Heavy cream là chế phẩm từ sữa, được sử dụng nhiều trong việc làm bánh và pha chế. Tuy nhiên heavy cream vẫn thường hay bị nhầm lẫn với whipping cream. Hôm nay hãy cùng Điện máy XANH tìm hiểu rõ hơn về heavy cream và whipping cream trong chuyên mục Mẹo vào bếp nhé!
1. Heavy cream là gì?
Heavy cream là một chế phẩm từ sữa, còn được gọi là kem sữa béo. Heavy cream thường được sử dụng trong việc làm bánh hay pha chế. Heavy cream có kết cấu kem cứng, dễ giữ được form khi bắt bông và có độ sắc nét cao.
Tương tự như các loại kem khác, heavy cream dễ tan chảy khi để ở nhiệt độ thường nên cần bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm mua heavy cream ở các siêu thị hay tự tay làm.
2. Heavy cream dùng để làm gì?
Heavy cream là một nguyên liệu dường như không thể thiếu khi khi làm bánh kem, trang trí bánh kem và bánh ngọt,… Heavy cream còn được dùng để tạo ra các loại nước sốt trong chế biến các món ăn.
Các món tráng miệng như shortcake, bánh táo, bánh eclairs, cream puff,… sẽ không còn trọn vẹn nếu thiếu hương vị của heavy cream. Heavy cream sẽ giúp các món bánh có mùi vị ngon hơn, trông hấp dẫn hơn.
Heavy cream còn được sử dụng nhiều trong việc pha chế, các loại thức uống như cà phê xay, các loại smothie, sữa lắc,… thường có 1 lớp heavy cream trên mặt để làm tăng thêm độ ngon và giúp món nước trông đẹp mắt hơn.
3. Sự khác biệt giữa heavy cream và whipping cream
Điểm khác nhau đầu tiên của 2 chế phẩm từ sữa này đó là về hàm lượng chất béo: nếu như heavy cream được xem là loại kem giàu chất béo, với hàm lượng chất béo ít nhất là 36 – 40%, thì whipping cream được biết đến là một loại kem tươi, với hàm lượng chất béo từ 30 – 36% và không chứa đường.
Thứ hai là về kết cấu, heavy cream có kết cấu chắc hơn whipping cream, từ đó dẫn đến 2 chế phẩm này sẽ được sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Heavy cream sẽ được dùng nhiều trong việc bắt bông bánh kem, làm bánh kem,… còn whipping cream sẽ được sử dụng ở dạng lỏng để pha chế nước uống, làm lớp váng sữa cho một số món nước hay đánh bông lên để làm nguyên liệu cho một số loại bánh ngọt,…
Điểm khác biệt tiếp theo là whipping cream không chứa đường, khi sử dụng chúng ta có thể linh hoạt tăng lượng đường để phù hợp với sở thích.
Ngoài ra, cả heavy cream và whipping cream đều có thể dùng để trang trí và giúp tăng vị béo cho các loại đồ uống như sữa lắc, đá xay,… tùy theo nhu cầu kết cấu kem mềm hay cứng mà người tiêu dùng sẽ chọn một trong hai loại chế phẩm từ sữa này.
4. Cách bảo quản heavy cream
Nếu sử dụng không hết heavy cream, trước khi mang đi cất bạn hãy dùng khăn lau sạch phần kem dính quanh miệng hộp và nắp hộp, sau đó đậy kín nắp.
Dùng màng bọc thực phẩm bọc 1 hoặc 2 lớp xung quanh hộp heavy cream, cuối cùng là bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Thời gian sử dụng lý tưởng của heavy cream kể từ khi mở hộp là 5 – 7 ngày.
Dù là whipping cream hay heavy cream thì trong thời gian bảo quản và trước khi sử dụng chúng ta đều phải lắc đều để tránh việc kem bị đông và tách lớp.
Lưu ý: Trước khi sửa dụng heavy cream nên chú ý quan sát hoặc ngửi xem chúng còn chất lượng và có bị hư hỏng hay không. Nếu kem có mùi hôi và màu khác lạ, kem có kết cấu dày hơn hay loãng hơn bình thường thì nên kiểm tra lại.
Hy vọng với bài viết ngắn này sẽ giúp các bạn phân biệt được heavy cream và whipping cream, biết rõ heavy cream là gì và cách bảo quản của nguyên liệu này nhé! Đừng quên ghé chuyên mục Mẹo vào bếp để tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị liên quan đến nấu ăn nhé!
*Thông tin và hình ảnh tham khảo từ nguồn Wikipedia.
Biên tập bởi Huỳnh Thị Ánh Tuyết • Đăng 30/12/2020