹ có thể áp dụng hình phạt để áp đặt buộc bé phải làm theo.

Ví dụ như: Trong bữa ăn cơm, bé không chịu ăn, người lớn thể hiện thái độ thân mật và giải thích, dỗ dành con (bé rất thích được nịnh), nếu bé không chịu ăn thì yêu cầu bé đứng vào một góc nhà.

2. Khích lệ để trẻ hợp tác và nghe lời

Thay vì chèn ép lập trường của con, cha mẹ hãy cho con cơ hội nói ra suy nghĩ của con, những lo lắng… rồi dựa vào đó đưa ra giải pháp tốt nhất.

Đánh giá cao về việc trẻ biết nghe lời như: Bố mẹ rất vui khi con biết nghe lời, con sẽ được mua đồ chơi hay quyển sách mà con thích nếu con thực hiện những việc sau…

Khi con không nghe lời: Đưa ra quy ước, ví dụ: Không được xem ti vi nếu chưa làm bài tập xong, chưa vẽ xong, hay chưa ăn xong… không được đi sang hàng xóm, anh em chơi khi chưa ăn xong… mà còn bị úp mặt vào tường…

Cho trẻ thấy được hậu quả của việc không nghe lời cha mẹ và khi vâng lời sẽ có thưởng. Không cần thưởng thường xuyên cho trẻ mà chỉ thi thoảng động viên trẻ bằng những phần thưởng nhỏ và nên nhắc trẻ rằng việc trẻ vừa làm là đúng.

Thay vì lên giọng quát con hoặc ép con phải làm việc gì đó hãy đề nghị trẻ làm việc như tự gấp quần áo, tự đánh răng… mà trẻ phản kháng hoặc phớt lờ, bạn hãy nói với con “Mẹ biết là con muốn tô màu, nhưng đánh răng xong con sẽ tô tiếp nhé!”.

Khi con không nghe lời bạn nên thương lượng, thì thầm nhỏ to với con, đưa ra cho trẻ nhiều lựa chọn, điều đó sẽ giúp trẻ có thể dễ dàng quyết định và thực hiện những mệnh lệnh của bạn. Giả sử thay vì học toán thì ta học môn khác khi bạn làm như vậy trẻ sẽ có được cảm giác thoải mái, cảm giác của quyền lực và đồng thời nó sẽ giảm đi sự chống cự của nó.

 

 

Thay vì áp đặt hình phạt nặng nề với con khi trẻ bướng bỉnh, không nghe lời, thì nhiều cha mẹ có cách xử lý theo cách riêng của mình. Ảnh minh họa

3.Tỏ ra không có phương án giải quyết cần con giúp đỡ

 Những lúc con không nghe lời mình cũng rất bực mình. Tuy nhiên, mình cũng chưa từng đánh con, mình thường gọi con lại đối diện và hỏi tại sao con không nghe mẹ nói, và nói lại vấn đề mình vừa đề cập với con và tỏ ra không có phương án giải

quyết cần con giúp đỡ.

 Khi con hào hứng và vui vẻ giúp đỡ mẹ, mình không quên nói lời cảm ơn con và khích lệ con bằng câu nói: “mẹ thật tự hào vì con”. Sau đó mình từ từ giải thích cho con thế nào là em bé biết nghe lời, và khi không nghe lời thì cha mẹ sẽ buồn thế nào, hậu quả ra sao.

4. Đếm số trước khi xử phạt con

Nhà có em nhỏ nên cô con gái lớn 3 tuổi của mình đang ở độ tuổi ương bướng, lì lợm và cố tình chống đối để gây sự chú ý của cả nhà. Thay vì trừng phạt con bằng roi như nhiều bà mẹ khác, mình thường cho con một cơ hội trước khi quyết định xử phạt con.

Cụ thể, khi con không chịu đi đánh răng, không chịu đi tắm hay không chịu lên giường đi ngủ theo lời mẹ… mình thường đếm “1-2-3”, khi ấy con gái hiểu rằng sau khi ngừng đếm, mẹ sẽ quyết định hình phạt cho mình nên mới chịu làm theo.

 5.Tính thời gian để con hoàn thành công việc

 “Mẹ sẽ áp dụng hình phạt với con nếu con không ăn hết xuất ăn này trong vòng 10 phút”, đây là câu nói trong mỗi bữa cơm nhà mình khi phải xử lý cậu con trai hơn 4 tuổi.

Ngay từ nhỏ con mình được ông bà nội chiều chuộng nên rất ương bướng, không chịu nghe lời, đặc biệt là lười ăn nên mình phải tìm cách trị con theo cách riêng thay vì nhẹ nhẹ nhàng khuyên bảo như trước kia, bởi không hiệu quả.

Trong bữa cơm của con, mình tính khẩu phần ăn cho con rồi đặt một chiếc đồng hồ trước mặt, chỉ cho con thấy, con phải hoàn thành bữa ăn của mình trong khoảng thời gian này.

 Ban đầu cậu bé ương bướng và luôn không hoàn thành trước thời gian, mình đã áp đặt hình phạt cho con bằng cách bắt con đứng góc nhà, vài lần bị phạt rồi nên bây giờ không cần đặt đồng hồ bé cũng nhanh chóng hoàn thành khẩu phần ăn của mình.

 

Rate this post

Viết một bình luận