Bệnh hắc lào gây ngứa ngáy suốt ngày, rất phiền toái và khó chịu. Cách chữa trị thì đơn giản nhưng mấy ai hiểu cặn kẽ.
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Chuyện phiếm rằng, có một gã bán thuốc dạo cứ vừa đi vừa rao: “Ai có người nhà bị ghẻ ngứa, hắc lào, lang ben, tổ đỉa không? Mua thuốc bôi hết liền!”. Gặp người rảnh chuyện cắc cớ: “Tại sao lại phải rao “người nhà” mà không phải là “Ai bị ghẻ ngứa, hắc lào…?”. Gã bán dạo cười đáp: “Rao vậy thì có ai dám mua thuốc? Bởi khi người đó mua thuốc tức là tự thú nhận mình bị bệnh hắc lào rồi!”… Chuyện phiếm này cho thấy hắc lào nằm trong nhóm bệnh “nhạy cảm”, khó thổ lộ với người khác.
Hắc lào là bệnh gì ?
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, nguyên Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM, bệnh hắc lào hay còn gọi là lác, là bệnh gây ra do vi nấm có tên khoa học là Dermatophytes. Nấm này gồm có 3 loại: Trichophyton, Epidermophyton và Microsporum. Sự phân biệt loại nấm gây bệnh dựa trên kết quả cấy nấm tại phòng xét nghiệm. Tùy theo vị trí bệnh, người ta phân ra loại nấm bẹn (thường gặp nhất, gọi là lác – hắc lào), nấm thân, nấm mặt, nấm chân…
Dấu hiệu nổi bật nhất của bệnh là ngứa, sau đó phát hiện ở vùng bị bệnh một vết màu hơi đỏ có viền bờ rõ rệt, trên viền bờ có mụn nước lấm tấm, ngày càng lan rộng và vằn vèo nhiều vòng cung. Lúc ra mồ hôi cảm thấy ngứa nhiều hơn. Khi bị bệnh ở vị trí hai bẹn, nhiều người cảm thấy ngại không dám đi khám bệnh, tự mua thuốc về bôi, triệu chứng thay đổi nhưng bệnh khó khỏi hẳn được, bệnh giảm rồi lại phát. Người bệnh thường hay dùng khăn lau chung ẩm ướt hoặc treo chung khăn tắm, áo quần nên dễ truyền nấm và bào tử nấm sang cho người khác trong gia đình, tập thể.
Bản thân người bệnh có thể ”tự lây” ra nhiều vùng khác trên cơ thể như ở thân mình, ở mặt, tay chân… hoặc có thể lan rộng từ từ ra toàn thân. Khi bị bội nhiễm thì có thể có mủ màu trắng, viêm đỏ, làm tăng mức độ tổn thương trên da, chàm hóa.
Nói chung bệnh hắc lào mà không trị dứt điểm thì sẽ không ngừng bành trướng, tác oai tác quái khiến khổ chủ ăn không ngon, ngủ không yên.
“Ai có người nhà muốn trị hắc lào không?”
Bệnh hắc lào tuy gây nhiều khó chịu cho người bệnh nhưng chữa trị không khó nếu thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều biện pháp. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng thuốc, thuốc quá mạnh, bôi sang cả vùng da lành, da non thì sẽ gây ra tình trạng phỏng, chảy nước vùng bôi thuốc, gây sạm da, lão hóa da. Có nhiều trường hợp tự chữa trị theo lời mách bảo của bạn bè hoặc tự tìm phương pháp chữa trị ở “bác sĩ Google” dẫn tới nhiễm khuẩn, sưng đau.
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, để điều trị dứt điểm hắc lào, cần tuân thủ các nguyên tắc sau: điều trị cho tất cả mọi người trong gia đình, tập thể đang bị bệnh; điều trị đủ thời gian, thường từ 2-4 tuần; giữ da khô sạch, tránh gãi; không nên mặc quần áo quá bí; nên vệ sinh vùng da thường xuyên; áo quần, khăn tắm phải giặt, phơi nắng, ủi kỹ ở mặt bên trong.
Hiện nay, có nhiều loại thuốc chữa hắc lào theo phương pháp “trong uống ngoài xoa”. Về thuốc bôi có cồn iod 1 – 2%, BSI, ASA, Antimycose; nhóm thuốc chứa gốc Azole, chứa chất Terbinafine. Về thuốc uống có các loại: Griseofulvin, Itraconazole, Fluconazole, Terbinafine…
Những loại thuốc như ASA, BSA, BSI… có tác dụng tốt nhưng gây lột da, đau rát, có thể làm sạm da. Hiện nay trên thị trường đã có những loại thuốc mới, có thể bôi hoặc uống, có ưu điểm là không màu, mùi thơm, không gây lột da, không sưng đau nhưng có thể gây ra dị ứng nhẹ. Bác sĩ Huy Hoàng lưu ý: không nên bôi các loại thuốc bôi có chất corticoid vì đây là loại làm che giấu triệu chứng bệnh và khi bôi lâu dài sẽ dễ đưa đến tác dụng phụ như teo da, rạn da, làm mất thẩm mỹ và không chữa trị khỏi được.
Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần có thể phải dùng thuốc chống nấm dạng uống hiện cũng đang rất phổ biến. Tuy nhiên, việc dùng thuốc gì và liều lượng như thế nào cần phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và chỉ định, nếu tự ý dùng có thể đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn.
Làm sao để né hắc lào?
Để phòng bệnh, cần hiểu rõ rằng nguyên nhân gây ra bệnh hắc lào là do sống trong môi trường không vệ sinh, người ra nhiều mồ hôi mà ít tắm giặt, bơi lội trong vùng nước bẩn. Thế nên, việc phòng bệnh phải bắt đầu bằng lối sống vệ sinh sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên. Luôn giữ áo quần, cơ thể khô ráo. Người bị bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc tại chỗ phải khử trùng vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn… bằng cách luộc nước sôi hoặc dùng bàn là ủi kỹ.
Đối với người lành không mang bệnh, không nên mặc quần áo chung với người khác, tránh làm việc nơi ẩm ướt, nếu ra mồ hôi nhiều cần phải thường xuyên tắm giặt và giữ khô vùng háng, nách, bẹn. Khi mắc bệnh phải đi khám để được hướng dẫn chữa trị đúng cách, tránh việc nghe lời mách bảo của bạn bè không có chuyên môn hoặc lên Google tìm kiếm thông tin tự xử.
Bên cạnh các phương pháp trên, có nhiều cách chữa trị dân gian lưu truyền, nhưng theo bác sĩ Huy Hoàng, đến nay chưa có nghiên cứu sâu rộng về các cách chữa trị đó nên chưa thể đánh giá được hiệu quả.