Hai lần được cá Ông cứu mạng

Trong vô vàn những câu chuyện có hơi hướng hoang đường về tín ngưỡng thờ cá Ông, có một câu chuyện cho tới nay vẫn không ai dám khẳng định đúng sai, song luôn được người dân thôn Long Thạnh 2, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam) truyền tai nhau như một truyền thuyết. Ðó là câu chuyện của ông Ðặng Châu, 83 tuổi, người hơn 50 năm nay vẫn thờ phụng bộ xương cá Ông tại nhà riêng và tin rằng nhờ đó mà ông đã hai lần được cá Ông cứu sống khi gặp nạn giữa trùng khơi.

Cứu nạn giữa biển khơi

Chúng tôi tìm về nhà ông Đặng Châu (còn gọi là Đặng Tảo) ở thôn Long Thạnh 2 trong một ngày đầu năm mới, khi nhiều ngư dân trong thôn chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày. Ông Châu không có nhà khi chúng tôi đến, bởi ông còn bận đi cúng thuyền cho những ngư dân vạn chài trong thôn. Phải đợi gần 2 giờ đồng hồ ông mới xong công việc để có thể ngồi thong thả kể lại câu chuyện huyền tích của mình. Với chất giọng Quảng vẫn còn sang sảng sau hơn 60 năm đi biển như át lấy tiếng gào thét của sóng biển, ông bảo: “Nghề đi biển là cái nghiệp của tui rồi…!”. Năm nay đã 83 tuổi, nhưng ông Châu vẫn khỏe và rắn rỏi như trung niên.

 

Ông Châu kính cẩn thắp nhang cầu khấn trước bàn thờ cá Ông tại nhà.

Vừa pha trà mời khách, ông vừa kể: Cách đây khoảng 32 năm (năm 1980), khi đó, thuyền ông đánh cá ở bờ biển Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam), lúc đó trời tối chưa câu được gì, ông cho bạn thả neo ở độ sâu khoảng 30 sải tay, đêm về khuya, trời đột nhiên nổi gió rất lớn, con thuyền chao đảo ngả nghiêng trên mặt biển cùng với những đợt sóng rất lớn vỗ mạnh vào mạn, khiến con thuyền như muốn chìm nghỉm giữa sóng nước. Lúc đó có 5 người trên thuyền, tất cả đều thay phiên nhau giữ và lái thuyền vào bờ, ông Châu đứng trước mũi thuyền thắp hương và lạy cá Ông. Bỗng nhiên có hai con cá Ông lớn lặng lẽ tựa hai bên mạn thuyền dìu thuyền ông vào bờ để tránh gió. Lúc thuyền vào bờ an toàn, trời cũng vừa hửng sáng. Biết được cứu sống nhờ cá Ông, khi cập bến an toàn, ông và dân làng làm lễ khấn vái tạ ơn. Đội thuyền ông năm đó giờ chỉ còn ông Huỳnh Ngọc Mai (75 tuổi) là còn sống.

Những dữ liệu khoa học cũng đã giải thích, hiện tượng cá voi (cá Ông) hay cứu người một cách khách quan. Khi thời tiết xấu và biển động dữ dội, cá voi lặn sâu để được yên tĩnh. Biển càng động thì cá voi càng lặn sâu. Nhưng vì cần phải hô hấp nên thỉnh thoảng lại phải trồi lên mặt nước. Nếu việc trồi lên lặn xuống kéo dài nhiều ngày đêm thì cá voi sẽ kiệt sức dẫn đến bị chết, nó sẽ trôi theo dòng nước và được sóng đưa vào bờ. Bên cạnh đó, bão tố thường xuyên xuất hiện trên biển cũng là một nguyên nhân khiến cho loài cá này thường tìm một nơi ẩn náu, đó chính là những con thuyền của ngư dân. Do bất ngờ vì bão tố và không thể trốn lâu dưới nước sâu, cá voi phải chờ khi thuyền bè đi qua thì xáp lại mạn thuyền, nương vào đó để tránh bão và lựa theo sóng để vào vùng biển lặng hoặc vào bờ nhờ thế tình cờ cứu sống được thuyền bè và người đi biển.

Lần thứ 2 cách lần thứ nhất khoảng 5 năm, cũng vào một đêm trời tối như mực. Khi thuyền của ông Châu đánh cá đến 10 giờ đêm thì đầy khoang nên quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ để tranh thủ nghỉ ngơi cho chiều mai đi chuyến kế tiếp. Con thuyền đang nhằm bờ thẳng tiến thì bất ngờ xuất hiện gió Tây Bắc thổi ngược lại, thuyền có nguy cơ bị lật úp do chở quá nhiều cá. Lúc đó, có một cá Ông cứ bơi trước thuyền khoảng hơn 10m để che chắn hướng gió cho thuyền vào bờ an toàn. Trên thuyền ai cũng ngạc nhiên, không tin nổi vào mắt mình. Khi thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm, cá Ông mới quay đầu bơi ra khơi. Cả đội thuyền không ai bảo ai chắp tay bái lạy cá Ông…

Lần thứ 2 cách lần thứ nhất khoảng 5 năm, cũng vào một đêm trời tối như mực. Khi thuyền của ông Châu đánh cá đến 10 giờ đêm thì đầy khoang nên quyết định quay vào bờ sớm hơn thường lệ để tranh thủ nghỉ ngơi cho chiều mai đi chuyến kế tiếp. Con thuyền đang nhằm bờ thẳng tiến thì bất ngờ xuất hiện gió Tây Bắc thổi ngược lại, thuyền có nguy cơ bị lật úp do chở quá nhiều cá. Lúc đó, có một cá Ông cứ bơi trước thuyền khoảng hơn 10m để che chắn hướng gió cho thuyền vào bờ an toàn. Trên thuyền ai cũng ngạc nhiên, không tin nổi vào mắt mình. Khi thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm, cá Ông mới quay đầu bơi ra khơi. Cả đội thuyền không ai bảo ai chắp tay bái lạy cá Ông…

Ông Châu ngừng lại một chút, chỉ lên bàn thờ gia tộc, nói kính cẩn: “Ngay cả cha tôi nhiều lần đi biển cũng đã được cá Ông cứu sống! Những lần có cá Ông bị lụy (chết) dạt vào bờ, dân làng tổ chức cúng tế, rồi an táng, cha tôi đều đến xin ít mẩu xương cốt mang về nhà thờ tự coi như báu vật của mình vậy”…

Hơn 50 năm thờ cá Ông…

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được xem bộ xương cá Ông mà ông trang trọng đặt trên bàn thờ, ông Châu nói: “Chuyện này phải đợi tôi hỏi Ông xem Ông có đồng ý không đã chú ạ!”. Ông đứng dậy, thắp đèn, đốt nhanh rồi khấn: “Kính cẩn lạy ngài. Hôm nay ngày… tháng… năm… Có người có lòng muốn được xem ngài. Xin ngài cho phép được mang ngài xuống. Nếu ngài đồng ý thì cho biết!”. Sau đó, ông Châu cẩn trọng gieo đồng tiền âm dương xuống chiếc đĩa nhỏ, chờ đợi sự đồng ý. Một lát sau, ông gật gù: “Ngài đồng ý rồi đấy chú ạ!”. Trước khi lấy chiếc hộp nhỏ xuống khỏi bàn thờ, ông kính cẩn chắp tay lạy. Chiếc hộp được lấy xuống, ông Châu cẩn thận tháo từng lần giấy bao bọc, để lộ ra chiếc hộp gỗ được chạm khắc cẩn thận. Mở hộp ra, lại mấy lần giấy nữa mới thấy được phần xương cá ông mà ông Châu thờ được gói trang trọng. Ông Châu run run cầm lấy một mảnh xương nhỏ đưa cho chúng tôi xem rồi chầm chậm kể lại câu chuyện ly kỳ như truyền thuyết về bộ xương cá Ông này.

 

Bộ xương cá Ông để thờ được ông Châu giữ cẩn thận trong chiếc hộp.

Từ nhỏ, ông sớm tỏ ra là một chàng ngư phủ “bén duyên” với biển cả, đi biển bắt đầu khi mới 15. Đến năm 30 tuổi, ông Châu đã sắm được thuyền công suất 11CV, dưới trướng có 4 thanh niên phụ việc vô cùng tháo vát. Ông còn nhớ rất rõ vào ngày 23/11/1960, khi thuyền ông đang câu cá nhám ở khu vực biển Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam), biển lặng trời trong, lúc này đã câu được hai con nhám khoảng 3 tạ, cả thuyền đang khấp khởi mừng thầm thì bất ngờ chiếc thuyền câu khựng lại, lắc mạnh một bên, định thần lại thì nhận ra con cá nhám gần 5 tạ mắc câu, đang cố vùng thoát thân, 5 người chung tay đánh vật với con cá và phải mất gần 2 giờ đồng hồ sau mới đưa được con cá nhám lên thuyền.

 

Hôm sau vào bờ, bán cá cho thương lái thì ông Châu phát hiện có một bộ xương cá đã rữa khoảng 10kg, vừa ói ra từ miệng con cá nhám gần 5 tạ trên. Không biết đó là xương gì, ông mời những người già trong làng đến xem. Bộ xương cá trên được các vị bô lão trong làng xác định là bộ xương cá Ông còn nhỏ. Rồi hôm ấy không ai bảo ai, ngư dân thôn Long Thạnh đã chung tay mua sắm lễ vật kính cẩn đưa tang cá Ông. Sau khi làm lễ, ông Châu xin làng đem bộ xương trên về nhà, lập am thờ cúng và bảo quản cẩn thận ở nơi trang trọng nhất bên cạnh bàn thờ gia tiên. Rồi cứ thế, hằng năm sau lễ giỗ chạp cá Ông chung của làng vào ngày 10/9 âm lịch thì hôm sau (11/9), gia đình ông Châu làm lễ giỗ lại tại gia đình mình.

Ông Châu kể tiếp: “Ngài linh thiêng lắm, nhờ ngài phù hộ mà từ đấy thuyền của tôi làm ăn khấm khá hẳn lên. Đời sống gia đình nhờ thế mà ổn định và ngày càng đi lên. Chính vì luôn có sự che chở của ngài mà hai lần thuyền tôi gặp nạn ngài đều cứu thoát giữa trùng khơi đấy!”.

Câu chuyện ly kỳ, cảm động của lão ngư Đặng Châu đã giúp tôi cảm nhận được niềm tin của ngư dân Việt có sức mạnh như thế nào. Đối với những con người sinh ra, lớn lên và bám biển mưu sinh, niềm tin pha chút tâm linh là cội nguồn của sức mạnh cuộc sống. Đó cũng là lý do giải thích vì sao từ bao đời nay người Việt luôn biết kiềm chế, kiên định lập trường và không chịu khuất phục trước biển cả. Hiện tại, riêng xã Tam Tiến đã chôn cất được 7 cá Ông và xây riêng một đình thờ cá Ông ngay đầu thôn. Hàng năm, vào ngày 10/9 âm lịch, người dân lại linh đình tổ chức lễ giỗ cá Ông tại đình làng.

Trong tâm thức của ngư dân miền biển, cá Ông luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió của đại dương. Cá Ông có mặt khắp nơi trên biển bao la. Những ngày trời yên biển lặng, cá Ông chào đón những chiếc thuyền ra khơi hồ hởi như đón người thân trở về nhà. Còn những lúc gió bão, thuyền chao đảo trên đầu sóng, chỉ cần vái gọi, cá Ông xuất hiện, đưa tấm thân khổng lồ dìu dắt chiếc thuyền đang gặp nạn vào bờ an toàn. Vì thế, ngư dân mang ơn cá Ông cứu mạng, giữ thuyền, duy trì nghề biển ngàn đời. Chia tay chúng tôi, ông Châu còn bảo: “Tôi giờ tuổi đã cao, không còn đi biển được nữa. Bộ xương của ngài tôi sẽ truyền lại cho con như báu vật gia truyền vậy. Để mỗi lần ra biển, ngư dân làng biển này lại được ngài bảo vệ trước mỗi con sóng hung tàn…”.

  Bùi Hữu Cường

Rate this post

Viết một bình luận