Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự – Ai thiết kế cầu Thê Húc ?

Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Ai thiết kế cầu Thê Húc ?

Ngày 5.9.2012, độc giả Phạm Việt Hòa (cháu cụ Lan) phản hồi bài báo Món trang sức của hồ Gươm đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 4.9.2012, cho rằng bài báo viết chưa đúng về người thiết kế và xây dựng cầu Thê Húc. Thực hư của chuyện này thế nào?

Trước sự xuống cấp của đền Ngọc Sơn, Nguyễn Siêu, một nhà thơ và nhà văn hóa lớn của Hà Nội đã đứng ra cải tạo và nâng cấp vào năm 1865. Ông cho xây dựng đình Trấn Ba với ý nghĩa để ngăn chặn văn hóa ngoại bang, trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 m, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút và các công trình khác. Để nối bờ với đảo, Nguyễn Siêu đã cho làm cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Sau khi hạ thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp. Trước cảnh ngang trái ấy, có một thanh niên là Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh) đã đốt cầu vào cuối đông năm 1887, do sơ suất nên mấy ngày sau Hai Minh bị bắt. Sau khi cầu bị Hai Minh đốt, người ta sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để cho dân chúng vào lễ. Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: “Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1888 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng”.

Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền quá đông và cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn ba chục mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn, đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu, ông thiết kế bằng gỗ.

Trong một bài viết về kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999), đăng trên Tạp chí Kiến trúc năm 2008, kiến trúc sư đồng thời là nhà nghiên cứu và phê bình kiến trúc Ngô Huy Giao đã viết: “Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm tốt nghiệp Kiến trúc sư Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1939, khóa 9 (1934-1939).

Năm 1940-1946: Làm việc tại Sở Công chính Hà Nội.

Năm 1946-1951: Tản cư ngày Toàn quốc kháng chiến.

Năm 1951-1958: Phó giám đốc Sở Công trình thị chính Hà Nội.

Vốn tính hiền lành, chăm chỉ, cần mẫn, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm không hành nghề tự do mà làm công chức (theo quy định của chính quyền Pháp). Là kiến trúc sư công chức nên ông thiết kế nhiều công trình của thành phố Hà Nội, nhất là công trình công cộng, nhà chiếu phim, chợ, bể bơi, trường học…

Trong thời gian tạm chiếm, đầu thập niên 50 thế kỷ 20, vào dịp Tết Nguyên đán, do quá nhiều người tập trung trên cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn nên cầu bị sập. Vì vậy ông đã thiết kế lại. Thành công là vẫn giữ được dáng vẻ truyền thống, kết cấu gỗ, nâng cao dáng vòng cung, làm cầu thêm phần uyển chuyển, mềm mại lại rất thông dụng, khoảng không gian mặt nước lớn hơn, thuận lợi cho biểu diễn các môn thể thao: đua thuyền, lướt ván vẫn thường diễn ra trên mặt nước hồ Hoàn Kiếm những ngày lễ, tết…”. Trong công trình nghiên cứu về những hoạt động sáng tác của thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên, kiến trúc sư, nhà phê bình kiến trúc Đoàn Đức Thành viết: “Cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn là của Nguyễn Ngọc Diệm…”.

Để làm rõ thêm, chúng tôi đã trao đổi vấn đề đó với kiến trúc sư Đoàn Đức Thành và ông khẳng định: “Thiết kế cầu Thê Húc không ai khác ngoài kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm”. Ông Thành cho biết thêm, sinh thời kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật “chê” thiết kế của ông Diệm và gọi là cầu “Con đĩ đánh bồng” (tên một điệu múa cổ ở Hà Nội). Cũng theo ông Thành, ngoài cầu Thê Húc, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm còn thiết kế chiếc cầu nối bờ với đảo ở Công viên Thống Nhất hiện nay (ở cổng đường Lê Duẩn). Rất tiếc là kiến trúc sư Ngô Huy Giao đã mất từ năm 2011 nên không thể hỏi thêm chuyện ông. Trong danh sách các kiến trúc sư học ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không thấy có tên Phạm Ngọc Lan. Trao đổi với ông Phạm Bích Ngọc, con trai út của cụ Lan chiều 6.9.2012, thì ông Ngọc cũng không biết cha mình học trường gì và tất cả cũng chỉ là nghe kể mà không có bất cứ tài liệu gì chứng minh cha ông thiết kế cầu Thê Húc.

Bộ ảnh cụ Phạm Ngọc Lan chụp bên công trình cầu Thê Húc là tư liệu quý về cầu Thê Húc nói riêng và hồ Gươm nói chung. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào những bức ảnh đó mà nói rằng cụ Phạm Ngọc Lan là người thiết kế cầu Thê Húc là không thuyết phục. Vì không có tài liệu nào nói về công việc của cụ tại công trình xây dựng cầu Thê Húc nên trong khi chúng tôi tiếp tục tìm kiếm tư liệu thì bước đầu chỉ có thể nhận định: Có thể cụ Lan là người chỉ đạo thi công, giám sát thi công hay quản lý công trình xây dựng cầu Thê Húc.

Nguyễn Ngọc Tiến

Rate this post

Viết một bình luận