Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái – Trang thông tin điện tử HND tỉnh Đắk Lắk – Trang thông tin điện tử Hội Nông Dân tỉnh Đắk Lắk

Hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái

(20/10/2021, 16:58)

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram… ở Việt Nam là những mạng xã hội được đông đảo người dân sử dụng nhất) cũng phát triển “bùng nổ” vượt bậc,theo thống kê mới nhất tháng 6/2021 của NapoleonCat (Công cụ đo lường các chỉ số mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam gần 76 triệu người chiếm hơn 70% dân số toàn quốc. Đối tượng sử dụng mạng xã hội rất đa dạng, không có sự giới hạn về tuổi tác hay địa vị xã hội, đây chính là phương tiện kết nối và đang trở thành xu thế tất yếu của cuộc sống, mạng xã hội có tiềm năng khổng lồ, giúp người sử dụng tiếp cận, chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức, kỹ năng phục vụ các nhu cầu cuộc sống. Cùng với đó, người sử dụng mạng xã hội có thể kinh doanh, quảng cáo sản phẩm, giới thiệu về bản thân, quê hương, đất nước, những sản vật đặc trưng vùng miền, tìm kiếm những người có cũng quan điểm, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn mà bản thân gặp phải… Đây chính là những lợi ích to lớn mà người sử dụng mạng xã hội đã và đang tận dụng, phát huy để phục vụ bản thân, gia đình, xã hội.

(nguồn ảnh: internet)

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà người sử dụng mạng đang khai thác, thì mạng xã hội cũng có những mặt trái của nó, mà mỗi người chúng ta cần phải cẩn trọng để chọn lọc, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để không bị sa đà chìm đắm trong “môi trường ảo”, mà quên đi “đời sống thực” thiếu sự tương tác với xã hội, mọi người xung quanh, kéo theo đó là những hệ lụy như: công việc trì trệ, sức khỏe và trí tuệ giảm sút, thậm chí gia đình tan vỡ…

Không dừng lại đó, mạng xã hội còn là môi trường để tội phạm lợi dụng đăng tải những thông tin sai sự thật làm sai lệnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoặc bẻ lái sự việc tích cực cho xã hội thành lợi ích cá nhân…  nhằm kích động, chia rẽ, gây mâu thuẫn vùng miền, dân tộc hoặc buôn bán, môi giới những hàng hóa, vật dụng trái phép để kiếm lời bất hợp pháp và lôi kéo người sử dụng mạng vào các cạm bẫy, làm tay sai cho chúng…

(nguồn ảnh: internet)

Vậy, làm thế nào để trở thành người sử mạng xã hội thông thái, trước hết, chúng ta nên lựa chọn đối tượng kết bạn phù hợp với nhu cầu mình nhắm đến; không click (nhấp chuột), like (thích), share (chia sẻ) những thông tin độc hại, không rõ nguồn gốc thông tin, vì chính điều này có thể dẫn người sử dụng mạng xã hội vướng vào những rắc rối không đáng có như click vào tin độc hại có thể người sử dụng bị lấy cắp thông tin cá nhân phục vụ cho các ý đồ phạm tội hoặc làm “bay mất” tài khoản Facebook… nếu like, share hoặc đăng tải những thông tin phản động, những thông tin không đúng sự thật, những thông tinquảng cáo, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ; những thông tin xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác (kể cả là vô ý, vì có nhiều thông tin có vỏ bọc gắn với những chi tiết, sự kiện, cá nhân có thật nên người xem có thể dễ dàng tin theo mà không nhận ra các ẩn ý bên trong hoặc không nhận thức được những nội dung xuyên tạc, bóp méo trong đó…  ) thì cũng bị pháp luật xử lý. Chính vì vậy mà mọi người sử dụng mạng xã hội cần phải kiểm chứng nguồn gốc của thông tin để tránh bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến bản thân vi phạm pháp luật mà không biết.

Luật An toàn thông tin mạng quy định 06 hành vi bị nghiêm cấm mà mỗi người xử dụng mạng xã hội nên biết: (1) Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật; (2) Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng; (3) Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin; (4) Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; (5) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân; (6) Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.

Sau đây là mức xử lý một số hành vi vi phạm mà người xử dụng mạng thường mắc phải:

Chia sẻ thông tin không đúng sự thật (VD: hành vi chia sẻ thông tin trên Facebook về dịch bệnh COVID-19 không đúng sự thật gây hoang mang trong nhân dân).

Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (VD: hành vi không nhìn thấy sự việc chị A có quan hệ bất chính với anh B, nhưng đã cung cấp, chia sẻ thông tin đó trên mạng facebook như mình đã tận mắt nhìn thấy đây là hành vixúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân).

Đối với mỗi hành vi vi phạm nêu trên người cung cấp, chia sẻ thông tin không đúng sự thật có thể đã bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng vàbuộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật (theo quy định tại điểm a, d khoản 1, 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người. Như con dao hai lưỡi, mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người nếu như sử dụng không đúng cách. Vì vậy mỗi người dùng hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Hãy tự quản lý thời gian sử dụng, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm. Có tinh thần trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong không gian mạng và trong cuộc sống.

(Diễm Hằng – Sở Tư pháp)

Rate this post

Viết một bình luận