“Ham muốn tột bậc” của Bác Hồ

Ham muốn của Bác Hồ đã được trình bày một cách giản dị: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành“.

Câu ấy Bác nói khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các nhà báo nước ngoài đặc biệt quan tâm đến tiểu sử của Người, nhất là khi đoán biết người chính là Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng từ lâu đã nổi tiếng là chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc và cho phong trào cộng sản quốc tế. Họ hỏi Bác về rất nhiều điều, cả lý do và ý định của Bác khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Bác đã trả lời ngắn gọn những câu hỏi ấy. Và để cho “đồng bào trong nước và các nhân sĩ nước ngoài đều biết”, Người đã cho công bố nội dung những câu trả lời ấy trên báo Cứu Quốc ngày 21-1-1946 (*). Toàn văn đoạn trích dẫn đã nêu trên như sau:

“Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Câu nói thật giản dị mà thấm đậm triết lý cao sâu! “Ham muốn tột bậc” của Bác Hồ chính là khát vọng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh suốt 80 năm chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến để giành lại độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới. “Ðộc lập, tự do, hạnh phúc” là lý tưởng chiến đấu, là lẽ sống, là hệ giá trị vô giá mà Bác Hồ đề ra cho việc xây dựng đất nước, trước đây cũng như hiện nay. Vì lý tưởng ấy, vì hệ giá trị ấy mà nhân dân ta đã đi theo Ðảng làm Cách mạng tháng Tám thành công, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, và ngày nay đang tiến bước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

“Ham muốn tột bậc” của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với Người, không có hạnh phúc nào lớn hơn là hạnh phúc được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Trong giáo dục cán bộ và đảng viên, Người luôn nhắc nhủ: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”. “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Ðảng ta, “ham muốn tột bậc” của Bác đã từng bước được hiện thực hóa. Tuy nhiên cho đến ngày Bác đi xa, nhiều điều vẫn còn chưa trọn vẹn. Trong Di chúc để lại, điều đầu tiên Người khẳng định là: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Ðó là một điều chắc chắn”. Về việc riêng, Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. “… tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. “Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. 

Năm nay, nhân trích dẫn nội dung chủ yếu của bài Bác Hồ “Trả lời các nhà báo nước ngoài”, viết cách đây đã gần 65 năm, xin được phép nhắc lại thêm một nội dung nữa trong bài trả lời đó. Hồi ấy, cách mạng còn đang trong thời kỳ trứng nước. Do những điều kiện lịch sử nhất định, Ðảng Cộng sản Ðông Dương, người lãnh đạo thắng lợi Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã tuyên bố “tự giải tán”, thật ra là rút vào bí mật, hay nói đúng hơn là hoạt động công khai dưới một danh nghĩa khác. Còn các đảng phái khác, hoặc ở trong nước hoặc ở nước ngoài mới kéo về, mặc dù chẳng phải cách mạng gì cũng đua nhau tự xưng là cách mạng, đua nhau tranh chấp quyền hành. Nhưng cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã đưa lại thắng lợi rực rỡ của Mặt trận Việt Minh và những người yêu nước chân chính. Chính phủ chính thức Quốc hội bầu ra lại do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cho nên, các nhà báo nước ngoài đã đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đảng phái. Bác Hồ đã trả lời:

“Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Ðảng dân tộc Việt Nam. Ðảng đó chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Ðảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Ngày nay, như mọi người chúng ta đều biết, cái Ðảng Dân tộc Việt Nam mà Bác Hồ nói đến năm xưa, đến năm 1951, tại Ðại hội toàn quốc lần thứ II của mình, đã lấy tên là Ðảng Lao động Việt Nam, và đến năm 1976, tại Ðại hội IV,  đã đổi lại là “Ðảng Cộng sản Việt Nam” cho  đến nay.

Về bản chất của Ðảng, Ðại hội X diễn đạt như sau: “Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.

Ðảng ấy, khi Bác Hồ còn sống, Người là Chủ tịch, là lãnh tụ tối cao, và khi Người đã mất, vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam, cho dân tộc ta không ngừng tiến lên, không ngừng giành thắng lợi.

Tháng 5-2010

……………………………………….

* Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162.

Rate this post

Viết một bình luận